Việc mở rộng đối tượng phổ cập và đổi mới căn bản Chương trình giáo dục mầm non được coi là “chìa khóa” để giáo dục mầm non phát triển tương xứng với vai trò nền tảng giáo dục.
Hai điểm nhấn trong quá trình phát triển
Mở rộng phổ cập, tạo công bằng trong giáo dục trẻ
Những năm qua, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Vì vậy, để đổi mới giáo dục mầm non thành công góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 4 tuổi là rất lớn. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết số 42-NQ/TW (ngày 24/11/2023) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030: “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 đến 5 tuổi”.
Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết, theo tính toán khoa học, trẻ dưới 36 tháng tuổi khi sinh ra được bố mẹ chăm sóc là tốt nhất. Tuy nhiên, trẻ dưới 36 tháng tuổi vẫn có thể đến trường nhằm thực hiện mục tiêu kép: Bảo đảm quyền của các cháu được chăm sóc giáo dục một cách khoa học; tạo điều kiện cho cha mẹ tham gia lao động sản xuất, kinh doanh.
Đối với trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên, về mặt khoa học cần đến trường, lớp để cơ sở giáo dục rèn luyện; chơi với các bạn cùng tuổi để từng bước hình thành nên phẩm chất, giá trị; nuôi dưỡng giáo dục một cách khoa học. Hiện nay, có khoảng 300 nghìn trẻ trong độ tuổi mẫu giáo 3 và 4 tuổi chủ yếu ở vùng khó khăn chưa được đến trường. Cả nước hiện có 39 tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt hơn 90% là điều kiện thuận lợi cho triển khai các bước thực hiện phổ cập trẻ mầm non 3 đến 5 tuổi.
Thực tế tại nhiều địa phương đã cơ bản đáp ứng các điều kiện có thể thực hiện việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 đến 5 tuổi. Điển hình tại tỉnh Bắc Ninh, những năm qua, mạng lưới trường lớp mầm non được đầu tư phát triển, phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ trợ; tỷ lệ trường chuẩn đạt chất lượng cao; tạo được lòng tin cho người dân gửi con đến trường.
Theo Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh Lương Thị Biển, toàn tỉnh hiện có 177 trường mầm non (155 trường công lập, 22 trường ngoài công lập) với 100% phòng học kiên cố. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên gồm 8.889 người với tỷ lệ đạt trình độ chuẩn trở lên là 93,9%. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ 3 tuổi đến lớp đạt 99,93%; trẻ 4 đến 5 tuổi đạt 100%. Tỉnh Bắc Ninh đang triển khai xây dựng Đề án “Bảo đảm các điều kiện xây dựng trường, lớp, sĩ số học sinh các cấp học mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2024-2030”. Vì vậy, việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi nếu được triển khai sẽ rất thuận lợi.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong (Hòa Bình) Kiều Thị Hồng Thủy cho biết, dù là huyện vùng núi còn nhiều khó khăn nhưng năm học 2023-2034 vừa qua, trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên địa bàn ra lớp là 2.127/2.163 trẻ, đạt tỷ lệ 98,3%.
Đội ngũ giáo viên trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu. 100% giáo viên trong biên chế, được hưởng mọi điều kiện chính sách bảo đảm theo quy định. “Khi đối chiếu với những tiêu chuẩn điều kiện của phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nếu có chủ trương triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 và 4 tuổi, huyện rất sẵn sàng với các điều kiện bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu mới”, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Phong Kiều Thị Hồng Thủy nhìn nhận.
Theo Vụ trưởng Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh, trong đổi mới, nâng cao chất lượng việc phổ cập là để bảo đảm công bằng trong giáo dục mầm non; bảo đảm quyền của trẻ em. Khi chưa có chủ trương lớn phổ cập giáo dục thì có thể xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, khi đề ra chủ trương phổ cập kèm theo đó là điều kiện huy động các nguồn lực; ban hành các chính sách bổ sung thì sẽ khắc phục được khó khăn, bất cập hiện nay của giáo dục mầm non. Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt và ban hành Nghị quyết “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi” để tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành, các địa phương có cơ sở pháp lý triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ em mẫu giáo.
Đổi mới chương trình tiếp cận phẩm chất, năng lực trẻ
Cùng với việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, việc đổi mới Chương trình giáo dục mầm non cũng được coi là giải pháp đột phá nhằm hiện thực hóa đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW và Luật Giáo dục 2019.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Quang Minh chia sẻ: Chuẩn bị cho đổi mới chương trình giáo dục mầm non, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp chặt chẽ các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyển dụng giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non. Về chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non cập nhật kiến thức, chú trọng năng lực tự chủ, phân cấp trong thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ…
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã triển khai khá tích cực, chuẩn bị một số điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nhằm sẵn sàng cho đổi mới chương trình giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu mới. “Tỉnh Bắc Ninh mong muốn Chương trình giáo dục mầm non sẽ sớm được đổi mới nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển của bậc học nền tảng này”- Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh Lương Thị Biển kiến nghị.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục đã tổ chức khảo sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non hiện hành và tổ chức các hội thảo về định hướng xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới. Các đơn vị liên quan đã nghiên cứu luận cứ khoa học cho xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới thông qua bốn nhóm đề tài nghiên cứu khoa học.
Mục tiêu chung phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 sẽ đổi mới chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận phẩm chất năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
Chương trình giáo dục mầm non mới cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại, liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát huy ưu điểm, tối ưu hóa cơ hội, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển cá nhân mỗi trẻ; khắc phục những bất cập, hạn chế và từng bước giúp đỡ đội ngũ giáo viên giảm áp lực, nâng chất lượng trong chăm sóc giáo dục trẻ em mầm non. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đổi mới Chương trình giáo dục mầm non” nhằm bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình để phát triển toàn diện trẻ em, đặt nền móng cho sự phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, hơn mười năm qua, giáo dục và đào tạo của đất nước đã có nhiều sự thay đổi. Đổi mới thể hiện ở hầu hết các thành tố, các khâu, các đối tượng của giáo dục. Tuy nhiên, sự đầu tư, quan tâm, sự chuyển biến của bậc học mầm non so với các bậc học khác chưa được như mong muốn. Hiện nay, với chủ trương phát triển con người một cách toàn diện, lấy dạy người làm gốc, lấy sự phát triển con người để làm nền tảng cho sự phát triển của nguồn nhân lực, thì việc đổi mới và chăm lo cho giáo dục mầm non càng trở nên quan trọng là tiền đề cho sự đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục.
Đến năm 2030, giáo dục mầm non tập trung vào ba mục tiêu: 1. Đổi mới Chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, dựa trên trục tình cảm-xã hội phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. 2. Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng cho trẻ em mầm non thông qua thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhà trẻ và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở giáo dục mầm non. 3. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; coi trọng phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét