SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu: Đảm bảo tính kế thừa, tránh lãng phí

 

Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu: Đảm bảo tính kế thừa, tránh lãng phí

28/09/2020 579

Ngày 28/9, Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo Góp ý Thông tư ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 2 và lớp 6, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học (TBDH), đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Những ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được tiếp thu để hoàn thiện và ban hành Thông tư trong tháng 10 tới.

TBDH tối thiểu đang đáp ứng được khoảng 56,5%

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục CSVC Phạm Hùng Anh đã cung cấp thông tin tổng thể về CSVC, TBDH, đồng thời, giới thiệu quá trình xây dựng danh mục TBDH tối thiểu lớp 2 và lớp 6 và đánh giá quá trình thực hiện Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT. Theo đó, cả nước hiện có khoảng 440.118 phòng học các cấp tiểu học, trung học, tỷ lệ kiên cố là 79,5%. Tỷ lệ phòng học/lớp là 0,96. Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,72.

Quang cảnh Hội thảo

TBDH mới được thiết kế phù hợp với chương trình GDPT mới đặc biệt cần đến phòng học bộ môn, tuy nhiên, phòng học bộ môn hiện đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là ở bậc tiểu học (quy định tối thiểu 5 phòng). Cấp THCS có 47.383 phòng, đạt tỷ lệ 4,33 phòng/trường (quy định tối thiểu 8 phòng). Cấp THPT có 13.019 phòng, đạt tỷ lệ 5,56 phòng/trường (quy định tối thiểu 9 phòng).

Đáng chú ý, số lượng TBDH tối thiểu đang đáp ứng được khoảng 56,5% yêu cầu. Đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05/4/2020 ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, tính đến 15/9/2020, kết quả báo cáo của 30/63 tỉnh, thành phố cho thấy, số lượng bộ thiết bị đã được mua đáp ứng được 72% so với nhu cầu.

Trên cơ sở thực trạng CSVC, TBDH và yêu cầu của chương trình GDPT mới, thời gian qua, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về TBDH, danh mục thiết bị tối thiểu từng cấp học, về CSVC; cùng nhiều văn bản chỉ đạo khác.

Để chỉnh sửa, bổ sung, thay thế những quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu của chương trình GDPT mới; đồng thời phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình GDPT, Bộ GDĐT đã và đang xây dựng Danh mục TBDH tối thiểu lớp 2, lớp 6.

Danh mục TBDH còn là căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học cho các cơ sở GDPT. Đồng thời, giúp các địa phương, các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục có căn cứ chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát thực trạng TBDH, xây dựng kế hoạch, đầu tư mua sắm, quản lý và khai thác sử dụng TBDH, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.

                               Cục trưởng Cục CSVC Phạm Hùng Anh phát biểu tại Hội thảo

TBDH mới đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học

Trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã xây dựng Danh mục TBDH tối thiểu theo quy trình nghiêm túc, chặt chẽ, bao gồm: Rà soát danh mục thiết bị cũ, đánh giá thực trạng TBDH đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các địa phương; nghiên cứu chương trình môn học, từ đó đưa ra yêu cầu với TBDH tối thiểu; tổ chức cho các tổng chủ biên chương trình môn học đề xuất yêu cầu về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng môn học.

Danh mục cũng bám sát định hướng đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học; tính liên thông giữa các lớp, các cấp học; thiết kế theo từng chủ đề, nội dung dạy học, bám sát chương trình. Giáo viên nhìn vào danh mục có thể tự chuẩn bị TBDH theo từng nội dung dạy học, không phụ thuộc cán bộ phụ trách TBDH.

Đặc biệt, kế thừa danh mục TBDH tối thiểu đã ban hành; thiết bị dùng chung được kế thừa từ những lớp trước; có định hướng cho danh mục thiết bị của các lớp tiếp theo. Danh mục cũng đề cao ứng dụng CNTT, tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận các phương pháp giáo dục mới (STEM, định hướng nghề nghiệp,…) nhằm tạo sức hấp dẫn cho học sinh và động lực đổi mới cho giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.

Bên cạnh đó, danh mục này có độ mở, không quy định cứng nhắc, áp đặt, tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất, cung cấp và mở rộng phạm vi mua sắm dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. “Thực hiện chương trình GDPT mới, các nhà trường không phải bỏ hết CSVC, TBDH cũ, hiện có. Chương trình mới thực chất là kế thừa và sử dụng các TBDH, CSVC có sẵn, bổ sung thêm những TBDH, CSVC mới đáp ứng đổi mới”, Cục trưởng Phạm Hùng Anh nhấn mạnh

Hiện nay, dự thảo đã được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT và gửi các Sở lấy ý kiến.  Để hoàn thiện dự thảo, Vụ trưởng Vụ GD Trung học Nguyễn Xuân Thành đề nghị các Sở tổ chức cho một số giáo viên cốt cán đối chiếu chương trình và TBDH trong dự thảo, từ đó, góp ý thêm cho danh mục này.

Ngành giáo dục địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn

Trao đổi tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang bày tỏ sự ủng hộ cách triển khai của Bộ và mong muốn Thông tư sớm được ban hành để ngành giáo dục địa phương chủ động tham mưu và bổ sung TBDH, không chỉ dừng ở mức độ tối thiểu mà đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục STEM ở cấp tiểu học và THCS.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GDĐT Lai Châu, Trần Đình Tiến chia sẻ thêm, tỉnh Lai Châu đã đảm bảo tất cả học sinh lớp 1 đều có SGK trước 5/9, kể cả những em thuộc diện được mượn, được cấp; Sở được UBND giao làm chủ đầu tư mua sắm một số TBDH lớp 1, hiện đang tiến hành bàn giao để đến tháng 10 đảm bảo có đủ TBDH tối thiểu.

Nhiều địa phương cùng đề xuất Bộ GDĐT tham mưu Chính phủ bố trí nguồn kinh phí và hỗ trợ các nguồn lực để mua sắm trang thiết bị và đầu tư CSVC theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT. Được biết, hiện nay, Bộ GDĐT đang tổng hợp và phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác này.

Một số địa phương kiến nghị, Bộ GDĐT có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đảm bảo việc mua sắm TBDH phải do các cơ quan có chuyên môn chủ trì thực hiện, đáp ứng yêu cầu dạy học, kịp thời phục vụ cho khai giảng năm học mới.

Đồng thời, các địa phương bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT sớm ban hành Thông tư về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các khối lớp và bậc học khác để có căn cứ xây dựng dự toán cho giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Phạm Hùng Anh, dự kiến, Bộ GDĐT sẽ ban hành danh mục TBDH lớp 2, lớp 6 trong tháng 10/2020 và ban hành danh mục TBDH các lớp khác trong nửa đầu năm 2021.

Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư, Cục CSVC mong muốn, các doanh nghiệp phải sản xuất TBDH với công nghệ tốt nhất, để TBDH được sử dụng hiệu quả, lâu dài; đồng thời mong muốn ngành GD địa phương chủ động tham mưu, đề xuất để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm TBDH, đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng cho biết, ngành GD cần tham mưu tỉnh, thành phố bằng những đề án cụ thể, căn cứ từ cơ sở dữ liệu ngành, với số liệu chi tiết, rõ ràng, đầy đủ.

Hiện nay, Sở GDĐT Hải Phòng đã cấp mã định danh cho từng giáo viên và học sinh. Trích xuất từ cơ sở dữ liệu ngành đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho quá trình cụ thể hóa các đề án: Hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh; Phòng tránh tai nạn đuối nước học đường; Bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo hoàn thành nâng chuẩn từ nay tới 2025; Định hướng, tài trợ cho học sinh giỏi học ngành sư phạm và đảm bảo đầu ra tại các cơ sở giáo dục Hải Phòng, giải quyết bài toán thiếu 3.000 giáo viên hàng năm;…

Đồng thời, cơ sở dữ liệu ngành cung cấp bức tranh cụ thể về CSVC, để ngành GD Hải Phòng chủ động xây dựng đề án cho 5 năm tới, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí đổi mới giáo dục.

“Từ dữ liệu biến thành đề án, đề án phải rõ vai trò nhiệm vụ từng người, từng bên. Cơ sở dữ liệu giúp giải quyết vướng mắc về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, là một trong những điều kiện quan trọng của chuyển đổi số giáo dục”, ông Lê Quốc Tiến khẳng định.

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục 


Chương trình lớp 1 mới ra sao mà 'ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo'?

 

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà 'ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo'?

01/10/2020 08:03 GMT+7

TTO - 'Mấy bữa nay, ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo: Cô giáo chê con viết đã chậm còn sai ô li, đọc chữ thì cứ bị vấp hoài. Các bạn cũng chê con dở quá...' - chị Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 1 ở một quận nội thành TP.HCM, bày tỏ.

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo? - Ảnh 1.

Nhiều trường năm nay than phiền khó dạy chương trình lớp 1 - Ảnh: TỰ TRUNG

Không chỉ chị Tâm, nhiều phụ huynh và cả giáo viên cũng phản ánh đến Tuổi Trẻ rằng chương trình mới rất "nặng" dù trước đó, các trường đã chủ động chọn sách cho trường mình.

Vật vã dạy con

Chị Tâm chia sẻ rằng chương trình tiểu học trước đây đã có rất nhiều người phê bình là quá nặng đối với trẻ, nhiều người tưởng chương trình lớp 1 mới sẽ khắc phục được nhược điểm này nhưng vẫn thế. 

Mới đầu năm học lớp 1 mà các cháu học sinh phải học 2 âm trong một buổi, sau đó ráp âm lại thành tiếng rồi đọc, viết. Tính ra, mỗi tuần học sinh phải học và phải nhớ, phải đọc được, viết được 10 âm. 

"Trẻ lớp 1 đến các mặt chữ còn chưa nhớ hết thì làm sao ráp âm lại thành tiếng mà đúng hết được?" - chị Tâm bức xúc.

Theo lời kể của chị Tâm, con của chị thường xuyên bị nhầm lẫn các con chữ như p với q, d với đ, h với n... 

"Bé nhà tôi bị căng thẳng nên cứ mỗi lần kêu con lấy sách Tiếng Việt ra để học bài là con khóc. Họp phụ huynh đầu năm, tôi còn bị cô giáo than phiền rằng bé yếu quá, chậm quá. Tôi có trình bày rằng con tôi không được học chữ trước khi vào lớp 1 như một số bạn trong lớp. Cô bảo nếu vậy thì ba mẹ phải dành thời gian để kèm bé học ở nhà" - chị Tâm nói thêm.

Một phụ huynh khác kể: từ đầu năm đến nay, cứ buổi tối là cả nhà cùng "đánh vật" với những con chữ. Sau mỗi buổi học, cô giáo sẽ chụp ảnh các chữ gửi trong group Zalo rồi yêu cầu phụ huynh cho con em rèn chữ ở nhà. Tức là phụ huynh phải viết chữ mẫu vào tập cho bé để bé nhìn vào đó viết tiếp cho đúng. 

Việc này không dễ dàng chút nào khi phụ huynh không phải là giáo viên, không thể viết đẹp, viết đúng chiều cao, khoảng cách của các con chữ. 

"Tôi viết đi xóa lại khá nhiều đến độ con tôi thắc mắc sao mẹ phải viết đi viết lại mấy lần mới đúng ô li mà cô giáo cứ bắt con phải viết đúng ngay lần đầu tiên hả mẹ?" - vị phụ huynh kể.

Đặc biệt, có phụ huynh email đến PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi sách giáo khoa lớp 1 vẫn còn dùng phương ngữ khá nhiều khiến phụ huynh cũng gặp khó khăn khi dạy con chứ không chỉ khó khăn về phía học sinh. 

Ví dụ bài 15 phần tập đọc (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập một) có câu: "Ba Hà để bể cá ở hè", con tôi bảo hè là mùa hè, tôi tra từ điển mới hiểu "hè" là phương ngữ miền Bắc, miền Nam và Trung thì gọi là "hiên". Cách dùng từ cũng không thống nhất, vì xuất hiện từ "ba" là cách dùng khó đi đôi với "hè".

Trong khi đó, chị Thu Hương (Q.Tân Phú) chia sẻ môn tiếng Việt, trẻ con mới vào lớp 1 không được học vỡ lòng như trước mà đi ngay vào đọc, viết rất căng. Tôi kèm cho con mà thấy rằng sách được thiết kế với tốc độ rất nhanh, cứ một buổi học 2 âm, sau đó ghép vần và viết chính tả luôn. Mới kết thúc tuần 1, các con phải đọc đoạn văn dài. 

"Con trai tôi chưa nhận diện hết mặt chữ, cô giáo đã yêu cầu đọc suôn từng từ. Ngày trước cứ thong thả học vần, ghép chữ qua những bài thơ với câu từ đơn giản, dễ hiểu, khơi gợi trí tò mò, háo hức sự đọc. Tôi thấy khó để kèm dạy con, vì sách đã bỏ qua nhiều bước vỡ lòng rất quan trọng" - chị Hương nói.

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 trong giờ học môn tiếng Việt - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chương trình nặng, chủ yếu là tiếng Việt

Tương tự, tại Hà Nội, khá nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đã đưa lên Facebook những trang sách tiếng Việt được cho biết là học trong một buổi. Chưa nói về tính khoa học, độ khó phù hợp hay không với trẻ 6 tuổi trải qua 2-3 tuần học mà chỉ nhìn vào khối lượng âm/vần đã khiến cha mẹ bị choáng.

"Trẻ lớp 1 chỉ hơn "mẫu giáo lớn" một chút, có nghĩa vừa phải dạy, vừa phải dỗ, kèm từ cách cầm bút đến khả năng ngồi tập trung 20-30 phút. Vậy mà chương trình lại dạy quá nhanh. Không nói học sinh mà phụ huynh cũng thấy rối với các âm/vần quá nhiều" - chị Thu Hạnh, phụ huynh có con học lớp 1 ở Cầu Giấy, cho biết.

Nhiều phụ huynh cũng lo lắng về yêu cầu "đọc hiểu" được đặt ra khi trẻ còn đang học "i tờ". "Gia đình tôi thường xuyên đọc truyện cho con để cháu tiếp cận với sách, nhưng khi phải làm các bài yêu cầu "đọc hiểu" con vẫn bị khó khăn. Càng giải thích, càng gặng hỏi thì con càng căng thẳng, sợ rồi khóc. Có bữa, con khóc mẹ khóc. 

Tối nào cũng "đánh vật" với tiếng Việt cùng con trên dưới 2 tiếng" - chị Lý, một phụ huynh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, kể. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số ý kiến về việc chương trình "nặng" đều tập trung ở môn tiếng Việt.

Theo một chuyên gia giáo dục, việc "kêu ca" này dễ hiểu vì ở học kỳ 1 của chương trình lớp 1, thời lượng dành cho tiếng Việt nhiều hơn, với mục tiêu trẻ phải học chữ. Nhiều môn học khác trong chương trình học kỳ 1 đang phải hạn chế vì "chờ trẻ biết chữ".

"Có thể vì thế mà những ý kiến đang chỉ tập trung vào tiếng Việt khiến dư luận hiểu sách tiếng Việt "có vấn đề" so với các môn học khác của lớp 1 khi triển khai chương trình giáo dục mới" - chuyên gia này nhận định. Một vài hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội cũng nhận định trẻ "học trước" thì thuận, trẻ hơi chậm gặp khó khăn.

"Tôi nhận lớp khi có tới 80% học sinh đã được cho học trước. Với những cháu "học trước", việc tiếp thu nội dung chương trình học kỳ 1 có thuận lợi hơn nhưng cũng nhiều cái phải uốn nắn do mỗi cháu được dạy theo một kiểu. Trong khi yêu cầu của sách là "dạy phát triển năng lực". 

Còn đáng lo hơn là ở 20% số trẻ chưa hề học chữ trước khi vào lớp 1" - cô L.H., một giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa, thông tin.

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo? - Ảnh 3.

Có nhiều ý kiến khác nhau về chương trình lớp 1- Ảnh: TỰ TRUNG

Giáo viên cũng than khó

Theo cô L.H., chương trình được phân bổ cho mỗi tiết học tiếng Việt rất nặng. Mặc dù học sinh có buổi 2 để dành thời gian luyện tập, nhưng "sẽ khó khăn nếu phụ huynh không cùng hỗ trợ dạy thêm con ở nhà". Nhất là các cháu "chậm", vì lớp quá đông, giáo viên không có thời gian để kèm từng học sinh. 

Theo cô H., lãnh đạo trường phải động viên giáo viên dạy lớp 1 năm nay vừa dạy vừa điều chỉnh, vì "chương trình, yêu cầu dạy học đều quá mới".

Một giáo viên ở Q.5, TP.HCM chia sẻ: "Chương trình sách giáo khoa lớp 1 với bộ sách mà trường đang dạy quá khó! Khi giáo viên đi tập huấn để làm quen, tất nhiên giáo viên ai cũng hiểu vấn đề nhưng để làm sao truyền tải cho trẻ lớp 1 chưa biết viết, đọc một nội dung bài học trong thời gian quá ngắn là điều... toát mồ hôi".

Giáo viên này nêu ví dụ bài tập đọc "Trung thu", các em phải học 3 vần "ang", "ăng", "âng" và đoạn văn ngắn gồm hai câu phức. Bài 1 vần học sinh có thể nhớ, bài đến 2 - 3 vần trong thời gian ngắn, sao học sinh nhớ hết? 

"Suốt 4 tuần đầu năm học, tôi phát hiện các em rất vật vã... khi học con chữ. Theo phân phối chương trình, hết tuần 9 các em học 8 vần và âm đôi. Như thế không những nhiều mà thời gian học rất nhanh. Các em lẫn lộn, không nhớ hết" - giáo viên này nói.

Tương tự, cô T., khối trưởng khối 1 của một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM, phân tích: "Nếu so sánh với chương trình tiểu học năm 2000 thì môn tiếng Việt nặng nề hơn, đa số các bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt đều "chạy" chương trình khá nhanh. 

Đến tuần 13 học sinh đã phải viết chữ cỡ nhỏ trong khi chương trình cũ thì sang học kỳ 2 học sinh lớp 1 mới phải viết chữ cỡ nhỏ. Phần ứng dụng trong sách giáo khoa chương trình cũ chỉ có 2 - 3 câu đơn giản thì sách giáo khoa mới có khi học sinh lớp 1 phải đọc nguyên một bài thơ hoặc cả một văn bản dài".

* "Có một số môn, vận động là chính, không phải dùng sách nhưng lại có sách như môn thể dục, phải dành thời gian mở sách giáo khoa thể dục để hướng dẫn. Trong khi phát âm, luyện vần, thời gian học lại có hạn và ngắn. Cân đối nội dung và các môn với chương trình lớp 1 khiến tôi căng thẳng theo. Tôi thật sự rất lo lắng".

(Ý kiến một giáo viên)

* "Với môn toán, cộng, trừ hai chữ số các con chưa thành thạo, chữ số hàng chục còn nhầm lẫn nhưng được giới thiệu phép cộng 3 số với nhau. Các con khóc, mà cha mẹ chúng tôi cũng cực kỳ căng thẳng". 

(Ý kiến một phụ huynh)

Chương trình tiếng Việt "đi" hơi nhanh. Hết tháng 9 đã xong các âm, các câu ứng dụng đã có 2 - 3 câu. Học sinh tập chép lại các câu đó vất vả mà thời gian cho viết lại ít. Học sinh còn đang phải tập đánh vần, đọc còn chưa nhanh, chưa đúng nhưng đã có những nội dung yêu cầu học sinh đọc hiểu để trả lời. 

Giáo viên dạy rất mệt, nhất là trong tình huống lớp học có sĩ số đông, trình độ tiếp thu của học sinh khác nhau nhiều quá.

(Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Giáo viên lớp 1 được tập huấn chưa sâu?

 

Giáo viên lớp 1 được tập huấn chưa sâu?

01/10/2020 11:45 GMT+7

TTO - Theo ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), việc tập huấn giáo viên vẫn nặng về lý thuyết. Mặc dù hướng dẫn 'dạy phát triển năng lực' nhưng người hướng dẫn vẫn chủ yếu hướng dẫn về kiến thức.

Giáo viên lớp 1 được tập huấn chưa sâu? - Ảnh 1.

Một tiết học môn tiếng Việt của học sinh lớp 1/1 Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng mục tiêu của chương trình mới là dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh nhưng nhiều giáo viên vẫn quen dạy theo nội dung kiến thức và chưa linh hoạt để có thể quan sát, kèm cặp được các đối tượng học sinh khác nhau trong một lớp nên giáo viên cũng gặp khó mà nhiều học sinh lại khó tiếp thu. 

Phụ huynh thấy con tiếp thu chưa được lại sốt ruột.

Ông Vũ nhận định việc tập huấn giáo viên vẫn nặng về lý thuyết. Mặc dù hướng dẫn "dạy phát triển năng lực" nhưng người hướng dẫn vẫn chủ yếu hướng dẫn về kiến thức. 

"Có buổi tập huấn mời các giáo sư, chuyên gia, tác giả sách giáo khoa nhưng họ cũng chủ yếu nói về những ưu điểm của sách, của chương trình. Trong khi giáo viên cần thực hành, cần cụ thể" - ông Vũ nói thêm.

Theo ông Vũ, quận Tây Hồ đã làm quen với dạy chương trình lớp 1 sớm hơn, tuy nhiên hiện vẫn có những trường, những giáo viên bỡ ngỡ. Thế nào là "dạy phát triển năng lực học sinh", khác với cách dạy trước như thế nào, nhiều giáo viên còn mơ hồ không chắc chắn. 

Bên cạnh khó khăn đó, giáo viên lớp 1 tại Hà Nội cũng đang phải gánh những khó khăn đặc thù: sĩ số học sinh/lớp quá đông, trẻ chưa quen với môi trường học tập nên phải rèn, dỗ khiến giáo viên lớp 1 chịu áp lực lớn. 

"Việc đầu tiên cần xem xét là không thực hiện chương trình cứng nhắc mà để giáo viên chủ động, linh hoạt tùy theo đối tượng học sinh điều chỉnh cách dạy nhanh, chậm khác nhau" - ông Vũ nêu giải pháp.

Ông Phạm Ngọc Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), cũng cho biết trong tháng 9, tuần nào quận cũng phải tổ chức các chuyên đề trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1. 

Trong các chuyên đề này, những bài khó sẽ được mang dạy thử để giáo viên dạy lớp 1 tham khảo, cùng thảo luận rút kinh nghiệm. Đây là một cách "vừa dạy, vừa tập huấn, vừa điều chỉnh".

Không khó nếu hướng học sinh vào thực tế

Chương trình mới rất hay, điểm nổi bật nhất là các em tự đánh giá được mình, tự liên hệ thực tế ngay. Mà tự liên hệ, tự thấy có mối liên quan với thực tế cuộc sống thì hỗ trợ phần ghi nhớ, phần thuộc vần, thanh đôi, từ ghép… 

Cái khó của chương trình là nhiều nội dung, nhiều vần trong bài nhưng quan trọng hướng các em đến thực tế ngoài đời, từ đó tự các em sẽ "bộc phát" ra năng lực ghi nhớ lâu.

Tuy nhiên, sách có nhiều hình ảnh minh họa na ná nhau. Học sinh lớp 1 không biết viết, biết chữ nên khi học các bộ môn khác nhau, các em hay lẫn lộn, giáo viên phải hướng dẫn và mất khá nhiều thời gian.

Cô Lê Minh Thanh Thảo 
(giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM)

MI Multiple Intelligences - Trí tuệ tổng hợp “ Đa trí năng”.



MI


Howard Gardner, giáo sư về môn giáo dục và môn trí lực của trường ĐH Harvard, đưa ra một phương pháp khác dựa vào một quan điểm cấp tiến khác về đầu óc con người. Quan điểm này nhìn nhận những khía cạnh khác biệt và riêng lẻ về nhận thức, cho rằng người ta có những năng lực trí tuệ khác nhau và những cách thức hiểu biết khác nhau.

Mọi người được tạo ra bình đẳng, nhưng người ta bẩm sinh có bình đẳng về trí thông minh không? Người ta sống hết đời người, ai cũng tay không về cõi khác, thì ai dại ai khôn? Dạy học mười mấy năm, tôi biết chắc một điều: Không phải đứa học trò nào cũng tiếp thu bài học như nhau, lớp nào cũng có đứa học giỏi và đứa học dở. Nhưng sống hơn nửa thế kỷ tôi cũng biết thêm một điều: những đứa học trò dở (của tôi) ra đời vẫn phát triển, nhiều đứa thành đạt, và những đứa không công danh gì vẫn sống an vui tử tế. Thì dựa vào đâu mà bảo một người nào đó ngu? Hay đảo ngược lại, những tiêu chuẩn nào chứng tỏ một người nào đó thông minh?

Ở bên Pháp, hồi đầu thế kỷ trước, người ta dùng một kiểm tra gọi là “Intelligence Quotient”, thường viết tắt là IQ, để đánh giá khả năng trí tuệ của người ta. Đến giữa thế kỷ trước thì bên Mỹ có thêm SAT (Scholastic Assessment Test, trắc nghiệm đánh giá khả năng học tập). Giống như dùng cân để biết trọng lượng và dùng thước để đo chiều cao thân thể, IQ và SAT được dùng để đo trí lực học sinh trong suốt thế kỷ 20, đã chứng tỏ hiệu quả. Các trường trung học tư Mỹ thường cho học sinh làm những bài trắc nghiệm bằng bút chì trên giấy để đánh giá chỉ số IQ và SAT. Các trường đại học danh giá sẽ dựa vào chỉ số đó để tuyển sinh. Những người “đi săn đầu” là đi lùng tìm những kẻ có chỉ số thông minh cao theo kết quả của IQ và SAT. 

IQ và SAT chấm điểm chủ yếu cho khả năng tính toán, lý luận và ngôn ngữ. Những học sinh có điểm IQ cao được chọn vào những khóa học đòi hỏi cao kỹ năng tư duy, tính toán và kỹ năng nhận định, phê phán. Sự đào luyện này càng làm tăng chỉ số IQ, tăng cơ hội được tuyển vào những đại học hàng đầu, rồi ra trường kiếm được việc làm “hàng đầu”, và trồi lên những địa vị “hàng đầu” trong xã hội. Theo ông Howard Gardner thì cách đánh giá và tuyển lọc đó có những ưu điểm về tuyển lựa nhân tài. Ông gọi đầu óc được rèn luyện như vậy là đầu óc giáo sư luật tương lai.

Nhưng ông Howard Gardner, giáo sư về môn giáo dục và môn trí lực của trường Đại 


Howard Gardner cho rằng con người có những năng lực trí tuệ khác nhau và những cách thức hiểu biết khác nhau.
học Harvard, đưa ra một phương pháp khác dựa vào một quan điểm cấp tiến khác về đầu óc con người. Quan điểm này nhìn nhận những khía cạnh khác biệt và riêng lẻ về nhận thức, cho rằng người ta có những năng lực trí tuệ khác nhau và những cách thức hiểu biết khác nhau. Ông đề ra khái niệm trường học hướng vào từng cá nhân học sinh, giáo dục học sinh theo năng lực nhận thức và kiểu cách nhận thức của từng cá nhân, chứ không dùng một chuẩn mực chung sàng lọc ra một loại nhân tài. Mô hình trường học này dựa vào thành tựu của những ngành khoa học mới như khoa học trí lực (cognitive science) và khoa học não bộ (brain science). Phương pháp của ông được gọi là lý thuyết đa trí năng (Multiple Intelligences) thường viết tắt là MI.

MI ra đời năm 1983, đến nay đã có hàng trăm quyển sách, hàng trăm luận văn tốt nghiệp, hàng ngàn bài báo của nhiều tác giả khác nhau bàn luận, phê bình, phát triển lý thuyết này. Và hàng ngàn trường học trên khắp thế giới đã áp dụng lý thuyết này vào cải cách giáo dục. MI đưa ra tám trí thông minh, hay năng lực trí tuệ, tức năng khiếu, khả năng dễ dàng tiếp nhận xử lý thông tin bằng cách nào đó, vốn tiềm tàng trong con người. Đó là năng khiếu ngôn ngữ, tính toán, hình ảnh, thân thể, âm nhạc, ngoại giao, nội cảm, và thiên nhiên. Một đứa trẻ có thể tiềm tàng hay bộc lộ nhiều năng khiếu, cũng có thể bộc lộ năng khiếu này trội hơn năng khiếu khác, thí dụ năng khiếu hình ảnh lấn át năng khiếu lời nói. Nó sẽ tiếp thu, xử lý và diễn đạt tri thức bằng hình ảnh, mặc dù nó đọc hiểu và viết lách khó khăn. Được giáo dục đúng cách, đứa trẻ sẽ trở thành họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, vv. Những kiến trúc sư hay họa sĩ vĩ đại chắc chắn không “ngu” mặc dù chỉ số IQ của họ có thể không cao bằng sinh viên luật trường Harvard. 

Sau một phần tư thế kỷ đưa ra một quan điểm làm thay đổi phương pháp giáo dục nhiều nơi, ảnh hưởng đến nhiều số phận con người, Howard Gardner viết lại những luận điểm chính và thực nghiệm của lý thuyết MI trong cuốn sách có tựa Multiple Intelligences. Những thông tin trong bài này đều được lượm hái trong sách.

Đào tạo theo tín chỉ: Muốn làm phải "trị từ gốc"

 

01/11/2007 11:34 -

Gần đây, Bộ GD&ĐT quyết định chuyển toàn bộ hệ thống đào tạo đại học ở nước ta thành đào tạo theo tín chỉ. Với kinh nghiệm giảng dạy và hợp tác nghiên cứu tại một số đại học có thứ hạng của Mỹ, như ĐH California (Berkeley), ĐH Johns Hopkins (Baltimore), ĐH Wayne State (Detroit), ĐH Washington (Seattle), GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Đại học Quốc Gia Hà Nội) trong cuộc phỏng vấn với Tia Sáng đã nêu những điều kiện cần thiết của đào tạo theo tín chỉ và những tác động của nó tới môi trường đại học "đặc thù" của Việt Nam hiện nay.

Chắc GS đã nghe nhận định của những người được cử đi “thám thính” hệ thống đào tạo theo tín chi của Mỹ...

Nhiều đoàn đại biểu từ cấp Bộ cho tới cấp các đại học, các khoa... được cử đi tham quan trong thời gian từ một vài ngày cho tới 1-2 tuần tại một số đại học (thường là có thứ hạng không cao) ở Mỹ. Khi về nước, nhiều vị đã có những phát biểu, nhận định về hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Nhưng vì thời gian tham quan quá ngắn, lại không trực tiếp tham gia giảng dạy, nên không có gì ngạc nhiên là các vị này thường đưa ra những thông tin không rõ ràng, nhiều khi trái ngược nhau. Chuyện này khiến người nghe nhớ đến cảnh “thầy bói xem voi”.
Hệ thống đại học của Mỹ là một bí ẩn rất hấp dẫn. Từ lâu, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Vì sao hệ thống đại học của Mỹ có thể đào tạo các sinh viên có trình độ ở đầu vào nói chung không cao, thành những chuyên gia giỏi chỉ trong vòng 4 năm (đối với cử nhân) hoặc 8 năm (đối với tiến sĩ). Tôi đã cố gắng tự trả lời nhiều lần, nhưng chưa bao giờ hài lòng với câu trả lời của mình. Theo tôi, ta nên trao đổi vấn đề này trên tinh thần mà Khổng Tử đã bàn: “Biết thì nhận là biết, không biết nhận là không biết, thế mới thực là biết”.

Theo GS, tác động của việc chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ với hệ thống đại học nước ta sẽ như thế nào?

Câu trả lời của tôi, có thể hơi bất ngờ, là thế này: Đào tạo theo tín chỉ chắc chắn sẽ dẫn tới bãi bỏ kỳ thi vào đại học, nhằm duy trì một số lượng sinh viên rất lớn. Bởi vì nếu mỗi môn học không có nhiều sinh viên theo học, và vẫn chỉ tổ chức được 1-2 lớp, thì sinh viên không có gì để chọn. Do đó, những người theo học cùng một ngành thì chỉ có khả năng chọn cùng một lớp như nhau. Vì thế, tiếng là đào tạo theo tín chỉ, thực ra vẫn không khác gì đào tạo theo niên chế. Đó thực sự là một trở ngại lớn trước mắt.

Tôi không nói nhập hai kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông và Tuyển sinh vào đại học làm một. Tôi nói: Bỏ kỳ thi vào đại học. Bỏ thi vào đại học ngay trong tình trạng hiện nay thì mạo hiểm, và cầm chắc thất bại. Nhưng đó là chuyện đương nhiên của thế giới, là mô hình tất yếu của tương lai chúng ta, mà ta phải chủ động chuẩn bị cho nó. Tôi cho rằng học đại học là quyền lợi của tất cả mọi người. Thi vào đại học cũng giống như chế độ tem phiếu. Khi xã hội còn nghèo thì tem phiếu có thể là một giải pháp. Nhưng nó sẽ trở thành rào cản sự phát triển xã hội. Bỏ thi vào đại học cũng như bỏ chế độ tem phiếu, lúc đầu dễ gây hoảng loạn, tạo tâm lý bất an, e ngại xã hội sẽ mất kỷ cương. Nhưng nếu được thực hiện với sự chuẩn bị chu đáo, nó sẽ trở thành động lực phát triển xã hội. Trong số những người phản đối bỏ thi vào đại học, có nhiều người vô tư, nhưng cũng có những người do được hưởng lợi từ kỳ thi này, chẳng hạn một số ông thầy vẫn luyện thi vào đại học, hay một số cổ đông lớn của những trường phổ thông (dân lập) vẫn được tiếng là có tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học cao. Việc bỏ kỳ thi vào đại học, và trước đó bỏ kỳ thi vào trung học phổ thông, sẽ xóa tận gốc nạn dạy thêm và học thêm đang tràn lan như cỏ dại.


Vậy khi nào thì ta có đủ điều kiện chín muồi cho việc bãi bỏ kỳ thi vào đại học?

Bãi bỏ kỳ thi vào đại học không có nghĩa là ai muốn học ở đại học nào cũng được. Học sinh được chọn vào học ở đại học nào là tùy theo nguyện vọng của họ, tùy theo hồ sơ học tập bậc phổ thông của họ, và tùy theo việc họ có trả nổi học phí hay không. Trong khi hầu hết các đại học không thi tuyển, thì một số đại học có đẳng cấp cao vẫn có kỳ thi tuyển riêng. Mặc dù vậy, cuối cùng thì ai cũng chọn được đại học phù hợp với mình. Nếu họ không may chọn nhầm (đại học có trình độ cao quá hoặc thấp quá so với khả năng của họ) thì hệ thống liên thông mềm dẻo của các đại học cũng tạo điều kiện cho họ được chuyển tới một đại học thích hợp hơn.
Cho nên, theo tôi, ta có thể bãi bỏ kỳ thi vào đại học khi nào ta đủ sức mở đủ các trường đại học để cho mọi người dân đã học xong bậc phổ thông, có nhu cầu học đại học, và có khả năng đóng học phí (một thứ học phí hợp lý, chứ không phải học phí ở trên trời), đều được nhận vào học ở một đại học phù hợp với mình. Đừng nghĩ rằng điều ấy là viển vông. Mỹ và nhiều nước Châu Âu đã làm được điều đó từ lâu. Mặt khác, ở những nước đã phát triển như vậy, số người có nhu cầu học đại học cũng không nhiều như ta tưởng. Việc phát triển các trường dạy nghề, và thái độ nhìn nhận “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” của xã hội cho phép người ta có thể chọn nhiều nghề không cần bằng đại học nhưng có thu nhập cao hơn người tốt nghiệp đại học.
Hãy nhớ lại, dưới thời bao cấp, biết bao người nghĩ rằng nếu bỏ chế độ tem phiếu thì chết đói hết. Nhưng xã hội ta đã dũng cảm bỏ tem phiếu. Kết quả là không những không ai chết đói, trái lại xã hội về mặt vật chất đã phát triển lên một đẳng cấp mới.
Tôi vẫn xin nhắc lại rằng Bỏ thi vào đại học ngay trong tình trạng hiện nay thì mạo hiểm, và cầm chắc thất bại. Nhưng ta phải chủ động chuẩn bị cho nó.
Đào tạo theo tín chỉ, nhưng lại chưa bỏ kỳ thi vào đại học, ta lấy đâu ra nhiều sinh viên, để tổ chức nhiều lớp cho họ được lựa chọn? Không được lựa chọn những cách tổ hợp môn học khác nhau thì, tiếng là học theo tín chỉ, khác gì học theo niên chế. Chúng ta đang định cứ đi khập khiễng như vậy đấy.

Nhưng nếu bỏ kỳ thi vào đại học, thì chất lượng đào tạo đại học ở nước ta sẽ ra sao?

Chất lượng đào tạo thấp kém không phải vấn đề chỉ do ngành giáo dục gây ra, thậm chí không phải chủ yếu do ngành giáo dục. Đây là một vấn đề có nguyên nhân xã hội sâu xa hơn nhiều: vấn đề xã hội dùng người như thế nào, có đúng với khả năng của người đó hay không. Xưa nay xã hội dùng người như thế nào thì việc học tập định hình theo như thế. Nếu các nghề nghiệp tốt phần nhiều dành cho con ông cháu cha, hoặc kẻ có tiền đút lót, không cần biết có đủ năng lực hay không, miễn là có một mảnh bằng, thì nạn “học giả” đương nhiên sẽ tràn lan. Nếu trái lại, mọi vị trí đều chọn người có đủ năng lực, bằng cấp chỉ là một điều kiện tối thiểu, có bằng cấp mà không đủ năng lực thì không ai dùng, khi đó mọi người sẽ tự khắc đua nhau học thật. Là một người trực tiếp giảng dạy đại học hơn 30 năm qua, tôi đau xót nhận ra rằng phần lớn thanh niên của chúng ta không còn động lực học tập khi đã bước chân vào đại học. Họ hỏi: học để làm gì khi mà dù có học rất giỏi thì những vị trí làm việc tốt cũng không tới tay họ. Xem ra, “nói không với tiêu cực trong giáo dục” chỉ là chữa phần ngọn, thay đổi cách dùng người của xã hội mới là trị bệnh từ gốc.
Về mặt phương pháp luận, tôi muốn nhắc tới Định lý về Tính không đầy đủ của nhà Toán học và Triết học Kurt Godel, người có ảnh hưởng sâu đậm tới tư duy khoa học của Thế kỷ 20. Đại thể định lý này có thể diễn đạt như sau: “Bất kỳ hệ thống lôgic nào đều chứa trong lòng nó những mệnh đề không thể chứng minh hay bác bỏ chỉ bằng những phương tiện của chính hệ thống đó”. Nói cách khác, mọi hệ thống đều không đầy đủ, đều cần được lý giải trong mối quan hệ của nó với một hệ thống lớn hơn. Nói riêng, nếu cứ tìm nguyên nhân xuống cấp của nền Giáo dục nước ta bằng cách chỉ suy xét trong nội bộ nền giáo dục đó, thì tìm mãi không ra là chuyện hiểu được, theo quan điểm của Kurt Godel. Phải nhìn sự xuống cấp của Giáo dục trong mối quan hệ của nó với một hệ thống lớn hơn, là toàn Xã hội, xem Xã hội đã cư xử với những sản phẩm của nền Giáo dục đó như thế nào, thì mới tìm thấy nguyên nhân của sự xuống cấp đó.
Trong khi nhiều môn phái triết học lo khẳng định sự toàn năng của mình, thì triết học Godel lại chỉ ra tính khiếm khuyết không tránh khỏi của bất kỳ hệ thống nào. Tính thức tỉnh của nó chính là ở chỗ đó.

Một số trường đại học đã triển khai hình thức thi trắc nghiệm cho một số môn học, khi áp dụng đào tạo theo tín chỉ thì hình thức thi trắc nghiệm này sẽ có tác động như thế nào, thưa GS?

Theo quan điểm của tôi, việc tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Điều này đúng ở cả bậc phổ thông lẫn bậc đại học, không phụ thuộc vào việc ta có sử dụng hệ thống đào tạo theo tín chỉ hay không. Tôi có hỏi một số đồng nghiệp Mỹ về chuyện thi trắc nghiệm và được họ cho biết: Từ bé họ chưa bao giờ gặp một kỳ thi trắc nghiệm ở bất kỳ cấp học nào. Tôi hỏi: Vậy thi trắc nghiệm được sử dụng ở đâu và trong những trường hợp nào ở nước Mỹ? Họ đáp: Thi trắc nghiệm chỉ được sử dụng ở những trình độ và đẳng cấp rất thấp. Tôi kinh hoàng nghĩ về tình trạng thi trắc nghiệm đang được áp dụng tràn lan ở nước ta, với lập luận rằng ở Mỹ họ làm như thế. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, do cách học để thi trắc nghiệm, chúng ta sẽ đào tạo ra không chỉ những tú tài, mà hàng loạt những cử nhân, có khi cả tiến sĩ nữa, không thể tự viết bất kỳ một câu văn hoặc một lời giải đơn giản nào. Khi mà thi trắc nghiệm đã thất bại thì (cũng như việc cải cách chữ viết trước đây) sẽ không một ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Vì thế, tôi khuyên các nhà chép sử, hãy ghi chép kỹ ngay từ bây giờ những ai tự xưng là cha đẻ của thi trắc nghiệm ở Việt Nam, hoặc hết lòng cổ súy cho nó. Những ghi chép như vậy hẳn là sẽ bổ ích nay mai. Dù sao, tôi hy vọng rằng đào tạo theo tín chỉ sẽ không bị gắn với thi trắc nghiệm.

Với nguyên nguồn nhân lực của các trường đại học như hiện nay, muốn chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, theo GS, việc làm cấp bách nhất là gì?


Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, việc dạy của các giáo sư sẽ không phải thay đổi nhiều, nhưng công việc quản lý hành chính sẽ thay đổi căn bản, theo hướng nặng lên rất nhiều. Nó đòi hỏi phải có một đội ngũ quản lý và nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp. Trách nhiệm của những người quản lý và nhân viên hành chính trong hệ thống đào tạo theo tín chỉ, bên cạnh hàng núi công việc khác, là giúp cho sinh viên (trong đó có những người quay lại học tập sau nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm gián đoạn) nhận ra đúng thiên hướng và trình độ học lực của mình, đăng ký vào đúng lớp mình có thể và cần phải học. Ở Mỹ những người quản lý và nhân viên hành chính đều được đào tạo rất bài bản, khác với ở Việt Nam ta, bất kỳ con ông cháu cha nào cũng đều làm được việc này. Ta có đủ can đảm và sức lực để thay đổi hệ thống quản lý và nhân viên hành chính hay không? Theo tôi, những tranh luận gần đây về “đại học đẳng cấp quốc tế” hoặc “đại học hoa tiêu” đều chưa thấy tầm quan trọng của việc cần làm trước tiên, nếu thành lập một đại học như vậy, là thay đổi hệ thống quản lý và tổ chức hành chính.

Ngoài việc thay đổi hệ thống quản lý hành chính thì yếu tố nào GS đánh giá là có vai trò quyết định sự thành bại của đào tạo theo tín chỉ?

Giáo dục theo kiểu gì thì cũng cần đội ngũ giáo sư giỏi. Đó là yếu tố mấu chốt quyết định thành bại của nền giáo dục. Các đại học Mỹ đòi hỏi sinh viên đầu vào không cao. Nhưng chỉ sau 4 năm học, họ đã trở thành những chuyên gia vững vàng. Điều này có được chủ yếu là nhờ nước Mỹ có một đội ngũ giáo sư rất giỏi, rất chuyên nghiệp, được trả lương cao, tương xứng với lao động của họ. Chúng ta có trả được lương đủ sống cho các giáo sư hay không?
Ở Mỹ, giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ đương nhiên là chủ tịch Hội đồng chấm cái luận án ấy. Việc đào tạo của ông ta hay dở thế nào do ông ta tự định đoạt là chính. Ở Việt Nam, khoảng mươi năm gần đây, giáo sư không được phép là ủy viên Hội đồng chấm luận án tiến sĩ do chính mình hướng dẫn. Không được tin cậy, giáo sư nước ta suốt đời sống trong tâm trạng kẻ làm thuê.
Tôi muốn nói thêm về “thời gian văn phòng”, là lúc giáo sư có nghĩa vụ phải ở phòng làm việc của mình, để sinh viên có thể tới hỏi bài. Mỗi giáo sư ở Mỹ đều có phòng làm việc riêng. Ở nước ta không giáo sư nào có phòng làm việc riêng, trừ các giáo sư làm quan. Không có phòng làm việc riêng, các giáo sư sẽ đứng ở đâu để giải đáp thắc mắc của sinh viên? Giảng đường thì vốn đã không đủ cho việc bố trí các lớp học. Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, ta có đủ sức cấp cho mỗi giáo sư một phòng làm việc không? Nếu ta chỉ học những cái có thể học được, và bỏ qua những cái ta không muốn học, thì trên thực tế ta không học gì cả.Người Nhật học cái gì cũng bắt đầu bằng việc sao chép y nguyên, khi nào thực sự làm chủ được đối tượng đó thì họ mới bàn tới chuyện cải biến. Chúng ta thường làm hỏng việc vì học cái gì cũng không đến nơi đến chốn, “chưa học làm thầy đã đòi ăn bớt”, và ngộ nhận cái sự láu cá ấy của mình là trí thông minh.
Xin cảm ơn giáo sư!
Đức Phường thực hiện

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates