TIN LIÊN QUAN
- Không có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, dạy Nội dung giáo dục địa phương kiểu gì?
- Không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, các trường chọn sách giáo khoa kiểu gì?
- Rất khó có cơ hội lên hạng II, giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc cầu cứu Bộ Giáo dục
- Tổng Chủ biên nhận xét tiết dạy minh họa Âm nhạc lớp 6 của giáo viên Hải Phòng
Từ năm học 2022 - 2023 tới, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng cùng lúc ở cả ba khối lớp 3, 7 và 10.
Với lớp 3, chương trình giáo dục phổ thông mới có thêm môn học mới là Hoạt động trải nghiệm; tích hợp môn Âm nhạc và Mỹ thuật thành môn Nghệ thuật; và Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc (thay vì môn học tự chọn ở chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Hiện nhiều trường học vẫn thiếu giáo viên môn Nghệ thuật (Ảnh minh họa: Báo Thái Nguyên) |
Cụ thể, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm.
Số tiết học Tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần; Toán 175 tiết, mỗi tuần 5 tiết. So với chương trình hiện hành, thời lượng Toán không thay đổi, còn Tiếng Việt giảm một tiết/tuần.
Ngoài ra, chương trình mới quy định thời lượng học ngoại ngữ là 4 tiết trong tuần, cả năm 140 tiết. Các em cũng được học thêm Tin học và Công nghệ, tăng thời lượng học Tự nhiên và xã hội.
Tổng số tiết/tuần là 28 (chương trình 2006 là 23 tiết). Các trường tiểu học tổ chức dạy hai buổi 1 ngày với tổng số tiết không quá 7, mỗi tiết kéo dài 35 phút.
Chương trình giáo dục tiểu học được thiết kế cho mô hình dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài học kiến thức mới, học sinh sẽ có thêm nhiều thời gian được luyện tập thực hành ngay tại lớp học.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn học tích hợp Nghệ thuật.
Đội ngũ giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc vừa thiếu, vừa yếu
Ở nhiều trường học hiện nay, giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng giáo viên cũng là điều đáng bàn.
Nói thật cử nhân Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật giỏi họ không chọn làm giáo viên đâu |
Người viết từng biết, từng chứng kiến, có những giáo viên chuyên dạy môn Âm nhạc nhưng không thể đánh được đàn trong những buổi giao lưu âm nhạc của nhà trường.
Mỗi khi nhà trường tổ chức đêm văn nghệ hay hội thi hát cho học sinh đều phải liên hệ nhiều nơi khác thuê giáo viên có chuyên môn giỏi về phụ trách.
Giáo viên dạy chuyên Âm nhạc còn thế thì giáo viên không có chuyên môn ở môn học này liệu có thể đảm nhận giảng dạy khi môn Âm nhạc sẽ kết hợp với môn Mỹ thuật thành môn Nghệ thuật?
Người viết có dịp trò chuyện với cô giáo A. (đề nghị không nêu tên) một giáo viên Âm nhạc có chuyên môn giỏi về việc sẽ dạy tích hợp thêm môn Mỹ thuật ở chương trình mới.
Cô giáo A. thẳng thắn chia sẻ: “Em chỉ dạy được âm nhạc thôi, em không vẽ được. Còn cô dạy Mỹ thuật cũng không thể đàn hát được đâu ạ. Em nghĩ số giáo viên dạy được cùng lúc cả 2 môn này chắc ít lắm”.
Một đồng nghiệp của người viết dạy môn Mỹ thuật cũng khẳng định rằng nếu phân công mình vẫn có thể dạy được Âm nhạc. Dạy bằng cách mở bài hát cho học sinh hát theo như trên Youtube là xong. Và, dạy như thế không thể nào đạt mục tiêu của môn học.
Dạy âm nhạc tốt lại không hề đơn giản. Với giáo viên tay ngang, để hướng dẫn học sinh cách sử dụng một số nhạc cụ gõ đúng tư thế và đúng cách, dạy cho các em biết dùng trống nhỏ sao cho chuẩn, biết gõ trai-en-gô, dùng tem-bơ-rin hay chơi song loan, hướng dẫn các em cách sử dụng cơ thể như một loại nhạc cụ tạo ra tiết tấu là vô cùng khó.
Hay, việc hướng dẫn biết cách đọc nhạc, luyện tập tiết tấu bằng nhạc cụ gõ và chơi body percussion (chơi nhạc bằng cơ thể) không phải ai cũng có thể dạy được.
Đặc thù của môn Âm nhạc là giáo viên hướng dẫn cách đọc nhạc mới giúp các em làm quen với các nốt nhạc và cao độ của chúng thì với thầy cô không có chuyên môn xem như vượt sức.
Có thể mời giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đến dạy nhưng kinh phí lấy ở đâu? |
Nói về vấn đề chất lượng của giáo viên 2 môn học nghệ thuật này, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng nhận định:
“Điều này dẫn tới thực tế năng lực nghệ thuật của giáo viên dạy nghệ thuật ở các trường rất không đồng đều, nhất là đối với các giáo viên tiểu học không học chuyên ngành sư phạm âm nhạc hay mỹ thuật.
Do không có hoặc năng khiếu nghệ thuật hạn chế, thời lượng học tập môn nghệ thuật ở trường sư phạm ít ỏi và chỉ học về phương pháp dạy học âm nhạc/mỹ thuật, không học về chuyên môn nên các giáo viên tiểu học nói chung khi dạy 2 môn này gặp nhiều khó khăn.
Đây là vấn đề rất đáng lo ngại khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018”. [1]
Bài toán thiếu giáo viên tích hợp môn Nghệ thuật sẽ giải quyết thế nào?
Mặc dù chương trình mới đã được áp dụng cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 và khoảng vài tháng nữa sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nhưng nguồn nhân lực cho 2 môn học Âm nhạc và Mỹ thuật vẫn thiết rất nhiều (đó là chưa nói đến giáo viên được đào tạo tích hợp).
Giải pháp của nhiều trường học hiện nay vẫn là phân công giáo viên có chuyên môn ở môn học nào vẫn dạy môn học ấy. Trường hợp không đủ giáo viên từng môn thì mới phân công giáo viên mỹ thuật dạy âm nhạc và ngược lại hoặc phân cho giáo viên chủ nhiệm giảng dạy luôn.
Lợi thế của giải pháp này là giải quyết được việc thiếu giáo viên ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, kiểu dạy không đúng chuyên môn thế này thì chất lượng những giờ dạy đương nhiên sẽ không cao.
Và, đây chính là thách thức khi triển khai chương trình giáo dục 2018 mà Bộ Giáo dục cần nhìn nhận để có những biện pháp thiết thực, kịp thời hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://baophunuthudo.vn/article/31913/195/giao-vien-day-nghe-thuat-vua-thieu-vua-yeu/
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.