SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Giáo viên "tẩu hỏa nhập ma" với việc tập huấn các ứng dụng dạy học trực tuyến

 


 01/11/2021 07:10 HƯƠNG MAI
GDVN- Mỗi trường chỉ nên sử dụng 1 phần mềm dạy và học, cũng như dùng để kiểm tra sẽ hiệu quả hơn việc giáo viên phải tập huấn quá nhiều phần mềm trong một năm học.

Năm học 2021-2022 đã thực học được gần 2 tháng và những khó khăn trong năm học này thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhất là đối với các tỉnh ở khu vực phía Nam đang phải dạy và học trực tuyến.

Khó khăn thì đội ngũ nhà giáo đã xác định ngay từ khi năm học này chưa diễn ra bởi họ biết dạy trực tuyến vất vả hơn dạy trực tiếp rất nhiều. Những môn học nhiều tiết/tuần thì việc phải đầu tư thời gian để soạn và chuẩn bị giáo án là rất lớn.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn nối tiếp khó khăn khi mà các cấp quản lý giáo dục liên tục tổ chức tập huấn các phần mềm cho giáo viên. Mỗi cấp tập huấn một phần mềm khiến cho nhiều giáo viên vô cùng áp lực.

Công việc chuẩn bị và thực hiện giảng dạy trực tuyến đã quá căng thẳng mà liên tục bị triệu tập tập huấn khiến cho nhiều thầy cô giáo, nhất là những tổ trưởng, tổ phó chuyên môn mất rất nhiều thời gian nhưng hiệu quả thì không đáng bao nhiêu.

Giáo viên đang được tập huấn khá nhiều các phần mềm dạy học trực tuyến 

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Thọ)

Cấp nào cũng tập huấn phần mềm dạy học trực tuyến

Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, phòng giáo dục nơi người viết công tác chủ trương tập huấn cho giáo viên trong huyện ứng dụng K12 online và E-learning để giáo viên đưa bài học lên với mục đích là học sinh có thể học tập bất kể lúc nào, không hạn chế về thời gian và đặc biệt những bài giảng này là minh chứng cho công việc kiểm tra, thanh tra sau này.

Thế nhưng, khi bước vào năm học thì giáo viên và học sinh ở nhà trường thấy không phù hợp vì các ứng dụng này có rất nhiều hạn chế, học sinh vào học rất thấp, ít có sự tương tác giữa thầy và trò. 

Vì thế, giáo viên kiến nghị nhà trường chuyển sang ứng dụng Google Meet hoặc Zoom để thầy trò giảng dạy và học tập được tương với nhau thuận lợi hơn. Điều quan trọng là giáo viên có thể quản lý, điểm danh học sinh qua từng buổi dạy.

Vì thế, nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên ứng dụng Google Meet, giáo viên hướng dẫn học sinh đăng ký, đăng nhập phần mềm mới để học tập. 

Tuy nhiên, đối với những học sinh lớp lớn thì các em dễ tiếp cận, những lớp nhỏ thì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải hướng dẫn nhiều lần các em mới vào được. Nhiều em còn phải có sự trợ giúp từ cha mẹ, người thân trong gia đình để vào học trong thời gian đầu.

Khi học tập được gần 1 tháng thì Bộ mở lớp tập huấn dạy và học trực tuyến cho giáo viên cốt cán ở các địa phương. Sau đó, đội ngũ giáo viên cốt cán lại triển khai đại trà đến đội ngũ giáo viên ở nhà các nhà trường.

Nội dung tập huấn của Bộ là định hướng cách soạn bài, các hoạt động dạy học ngắn gọn, phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh theo hướng dẫn giảm tải của Công văn 4040 và định hướng một số phần mềm kiểm tra trực tuyến.

Tiếp theo Sở lại mở lớp tập huấn cho đội ngũ cốt cán ở các nhà trường bằng ứng dụng dạy học online Microsoft Teams trong nhiều ngày...Chính vì việc tập huấn quá nhiều phần mềm/ứng dụng khiến cho giáo viên bị chi phối rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công việc giảng dạy hàng ngày trên lớp của họ.

Chuyên gia hỗ trợ thầy cô, bố mẹ “gỡ khó” trong dạy học trực tuyến cho học sinh
Chuyên gia hỗ trợ thầy cô, bố mẹ “gỡ khó” trong dạy học trực tuyến cho học sinh

Việc dạy và học thì như vậy, việc kiểm tra cho học trò cũng không kém phần rối rắm. 

Lúc kiểm tra thường xuyên thì nhà trường nói giáo viên chủ động sử dụng các phần mềm. Vì thế, có giáo viên sử dụng phần mềm Azota, có người Google Form, có người dùng Gmail, có người dùng Zalo…

Thời điểm này, khi mà kiểm tra giữa kỳ cận kề, Sở gửi công văn yêu cầu các trường chỉ nên sử dụng 1 phần mềm để kiểm tra. Vậy là nhiều giáo viên và học sinh lại rối. Bởi, hiện ban giám hiệu cũng đang dạy lớp nên thông thường họ sử dụng phần mềm nào kiểm tra lâu nay thì bây giờ họ áp dụng chung cho cả trường.

Giáo viên lại phải tập huấn lại và tất nhiên lại làm lại từ đầu đối với phần mềm kiểm tra.

Những giáo viên nào am hiểu công nghệ thì sự thay đổi hay tập huấn thêm nhiều phần mềm/ứng dụng cũng không hề hấn gì, thậm chí họ còn mừng vì được tiếp cận thêm nhiều ứng dụng mới. 

Nhưng, trong trường học thì có phải thầy cô nào cũng giỏi công nghệ thông tin đâu, nhất là một số thầy cô dạy các môn Khoa học xã hội, những thầy cô lớn tuổi thường hạn chế về công nghệ thông tin hơn nên mỗi lần tập huấn và áp dụng ứng dụng mới là một cực hình với họ.

Đặc biệt, các ứng dụng kiểm tra trực tuyến nếu là các môn trắc nghiệm thì không khó khăn lắm nhưng những môn kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận hoặc tự luận hoàn toàn thì nó rất khó với nhiều giáo viên dạy lớp.

Nên thống nhất quan điểm chỉ đạo từ trên xuống dưới

Chúng tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, nhiều thầy cô giáo ở địa bàn phải dạy học trực tuyến họ đang rất áp lực vì họ vừa phải soạn cả giáo án PowerPoint để dạy trực tuyến, vừa phải soạn giáo án Word để lưu hồ sơ và nộp để ký duyệt theo quy định.

Ngoài ra, những học sinh không có điều kiện học trực tuyến thì giáo viên còn phải soạn bài để gửi tại nhà cho các em học tập.

Có 25 tỉnh/ thành đang dạy học trực tuyến và qua truyền hình
Có 25 tỉnh/ thành đang dạy học trực tuyến và qua truyền hình

Những thầy cô kiêm nhiệm các công tác chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn còn vô số những công việc không tên khác nữa. Vậy nên, việc tập huấn các phần mềm trực tuyến dạy học, kiểm tra cần thống nhất với nhau sẽ hợp lý hơn.

Nếu Bộ muốn tập huấn phần mềm dùng chung thì tập huấn trước thời điểm năm học diễn ra. Sở, phòng muốn thống nhất phần mềm cho địa phương mình để thuận tiện cho việc quản lý, kiểm tra cũng nên nên tập huấn sớm và nên thống nhất 1-2 phần mềm.

Bởi, phần lớn tập huấn của Bộ, Sở là do những giảng viên chuyên ngành công nghệ thông tin ở các trường đại học đứng ra tập huấn- đồng nghĩa với việc họ dạy những gì họ đã am hiểu sâu, kĩ lưỡng. 

Trong khi giáo viên phổ thông có nhiều môn học, nhiều lứa tuổi khác nhau, công nghệ thông tin không phải là chuyên ngành của phần lớn giáo viên nên việc tập huấn gặp rất nhiều khó khăn. 

Tiếp cận 1-2 phần mềm dạy học, kiểm tra đã là một quá trình cố gắng của họ. Tập huấn càng nhiều phần mềm càng tạo ra nhiều áp lực cho người thầy.

Đặc biệt, thời điểm này, ngoài việc giảng dạy, chấm bài thường xuyên, chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ thì gần như giáo viên phổ thông trên cả nước đang bước vào tập huấn module 4 với rất nhiều kiến thức, bài tập mà bắt buộc họ phải hoàn thành.

Giáo viên không sợ khó, sợ khổ nhưng có lẽ mỗi trường chỉ nên sử dụng 1 phần mềm dạy và học, cũng như dùng để kiểm tra trực tuyến sẽ hiệu quả hơn việc giáo viên phải tập huấn quá nhiều phần mềm trong một năm học. Bởi, giáo viên biết 1-2 phần mềm mà hiểu sâu, hiểu kĩ sẽ hơn việc biết nhiều mà hiểu lơ mơ. 

Hơn nữa, tập huấn nhiều không chỉ lãng phí thời gian, công sức của giáo viên mà còn tốn kém tiền bạc cho đội ngũ chuyên gia, giáo viên cốt cán ở các địa phương mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Quan sát trẻ theo quá trình trong giáo dục mầm non sao cho hiệu quả



Sáng 17/3 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Triển khai thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non”. Tham dự là nhóm chuyên gia chuẩn bị triển khai thí điểm tại 6 tỉnh thành trên cả nước.

 


Các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm hay tại Hội thảo.

 

PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non, Bộ GDĐT cho biết: Hội thảo là khởi đầu cho giai đoạn thứ 2, Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Chuyên đề “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Tôi mong rằng các chuyên gia sẽ giúp Bộ GD&ĐT và hệ thống GDMN đánh giá sự phát triển của trẻ; Kết nối việc đánh giá trẻ với việc tổ chức các hoạt động lấy trẻ làm trung tâm; Tổ chức “học qua chơi và học qua trải nghiệm.


PGS.TS Nguyễn Bá Minh phát biểu tại Hội thảo

Ông Filip Lenaerts - Cố vấn giáo dục đến từ Tổ chức VVOB Việt Nam đã đưa ra những thông tin gợi mở để các chuyên gia hiểu được những tiêu chí đánh giá cảm giác thoải mái và sự tham gia để biết được trẻ có đang học được tốt không; Phát triển kỹ năng quan sát trẻ và xác định mức độ cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ; Tìm hiểu lý do vì sao một số trẻ (có nguy cơ) không học được; Cách thức tạo ra những thay đổi trong cách tổ chức hoạt động giúp trẻ học tập tốt hơn và phát huy tối đa năng lực của trẻ.


Chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ VVOB Việt Nam

Hội thảo “Triển khai thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” cũng nhằm nâng cao hiệu quả, hiện thực hóa các cuộc tập huấn trước đây, không chỉ cung cấp khung lý thuyết, mà cán bộ quản lý và giáo viên mầm non còn có nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế thú vị và có ý nghĩa thông qua các hoạt động học thông qua chơi. Giáo viên được hướng dẫn kĩ năng quan sát, và theo dõi sự tiến bộ trẻ nhằm đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non có chất lượng.


Một trải nghiệm của các chuyên gia với đồ dùng dạy học

Trong đó đề cao việc nâng cao năng lực cho giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm một cách hiệu quả, nhằm giúp trẻ học tập tốt hơn và phát triển toàn diện. Quan sát trẻ theo quá trình là kỹ thuật giúp giáo viên hiểu được việc học, việc chơi… của trẻ, quan sát mức độ thoải mái và tham gia của trẻ trong các hoạt động hàng ngày và phân tích nguyên nhân tác động đến cảm giác thoải mái và mức độ tham gia của trẻ.


Nhiều ý kiến mang tính thực tiễn cao

Nhân rộng và lan tỏa những kinh nghiệm hay qua triển khai quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở GDMN chắc chắn sẽ đem lại những giá trị tích cực, mang tính thực tiễn cao. Trên cơ sở đó, giáo viên điều chỉnh kế hoạch giáo dục (thông qua việc áp dụng “các điểm hành động”) nhằm tối đa hóa hiệu quả tác động, giải quyết các rào cản, tạo ra những thay đổi trong tổ chức các hoạt động hướng tới giáo dục tiếp cận cá nhân và phát huy tối đa năng lực của trẻ.

Thực tế cho thấy, việc triển khai thí điểm nhằm nhân rộng việc áp dụng “Tài liệu hướng dẫn Quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở giáo dục mầm non” cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán 6 tỉnh/thành phố nâng cao năng lực triển khai đánh giá sự phát triển của trẻ em trong Chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm và thực hiện Chương trình GDMN đạt hiệu quả là rất cần thiết.

Các chuyên gia đại diện cho các cơ sở đào tạo tạo GV mầm non, Viện Khoa học Giáo dục và Tổ chức VVOB Việt Nam, đã cùng trao đổi các kỹ thuật quan sát cụ thể, quan tâm hơn các cảm xúc tình cảm xã hội và sự tham gia sâu của trẻ mầm non. Từ đó, đề xuất để giáo viên có các biện pháp hỗ trợ để giúp trẻ tiến bộ, phát huy tính tích cực hoạt động và khả năng của trẻ, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non chăm sóc, giáo dục trẻ MN.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhận xét và đánh giá cuốn Tài liệu “Thực hành quan sát trẻ theo quá trình trong cơ sở GDMN" do các chuyên gia của VVOB Việt Nam, chuyên gia GDMN và Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cùng xây dựng, điều chỉnh sau hơn 3 năm thử nghiệm công phu, khoa học với sự góp ý của các chuyên gia đầu ngành về GDMN. Được biết tài liệu này sẽ là công cụ hỗ trợ giáo viên theo dõi, đánh giá trẻ hàng ngày và trong quá trình phát triển của trẻ nhằm hỗ trợ, điều chỉnh các hoạt động giáo dục.

 

(Theo Giáo dục & Thời đại)


Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Khóa học số, trường học ảo và những “cú hích” phát triển cho giáo dục đại học

 

 27/10/2021 06:38 Phạm Minh
GDVN- Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng: “Xây dựng trường đại học ảo sẽ tạo ra hệ sinh thái học thuật kiến tạo, học tập đa chiều, không giới hạn không gian và thời gian”.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã có tác động rất lớn đến giáo dục đại học, trong đó công nghệ truyền thông trực tuyến đã làm thay đổi môi trường học thuật với nhiều hệ sinh thái số khác nhau, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục đại học.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) tại hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang là thách thức và cũng là thời cơ lớn để các cơ sở giáo dục phát triển đi lên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Chụp màn hình)

Một trường đại học có thể tiến hành ngay chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Nếu chỉ ứng dụng nền tảng Google Meeting, Zoom,... là dạy học từ xa chứ chưa thực sự đúng bản chất của chuyển đổi số. Dạy học trên những nền tảng số này nếu kéo dài thời gian sẽ khiến người học nhàm chán, mệt mỏi.

Thay vào đó, phải xây dựng những module nhỏ, có trường quay, đội ngũ sư phạm cùng hỗ trợ tư vấn thầy cô xây dựng bài giảng.

Để thực hiện chuyển đổi số thành công phải thay đổi tư duy của cán bộ viên chức, giảng viên trong trường; phải có chính sách khuyến khích giảng viên cùng tham gia xây dựng các lớp học số.

Trường học ảo thúc đẩy tinh thần tự học của sinh viên

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cũng nêu ra 7 vấn đề trọng tâm của chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ nhất, sử dụng các kênh truyền thông số như mạng xã hội facebook, youtube, website, email, truyền hình, apps,… để tiếp cận một cách nhanh nhất các sinh viên tương lai, truyền thông các chính sách và các thông tin của cơ sở đào tạo đến các bên liên quan.

Thứ hai, xây dựng hệ thống quản trị số đồng bộ nhằm tối ưu thời gian và hiệu quả công việc; Xây dựng và phân tích hệ thống dữ liệu lớn nhằm đánh giá, dự báo và đưa ra các quyết định quản trị kịp thời.

Thứ ba, xây dựng tài nguyên số như giáo trình, tài liệu và học liệu điện tử giúp nhiều sinh viên có thể tham khảo trong cùng một thời điểm và có thể truy cập mọi lúc mọi nơi.

Thứ tư, xây dựng hệ thống dạy học trực tuyến, từ đó tương tác giữa giảng viên và sinh viên không còn thuần túy trong lớp học mà ở mọi lúc mọi nơi. Từ đó phát triển hệ sinh thái giáo dục kiến tạo, trong đó chuyển giáo dục thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc và mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.

Thứ năm, xây dựng phòng thí nghiệm thực tế ảo, công nghệ này có thể mang các sinh viên kiến trúc đến ngay công trình xây dựng hay các sinh viên Y khoa đến với bệnh viện.

Thứ sáu, xây dựng trường đại học ảo nhằm tạo ra hệ sinh thái học thuật kiến tạo, học tập đa chiều, không giới hạn không gian và thời gian.

Thứ bảy, phát triển giáo dục sẻ chia nhằm chia sẻ nguồn nhân lực và tài nguyên số giữa các cơ sở đào tạo.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng cho biết: “Tham gia vào lớp học số sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần chủ động, tích cực, tự giác học tập của sinh viên. Nhờ chủ động nghiên cứu, học tập trên lớp học ảo, các em dành được nhiều thời gian để thực hành, trải nghiệm.

Nếu xây dựng tốt các khóa học số, trường học ảo, sinh viên có thể chỉ cần dành 10% thời lượng để lên lớp học trực tiếp, 20% thời lượng học tập nhóm chia sẻ trao đổi kinh nghiệm và có 70% thời gian cho thực hành, thực tế. Hiện nay, thực hành đang là xu hướng học tập mới để tiếp cận tri thức tốt nhất”.

Cũng theo thầy Dũng, việc xây dựng thư viện số, mở ra các khóa học và số hóa toàn bộ giáo trình sẽ giúp các trường đại học tạo nên được một không gian học tập số lý tưởng cho sinh viên, đặc biệt tạo điều kiện để sinh viên học đa ngành, liên ngành.

Bên cạnh đó, việc thành lập trung tâm dạy học số được sẽ ráp nối các đơn vị vận hành, triển khai các hoạt động dạy học số tại Trường. Cụ thể như: Phòng đào tạo lên kế hoạch dạy học, ráp nối giáo viên và sinh viên dạy học số dựa trên nền tảng quản lý cơ sở dữ liệu hiện tại; Trung tâm thông tin máy tính cung cấp hạ tầng kết nối internet và các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết; Các Khoa chuyên ngành định hướng giảng viên và sinh viên trong công tác triển khai dạy học số.

Các trường cũng nên chú trọng xây dựng phòng thí nghiệm thực tế ảo, mở ra cơ hội thực hành, trải nghiệm thực tế nhiều hơn cho sinh viên. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai, phát triển thực tế ảo trong dạy thực hành trong năm học này.

Đặc biệt, việc hướng tới giáo dục chia sẻ chính là cách để các trường liên kết, hỗ trợ nhau đẩy nhanh chuyển đổi số và có những “cú hích” phát triển về chất lượng. Khi sinh viên các trường đại học trên cả nước đang học chung một số môn học, các trường có thể chia sẻ nhau những bài giảng được nghiệm thu, hay các trường có thể chia sẻ phần mềm đại học ảo,...

Biểu đồ, số liệu về số lớp học dạy học số được mở theo từng năm của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Chụp màn hình)

Chuyển đổi số và những bước chuyển mình của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh:

Năm 2013, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được nhận hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý dạy học (LMS) từ Tập đoàn giáo dục Pearson Education thông qua dự án hợp tác với trường Đại học bang Arizona (ASU), máy chủ của họ đặt Singapore và studio dạy số đặt tại trường.

Nền tảng này được sử dụng để triển khai dạy học online trong toàn trường. Khởi đầu từ học kỳ I năm học 2014-2015 với 52 khóa học, đến học kỳ II năm học 2019-2020 đã có 5265 khóa học. Số lượt tương tác trong năm trên hệ thống LMS của Pearson Education đạt đến 90 triệu lượt tương tác.

Năm 2018, nhà trường triển khai với BlackBoard. Nền tảng này đang sử dụng dạy học online cho chương trình đào tạo chất lượng cao của trường. Hằng năm, có hơn 96 triệu lượt tương tác học tập trên cả nền tảng của Pearson Education và BlackBoard. Đây là con số rất vượt trội so với hệ thống các trường đại học Việt Nam đạt được.

Đặc biệt, sự đời của Trường Đại học ảo UTEx năm 2019 đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển đổi số của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, hướng đến những trải nghiệm cho người học và giảng viên không giới hạn về không gian, thời gian, khối lượng tri thức thông qua giao tiếp, hỗ trợ và kết nối liên tục.

Trong năm học 2019-2020, 16 khóa học UTEx-MOOC đầu tiên đã được nghiệm thu và triển khai trong năm học mới.

Trong năm học 2020 - 2021, UTEx đang triển khai xây dựng 116 khóa học UTEx-MOOC và nền tảng UTEXLMS (utexlms.hcmute.edu.vn) tổ chức dạy học online cho toàn trường, cả hệ đào tạo đại trà và chất lượng cao.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trên nền tảng của Pearson Education, trung bình mỗi ngày có 356.959 lượt sinh viên và 26.644 lượt giảng viên tương tác; trên nền tảng của BlackBoard, mỗi ngày có 222.012 lượt sinh viên và 54.087 lượt giảng viên tương tác. 

Dự kiến đến năm 2025, nhà trường sẽ xây dựng 1450 khóa học UTEx-MOOC.

Việc triển khai dạy học số của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt được những thành công nhất định.

Mô hình học tập kết hợp (Blended Learning) đã chứng tỏ ưu thế trong phát triển các năng lực cho người học như năng lực tự học, năng lực hợp tác, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong học và tự học.

Trung tâm UTEx bước đầu cho thấy sự chủ động của nhà trường trong xây dựng nền tảng dạy học số và hướng đến cung cấp các khóa học MOOC cho mọi người học có nhu cầu, thực hiện mục tiêu giáo dục sẻ chia và quốc tế hóa giáo dục.

Phạm Minh

Vì sao Giáng Son bị khiếu nại bản quyền ca khúc do chính mình sáng tác?

 


Gia Linh | 

Vì sao Giáng Son bị khiếu nại bản quyền ca khúc do chính mình sáng tác?

Phía BH Media đã lên tiếng giải thích việc nhạc sĩ Giáng Son nhận được khiếu nại liên quan đến bản quyền ca khúc do chính cô sáng tác.

Vào cuối tháng 9, nhạc sĩ Giáng Son có đăng tải ca khúc Giấc mơ chưa do cô sáng tác, ca sĩ Khánh Linh thể hiện lên kênh Youtube của mình. Tuy nhiên mới đây, Giáng Son bức xúc cho biết, phần đăng tải này nhận được thông báo khiếu nại liên quan đến bản quyền.

Theo nữ ca sĩ chia sẻ thì hệ thống báo video mà cô đăng lên chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh mà sản phẩm này do BH Media và Hồ Gươm Xanh sở hữu.

Vì sao Giáng Son bị khiếu nại bản quyền ca khúc do chính mình sáng tác? - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Giáng Son.

Thông báo này từ phía Youtube khiến Giáng Son bức xúc và chia sẻ sự tình trên mạng xã hội. Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía nhạc sĩ Giáng Son, phía BH Media đã chủ động liên lạc với Giáng Son 2 lần.

"Chúng tôi đã liên hệ với chị Giáng Son 2 lần nhưng đều tắt máy và nói đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được phản hồi gì từ phía VCPMC" - một vị đại diện BH Media nói.

Để thông tin có sự 2 chiều và khách quan hơn, vào chiều qua (27/10), phía BH Media đã có buổi họp báo để giải quyết những thắc mắc xoay quanh vấn đề này.

"Là đơn vị kinh doanh và bảo vệ bản quyền âm nhạc trong môi trường số, BH Media ghi nhận nhạc sĩ Giáng Son rất có ý thức về bản quyền. Tác giả của ca khúc "Giấc mơ trưa" đã cẩn thận chuẩn bị một bản ghi – thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh YouTube riêng của mình.

Nhưng vì trên YouTube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi "Giấc mơ trưa" của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã up lên trước đó, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.

Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube, mà những ai đã từng lập kênh YouTube đều trải nghiệm và hiểu. 

Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau, và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần Giáng Son làm thao tác phản hồi, là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. 

Do đó, việc Giáng Son dùng từ "đánh gậy bản quyền" với trường hợp của chị là chưa chính xác. "Gậy bản quyền" là mức cảnh cáo dành cho những cá nhân có dấu hiệu vi phạm bản quyền", đại diện BH Media nói.

Vì sao Giáng Son bị khiếu nại bản quyền ca khúc do chính mình sáng tác? - Ảnh 3.

Đại diện công ty BH Media.

Phía bên BH Media cũng cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Giáng Son trên mạng xã hội, BH Media đã "nhả" xác nhận bản quyền cho trả bản quyền về cho nhạc sĩ.

"Mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa đựng 02 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi (Sound Recording) liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi âm; Quyền tác giả (Musical Composition) liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. 

Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần Quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ Quyền tác giả hay còn gọi là Tác quyền.

Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình", phía BH Media nhấn mạnh.

Sau khi BH Media lên tiếng, nhạc sĩ Giáng Son cũng có ngay phản hồi trên trang cá nhân. Nữ nhạc sĩ vẫn giữ ý kiến BH Media làm chưa đúng: "Tôi đã làm việc với luật sư của VCPMC và mọi việc sẽ rõ" - Giáng Son khẳng định.

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Bùng nổ kinh doanh khóa học online

 Thứ hai, 11/10/2021, 14h32


Trong bối cảnh giãn cách xã hội do COVID-19, hệ thống giáo dục đào tạo chính quy chuyển sang trực tuyến, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng, phát triển các khóa học online. Mô hình này san bằng rào cản không gian, thời gian, giúp người học thích nghi với đại dịch và sản sinh ra các doanh nghiệp triệu đô.

Nhu cầu tăng 200%

Chỉ một thao tác tìm kiếm đơn giản, không khó để bắt gặp quảng cáo về các khóa học trực tuyến như: Khóa luyện thi tiếng Anh, khóa học kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị, bán hàng, bán bất động sản, kỹ năng làm giàu, kỹ năng chụp ảnh, dựng video… Giảng viên của các khóa học đủ mọi thành phần, từ những người nhiều bằng cấp chuyên môn đến những người chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực của họ.




NSND Hoàng Dũng tham gia quay video khóa học

Các khóa học trực tuyến phần lớn là đất diễn cho những người trẻ, sành công nghệ nhưng cũng không thiếu những “cây đa cây đề”. Khóa “Luyện giọng nói biểu cảm cùng NSƯT Hà Phương” nằm trong số đó. Ông nguyên là phát thanh viên gạo cội của Đài Tiếng nói Việt Nam. Người mua khóa học sẽ được xem trước trailer (giới thiệu) bài giảng với lời xương nổi tiếng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam…” do chính NSƯT Hà Phương thể hiện, được phát trên sóng phát thanh quốc gia hàng chục năm, giúp ông thành danh. Khóa học này có lượng người quan tâm đông đảo và đa dạng, từ các nhà sư muốn rèn luyện giọng nói để giảng Phật pháp, những doanh nhân, nhà chính trị thường xuyên phát biểu trước đông người, đến những bậc cha mẹ muốn sửa thói quen nói ngọng cho con.Người quan tâm chỉ cần click chuột vào tên khóa học là có thể đăng ký tham gia với mức giá 500 nghìn đồng.


Nhân viên WeStudy xây dựng các khóa học


Một khóa học diễn xuất đặc biệt khác là của NSND Hoàng Dũng (diễn viên, nguyên GĐ Nhà hát kịch Việt Nam) cũng thu hút khá nhiều người đăng ký. Ở đó, người quan tâm sẽ được xem video chia sẻ về kinh nghiệm khi bắt đầu được tuyển chọn, diễn xuất… từ kinh nghiệm thực tế của ông. Khóa học này trở thành di sản, tâm huyết mà NSND Hoàng Dũng còn để lại cho mọi người, khi ông đột ngột qua đời trong cơn bạo bệnh gần đây.


“Ngoài kiến thức, phong cách nói chuyện của họ vô cùng cuốn hút. Hình ảnh, tiếng nói, cử chỉ có sức thuyết phục và truyền cảm hứng. Nếu chỉ viết một bài báo hay một cuốn sách thì sẽ không chuyển tải được những khía cạnh đó”.

Giám đốc Hà Ngọc Anh nói và cho biết, khi hình thức học online xuất hiện, ý tưởng của anh đã được chắp cánh

Họa sĩ Xuân Lan từng là Giảng viên Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQG Hà Nội đã trực tiếp đi giảng dạy khóa học “ghi chép sáng tạo bằng Sketchnote” ở nhiều nơi, cho nhiều tổ chức, cá nhân hơn 1 năm qua. Nay do giãn cách xã hội, nhu cầu học trực tuyến tăng chị quyết định hợp tác với một đơn vị thực hiện lại khóa học (trong khuôn khổ 20 bài học) để dạy trực tuyến. “Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, tham gia xây dựng khóa học để kinh doanh cũng là cách tăng thêm nguồn thu nhập”, họa sĩ Xuân Lan hé mở với PV cách thích ứng trong dịch bằng chính đam mê của mình.

Không chỉ là cách thích ứng, tăng thu nhập của cá nhân, các khóa học online được đẩy lên thành những dự án triệu đô của các doanh nghiệp. Ông Hà Ngọc Anh, Giám đốc Westudy (đơn vị sản xuất, kinh doanh khóa học trực tuyến) cho biết, những khóa học của công ty được đóng gói thành video - từ đó có thể tiếp cận số lượng học viên không giới hạn. Người học có thể tham gia bài giảng bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. “WeStudy bắt đầu thử nghiệm đưa sản phẩm như thế ra thị trường từ năm 2018 (năm 2019 doanh nghiệp mới thành lập). Từ chỗ khởi đầu với 4 thành viên cùng một trang web thử nghiệm và khoản đầu tư chỉ vài chục triệu đồng, WeStudy đã nhanh chóng quay vòng, tái đầu tư cải thiện chất lượng sản xuất các khóa học, xây dựng nền tảng web thuận tiện, tốc độ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Doanh thu của chúng tôi liên tục tăng và công ty được định giá 1 triệu đô vào năm 2020”, ông Ngọc Anh nói và cho biết thêm, dù trải qua hai đợt dịch lượng khách hàng đăng ký các khóa học trực tuyến của công ty tăng đột biến hơn 200%. Chỉ với 10 nhân viên kinh doanh thực hiện từ xa nên hoạt động của công ty không bị ảnh hưởng, không gặp khó khăn. Ông Ngọc Anh bật mí, trong hơn 3 năm, WeStudy đã phục vụ gần 100 nghìn khách hàng, doanh thu dao động từ 7-10 tỷ/năm.

Giám đốc WeStudy chia sẻ, từ năm 2011, khi chưa có khái niệm học trực tuyến, anh đã nảy ra mong muốn làm phim về một số nhân vật đặc biệt, những người có kho tàng kiến thức, văn hóa uyên thâm. Khi được giao lưu với họ, anh đã được khai mở tâm trí, học được rất nhiều điều. Anh mong muốn làm phim để lưu giữ lại những giá trị tinh hoa, tài năng đó cho mình và lan tỏa cho cộng đồng.

Tại Việt Nam hiện nay còn có nhiều sàn bán các khóa học trực tuyến ăn nên làm ra như WeStudy, Unica, Edumall.vn, Hellochao.vn, Hocmai.vn, Vus Education.vn, Kyna.vn, Topclass, Topica…“Thị trường kinh doanh khóa học trực tuyến đã nhanh chóng thay đổi trong dịch COVID-19. Các bài giảng được thiết kế thành các video sinh động, đẹp mắt, tương tác dễ dàng thực hiện qua ứng dụng chuyên nghiệp. Đây là xu hướng tương lai, phát triển cả sau dịch” – Giám đốc WeStudy Hà Ngọc Anh nói.

Trong hai năm qua, công ty đã tích cực tìm những lĩnh vực nhiều người có nhu cầu học cũng như tìm giảng viên và nội dung chất lượng, để xây dựng những khóa học giá trị. Thước đo khóa học chính là giáo trình và giảng viên.

Ông Ngọc Anh cho biết, việc lựa chọn giáo viên mang tính quyết định thành công của khóa học. Ví dụ, NSƯT Hà Phương, là người có 60 năm hoạt động trong ngành phát thanh, người mà giọng nói chắc ai cũng từng nghe nhưng hiếm ai được gặp và được học ngoài đời.

“Tôi tin rằng NSƯT Hà Phương làm khóa học này không phải vì lợi nhuận. Ông làm vì muốn truyền lại những gì mình đã đúc kết cho thế hệ tiếp theo. Như chính ông nói “đây là cú sút cuối cùng trong sự nghiệp của NSƯT Hà Phương!”, giám đốc Hà Ngọc Anh cho hay.

Theo Đức Anh/TPO

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Tập huấn phát triển chuyên môn cho giáo viên mầm non của thành phố Cần Thơ

 

Trong tháng 12/2020, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm (BDNVSP) và Bộ môn Giáo dục Tiểu học - Mầm non Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ (GD&ĐT TPCT) tổ chức khóa tập huấn “Thiết kế và vận dụng giáo dục STEAM theo hướng phát triển năng lực và Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non năm 2020” cho gần 300 giáo viên mầm non trên địa bàn TPCT.

PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Giám đốc Trung tâm BDNVSP phát biểu khai mạc khóa tập huấn


Trong khóa tập huấn này, giáo viên được học và thực hành về hai chủ đề chính gồm: Vận dụng mô hình Nghiên cứu bài học (Lesson study) vào phát triển chuyên môn cho giáo viên mầm non và Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non theo phương pháp Montessori. Mỗi chủ đề tập huấn giáo viên có cơ hội học tập, trải nghiệm và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy của mình.


Buổi tập huấn với chủ đề “Vận dụng mô hình nghiên cứu bài học vào phát triển cho giáo viên mầm non” có sự tham gia của 180 giáo viên đang là cán bộ quản lí các trường mầm non và lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện của TPCT. Khóa tập huấn có sự tham gia của các giảng viên Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam, ThS. Hồ Thị Thu Hồ, TS. Huỳnh Thị Thúy Diễm, TS. Đỗ Thị Phương Thảo, TS. Trịnh Thị Hương, ThS. Lữ Hùng Minh và hai giảng viên của Trường Cao đẳng Cần Thơ là ThS. Trần Thị Hương Thủy và ThS. Nguyễn Thị Trường Giang. Trong hai ngày tập huấn (04-05/12/2020), giáo viên có nhiều cơ hội để nhìn nhận đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của đội ngũ giáo viên tại đơn vị mình để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển chuyên môn cho giáo viên. Sau khi thảo luận về các bước của quy trình nghiên cứu bài học, giáo viên được thực hành các kĩ năng góp ý, quan sát dự giờ, xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch triển khai tại đơn vị mình.

 

Các nhóm thực hành và thảo luận tại lớp


Cũng trong chuỗi tập huấn này, ngày 17-18/12/2020, hơn 90 giáo viên mầm non của TPCT tiếp tục được tập huấn về chủ đề “Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non” với sự tham gia của hai chuyên gia đến từ Viện Đào tạo Montessori quốc tế Canada là cô Nguyễn Thị Thanh Huyền và cô Nguyễn Thị Cẩm Vân. Đây là một trong những mảng nội dung trọng tâm trong chương trình tập huấn. Khóa tập huấn mang đến cho giáo viên những trải nghiệm về triết lí mang hạnh phúc đến cho trẻ và cho trẻ làm những điều mình thích, để trẻ có thể là “em bé hạnh phúc” trong môi trường hạnh phúc, nơi mà các em được tự do khám phá, được tôn trọng và được nuôi dưỡng tiềm năng. 

 

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Viện trưởng Viện Đào tạo Montessori, chia sẻ tại buổi tập huấn


Cùng với việc tiếp cận nội dung tri thức này, giáo viên được hóa thân vào vai em bé ở các độ tuổi khác nhau thao tác trực tiếp trên giáo cụ, thực hành các góc giác quan; rồi trở về vai trò người giáo viên thực hành soạn giáo án và báo cáo, thực hành với giáo cụ. Đây là một sự trải nghiệm lí thú kết hợp chặt chẽ giữa lí thuyết với thực hành, giúp giáo viên kết nối các mảng lí thuyết và thực hành ứng dụng vào trong thực tiễn.

 

Các nhóm thực hành giáo cụ theo phương pháp Montessori


Có thể nói, phát triển chuyên môn cho giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính chất sống còn, quyết định đến sự phát triển của nền giáo dục. Và vì thế, việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục bằng mô hình kết nối với chuyên gia tại trường đại học để xây dựng chương trình bồi dưỡng là một hướng đi đúng đắn, thể hiện tầm nhìn mang tính chất chiến lược của Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TPCT, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đến đội ngũ giáo viên của địa phương. Phát biểu tại buổi khai mạc khóa tập huấn, PGS.TS Nguyễn Văn Nở, Giám đốc Trung tâm BDNVSP kì vọng những nội dung của khóa tập huấn sẽ không chỉ dừng ở việc chia sẻ tại lớp tập huấn mà còn có thể mang đến một không gian trải nghiệm có ý nghĩa và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn dạy học.

 

Lãnh đạo Sở và Phòng giáo dục các quận, huyện chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates