SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Mỹ thuật phương Tây

 


Mỹ thuật thời Trung cổ (500–1400)



Tranh Than khóc Đức Kitô (Lamentation of Christ), Giotto, 1305

Đặc trưng: Hình ảnh tối tăm ảm đạm, chủ đề Kinh Thánh, thần thoại cổ điển, kiến trúc Gothic

Nhân vật tiêu biểu: Giotto, Cimabue, Abbot Suger

Tác phẩm có ảnh hưởng:


Thời kỳ Trung cổ, hay thường được nhắc đến như là “Thời kỳ đen tối” hoặc “Đêm trường Trung cổ), đánh dấu thời kỳ suy thoái kinh tế và thoái trào văn hóa sau sự kiện Đế chế La Mã sụp đổ năm 476. Thông qua những hình ảnh kỳ quái và khung cảnh ghê sợ, nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời trong những năm đầu của thời kỳ này đã phản ánh thực tại tối tăm đó.

Nghệ thuật thời kỳ này tập trung vào Giáo hội Công giáo. Khi thiên niên kỷ thứ nhất qua đi, xuất hiện ngày càng nhiều nhà thờ trang trí rất tinh tế và tỉ mỉ, với những khung cửa sổ và tiễn ảnh (silhouettes) được tô điểm bằng theo nhiều chủ đề trong kinh thánh và những cảnh vật xuất hiện trong thần thoại.

Thời kỳ này cũng ghi dấu sự phát triển của bản thảo thếp vàng (illumiated manuscript) và phong cách kiến trúc Gothic. Nhiều công trình nghệ thuật và kiến trúc chịu ảnh hưởng từ thời kỳ này như các hầm mộ ở Rome, Hagia Sophia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Sách Phúc Âm Lindisfarne – một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của thể loại bản thảo thếp vàng, cũng như nhà thờ chính tòa Notre Dame ở Paris (Pháp) – công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc Gothic.


Mỹ thuật thời Phục Hưng/Renaissance (1400–1600)


Tranh Trường học Athens (The School of Athens), Raffaello Sanzio da Urbin

Đặc trưng: Nhân tố tự nhiên, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hiện thực, tập trung vào chi tiết, giải phẫu học chính xác.

Nhân vật tiêu biểu: Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael





Tác phẩm có ảnh hưởng:

  • Leonardo da Vinci, Mona Lisa, 1503
  • Michelangelo, David, 1504
  • Raphael, Trường học Athens (The School of Athens), 1511


Nét tiêu biểu của phong cách hội họa, điêu khắc và mỹ thuật trang trí thời Phục Hưng là sự tập trung vào thiên nhiên và chủ nghĩa cá nhân (individualism), ý nghĩ cho rằng con người là thực thể độc lập và biết tự dựa vào sức mình. Tuy những lý tưởng này đã định hình từ thời hậu kỳ Trung cổ, nhưng chúng vẫn phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 15 và thế kỷ 16, đi cùng với nhiều thay đổi về kinh tế – xã hội, chẳng hạn như “sự phi tôn giáo hóa” (thế tục hóa).

Thời Phục Hưng đạt tới điểm cực thịnh ở Florence, Italy. Sự phát triển này một phần quan trọng là nhờ gia tộc Medici, một dòng họ thương gia giàu có, hết lòng bảo trợ nghệ thuật và chủ nghĩa nhân đạo (humanism) – tức hệ thống niềm tin và triết lý lấy con người là trọng tâm. Nhà thiết kế Filippo Brunelleschi và  nhà điêu khắc Donatello là hai nhân vật giữ vai trò chủ đạo trong thời kỳ này.

Thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao (High Renaissance), kéo dài từ năm 1490 đến năm 1527, sản sinh ra hàng loạt họa sĩ có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ như da Vinci, Michelangelo và Raphael. Mỗi người trong số họ đều tiếp thêm sức sáng tạo và lý tưởng đột phá cho kỹ thuật diễn tả tâm lý con người. Tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng mang đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực (realism), chú ý sâu sắc tới chi tiết và nghiên cứu giải phẫu học rất chính xác. Họa sĩ sử dụng luật phối cảnh và tạo dựng chiều sâu cho tranh thông qua tương quan giữa ánh sáng và bóng tối. Ngay sau khi thời kỳ Phục Hưng đỉnh cao kết thúc, mỹ thuật bắt đầu thay đổi theo hướng phân chia phong cách, khi đó xung đột giữa đức tin Kitô giáo xung và chủ nghĩa nhân đạo mở đường cho Trường phái kiểu cách phát triển.


Trường phái kiểu cách – Mannerism (1527–1580)





Bronzino, Vệ nữ, Cupid, sự điên rồ và thời gian (Venus, Cupid, Folly and Time), 1540

Đặc trưng: Đặc điểm mang tính cách điệu, những chi tiết được phóng đại, các yếu tố trang trí.

Nhân vật tiêu biểu: Giorgio Vasari, Francesco Salviati, Bronzino

Tác phẩm có ảnh hưởng: 

  • Bronzino, Vệ nữ, Cupid, sự điên rồ và thời gian (Venus, Cupid, Folly and Time), 1540
  • Giorgio Vasari, Phúng dụ về quan niệm trong trắng (Allegory of the Immaculate Conception), 1541.

Họa sĩ theo trường phái kiểu cách xuất hiện trên nền tảng những lý tưởng của Michelangelo, Raphel và các hoạt sĩ cuối thời Phục Hưng khác, nhưng họ lại quan tâm đến phong cách và kỹ thuật hơn là ý nghĩa mà đề tài thể hiện. Thường thì các nhân vật có chân tay dài, thon thả, đầu nhỏ, các đặc trưng mang tính cách điệu và các chi tiết được phóng đại. Cách thể hiện này tạo nên bố cục phức tạp hơn, mang tính cách điệu hơn, chứ không phụ thuộc vào những lý tưởng kinh điển về bố cục hài hòa và phối cảnh, mà các bậc tiền bối của họ đã sử dụng ở thời Phục Hưng.

Trong số những họa sĩ theo trường phái kiểu cách nổi tiếng nhất có Giorgio Vasari, Francesco Salviati, Domenico Beccafumi và Bronzino, người thường được coi là họa sĩ theo trường phái kiểu cách quan trọng nhất tại Florence trong thời đại của ông.


Thời kỳ Baroque (1600–1750)


Đặc trưng: Trang trí công phu, vẻ tráng lệ, phong phú, phức tạp về phong cách, tính chất kịch nghệ.

Nhân vật tiêu biểu: Caravaggio, Rembrandt van Rijn, Johannes Vermeer

Tác phẩm có ảnh hưởng: 


  • Caravaggio, Tiếng gọi của Thánh Matthew (The Calling of St Matthew), 1600
  • Rembrandt, Gác đêm (The Night Watch), 1642
  • Johannes Vermeer, Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai (Girl with a Pearl Earring), 1665



Thời Baroque (Ba-rốc) kế thừa phong cách trang trí công phu, kiến trúc và nghệ thuật trực quan thái quá của trường phái kiểu cách. Thời này nổi bật với vẻ tráng lệ và phong phú, thể hiện qua mối quan tâm tới việc mở rộng trí tuệ nhân loại và khám phá trên toàn cầu. Các họa sĩ thời Baroque vô cùng phức tạp về mặt phong cách.

Tranh thời Baroque mang tính “chính kịch”, như ta có thể thấy trong các tác phẩm mang tính tượng trưng của họa sĩ người Italia Caravaggio và họa sĩ Hà Lan Rembrandt. Các họa sĩ sử dụng sự tương phản sáng tối và xây dựng bố cục tranh cực kỳ sinh động nhờ bảng màu phong phú.


Thời Rococo (1699–1780)


Jean-Antoine Watteau, Khởi hành tới Cythera (The Embarkation for Cythera), khoảng năm 1718-1719

Đặc trưng: Tươi sáng, thanh nhã, dạng hình tự nhiên, thiết kế bất đối xứng, màu sắc tinh tế

Đại diện hàng đầu: Antoine Watteau, Francois Boucher

Tác phẩm có ảnh hưởng: 

  • Antoine Watteau, Khởi hành tới Cythera (The Embarkation for Cythera), 1718
  • Francois Boucher, Thần Vệ Nữ trêu đùa tình yêu (Venus Consoling Love), 1751

Rococo khởi phát ở Paris và bao hàm nhiều thể loại, từ mỹ thuật trang trí, hội họa, kiến trúc cho đến điêu khắc. Thời này mang đến phong cách mỹ thuật trang trí phần nào nhẹ hàng hơn thời Baroque hoa mỹ. Đặc trưng của Rococo được thể hiện qua ánh sáng và vể thanh nhã, tập trung vào việc sử dụng những dạng hình tự nhiên, thiết kế bất đối xưng và màu sắc huyền ảo.

Các họa sĩ như Antoine Watteau và Francois Boucher sử dụng phương pháp xử lý vui tươi, phong cách vẽ phong phú và màu sắc tươi tắn. Phong cách Rococo cũng dễ dàng lấn sang cả ngành chế tác đồ bạc, nặn đồ gốm sứ và thiết kế đồ nội thất Pháp. Nhiều loại ghế và tủ mang những đường nét cong đặc trưng, thiết kế hoa lá và thếp vàng tốn kém.


Tân cổ điển – Neoclassicism (1750–1850)



Jacques-Louis David, Napoleon vượt dãy Alps (Napoleon Crossing the Alps), 1801-1805

Qua tên gọi ta có thể thấy thời kỳ Tân cổ điển quy tụ những yếu tố ra đời từ thời xa xưa. Việc phát hiện ra tàn tích của những nền văn minh xưa cũ ở Athens và Naples đã tái kích thích niềm say xưa tìm về những giá trị của quá khứ. Giới họa sĩ gắng hết sức tái tạo lại những kiệt tác ra đời từ thời xưa, qua đó dấy lên niềm quan tâm mới tới những lý tưởng cổ điển về sự hài hòa, mộc mạc và cân xứng.


Họa sĩ tân cổ điển chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố cổ điển, trong đó có việc đặt trọng tâm vào chủ nghĩa lý tưởng (idealism). Họ cũng không tránh khỏi đưa cả những bối cảnh liên quan đến lịch sử hiện đại vào trong tác phẩm. Chẳng hạn, nhà điêu khắc người Italia Antonio Canova tận dụng các yếu tố cổ điển trong các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thành của mình, nhưng vẫn tránh được cái vẻ nhân tạo lạnh lẽo thường gặp ở nhiều tác phẩm thời trước.


Chủ nghĩa Lãng mạn – Romanticism (1780–1850)

 

Chủ nghĩa lãng mạn lan tỏa trên một phạm vi lĩnh vực rất rộng, từ hội họa, âm nhạc cho tới văn học. Những lý tưởng được thể hiện trong mỗi loại hình nghệ thuật này chối bỏ trật tự, sự hài hòa và tính hợp lý, vốn rất quan trọng trong cả nghệ thuật cổ điển và tân cổ điển. Thay vào đó, nghệ sĩ theo chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh đến tính cá nhân và trí tưởng tượng. Một nhân tố khác góp phần định hình lý tưởng của chủ nghĩa lãng mạn là sự coi trọng thiên nhiên, thể hiện ở việc nhiều người tìm đến hội họa ngoài trời (plein air), họa sĩ ra khỏi những căn phòng tối tăm và sáng tác ở bên ngoài. Các họa sĩ cũng tập trung vào niềm đam mê, tình cảm và cảm thức về trí tuệ và lý trí.






Những họa sĩ nổi bật nhất của chủ nghĩa lãng mạn có thể kể đến Henry Fuseli – người sáng tác nhiều họa phẩm kỳ quái và đáng sợ nhằm tìm hiểu sâu những ngóc ngách tối tăm trong tâm lý con người, và William Blake – người cho ra đời nhiều bài thơ và tranh vẽ bí ẩn, phản ánh cái nhìn huyền bí và sự thất vọng vì sự bí bách của xã hội.



Chủ nghĩa Hiện thực – Realism (1848–1900)


Ra đời ở Pháp trong thập niên 1840, chủ nghĩa hiện thực có thể được coi là trường phái nghệ thuật hiện đại đầu tiên. Chủ nghĩa hiện thực là kết quả của nhiều sự kiện: Phong trào chống lại chủ nghĩa lãng mạn ở Đức, sự nổi lên của giới báo chí và khởi nguyên của thời đại nhiếp ảnh. Mỗi sự kiện đều khơi dậy nguồn cảm hứng cho việc lưu giữ chính xác hình ảnh của cuộc sống thường ngày. Mối quan tâm đến tính chính xác được thể hiện rất rõ ràng trong các tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái này, ở đó việc mô tả chân thực và chi tiết đối tượng là một đặc trưng nổi bật.





Một trong những người dẫn đầu có sức ảnh hưởng nhất của trường phái nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa là Gustave Courbet, một họa sĩ Pháp dốc tâm sức vẽ tranh theo đúng những gì ông nhìn thấy ngoài đời.


Tân nghệ thuật – Art Nouveau (1890–1910)


Art Nouveau, dịch ra là “Nghệ thuật mới” (Tân nghệ thuật), cố gắng tạo ra một trường phái nghệ thuật hoàn toàn nguyên bản, thoát ly khỏi bất kỳ hình thức bắt chước phong cách nào ra đời trước đây.  Trường phái này ảnh hưởng rất lớn tới ngành nghệ thuật ứng dụng, đồ họa và vẽ hình minh họa. Tân nghệ thuật tập trung vào thế giới tự nhiên, thể hiện qua những đường thẳng và đường cong dài lượn sóng.




Các họa sĩ tân nghệ thuật tên tuổi sáng tác trên nhiều phương diện khác nhau, bao gồm kiến trúc, thiết kế nội thất, đồ họa, chế tác đồ trang sức và tất nhiên cả hội họa. Nhà thiết kế đồ họa Alphonse Mucha lừng danh vì những tấm bích chương màu mè vẽ nữ diễn viên người Pháp Sarah Bernhardt. Kiến trúc sư, điêu khắc gia người Tây Ban Nha Antoni Gaudi tiến xa hơn nữa bằng việc tập trung thể hiện các đường nét, nhằm tạo ra những cấu kiện kiến trúc uốn cong, sáng màu giống như ở nhà thờ Basilica de la Sagrada Familia ở Barcelona.


Trường phái Ấn tượng – Impressionism (1865–1885)


Họa sĩ theo chủ nghĩa ấn tượng tìm cách bắt trọn được ấn tượng tức thì, xuất hiện tại một thời điểm nào đó. Mục đích này được thể hiện thông qua những nét cọ đi nhanh và ngắn gọn, tạo cảm giác tác phẩm giống như một bức tranh phác thảo chưa hoàn thiện. Họa sĩ theo chủ nghĩa ấn tượng chọn đề tài từ trong cuộc sống hiện đại, họ vẽ cảnh nhà khiêu vũ hay một cuộc đua thuyền buồm chứ không chọn những sự kiện mang tính lịch sử và huyền thoại.









Tên tuổi Claude Monet, họa sĩ Pháp tiên phong trong ý tưởng diễn tả sự nhận thức của con người khi đứng trước thiên nhiên, hầu như đồng nghĩa với chủ nghĩa hiện thực. Trong số các họa phẩm danh tiếng của ông có Ao súng – The Water Lily Pond (1899), Người phụ nữ cầm chiếc ô – Woman with a Parasol (1875) và Ấn tượng, mặt trời mọc – Impression, Sunrise (1872) – bức tranh được dùng để đặt tên cho chính trường phái nghệ thuật này.


Trường phái Hậu ấn tượng – Post-Impressionism (1885–1910)


Họa sĩ theo trường phái hậu ấn tượng làm việc độc lập chứ không quy tụ thành nhóm, nhưng các họa sĩ tên tuổi của trường phái này đều có những lý tưởng tương đồng. Họ tập trung vào những cách nhìn nhận chủ quan và ý nghĩa biểu tượng mang tính cá nhân, hơn là quan sát thế giới bên ngoài theo cách chân thực. Họ thường đạt được lý tưởng này thông qua hình thức trừu tượng.







Các họa sĩ hậu ấn tượng gồm có Georges Seurat, nổi tiếng vì kỹ thuật “điểm họa” (pointillism), sử dụng những chấm nhỏ, tách biệt để định hình bức tranh. Vincent van Gogh cũng là một họa sĩ hậu ấn tượng, ông tìm cách bộc lộ cá tính thông qua tranh mình vẽ, thường thể hiện qua những nét cọ thô và tông màu tối.


Trường phái Dã thú – Fauvism (1900–1935)


Dưới sự dẫn dắt của Henri Matisse, trường phái Dã thú phát triển trên nền tảng nghệ thuật của Vincent van Gogh và George Seurat. Như là những nhà tiên phong (avant -garde) đầu tiên, hay cũng là trường phái đầu tiên của thế kỷ 20, phong cách nghệ thuật này nổi bật qua việc sử dụng màu sắc, đường nét và nét cọ rất mạnh mẽ, cảm giác về bề mặt rất rõ nét và bố cục tranh phẳng.






Có thể thấy trong nhiều tác phẩm của chính Matisse, sự tách biệt màu sắc ra khỏi mục đích mô tả và biểu trưng của nó là một trong những thành tố cốt lõi định hình nên trường phái này. Dã thú là trường phái nghệ thuật báo hiệu sự ra đời của trường phái lập thể và trường phái biểu hiện sau này.


Trường phái biểu hiện – Expressionism (1905–1920)


Sự ra đời của trường phái Biểu hiện như là phản ứng trước sự xung đột ngày càng mãnh liệt giữa những cách nhìn nhận thế giới khác nhau, và sự suy thoái của giá trị tinh thần. Nghệ thuật biểu hiện cố gắng biểu đạt những điều xuất hiện trong chính bản thân họa sĩ, sử dụng hình dạng méo mó, màu sắc mạnh mẽ để diễn tả sự lo lắng và những cảm xúc tự nhiên. Họa sĩ theo trường phái biểu hiện lên đường kiếm tìm giá trị chân thực. Họ tìm những nguồn cảm hứng mới, không có trong nghệ thuật phương Tây và những bảo tàng dân tộc thường hay lai vãng, mà trong những truyền thống dân gian và nghệ thuật của các bộ tộc nằm ngoài châu Âu (tribal art).

Gốc gác của trường phái Biểu hiện liên quan tới họa sĩ Vincent van Gogh, Edvard Munch và James Ensor. Các nhóm họa sĩ tiêu biểu như Die Brücke (Nhóm cây cầu – The Bridge) và Der Blaue Reiter (Nhóm Kỵ sĩ xanh – The Blue Rider) ra đời, giúp họa sĩ có nơi trưng bày tác phẩm và nêu lên tiếng nói chung.








Trường phái Lập thể – Cubism (1907–1914)


Trường phái Lập thể là con đẻ của họa sĩ Pablo Picasso và Georges Braque, những người chối bỏ quan điểm nghệ thuật nên sao chép tự nhiên. Họ tránh xa những kỹ thuật quy luật phối cảnh truyền thống, thay vào đó, họ tạo ra những đối tượng được hình khối hóa hoàn toàn trừu tượng. Nhiều tác phẩm của giới họa sĩ theo trường phái Lập thể nổi bật bởi bề mặt hai chiều phẳng lì, các dạng hình học hay “dạng khối” của vật thể, cùng nhiều điểm nhìn khác nhau. Thông thường không dễ nhận ra rõ đề tài của tác phẩm.









Trường phái Siêu thực – Surrealism (1916–1950)


Trường phái Siêu thực phát sinh từ trào lưu nghệ thuật Dada năm 1916, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chối bỏ lý trí. Các họa sĩ theo trường phái Siêu thực lên án đầu óc duy lý. Họ phê phán cách lối suy nghĩ về các sự kiện như Thế chiến I và tin rằng lối suy nghĩ này sẽ kìm hãm trí trí tưởng tượng. Giới họa sĩ theo trường phái này chịu ảnh hưởng của Karl Marx và lý thuyết được phát triển bởi Sigmund Freud – nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực phân tâm học và sức mạnh của trí tưởng tượng.





Ý

Các họa sĩ Siêu thực nổi tiếng như Salvador Dalir tận dụng tư duy vô thức để khắc họa những điều huyền bí ẩn hiện trên đường phố và trong cuộc sống thường ngày. Cụ thể, tranh của Dali kết hợp giữa những giấc mơ kỳ quái nhưng sống động với sự chính xác vê mặt lịch sử.


Trường phái Biểu hiện trừu tượng – Abstract Expressionism (thập niên 1940– thập niên 1950)


Trường phái Biểu hiện trừu tượng xuất hiện ở New York sau thế chiến II, kế thừa những di sản mà trường phái Siêu thực để lại. Trường phái này cũng thường được gọi là trường phái New York hoặc hội họa hành động (action painting). Họa sĩ và điêu khắc gia theo trường phái này phá vỡ những quy ước truyền thống, sử dụng tài ứng biến và tính tự phát để sáng tạo nên những tác phẩm mỹ thuật trừu tượng. Nhiều tác phẩm lớn đến nỗi không thể treo trên khung đỡ được mà phải đặt trực tiếp lên sàn nhà.

Danh họa trường phái Biểu hiện trừu tượng gồm có Jackson Pollock, nổi tiếng với phong cách vẽ vảy màu độc nhất vô nhị, và Mark Rothko với cách sử dụng những khối màu lớn để truyền đạt cảm thức về tinh thần.






Mỹ thuật Quang học – Op Art (thập niên 1950 – thập niên 1960)


Được trợ lực bởi những tiến bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như mối quan tâm dành cho hiệu ứng quang học và ảo giác, trào lưu mỹ thuật Quang học – Op art (“Op” là viết tắt của “Optical” – Quang học) ra đời cùng với Le Mouvement, một triển lãm nhóm tổ chức ở Galerie Denise Rene vào năm 1955. Họa sĩ theo trào lưu này sử dụng các hình dạng, màu sắc và hoa văn để tạo ra những hình ảnh dường như đang chuyển động hoặc mờ dần, thông thường họ dùng màu đen trắng nhằm tạo ra độ tương phản tối đa. Hình ảnh trừu tượng dạng này vừa kích thích, vừa khiến mắt cảm thấy bối rối.

Họa sĩ người Anh Bridget Riley là một trong những nhân vật đại diện tiêu biểu nhất của mỹ thuật Quang học. Tác phẩm Blaze bà vẽ năm 1964 sử dụng những đường dích dắc đen trắng để tạo ra ảo giác hình vòng tròn.









Nghệ thuật Đại chúng – Pop Art (thập niên 1950 – thập niên 1960)


Nghệ thuật Đại chúng (Pop art, “Pop” là viết tắt của “Popular” – (mang tính) đại chúng) là một trong những bước phát triển nghệ thuật nổi bật nhất nhất thế kỷ 20. Trào lưu này rời xa các phương pháp ứng dụng trong trường phái Biểu hiện trừu tượng, mà thay vào đó, sử dụng đối tượng tồn tại trong thực tế của cuộc sống thường nhật để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, tạo nên thách thức cho cả người tiêu dùng và truyền thông đại chúng.  Việc giới thiệu những hình ảnh dễ nhận biết như vậy là một bước chuyển dịch từ định hướng của chủ nghĩa hiện đại.


Các họa sĩ theo phái nghệ thuật đại chúng như Andy Warhol và Roy Lichtenstein, bỏ công xây dựng nên quan điểm rằng nghệ thuật có thể thu hút được bất kỳ nguồn lực nào và không hệ thống cấp bậc về văn hóa nào có thể phá vỡ điều đó. Có lẽ tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của nghệ thuật đại chúng là Lon súp của Campbell –  Campbell’s Soup Cansdo do Andy Warhol sáng tác.








Arte Povera (thập niên 1960)


Arte Povera, dịch theo nghĩa đen là “nghệ thuật nghèo nàn”, thách thức các hệ thống hiện đại chủ nghĩa đương thời bằng việc đưa những vật liệu tầm thường vào tạo tác. Nghệ sĩ sử dụng đất, đá, giấy, dây thừng và những vật liệu bằng đất khác nhằm gợi lên cảm giác thời tiền công nghiệp. Vì lý do này, nhiều tác phẩm danh tiếng của trào lưu Arte Povera thuộc thể loại điêu khắc.

Nghệ sĩ Italia Mario Merz, cùng với nhiều nghệ sĩ người Italia khác như Giovanni Anselmo và Alighiero Boetti, sáng tạo ra các tác phẩm chống lại chủ nghĩa tinh anh (anti-elitism), thông qua việc sử dụng vật liệu khai thác từ cuộc sống thường nhật. Tác phẩm Lều của tướng Giáp – Giap’s Igloo được ông sáng tác năm 1968, sớm trở thành một trong những tác phẩm ông tự hào nhất. Tác phẩm này thể hiện quan điểm của ông về một nơi cư trú, với những điều cần thiết nhất trong cuộc sống: nơi trú trụ, sự ấm áp và thực phẩm.






Chủ nghĩa Tối giản – Minimalism (1960s–1970s)

10883-1ikhn3binoqxm11bf34iheq.jpeg.webp

Một trong số Những bức vẽ đen của Frank Stella.

Trào lưu Tối giản chủ nghĩa ra đời ở New York khi một nhóm họa sĩ trẻ bắt đầu xem xét các tác phẩm bộc lộ thái quá của giới họa sĩ Biểu hiện trừu tượng. Nghệ thuật Tối giản, thay vào đó, tập trung vào tính “ẩn danh”, kêu gọi sự chú ý tới tính vật chất của tác phẩm. Qua việc sử dụng những hình dạng thuần nhất, trật tự sắp đặt, tính đơn giản và yếu tố hài hòa, họa sĩ thúc giục khán giả tập trung đích xác vào thứ đang hiện hữu trước mắt họ, chứ trong lúc đó đừng để ý thực tại bên ngoài và ý nghĩ cảm xúc nữa.







Họa sĩ người Mỹ Frank Stella là một trong những người đầu tiên đi theo chủ nghĩa Tối giản, ông sáng tác nhiều bức họa phi biểu tả (non-representational), như ta thấy trong loạt tác phẩm Những bức vẽ đen – Black Paintings mà ông hoàn thành trong giai đoạn 1958-1960. Mỗi bức tranh đều chứa mẫu hoa văn dạng đường kẻ sọc, độ rộng đồng nhất, và được in bằng mực có màu đen kim loại.


Nghệ thuật Khái niệm – Conceptual Art (thập niên 1960s– thập niên 1970)






Tác phẩm Một và Ba chiếc ghế của Joseph Kosuth, năm 1965.

Nghệ thuật Khái niệm hoàn toàn chối bỏ những trào lưu nghệ thuật diễn ra trước đó, các nghệ sĩ thuộc trào lưu này đánh giá ý tưởng cao hơn tất thảy các thành phần trực quan khác, họ sáng tạo nghệ thuật dưới hình thức biểu diễn, tác phẩm mang tính tạm thời và các dạng thức khác. Tác phẩm Thơ ca tích cực – Active Poetry của nghệ sĩ biểu diễn người Ba Lan Ewa Partum, bao gồm các chữ cái đặt phân tán trên nhiều quang cảnh khác nhau. Nghệ sĩ người Mỹ Joseph Kosuth khám phá ra vai trò cũng như cách sử dụng của ngôn ngữ trong nghệ thuật, như có thể thấy trong tác phẩm Một và Ba chiếc ghế – One and Three Chair ra đời năm 1965. Ở tác phẩm này, ông thể hiện chiếc ghế theo ba cách khác biệt nhằm diễn tả các ý nghĩa khác nhau của cùng một đối tượng. Vì loại hình nghệ thuật này tập trung vào ý tưởng và khái niệm, nên không tồn tại phong cách hay dạng thức dễ nhận.


Nghệ thuật Đương đại – Contemporary Art (1970–present)


Thập niên 1970 đánh dấu khởi đầu của nền nghệ thuật đương đại, và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Thời kỳ này chứng kiến sức ảnh hưởng của nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau cũng như sự xuất hiện của nhiều trào lưu nhỏ.

  • Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Postmodernism): Nhằm phản ứng lại chủ nghĩa hiện đại, nhiều họa sĩ sáng tác tác phẩm để qua đó phản ánh chủ nghĩa hoài nghi, châm biếm và phê bình triết học.
  • Nghệ thuật phong trào nữ quyền (Feminist art): Trào lưu nghệ thuật này trỗi dậy với sứ mệnh thay đổi những định kiến và phá vỡ hiện trạng nền nghệ thuật do nam giới thống trị.
  • Trường phái Tân biểu hiện (Neo Expressionism):  Họa sĩ tìm cách hồi sinh những khía cạnh nguyên bản của Trường phái Biểu hiện, và sáng tạo ra những tác phẩm lớn, có giá trị biểu đạt và tạo cảm giác bề mặt.
  • Nghệ thuật đường phố (Street art): Các nghệ sĩ như Keith Haring, Jean-Michel Basquiat, Barry McGee, Banksy và nhiều người khác nữa, sáng tác nghệ thuật tương tự graffiti trên những mặt phẳng ở nơi công cộng như vỉa hè, tòa nhà và cầu chui.
  • Thế hệ tranh ảnh (The Pictures Generation): Chịu ảnh hưởng những hình ảnh dễ nhận biết của nghệ thuật Đại chúng và nghệ thuật Khái niệm, Artists Cindy Sherman, Louise Lawler, Gary Simmons và nhiều nghệ sĩ khác, say mê khám phá những hình ảnh đã định hình nên cách chúng ta nhìn nhận thế giới.
  • Nghệ thuật chuyển dụng (Appropriation art): Trào lưu này tập trung vào việc sử dụng hình ảnh ít bị biến đổi so với nguyên bản.
  • Các nghệ sĩ trẻ người Anh (Young British Artists – YBA): Nhóm nghệ sĩ London này nổi danh vì họ sẵn sàng khiến khán giả phát sốc qua những hình ảnh họ sáng tạo, và vì họ cũng không ngại vượt ra ngoài khuôn khổ của phép lịch sử. Họ cũng được biết tới vì niềm đam mê và tinh thần bất chấp (entrepreneurial ?).
  • Nghệ thuật điện tử (Digital art): Sự xuất hiện của máy ảnh đã mở đường cho hình thức thể hiện nghệ thuật này phát triển, qua đó cho phép nghệ sĩ kết hợp cả nghệ thuật và công nghệ để sáng tạo qua những phương tiện như máy tính, phần mềm hình ảnh và âm thanh, tiếng động và điểm ảnh (pixel).










Dịch từ: https://www.invaluable.com/blog/art-

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates