Bối cảnh giáo dục và ứng dụng công nghệ trong giáo dục hiện nay
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO dự báo: Công nghệ thông tin (CNTT) sẽ làm thay đổi nền giáo dục một cách cơ bản và toàn diện, có hệ thống và mang tính hội nhập cao vào đầu thế kỉ XXI. Sự bùng nổ và phát triển về công nghệ giáo dục sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người (“dạy học cho mọi người và mỗi người”, “sự gia tăng tri thức và nhu cầu chia sẻ”, “tập trung hóa kiến thức và dịch chuyển năng lực”, “các yếu tố bền vững, truyền thống và sự hội nhập trong không gian giáo dục”…). Quá trình này dẫn đến sự cần thiết phải nhìn nhận lại giá giá trị và ý nghĩa của việc dạy học (giáo dục nói chung) dưới góc độ mối quan hệ giữa sự phát triển của công nghệ và những thay đổi về bản chất của quá trình thực thi các chương trình giáo dục.
Vấn đề định hướng chiến lược, định vị bản chất thực của giáo dục càng trở nên cấp thiết: cần phải đào tạo, hình thành và phát triển những con người của xã hội, cho xã hội và vì sự phát triển của xã hội. Một hệ thống nội dung thiếu sự gắn kết trực tiếp với đời sống xã hội, quá hàn lâm, kinh viện, bỏ qua những thứ đang hiện hữu trong cuộc sống sẽ là những rào cản trong quá trình đào tạo ra những con người của xã hội hiện nay.
Báo cáo tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 tại Davos với sự tham gia của hơn 2500 nhân vật ảnh hưởng và quyền lực nhất thế giới đã chia sẻ con số đáng suy ngẫm: 65% số người học vẫn học những thứ liên quan đến nghề nghiệp tương lai mà hiện nay đã không còn tồn tại; 47% nghề nghiệp hiện nay sẽ được chuyển sang tự động hóa trong 2 thập kỉ tới và đến năm 2020, hơn 50% nội dung dạy học trong nhà trường các cấp sẽ không còn hữu dụng trong vòng 5 năm sau đó (Klaus Schwab, 2016).
Những sự thay đổi mang tính thách thức toàn cầu hiện nay đang chịu tác động của 4 nhóm yếu tố: i) tác động xã hội; ii) hành động chiến lược; iii) tài năng và nhân lực lao động; iv) tác động công nghệ (Bersin, Deloitte Consulting LLP, 2018). Cũng trong báo cáo này, Tổ chức Deloitte Consulting đã chỉ rõ 7 nhân tố đột phá (disruptors) sẽ xuất hiện trong tương lai gần, bao gồm: sự xuất hiện của công nghệ khắp mọi nơi; cơn bão dữ liệu; sự da dạng và thay đổi nhanh chóng của lớp người thế hệ trẻ; sự thay đổi nhanh chóng về bản chất của nghề nghiệp; trí tuệ nhân tạo, máy tính biết nhận thức và robot; tự động hóa trong công việc; và sự bùng nổ đội quân lao động làm công việc ngẫu nhiên (Deloitte Consulting, 2018).
Không phải ngẫu nhiên khi trong lộ trình tìm kiếm những khả năng dung hòa các yêu cầu của xã hội với năng lực đáp ứng của nhà trường, cơ hội học tập được cung cấp và yêu cầu phát triển cá nhân, công nghệ (mà trước hết là công nghệ thông tin -CNTT) luôn được ưu tiên lựa chọn như một giải pháp “đặt cược niềm tin”! Trong bối cảnh hiện nay, các thành tố cấu thành nên một quá trình giáo dục, nền giáo dục cần được nhìn nhận trong mối quan hệ biện chứng giữa sự tích lũy, làm giàu và chia sẻ thông tin, kiến thức phục vụ cho các “công dân số” (digital citizen). Do vậy, sự can dự của CNTT là điều tất yếu để giải quyết “nhóm mâu thuẫn chính” ngày càng sâu sắc giữa:
- Sự gia tăng và dịch chuyển dân số, năng lực nghề nghiệp mới, khả năng thích ứng trước sự thay đổi công việc nhanh chóng (với số lượng việc làm mất đi và xuất hiện trong thời gian rất ngắn, tần suất cao)…với quá trình giáo dục cho mọi người, cho mỗi người và học tập suốt đời;
- Sự công bằng trong tiếp cận và nhu cầu đa dạng, không giới hạn về giáo dục, tiếp cận tri thức mới;
- Tính cạnh tranh về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực (công dân số);
- Quá trình sản xuất của cải và “sản sinh” tri thức; những yêu cầu về năng lực mới của người học trong thế kỉ 21 và sự đáp ứng của các thiết chế giáo dục, đào tạo…
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu...; đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho sự phát triển”. Để phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nhất thiết phải đổi mới căn bản các quá trình giáo dục theo hướng ứng dụng các công nghệ mới, phát huy tính tích cực chủ động của người học để nâng cao chất lượng giáo dục. Tinh thần đó đã được gợi mở và thể hiện xuyên suốt 7 quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của trong Nghị quyết TW 8, khóa XI của BCH TƯ Đảng (Nghị quyết 29).
2. Các xu thế công nghệ trong giáo dục hiện nay
Tiếp cận giáo dục, dạy học thông minh được nhắc đến từ những năm đầu thế kỉ XXI và ngày càng được nghiên cứu và phát triển theo các mô hình đa dạng (4C - Kĩ năng thế kỉ 21, CBE - dạy học phát triển năng lực, OBE - dạy học theo tiếp cận đầu ra, dạy học theo mô hình VSK - giá trị, kĩ năng, kiến thức v.v.). Trong đó nhấn mạnh đến sự chuyển đổi từ cách dạy học truyền thống sang một phương thức mới theo tiếp cận công nghệ với các mô hình dạy học phi truyền thống.
Về tổng thể, giáo dục thông minh (SMART Education) được hiểu là “sự tích hợp toàn diện công nghệ, khả năng tiếp cận và kết nối mọi thứ qua Internet bất cứ lúc nào và ở đâu” (Uskov, V., Howlet, R. Jain, L., 2017); cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện mọi mặt dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT, bao gồm: lớp học thông minh (Smart Classroom-SmCl), môi trường thông minh (Smart Environment-SmE), người dạy thông minh (Smart Teacher-SmT), khuôn viên thông minh (Smart Campus-SmC), nhà trường thông minh (Smart School-SmS). Trong các nghiên cứu, việc đánh giá hoạt động giáo dục (nhà trường) thông minh được dựa trên các tiêu chí sau: sự sẵn sàng chấp nhận và thích ứng công nghệ, các chỉ số xác định về ứng dụng công nghệ, mức độ “thông minh” của các tác vụ, hoạt động trong lớp học, nhà trường, trang bị hạ tầng cơ sở vật chất.
Trong mô hình “SMARTER Education” các thành tố được thiết lập theo một hệ thống chỉnh thể, có tác động tương hỗ, thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục. Với các thành tố bao gồm: S (self-directed): tự định hướng; M(motivated): tạo động lực; A (adaptive): tính thích ứng cao; R (resources): các nguồn lực, tài nguyên, học liệu mở rộng; T(technology): dựa trên nền tảng công nghệ; E (engagement): khuyến khích sự tham gia; R (relevance): sự phù hợp. Mô hình này có thể tác động mạnh vào quá trình giáo dục theo những chiều hướng sau:
- Sự thay đổi trong kì vọng của người học và khả năng đáp ứng của các nhà trường (khả năng thích ứng, có việc làm và tự tạo việc làm sau tốt nghiệp; khả năng duy trì và phát triển chuyên môn nghề nghiệp; cơ hội học tập suốt đời…);
- Sự đa dạng hóa các “sản phẩm giáo dục”, quá trình đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục nhờ cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi giá trị trong giáo dục;
- Sự thay đổi trong mối quan hệ, vai trò, vị trí của người dạy và người học trong quá trình dạy học, trong hệ sinh thái giáo dục;
- Sự thay đổi của môi trường dạy học, khuôn viên học tập với các dạng học liệu đa chức năng;
- Sự thay đổi các mô hình quản lí, điều hành trong giáo dục, dạy học trên nền tảng kĩ thuật số mới.
Về bản chất, với sự trợ giúp của công nghệ mới, giáo dục thông minh cần phải tạo được một phương thức hoàn toàn khác với giáo dục mang tính đại trà, “đồng phục”, hướng đến sự phân hóa, cá thể hóa và cá nhân hóa cao độ. Hệ thống kết nối con người - thông tin - vật thể, máy móc tạo thành một chuỗi liên kết trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyến đổi thiết chế giáo dục thành một hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo. Như vậy, thay vì cung cấp kiến thức, nội dung dạy học, “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” theo chương trình cứng nhắc, các nhà trường nên đào tạo kĩ năng (sử dụng thông tin, kiến tạo tri thức và ra quyết định), ươm tạo tài năng, phát triển tầm nhìn cho người học, với mô hình “một người học, đa chương trình, đa khuôn viên”.
Trong bối cảnh đó có thể nhìn nhận giáo dục như là một quá trình công nghệ, sản phẩm công nghệ có thể đóng gói, chuyển giao và như là một quá trình ứng dụng, thẩm thấu các thành tựu của lĩnh vực công nghệ khác.
2.1. Nền tảng số cho giáo dục (Digital education platform)
Năm 2012 UNESCO đã khuyến cáo về xu thế và khả năng giáo dục vượt ra khỏi những bức tường lớp học và nhà trường truyền thống để vươn tới một không gian giáo dục “suốt đời” và “hướng vào cuộc sống” (Life-long and life-wide learning), tạo công bằng, cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người. Cách tiếp cận này đã gợi mở cho hàng loạt các hình thức giáo dục/dạy học mới (chính thức hoặc không chính thức trên nền tảng chia sẻ kiến thức và mang tính xã hội sâu rộng), được đặt trong một phạm trù khái quát là giáo dục số (Digital education), bao gồm một số nền tảng chính:
- E-learning (Electronic learning): Dạy học điện tử với khả năng tổ chức các không gian giáo dục, học tập mở, khả năng tương tác mạnh mẽ giữa các chủ thể tham gia và thông tin kiến thức (bao gồm các phương thức dạy học trực tuyến - Online learning và dạy học hỗn hợp hợp - Blended learning; dạy học đảo ngược - Flipped learning).
- M-learning (Mobile learning): Dạy học linh hoạt với khả năng đáp ứng tối đa các nhu cầu học tập, phát triển cá nhân.
- U-learning (Ubiquitous learning): Dạy học linh hoạt tức thời (just in time) với khả năng đáp ứng, chia sẻ nhanh chóng tại bất kì thời điểm, không gian, địa điểm nào với bất kì nhu cầu học tập nào của người học.
- Hệ thống khóa học trực tuyến mở rộng (Massive Online Open Courses - MOOCs), hệ thống khóa học đặc thù riêng cho cá nhân (Small Private Online Courses - SPOCs): là một nền tảng các khóa học trực tuyến miễn phí đáp ứng tối đa nhu cầu học tập theo năng lực, sở thích và điều kiện hoàn cảnh cá nhân; tăng cơ hội tiếp cận và sự tham gia của người học theo phương thức giáo dục mở và trực tuyến.
Các hạ tầng của giáo dục số trong bối cảnh ứng dụng kết nối vạn vận trên nền tảng Internet (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây hiện nay đã mang lại nhiều cơ hội và khả năng to lớn giúp cho việc tái tạo, sản sinh tri thức, chia sẻ thông tin, “san bằng” các rào cản trong việc tiếp cận kiến thức. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của công nghệ, giáo dục số sẽ dần trở thành một “hình thái quan hệ học tập mới” làm thay đổi mô hình dạy học vốn tồn tại khá lâu theo hệ hình từ trên xuống (Top - Down) hoặc dưới lên (Bottom - Up) sang hệ hình mạng lưới, mang tính chia sẻ xã hội (Social sharing) trong đó, người học sẽ trở thành trung tâm của mạng lưới học tập mang tính xã hội.
2.2. Người học số (Digital learner)
Cùng với các cơ hội tiếp cận công nghệ mới trong giáo dục, người học ngày càng trở thành “trung tâm của việc học của chính họ”, tự do hơn trong định hướng và lựa chọn nội dung theo nhu cầu và quá trình học tập, do đó, càng mang dấu ấn “cá nhân hóa” một cách đậm nét hơn. Mặt khác, công nghệ cũng hỗ trợ và cho phép bất kì người học nào cũng có thể tìm kiếm, đóng góp, chia sẻ, xử lí dữ liệu, biến họ trở thành “người đồng sáng tạo ra tri thức mới” để đóng góp vào “trí thông minh của số đông”.
Theo xu hướng này, quá trình dạy học ngày càng hướng đến người học mạnh mẽ, được chuyển hóa định hướng theo các nhánh:
- Dạy học chính thức theo chương trình được xác lập (bao gồm cả dạy học trực tiếp và trực tuyến);
- Dạy học theo định hướng cá nhân (các nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu riêng của cá nhân, định hướng bởi năng lực, tốc độ, sở thích của cá nhân…);
- Dạy học theo định hướng nhóm bên trong một thiết chế tổ chức cụ thể (ví dụ, một lớp học, trong nhà trường,…) và nhóm mạng lưới (đáp ứng các nhu cầu của nhóm mạng lưới bên ngoài tổ chức);
- Dạy học ngẫu nhiên (học cái gì, học ở ai, vào bất cứ thời điểm nào theo nhu cầu cá nhân, “ngẫu nhiên, tình cờ”).
Quá trình số hóa và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục số thúc đẩy mạnh mẽ việc sản sinh nội dung tri thức, biến các nội dung dạy học theo những định dạng thông thường trước đây thành các gói siêu dữ liệu (Meta-data), “nội dung di động” (Mobile/potable content) bằng các phương thức khác nhau (trên nền tảng trực tuyến) đáp ứng nhu cầu của xã hội thông tin.
Trong quá trình tự định hướng học tập, lựa chọn các nội dung phù hợp theo nhu cầu, phong cách học, sở thích và định hướng nghệ nghiệp của cá nhân, người học số sẽ lựa chọn các thiết bị di động cầm tay (wearable devices) phù hợp, có khả năng tương tác đa diện, đa chiều, đa đối tượng; sử dụng các Apps giáo dục (ứng dụng chạy trên nền tảng thiết bị di động) để kết nối dễ dàng với cơ sở dữ liệu lớn, các nguồn học liệu số đa định dạng (game học tập, mô phỏng, 3D tương tác, E-book tương tác, video tương tác 3600…).
Hiện nay, tiếp cận dạy học cho phép sử dụng thiết bị cầm tay trong lớp học BYOD đang là xu hướng phổ biến hiện nay trong giáo dục trên thế giới. Máy tính bảng, máy tính xách tay, thiết bị kết nối thông minh (bảng, thiết bị dạy học thông minh…) cho phép người học sử dụng các nền tảng điện toán đám mây, hạ tầng Web… để dễ dàng chia sẻ, tương tác trong học tập, thay thế các công cụ thiết bị dạy học truyền thống (bảng, sách, tài liệu in, đồ dùng thiết bị dạy học trực quan v.v.).
2.3. Người dạy số (Digital teacher/educator)
Ứng dụng các công nghệ mới hiện nay, người học có thể kết nối với các nguồn thông tin đa dạng về lĩnh vực, phong phú về định dạng, vượt ra khỏi khuôn viên vật lí của nhà trường. Điều này đặt thêm yêu cầu mới bổ sung vào hệ thống chức năng nhiệm vụ của người dạy/nhà giáo dục: “nhà kết nối”, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và đánh giá xác thực các quá trình giáo dục bằng giải pháp công nghệ số. Đây cũng cơ hội và thách thức đối với các cơ sở đào tạo giáo viên thế hệ mới, những người sẽ phải làm chủ các công nghệ giáo dục.
Trên nền tảng công nghệ, người dạy thực hiện vai trò kết nối tức thời (just in time) người học với nguồn dữ liệu, học liệu, kết nối cộng đồng người học với nhau, các chủ thể liên quan (Stakeholders) và với các môi trường học tập mới (thực-ảo) giàu tính trải nghiệm. Đồng thời chính “thầy giáo số” cũng là người sẽ hỗ trợ người học tiếp cận, chấp nhận và truyền cảm hứng cho người học để sử dụng công nghệ, xóa bỏ hội chứng sợ công nghệ (Technophobia) trên các nền tảng kết nối số, dạy học trực tuyến, dạy học hỗn hợp, dạy học đảo ngược, tương tác thông minh qua các Apps ứng dụng… Mặt khác, để thực hiện vai trò kết nối số, người dạy cần liên tục học hỏi, tiếp cận, cập nhật và quản lí được các nhóm giải pháp công nghệ giáo dục (theo thống kê, hiện có khoảng 4 lĩnh vực, hơn 30 nhóm giải pháp lớn với hơn 2000 công cụ hỗ trợ dạy học. Đó là chưa kể đến hàng ngàn Apps dạy học liên tục được cập nhật, bổ sung và phát triển).
Việc xuất hiện xu hướng sử dụng các Apps hỗ trợ học tập với tư cách là “nhà giáo ảo”, sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối Internet vạn vật (IoT), máy học (Learning machine), học sâu (Deep learning), Robot dạy học…Các giải pháp này không chỉ nới rộng không gian, cơ hội, làm tăng chất lượng học tập cho người học mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho “người dạy số” trên các phương diện: tổ chức quá trình dạy học (trong các thiết chế giáo dục chính thức, không chính thức và phi chính thức, thu hút sự tham gia, cung cấp các dịch vụ học tập đa dạng, quản lí và đảm bảo chất lượng…
2.4. Học liệu số (Digital learning resources)
Cùng với sự bùng nố hiện nay của công nghiệp nội dung số (DCI), lĩnh vực giáo dục nói chung và phát triển học liệu số nói riêng đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ. Các nguồn dữ liệu thông tin, nội dung kiến thức giáo dục đầu vào được số hóa (thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ) và chuyển giao qua công cụ số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về “đa giác quan hóa” và tương tác mạnh cho người học. Được phát triển trên nền tảng, công cụ số theo nguyên tắc giàu nội dung, đa định dạng, tương tác mạnh, tái sử dụng, dễ tiếp cận, tra cứu, chia sẻ và đóng góp… học liệu số dần trở thành mục tiêu, phương tiện hữu hiệu trong các quá trình giáo dục.
Không chỉ dừng lại ở việc “số hóa văn bản” hay “học liệu mở” như trước đây, các ứng dụng “game hóa” (gamification) tăng cơ hội nhập vai (immersive) và nhúng người học vào các môi trường thực-ảo để giải quyết vấn đề; mô phỏng thực tế 3D (3D simulation), hoạt hình (animation), tạo ảnh (hologram), tạo video, bài giảng bằng trí tuệ nhân tạo, E-book tương tác…đã giúp học liệu số không chỉ còn thuần túy cung cấp thông tin, nội dung học tập mà còn tạo khả năng tương tác mạnh với những nội dung đó cho người học.
2.5. Môi trường học tập số (Digital learning environment)
Việc áp dụng các nền tảng số trong giáo dục tạo ra các cơ hội để: i) kết nối hạ tầng trong mọi lĩnh vực, mọi khâu của quá trình giáo dục và đào tạo; ii) tăng khả năng tương tác và sự linh hoạt cho người học trong không gian và thời gian thực-ảo, môi trường học tập thực-ảo (Physical-cyber environment interaction) dựa trên nền tảng số.
Quá trình tương tác của người học với các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng Robot trong dạy học, công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face recognition), tâm trắc (Biometrics), nhận diện cảm xúc (Emotive recognition)… sẽ tạo ra các cơ hội tiếp cận thông tin mới mẻ, đa dạng và hiệu quả hơn đối với học tập cá nhân hóa.
Thực tế ảo (VR)/thực tế tăng cường (AR)/thực tế hỗn hợp (MR)/thực tế tạo ảnh (CR)… sẽ tạo ra các cơ hội tương tác trong không gian vật chất/ảo, đa chiều, tăng khả năng tiếp cận, xử lí thông tin; nới rộng không gian, môi trường học tập; phát triển năng lực tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề.
Trong thời gian tới, công nghệ trong giáo dục được dự báo là sẽ tiếp tục tạo nên những tiền đề thuận lợi để tổ chức các quá trình giáo dục mới về chất theo những xu hướng sau: Tăng tính tương tác cá nhân hóa cao độ trong tổ chức hoạt động với người học với các “gói” nội dung mở, linh hoạt; Tăng cơ hội, lịch trình, thời gian, không gian học tập mở, lớp học/môi trường học tập ảo; Tạo chuỗi giá trị và gắn kết cao giữa cộng đồng người học với đơn vị đào tạo (kể cả trường hợp sau khi tốt nghiệp), đơn vị tuyển dụng; Tạo dựng chuỗi liện kết, hệ sinh thái giáo dục đổi mới và sáng tạo.
3. Sự chuyển đổi số trong Đại học Quốc gia Hà Nội
Mục đích chính trong định hướng phát triển giáo dục thông minh tại Đại học Quốc gia Hà Nội là tiến tới xây dựng và vận hành mô hình đại học số, hệ sinh thái trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm tiếp cận công nghệ 4.0, tạo sự liên kết hữu cơ giữa các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo, mang tính liên ngành cao; đổi mới một cách tổng thể, hệ thống từ công nghệ dạy học đến các hoạt động học tập, thực tế, giáo trình, học liệu, cơ sở vật chất, năng lực tiếp cận công nghệ của đội ngũ giảng viên và các nhà nghiên cứu (Kế hoạch thực hiện đổi mới hoạt động giảng dạy ở ĐHQGHN giai đoạn 2019-2025). Trên cơ sở đó, các đơn vị thành viên chủ động đề xuất các giải pháp triển khai cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị mình.
Trong 2 năm trở lại đây ĐHQGHN đã triển khai đồng loạt, có hệ thống các giải pháp tổng thể ứng dụng và phát triển công nghệ giáo dục số, đại học số, theo hướng áp dụng các công nghệ dạy học tiên tiến, dạy học cá nhân hóa và phát huy tinh thần khởi nghiệp, tăng khả năng thích ứng của người học với thị trường lao động, phát huy thế mạnh của ĐHQGHN ở tính liên thông, liên kết, liên lĩnh vực, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ dùng chung, mạng lưới rộng lớn kết nối với các cơ sở đại học uy tín trên thế giới… Lần lượt hàng loạt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện được bạn hành, làm rõ các nhiệm vụ cần thực hiện cho các đơn vị thành viên hướng đến xây dựng đại học số trong toàn ĐHQGHN. Các đề tài, dự án chuyển đổi theo hướng đầu tư mạnh về hạ tầng số, nghiên cứu và chuyển giao các qui trình, giải pháp công nghệ giáo dục (phòng thí nghiệm chuyên đề, thực hành thí nghiệm, thư viện số, lab công nghệ, trường quay ảo, phát triển học liệu số…). Đồng thời ĐHQGHN cũng đã tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn, lấy ý kiến chuyên gia giáo dục, công nghệ, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục trong và ngoài nước (Hàn Quốc, Hoa Kì, Ireland…) phục vụ trực tiếp cho đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm.
Năm 2018 đáp ứng yêu cầu và xu hướng “giáo dục thông minh” Trường Đại học Giáo dục đã thành lập Khoa Công nghệ Giáo dục, phát triển một số ngành đào tạo mới trên nền tảng ứng dụng các công nghệ (Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ Giáo dục, Quản trị chất lượng, Tham vấn học đường) và cơ chế phối thuộc giữa các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN (Trường Đại học Công nghệ, Viện Công nghệ thông tin, Viện Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Kinh tế...). Chương trình cử nhân Quản trị Công nghệ Giáo dục được thực hiện theo hướng áp dụng các công nghệ mới trong giáo dục, dạy học tích cực, tăng cường thực hành, dạy học dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, khuyến khích tạo ra các sản phẩm đầu ra có khả năng ứng dụng cao; tăng thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, thực hiện các dự án học tập. Tính mới, hiện đại và khả năng đáp ứng xu thế công nghệ 4.0 trong giáo dục của chương trình thể hiện ở sự cân đối giữa các khối kiến thức học phần về công nghệ, khoa học giáo dục, khoa học quản trị và hội nhập nghề nghiệp. Cấu trúc linh hoạt theo 2 hướng ngành (“Quản trị hệ thống thông tin trong giáo dục và đào tạo trực tuyến, ứng dụng các công nghệ mới trong nhà trường” và “Thiết kế, phát triển và quản trị công nghệ giáo dục thông minh”), phương thức đào tạo Blended learning mềm dẻo, thực hành hội nhập nghề nghiệp ngay từ giai đoạn đầu, hệ thống hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu hiện đại tạo nên sức hấp dẫn nhất định đối với người học. Đây là một chương trình đào tạo hoàn mới, thí điểm, chưa từng có trong danh mục đào tạo và đáp ứng đúng theo xu thế xuyên ngành của giáo dục 4.0.
Trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, năm 2018-2019, Dự án “Chương trình đào tạo giáo viên - học giả nghiên cứu cho khu vực Thái Bình Dương: Ứng dụng công nghệ hình ảnh trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập” (do Quĩ FIRST, Bộ KH-CN tài trợ) được thực hiện với đối tác Hoa Kì (Trung tâm KHXH-NV Quốc gia). Dự án nghiên cứu, phát triển và tích hợp các công nghệ địa không gian (Geospatial Technologies) hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hoặc ngoài thực địa, dạy học STEM và STEAM ở phổ thông; hệ thống thông tin địa lí (Geographic Information System - GIS) và công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR); công nghệ gắn thẻ địa lí (Geo-tag)… để xây dựng các bài giảng. Các sản phẩm đầu ra này của Dự án FIRST được cấu trúc, tích hợp và phát triển trong một dự án giáo dục khác với Đại học Hull (Vương Quốc Anh) nhằm tạo ra các học liệu số trên nền tảng E-book tương tác thế hệ mới (cho các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Ngữ văn), dễ dàng đóng gói và phân phát trên các thiết bị di động và ứng dụng trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, hệ thống các công cụ, giải pháp công nghệ được ứng dụng xuyên suốt trong các hoạt động đào tạo, quản lí quá trình dạy học tại Trường ĐHGD, bước đầu hình thành môi trường dạy học kết nối, cá nhân hóa cao độ trong dạy học tiếp cận công nghệ 4.0 (hồ sơ dạy học điện tử, phòng học và thiết bị thông minh HeyU, HeyC, các ứng dụng Web 2.0, BYOD trong dạy học và kiểm tra đánh giá các học phần…).
4. Kết luận và khuyến nghị
Những dự báo khả quan về xu hướng phát triển mạnh mẽ các công nghệ vật lí, công nghệ số, sinh học môi trường… của nền công nghiệp 4.0 sẽ là những tiền đề, dữ kiện tốt để các nhà giáo dục định hướng lại và thực thi các quan điểm một các đúng đắn. Trong bối cảnh đó, các nhà trường, cơ sở giáo dục (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục) nói chung, cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để khai thác, thích ứng các lợi ích do công nghệ mang lại.
Quá trình này cần được thực hiện đồng bộ, hệ thống trên các phương diện sau:
- Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ bản (hạ tầng nền tảng và giải pháp công nghệ lõi cho các cơ sở giáo dục), chính sách huy động xã hội hóa, tạo cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, triển khai công nghệ giáo dục cùng tham gia với nhà trường trong hoạt động GD-ĐT; thực sự coi giáo dục là bộ phận của nền kinh tế tri thức, áp dụng một cách linh hoạt, khoa học một số nguyên tắc và tiếp cận hoạt động của hình thái kinh tế chia sẻ; Xây dựng các khung pháp lí phù hợp nhằm hỗ trợ thúc đẩy và đánh giá tính hiệu quả các quá trình ứng dụng công nghệ trong giáo dục trước bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay;
- Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lí giáo dục theo tiếp cận công nghệ (IoT, Big Data, Blockchain), quản lí nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn; tạo cơ chế cho nhà trường chủ động xây dựng chương trình tích hợp công nghệ, cho phép sử dụng thiết bị cầm tay kết nối trong lớp học/nhà trường; quản lí hệ thống tổng thể trên nền tảng công nghệ;
- Đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT cho các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân hóa, kết nối mọi chủ thể, đối tượng trong quá trình giáo dục, học mọi nơi, mọi lúc; đáp ứng chỉ số “thông minh” của môi trường học tập, lớp học và nhà trường;
- Tăng cường năng lực, chỉ số đáp ứng CNTT và thiết bị công nghệ hiện đại cho đội ngũ giảng viên, nhà giáo dục; phổ cập học vấn số thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên; nhất là đối với đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp về ứng dụng CNTT và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục;
- Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo nhân lực về công nghệ giáo dục, quản trị các công nghệ giáo dục mới; tích hợp giữa công nghệ thông tin và giáo dục trong các chương trình liên ngành/xuyên ngành; đổi mới chương trình đào tạo giáo viên theo hướng nhà giáo dục-nhà sử dụng và phát triển công nghệ.
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh,
TS. Tôn Quang Cường
Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN