Dẫn nhập
Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây và gắn liền với những bước đột phá quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự bùng nổ của IoT trong tương lai sẽ có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống, công việc và toàn xã hội. Công nghệ IoT đang cho thấy những tiềm năng ưu việt của nó trong việc xây dựng nền tảng cho rất nhiều ứng dụng thông minh, trong đó có các hệ thống thư viện thông minh thế hệ mới. Nhờ có IoT, rất nhiều quy trình công việc sẽ được thay đổi theo hướng tự động hoá nhiều hơn, nâng cao khả năng hoạt động và vận hành của hệ thống, chăm sóc và phục vụ người dùng một cách tốt nhất có thể.
1. Khái quát về công nghệ mạng lưới vạn vật kết nối Internet
1.1.Mạng lưới vạn vật kết nối Internet là gì?
Khái niệm IoT đã manh nha xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên mãi đến năm 1999 cụm từ IoT mới được đưa ra bởi Kevin Ashton, một nhà khoa học đã sáng lập ra Trung tâm Auto-ID ở Đại học MIT (MIT's Auto-ID Center), nơi thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho RFID (một phương thức giao tiếp không dây dùng sóng radio) cũng như một số loại cảm biến khác [1].
Theo Global Standards Initiative on Internet of Things (IoT-GSI) thì IoT là hạ tầng cơ sở toàn cầu phục vụ cho xã hội thông tin, hỗ trợ các dịch vụ (điện toán) chuyên sâu thông qua các vật thể (cả thực lẫn ảo) được kết nối với nhau nhờ vào công nghệ thông tin và truyền thông hiện hữu được tích hợp. Với mục đích ấy, một “vật” là một thứ trong thế giới thực (vật thực) hoặc thế giới thông tin (vật ảo), mà vật đó có thể được nhận dạng và được tích hợp vào một mạng lưới truyền thông [7].
Theo Từ điển Wikipedia, IoT là một liên mạng, trong đó các thiết bị, phương tiện vận tải (được gọi là “thiết bị kết nối” và “thiết bị thông minh”), phòng ốc và các trang thiết bị khác được nhúngvới các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu.
IoT là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet, là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.
Hình 1: Mô tả tương tác của IoT
Có thể hiểu một cách đơn giản IoT là tất cả các thiết bị có thể kết nối với nhau. Việc kết nối có thể thực hiện qua mạng không dây (Wifi), mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G, 5G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại… Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, lò sưởi, máy rửa chén, máy giặt, tai nghe, bóng đèn, máy pha cà phê và rất nhiều thiết bị khác. Tất cả thiết bị và đồ vật trong một ngôi nhà có thể kết nối hài hoà với nhau để tạo nên một ngôi nhà thông minh, trong đó mọi suy nghĩ và hành động của con người đều có thể được ghi nhận và hiểu được.
Nổi bật hơn cả là khả năng liên lạc và hiểu nhau giữa tất cả các thiết bị nằm trong hệ thống IoT. Để làm được điều đó, các đối tượng cần được trang bị khả năng nhận dạng một cách chính xác. Điều này rất quan trọng khi mọi đối tượng, kể cả con người, được “đánh dấu” đểphân biệt bản thân đối tượng đó với những thứ xung quanh. Lúc ấy, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý được mọi sự vật thông qua máy tính. Việc đánh dấu có thể được thực hiện thông qua nhiều công nghệ, chẳng hạn như RFID, Công nghệ giao tiếp trường gần NFC (Near-Field Communications), mã vạch, mã QR, watermark (hình mờ) kỹ thuật số... [2].
Hình 2: Một số ứng dụng tiêu biểu của IoT [1]
Tập đoàn hệ thống CISCO, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu thế giới dự báo: đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet, thậm chí con số này sẽ còn gia tăng nhiều hơn nữa. IoT sẽ trở thành mạng khổng lồ kết nối tất cả mọi thứ, bao gồm cả con người và vạn vật. Khi đó sẽ tồn tại các mối quan hệ giữa thiết bị và người, người và người, thiết bị và thiết bị. Dữ liệu được lấy từ thực tế, được trao đổi và xử lý theo thời gian thực với tốc độ nhanh chóng.
oT có thể chứa đến hàng tỷ đối tượng được kết nối, không ngừng mở rộng và có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng. Phiên bản số của các thực thể này sẽ sống theo thời gian thực, phản ánh chân thật từng hành động và suy nghĩ của thực thể. Tương lai phát triển của IoT rất rộng mở, không chỉ dừng lại ở một vài khía cạnh mà bao trùm toàn bộ đời sống của cả nhân loại.
1.2. Tính chất của Mạng lưới vạn vật kết nối Internet
Thông minh
Trong thời gian đầu phát triển, khả năng điều khiển tự động và thông minh không nằm trong ý tưởng về IoT. Máy móc và thiết bị lúc này có thể nhận biết và phản hồi lại môi trường xung quanh, tự điều khiển mà không cần kết nối mạng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các hoạt động riêng lẻ đó thì các thiết bị vẫn còn nhiều hạn chế. Từ đó, một số nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề kết hợp IoT và khả năng tự điều khiển lại với nhau.
Trong tương lai IoT sẽ trở thành một mạng lưới các thực thể thông minh có khả năng tự tổ chức và hoạt động riêng lẻ tuỳ theo tình huống, môi trường, đồng thời chúng cũng có thể liên lạc với nhau để trao đổi thông tin, dữ liệu. Khả năng kết nối liên thông với IoT rất quan trọng và cốt lõi. Bất cứ thiết bị và thực thể nào cũng có thể kết nối với nhau thông qua mạng lưới thông tin và cơ sở hạ tầng liên lạc tổng thể.
Ngoài ra, việc tích hợp trí thông minh vào hệ thống IoT còn có thể giúp các thiết bị, đồ vật, phần mềm thu thập và phân tích các dấu vết hành động của con người. Mỗi khi chúng ta có bất kỳ tương tác nào tới hệ thống, phiên bản số của các tương tác đó sẽ được ghi nhận và phân tích ngay lập tức. Từ đó, phát hiện ra các tri thức mới liên quan tới cuộc sống, môi trường, các mối tương tác xã hội cũng như hành vi của con người. Điều này rất quan trọng, giúp cho hệ thống phát triển một cách linh hoạt và đạt hiệu quả tương tác ngày càng cao hơn theo thời gian.
Kiến trúc dựa trên sự kiện
Các thực thể, máy móc trong hệ thống IoT sẽ phản hồi dựa theo các sự kiện diễn ra trong lúc chúng hoạt động theo thời gian thực. Mạng lưới các cảm biến có khả năng thay đổi linh hoạt chính là thành phần cơ bản của hệ thống IoT. Trạng thái của các thiết bị sẽ tự động thay đổi. Ví dụ, kết nối hoặc bị ngắt, đang ngủ hoặc thức dậy, thay đổi vị trí hoặc tốc độ… Xa hơn nữa, số lượng thiết bị trong hệ thống IoT có thể tự động thay đổi, cho phép nhiều thiết bị mới có thể được tích hợp thành công vào hệ thống hiện tại.
Một hệ thống phức tạp và không đồng nhất
Hệ thống IoT mang tính chất phức tạp bởi vì nó bao gồm một lượng lớn các đường liên kết giữa nhiều thiết bị, máy móc, dịch vụ với nhau. Với khả năng thêm vào các thành phần mới, hệ thống IoT có thể sẽ cung cấp các dịch vụ liên quan đến “Things”, chẳng hạn như bảo vệ sự riêng tư và nhất quán giữa thực thể vật lý và thực thể ảo. Để cung cấp được dịch vụ này, công nghệ phần cứng và công nghệ thông tin (phần mềm) sẽ phải thay đổi.
Bên cạnh đó, các thiết bị trong IoT là không đồng nhất vì nó có phần cứng khác nhau và mạng khác nhau. Các thiết bị giữa các mạng có thể tương tác với nhau nhờ vào sự liên thông và kết nối của các mạng.
Quy mô và kích thước lớn
Sẽ có một số lượng rất lớn các thiết bị được quản lý và giao tiếp với nhau trong hệ thống IoT. Số lượng này lớn hơn nhiều so với số lượng máy tính kết nối Internet hiện nay. Số lượng các thông tin được truyền bởi thiết bị sẽ lớn hơn nhiều so với được truyền bởi con người. Một mạng lưới IoT có thể chứa từ 50 đến 100 nghìn tỷ đối tượng được kết nối và mạng lưới này có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng. Một con người sống trong thành thị có thể bị bao bọc xung quanh bởi 1.000 đến 5.000 đối tượng có khả năng theo dõi [1].
Tính không gian và thời gian
Trong hệ thống IoT, vị trí địa lý chính xác của một vật nào đó rất quan trọng. Hiện nay, Internet chủ yếu sử dụng để quản lý thông tin được xử lý bởi con người. Do đó những thông tin như địa điểm, thời gian, không gian của đối tượng không mấy quan trọng bởi người xử lý thông tin có thể quyết định các thông tin này có cần thiết hay không và nếu cần họ có thể bổ sung thêm. Trong khi đó, IoT về lý thuyết sẽ thu thập rất nhiều dữ liệu, trong đó có thể có dữ liệu thừa về địa điểm, việc xử lý dữ liệu đó được xem như không hiệu quả. Ngoài ra, việc xử lý một khối lượng lớn dữ liệu trong thời gian ngắn đủ để đáp ứng cho hoạt động của các đối tượng cũng là một thách thức lớn hiện nay [2].
Luồng năng lượng mới
Hiện nay, IoT đang trải qua giai đoạn phát triển “bộc phát”. Điều này xảy ra nhờ vào một số nhân tố, trong đó gồm giao thức liên mạng thế hệ 6 (IPv6), công nghệ 4G, chi phí và tính sẵn có của công nghệ. Trong 5 năm tiếp theo, chúng ta sẽthấy ngày càng có nhiều thiết bị trên thị trường.
Một số thách thức được đặt ra là quản lý dữ liệu và chuyển sang IPv6 (IPv6 đã sẵn sàng và chạy với địa chỉ đã được cấp phát trong khi IPv4 đã cạn kiệt và năm 2011 chỉ còn lại những địa chỉ cuối cùng) [1]. IPv6 cần thiết cho tương lai của IoT, với IPv6 chúng ta sẽ có lượng địa chỉ phong phú và điều này sẽ mở ra khả năng gán địa chỉ cho mỗi thiết bị và con chip điện tử [2]. Theo đó, các giải pháp sẽ trở nên đơn giản và rõ ràng hơn, có thể phục hồi đến từng mục địa chỉ riêng và phạm vi phát triển lớn. Sự phát triển của IoT sẽ mang đến luồng năng lượng mới, tăng khả năng tương tác và giúp xây dựng nhiều hệ thống thông minh, trong đó có các thư viện thông minh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
2. Xu hướng thư viện thông minh trên thế giới
Thư viện thông minh là một xu hướng phát triển mới của các thư viện nhằm mục đích phục vụ người dùng tốt hơn. Mục tiêu chính vẫn là cung cấp cho người dùng các sản phẩm - dịch vụ đa dạng và chất lượng, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của thư viện trong xã hội.
Xây dựng thư viện thông minh là mục tiêu hướng tới của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụm từ “thư viện thông minh” hàm chứa rất nhiều ý nghĩa và đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về nó. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng thư viện thông minh cần được xây dựng dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và khoa học máy tính, trong đó IoT và nguồn dữ liệu lớn (big data) đóng vai trò cốt lõi.
Theo Hội nghị thường niên của OCLC (Online Computer Library Center) năm 2017 được tổ chức tại Berlin thì khái niệm “smart library” (thư viện thông minh) có thể được hiểu là nơi sinh viên, nhà nghiên cứu có thể phát triển, thử nghiệm và giới thiệu các giải pháp công nghệ thông minh; có thể truy cập vào nguồn dữ liệu đã được thư viện thu thập để phục vụ cho việc nghiên cứu định tính và định lượng; được trang bị cơ sở hạ tầng thông minh, có khả năng tuỳ biến theo mong muốn của mỗi người dùng thông qua điện thoạicá nhân; được lắp đặt hệ thống cảm biến để thu thập dữ liệu người dùng (số lượng, vị trí, hướng chuyển động…) nhằm nghiên cứu xu hướng người dùng và cải thiện chất lượng dịch vụ; đảm bảo thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hoá chi phí đầu tư, sử dụng.
Thư viện thông minh thường sẽ được xây dựng dựa trên các nền tảng: IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và công nghệ Internet di động. Như vậy, một thư viện thông minh có thể bao gồm: hệ thống tài nguyên thông minh (sách và các nguồn tài nguyên đa phương tiện), cơ sở vật chất thông minh (thiết bị hiện đại), hệ thống dịch vụ thông minh và hệ thống quản lý thông minh (phần mềm, có bao gồm người làm thư viện thông minh).
Tính sẵn sàng của thông tin và dữ liệu theo thời gian thực giúp cho người dùng có thể tìm kiếm và truy cập từ xa. Ngoài ra, khả năng cá nhân hoá dịch vụ cũng quan trọng không kém. Nó giúp cho các dịch vụ được tuỳ chỉnh và cung cấp theo nhu cầu của từng đối tượng người dùng khác nhau. Một hệ thống thư viện thông minh có thể tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu về lịch sử đọc và xu hướng đọc sách của người dùng, từ đó có thể quảng bá dịch vụ thư viện và tài nguyên theo vị trí hiện tại của họ.
Thư viện thông minh có thể cảm nhận người dùng thông qua các thiết bị như vòng đeo tay, đồng hồ, ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng… Với điện thoại di động có hỗ trợ IoT, người dùng có thể thiết lập và điều chỉnh được các điều kiện vật lý như máy điều hoà không khí, ánh sáng, nhiệt độ… phù hợp trong từng không gian của thư viện.
Thư viện thông minh trong tương lai ngoài việc được tích hợp công nghệ và các tương tác thông minh cần đa dạng hoá các dịch vụ thông minh và ứng dụng di động. Để tận dụng không gian, thư viện có thể tích hợp thêm hàng loạt khu vực chuyên dụng khác như các phòng trưng bày nghệ thuật, phòng thí nghiệm, sân bóng, bể bơi, khu vực ăn uống... Bên cạnh đó, thư viện thông minh cũng cần ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin trong hoạt động như: quản lý tàiliệu/ mượn trả/ thanh toán tự động sử dụng công nghệ RFID, hệ thống phân loại tài liệu sau khi người dùng trả sách, trang bị thêm máy làm sạch và diệt khuẩn cho tài liệu, phần mềm mã hoá và bảo mật tài liệu, hệ thống kiểm soát ra vào, máy in đa chức năng.
3. Một số hướng ứng dụng tiêu biểu của Mạng lưới vạn vật kết nối Internet trong thư viện thông minh
3.1. Hỗ trợ truy cập vào thư viện và các nguồn tài nguyên
Các thư viện thông minh, thông qua ứng dụng di động, có thể cung cấp thẻ thư viện ảo cho người dùng. Điều này cho phép họ truy cập và sử dụng các nguồn tài nguyên. Khi người dùng truy cập vào thư mục của thư viện để xác định vị trí tài nguyên cần thiết, ứng dụng trên điện thoại di động của họ sẽ cung cấp bản đồ hướng dẫn người dùng đến vị trí của tài liệu [4]. IoT cũng có thể cung cấp thông tin bổ sung về một tài liệu bằng cách kết nối với một trang web như Amazon, để người dùng có thông tin chi tiết về một tài liệu, trước khi họ mượn nó.
3.2. Quản lý các bộ sưu tập
Bộ sưu tập sẽ có các mã định danh RFID trên mỗi mục cho phép biểu diễn ảo của chúng được xác định bằng máy tính và đầu đọc RFID. Thông qua việc tích hợp các mã định danh RFID vào thẻ thành viên, việc lưu hành các tài nguyên và bộ sưu tập được diễn ra hợp lý và tiện lợi hơn. IoT có thể cho người dùng biết về những cuốn sách quá hạn và họ nợ thư viện bao nhiêu tiền, giúp họ trả lại những cuốn sách quá hạn và trả tiền phạt trực tuyến mà không cần phải xếp hàng ở quầy phục vụ của thư viện. Kệ sách thông minh có thể quảng bá nội dung dựa trên hồ sơ mượn của khách hàng và lịch sử tìm kiếm trên Internet. IoT cũng sẽ giúp quản lý kho tài liệu tốt hơn vì nó có thể dễ dàng xác định vị trí tài liệu đang bị đặt sai chỗ [4].
3.3. Hỗ trợ các dịch vụ tham quan ảo trong thư viện
Kiến thức thông tin hoặc định hướng thông tin sẽ được cung cấp cho những người dùng mới đểgiúp họ hiểu thêm về tài nguyên và dịch vụ của thư viện. IoT có thể giúp các thư viện trong việc cung cấp chuyến tham quan ảo tự hướng dẫn. Điều này có thể thực hiện được nhờ việc thiết lập cảm biến như các thiết bị không dây ở các phần khác nhau của thư viện. Khi người dùng truy cập vào một phần cụ thể, điện thoại di động của họ sẽ phát video hoặc âm thanh giải thích thêm về phần đó và cách người ta có thể nhận được lợi ích tối đa từ nó. IoT thậm chí có thể cung cấp trải nghiệm phong phú về các bộ sưu tập đặc biệt như bản thảo bằng cách cung cấp phiên bản số của nó trên điện thoại di động của người dùng khi quyền truy cập vật lý vào các tài liệu đó bị hạn chế.
3.4. Cung cấp các dịch vụ khuyến nghị
IoT có thể sử dụng dữ liệu của người dùng để đưa ra các đề xuất phù hợp cho họ. Để làm được điều này, IoT sẽ thu thập và phân tích dữ liệu thời gian thực, dựa trên lịch sử mượn trả của họ. Khi một nhà nghiên cứu tìm kiếm các tài liệu có liên quan đến chủ đề nghiên cứu của mình, IoT có thể đề xuất các tài liệu khác mà có thể họ sẽ quan tâm. Khi người dùng đang ghé thăm hoặc ở gần thư viện, IoT có thể thông báo cho người dùng về những người mới đến trong khu vực đọc sách hoặc tương tác của họ. Ngoài ra, IoT còn thông tin về sự sẵn có của tài liệu mà người dùng đã mượn hoặc đã tìm kiếm trong lần trước đó.
3.5. Hỗ trợ các dịch vụ dựa trên vị trí
IoT sẽ giúp các thư viện cung cấp các dịch vụ dựa trên vị trí thông qua các ứng dụng di động có hỗ trợ. Với khả năng định vị của mình, IoT có thể giúp người dùng đọc tiếp những tài liệu đọc trong lần trước hoặc đề xuất các tiêu đề thú vị có sẵn về chủ đề và trạng thái của những tài liệu đã kiểm tra.
Ngoài ra, IoT cũng cho phép các thư viện cung cấp trạng thái sẵn có của phòng đọc, phòng thảo luận, máy in, máy quét, máy tính... bằng cách hiển thị giờ cao điểm và giờ cao điểm sử dụng của họ trên trang web của thư viện hoặc người dùng có thể kiểm tra bằng ứng dụng di động thư viện của họ.
3.6. Hỗ trợ quản lý các thiết bị trong thư viện
IoT có thể giúp các thư viện và người dùng của họ quản lý tốt hơn các thiết bị có sẵn và từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng. IoT có thể hỗ trợ việc mở rộng quyền kiểm soát thiết bị không chỉ cho người làm thư viện mà còn cho cả người dùng. Ví dụ như, một người dùng sau khi vào thư viện, có thể sử dụng tủ hoặc tìm bàn đọc tài liệu bằng điện thoại di động hỗ trợ IoT, sau đó họ có thể điều chỉnh ánh sáng, điều hoà không khí, wifi… Tương tác trên không gian ảo cũng có thể cung cấp tình trạng của các thiết bị giúp cho việc bảo trì chúng tốt hơn. Chẳng hạn như, IoT có thể thông báo cho người làm thư viện về các máy in sắp hết mực hoặc bóng đèn nào đó đang có vấn đề.
4. Tương lai của Mạng lưới vạn vật kết nối Internet trong các thư viện thông minh
Mặc dù IoT vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng nó có tiềm năng rất lớn đối với các thư viện thông minh. Thư viện có thể sẽ bổ sung thêm các dịch vụ và cung cấp nhiều trải nghiệm phong phú cho người dùng. Từ đó, góp phần quảng bá rộng rãi và nâng cao chất lượng hoạt động của chính mình.
Bên cạnh rất nhiều lợi ích mà IoT đem lại cho các thư viện trong tương lai, chúng ta cũng cần nhìn nhận khách quan hơn về các rủi ro mà công nghệ này đem đến. Do tính chất rộng lớn của mạng lưới IoT, nhiều nguồn tài liệu đứng trước vấn đề bảo mật thông tin và truy cập. Việc chia sẻ dữ liệu cho bên thứ ba có thể tiềm ẩn những rủi ro bị tấn công và đánh cắp thông tin trong chính hệ thống hiện tại. Vì thế, vấn đề bảo mật luôn cần được coi trọng và đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, việc đầu tư chi phí để triển khai IoT cũng là một vấn đề khá quan trọng. Cân đối chi phí đầu tư vào công nghệ IoT về tiền bạc, nhân lực và thời gian có thể trở thành bài toán phức tạp đối với nhiều thư viện trên thế giới. Chi phí để triển khai IoT thường sẽ khá cao. Quá trình đào tạo các nhân viên đáp ứng nhu cầu triển khai IoT cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức tuỳ theo điều kiện của các cơ sở.
Trong tương lai, IoT có thể thâm nhập sâu hơn vào các khía cạnh khác nhau của thư viện. Nó có thể giúp đưa ra số liệu thống kê về việc sử dụng tài liệu của thư viện, lập bản đồ chỉ ra các khu vực thư viện được sử dụng nhiều nhất, mức độ hài lòng của người dùng cũng như những khuyết điểm cần khắc phục của một số dịch vụ.
Trải nghiệm của người dùng là quan trọng. Trải nghiệm với các dịch vụ dựa trên IoT càng quan trọng hơn. Để có được sự tin tưởng của người dùng, các thư viện cần làm rõ các điều khoản về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, giúp họ vững tin hơn vào các dịch vụ được cung cấp. Tiếp thu phản hồi và cải tiến dịch vụ là những việc làm luôn cần được triển khai của các thư viện.
Các thư viện bên cạnh việc trang bị nền tảng công nghệ cũng cần phải chú trọng đến việc làm phong phú thêm các dịch vụ của mình. Tiềm năng của mỗi thư viện là khác nhau. Tuy nhiên, đa dạng hoá dịch vụ cũng cần gắn với việc hoàn thiện chất lượng của chúng. Có như vậy thì IoT mới thật sự trở thành nền tảng vững chắc giúp cho các thư viện ngày càng thông minh và hoạt động hiệu quả hơn.
Kết luận
Công nghệ IoT đang trở thành trung tâm của rất nhiều ứng dụng thông minh trên thế giới, hứa hẹn sẽ mở ra chìa khoá thành công cho nhân loại trong tương lai. Ứng dụng thông minh nói chung và thư viện thông minh nói riêng sẽ trở nên ngày càng ưu việt hơn nhờ có IoT. Trong một thế giới ảo thông minh, không thể thiếu khả năng kết nối mà ở đó sự giao tiếp giữa mọi thiết bị với nhau và với con người đóng vai trò cốt lõi. Chúng ta hãy cùng hy vọng vào một tương lai phát triển mạnh mẽ hơn nữa của IoT, nơi có các kết nối thông minh và đạt hiệu quả truy cập cao nhất, không chỉ dừng lại ở tính tiện dụng và đầy đủ. IoT sẽ đem lại nhiều sự thay đổi lớn lao cho toàn thế giới, mở ra kỷ nguyên thông minh của vạn vật và giúp con người đạt được nhiều mục tiêu táo bạo của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Internet of things là gì? http://iot.dtt.vn/ InternetofThings.htm. Truy cập ngày 11/2/2019.
2. Internet Vạn vật. https://vi.wikipedia.org/ wiki/Internet_Vạn_Vật. Truy cập ngày 11/2/2019.
3. Thư viện thông minh - Kho tri thức của tương lai. http://www.pcworld.com.vn/articles/cong-nghe/song-va-cong-nghe/2018/05/1256652-2/ thu-vien-thong-minh-kho-tri-thuc-cua-tuong-lai/. Truy cập ngày 12/2/2019.
4. Shamprasad M Pujara, K V Satyanarayana. InternetÂÂ ÂÂ ofÂÂ ÂÂ thingsÂÂ ÂÂ andÂÂ ÂÂ libraries,ÂÂ ÂÂ 2015. https://www.researchgate.net/publicat i o n/286224381_Internet_of_things_and_librarie. Truy cập ngày 11/2/2019.
5. Jianning Qin. The Research of the Library Services Based on Internet of Things, 2018. https://download.atlantis-press.com/article/25896237.pdf. Truy cập ngày 12/2/2019.
6. Wei Nie. The Application of Internet of Things in the University Library. https://download. atlantis-press.com/article/25870385.pdf. Truy cập ngày 11/2/2019.
7. Internet of Things Global Standards Initiative. https://www.itu.int/en/ITU-T/gsi/iot/pages/default. aspx. Truy cập ngày 12/2/2019.
8. Jim Hahn. The Internet of Things (IoT) and Libraries. https://journals.ala.org/index.php/ ltr/article/download/6175/8000. Truy cập ngày 12/2/2019.
________________
ThS. Nguyễn Danh Minh Trí