SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Lo thiếu giáo viên Nghệ thuật, làm chương trình kiểu 'sinh con rồi mới sinh cha'

 


GDVN- Nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải khi trường trung học phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì thiếu giáo viên môn Nghệ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đối với lớp 10 ở năm học 2022-2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.

Học sinh học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. 

Học sinh được chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Thế nhưng, Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn khiến lãnh đạo các trường trung học phổ thông không biết xoay xở thế nào cho hợp lí.

Nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải khi trường trung học phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều bài toán hóc búa chưa có lời giải

Về lí thuyết, có tất cả 108 cách chọn tổ hợp môn học, dẫn đến 2 trường hợp: thứ nhất, những môn được quá nhiều học sinh chọn; thứ hai, những môn có rất ít học sinh chọn (hoặc không có học sinh nào chọn vẫn có thể xảy ra).

Trường hợp 1, những môn được quá nhiều học sinh chọn không đủ giáo viên đứng lớp. Lúc này lãnh đạo phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng hoặc tuyển dụng mới. 

Tuy vậy, cả hai cách làm này đều bất cập vì nguồn giáo viên thỉnh giảng không phải bao giờ cũng có sẵn. Hơn nữa, Điều 71 Luật Giáo dục 2019 quy định viên chức được thỉnh giảng nhưng "phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác" - cũng là rào cản. 

Còn việc tuyển dụng mới giáo viên thì nhà trường phải thực hiện theo kế hoạch chung của sở giáo dục và đào tạo, không thể tuyển lắt nhắt. Vì cho đến thời điểm này, ngành giáo dục nhiều địa phương trên cả nước chưa giao quyền tuyển dụng viên chức về cho hiệu trưởng.

Giả sử nhà trường tuyển dụng mới đủ số lượng giáo viên cho môn học, nhưng năm học sau có ít học sinh chọn môn thì thầy cô có thể bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy đúng luật. 

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức 2010), hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Cứ như thế, năm thì có nhiều học sinh chọn môn và ngược lại, nhà trường sẽ xoay xở nhân sự thế nào? Trong khi đó, chiến lược phát triển nhà trường thường được tính dài hơi, theo kế hoạch 5 năm, 10 năm chứ đâu phải từng năm một.

4 nguy cơ “vỡ trận” tổ hợp các môn tự chọn trong chương trình lớp 10 mới
4 nguy cơ “vỡ trận” tổ hợp các môn tự chọn trong chương trình lớp 10 mới

Trường hợp 2, những môn có rất ít học sinh chọn (hoặc không có học sinh nào chọn) sẽ bị thừa giáo viên. Vậy số giáo viên thừa rất có khả năng bị lãnh đạo điều chuyển làm công việc khác - không giảng dạy.

Bởi, khoản 6 Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau: 

"Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục."

Lúc này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn liên quan như, giáo viên bị cắt 30% phụ cấp đứng lớp (vì không giảng dạy). Rồi đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh học sinh, gia đình, bạn bè, người thân sẽ nghĩ thế nào khi giáo viên được đào tạo chuyên ngành sư phạm lại không đứng lớp?

Và điều đáng bàn nhất là, nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật)), trong đó Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10 khiến nhiều trường lo lắng về khả năng thiếu giáo viên.

Từ trước đến nay các trường trung học phổ thông không dạy 2 môn này, dĩ nhiên không có giáo viên biên chế. Nếu nhà trường được phép tuyển dụng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng học sinh không chọn thì mọi chuyện có thể xảy ra như trường hợp 2 đã dẫn ở trên.

Nếu học sinh chọn học 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng trường không có giáo viên, có đơn vị đã tính đến phương án thuê giáo viên tại các trường cao đẳng, trung cấp nghệ thuật hoặc giáo viên Nghệ thuật bậc trung học cơ sở để "chữa cháy".

Nhưng, cách thức này cũng không ổn chút nào vì hiện tại nhiều địa phương đang thiếu giáo viên môn Nghệ thuật ở bậc trung học cơ sở. Ví dụ, theo ghi nhận của tôi, nhiều quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm liền khó tuyển giáo viên nhạc, họa vì không có nguồn.

Chậm trễ và bất cập trong Nội dung giáo dục địa phương của chương trình mới
Chậm trễ và bất cập trong Nội dung giáo dục địa phương của chương trình mới

Được biết, nhiều năm qua một số trường phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh có dạy môn Âm nhạc nhưng học sinh cũng chỉ đăng kí để học cho vui, mục đích giải trí là chủ yếu, hoàn toàn không có kiểm tra, đánh giá như môn học bắt buộc khác.

Tôi đã dạy cho khoảng 1500 học sinh lớp 12 ở địa bàn quận Bình Tân và quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, trong những lần hướng nghiệp ở lớp học, ở trường và thăm dò nhu cầu chọn ngành nghề thì được biết, hầu như các em rất hiếm chọn thi vào những ngành liên quan đến nghệ thuật - đây là minh chứng sống để khẳng định môn Nghệ thuật có nguy cơ vỡ trận.

Để giải quyết việc quá ít học sinh lựa chọn 1 môn học thì có phương án cho rằng, có thể phối hợp với các trường khác để mở lớp có môn phù hợp như gợi ý của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới: 

“Việc cho phép học sinh theo học một số môn ở các trường chuyên nghiệp và những trường khác trên địa bàn có môn học phù hợp cũng là một biện pháp để giải quyết tình trạng số học sinh đăng ký học một số môn học quá ít, không đủ điều kiện tổ chức lớp”.

Là giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông, tôi dám chắc gợi ý của ông Thuyết cũng chỉ là lí thuyết suông, không có cơ sở nào để thực hiện cả. Đơn cử, mỗi trường có một thời khóa biểu riêng thì học sinh đi học vào thời gian nào, không lẽ học vào ngày nghỉ Chủ nhật?

Tôi cho rằng, hậu quả của việc thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông là do tư duy người làm chương trình "sinh con rồi mới sinh cha".

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/thach-thuc-voi-truong-hoc-khi-chuong-trinh-lop-10-thay-doi-4441679.html

https://tuoitre.vn/tp-hcm-nhieu-quan-huyen-khong-tuyen-duoc-giao-vien-nhac-hoa-20211112080217544.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Thiếu giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật: Giải pháp từ bồi dưỡng đội ngũ



Hiếu Nguyễn

08/11/2019 - 14:00 (GMT+7)

GD&TĐ - Thực trạng đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc phổ thông cho thấy đang tồn tại nhiều bất cập: Số lượng giáo viên mất cân đối, giáo viên bậc tiểu học còn thiếu cục bộ, giáo viên THPT dự báo rất thiếu. Do đó, cần giải quyết sớm bài toán mất cân đối về giáo viên ở cấp tiểu học; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để đáp ứng đủ số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cho bậc tiểu học và THPT, chuẩn bị sẵn sàng cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.


Thiếu 100% giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật bậc THPT

Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) được triển khai dạy và học ở cả ba cấp: Tiểu học, THCS, THPT. Chia sẻ thông tin từ số liệu đánh giá của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Ở tiểu học, số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật còn rất thiếu.

Trong tổng số 15.538 trường tiểu học trên toàn quốc, tổng số giáo viên Âm nhạc chỉ có 13.339 giáo viên (tỷ lệ giáo viên/trường chỉ đạt 0,85% - số giáo viên Âm nhạc thiếu là 2.199 giáo viên). Tổng số giáo viên Mĩ thuật tiểu học chỉ có 13.445 giáo viên (tỷ lệ giáo viên/trường đạt 0,86% - số giáo viên Mĩ thuật thiếu là 2.093 giáo viên).

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có 2.834 trường THPT. Nếu căn cứ vào tiêu chí mỗi trường THPT cần 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mĩ thuật, số lượng giáo viên cần có là 5.668 người. Như vậy, nguồn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông hiện nay rất lớn.

Theo dự báo của Bộ GD&ĐT về nhu cầu tuyển dụng giáo viên nghệ thuật bậc THCS đến năm 2022 khoảng 23.702 giáo viên. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên nghệ thuật bậc THPT đến năm 2022 là 10.098 giáo viên.

 

Ở bậc THCS, số lượng giáo viên nghệ thuật về cơ bản là đủ. Theo đó, tổng số 10.939 trường THCS trên toàn quốc có 11.424 giáo viên Âm nhạc (tỷ lệ giáo viên/trường đạt 1,04%); và 11.178 giáo viên Mĩ thuật (tỷ lệ đạt 1,02%). Riêng đối với bậc THPT, theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới, khi môn Nghệ thuật được triển khai tại các trường, con số về đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật sẽ thiếu 100%.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng tìm hiểu trình độ đào tạo và năng lực nghệ thuật của giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật hiện nay và cho biết: Ở bậc THCS, đa số giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật đạt chuẩn trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm Âm nhạc/sư phạm Mĩ thuật hoặc tương đương trở lên.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) thì chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên ở cả tiểu học và THCS phải là đại học. Thực tế này cũng đặt ra bài toán đối với đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật trong việc nâng chuẩn, đạt chuẩn và cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.

Riêng ở bậc tiểu học, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trình độ đào tạo của giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật không đồng đều. Có giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trung học sư phạm hoặc tương đương, có giáo viên đạt trình độ CĐ sư phạm, CĐ chuyên nghiệp, ĐH sư phạm, sau ĐH và vẫn còn một số ít giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ trung học sư phạm. Tổng số giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật tiểu học trên toàn quốc là 26.784 giáo viên; số giáo viên Âm nhạc là 13.339 người.


Giải quyết bài toán mất cân đối giáo viên

Thực trạng đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở phổ thông cho thấy đang tồn tại nhiều bất cập: Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật mất cân đối; giáo viên tiểu học vẫn còn thiếu cục bộ, THPT dự báo rất thiếu. Trình độ đào tạo của giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật đa số chưa đạt chuẩn, không đồng đều, năng lực nghệ thuật còn hạn chế. Một bộ phận tâm lý ngại đổi mới, hạn chế trong sử dụng công nghệ và kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong nhà trường…

“Những điều này cho thấy cần giải quyết sớm bài toán mất cân đối về giáo viên ở cấp tiểu học; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để đáp ứng đủ số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cho THPT, đạt chuẩn cho bậc THCS và để từng bước chuẩn bị khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới” - PGS Đào Đăng Phượng cho hay.

Đi sâu vào hoạt động bồi dưỡng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng: Việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cần tập trung vào phương pháp dạy học, cách tiếp cận theo hướng phát triển năng lực nghệ thuật kết hợp với các năng lực cơ bản khác như: Ngoại ngữ, Tin học, phát triển chương trình, tổ chức các hoạt động học tập trong nhà trường.

Hoạt động này cũng cần chú trọng bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức thông qua kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm; kỹ năng kiềm chế cảm xúc; kỹ năng giải quyết xung đột và vấn đề giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự nhà giáo.

“Một việc cũng hết sức quan trọng là đẩy mạnh bồi dưỡng nâng cao trình độ của giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật để đạt chuẩn, đảm bảo tính đồng đều. Từng bước xóa bỏ tâm lý ngại bồi dưỡng, đổi mới; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, sử dụng công nghệ và các hoạt động bổ trợ khác phù hợp trong nhà trường phổ thông” - PGS Đào Đăng Phượng nêu ý kiến.

Dạy Âm nhạc ở trường phổ thông: Hình thành năng lực tự học



Hiếu Nguyễn

24/10/2019 - 10:00 (GMT+7)

GD&TĐ - Giáo viên (GV) dạy Âm nhạc ở phổ thông khi tiếp nhận Chương trình và SGK mới sẽ phải thực hiện theo phương pháp dạy học năng lực. Góp phần trả lời câu hỏi “làm thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu này?”, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) – chia sẻ vấn đề hình thành năng lực tự học với phân môn Tập đọc nhạc ở mức sơ giản cho học sinh phổ thông.


Hạn chế dùng đàn mẫu, đọc mẫu


PGS Nguyễn Thị Tố Mai chia sẻ: Trong yêu cầu của Chương trình mới, môn Âm nhạc ở THPT có nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức cốt lõi để các em có năng khiếu có thể lựa chọn theo ngành âm nhạc chuyên nghiệp. Nếu cách đọc nhạc như hiện nay (giáo viên đàn trước, đọc mẫu trước, học sinh nghe rồi đọc theo) được áp dụng từ tiểu học đến THCS làm sao học sinh có khả năng để học được môn Âm nhạc ở THPT với định hướng nghề nghiệp?

Với 1 tiết/tuần cho môn Âm nhạc, học nhiều nội dung (Hát, Nhạc lý, Tập đọc nhạc, Âm nhạc thường thức) như chương trình hiện hành không thể kỳ vọng học sinh tự đọc được bài đọc nhạc, chưa kể là còn có nhiều em năng khiếu kém nữa.

Song, theo PGS Nguyễn Thị Tố Mai, với phân môn này, làm sao để khi không có sự làm mẫu của giáo viên, ít nhất học sinh cũng đọc được tên nốt nhạc, biết cách đọc gam Đô trưởng, cách thực hiện trường độ nốt trắng, nốt đen và với những em có năng khiếu có thể đọc được những cao độ hay trường độ thật dễ (nốt trắng, nốt đen).

Đặc biệt, PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho rằng, cần kiên quyết loại bỏ việc học sinh không nhìn nốt trên bản nhạc mà phiên ra chữ cái viết tắt bằng tiếng Việt ở bên dưới các nốt nhạc. Lỗi này là do các giáo viên không đạt trong cả phương pháp lẫn nội dung dạy học âm nhạc.

Muốn như vậy, giáo viên phải có phương pháp dạy học để hình thành cho học sinh năng lực chủ động chiếm lĩnh tri thức. Nghĩa là, cần loại bỏ ý nghĩ, học sinh phổ thông không thể đọc nhạc được và cần loại bỏ lạm dụng phương pháp chỉ dùng đàn mẫu, đọc mẫu rồi học sinh đọc theo.

Hoàn toàn dùng đàn giai điệu trước rồi học sinh đọc theo sẽ khiến các em không biết phân tích và không hiểu tại sao lại phải đọc nhạc như vậy, dù chỉ với những vấn đề sơ giản nhất. Đặc biệt, với phương pháp luôn đàn mẫu, các học sinh có năng khiếu đã bị tước đi mất khả năng tự học của mình.

“Vậy với phân môn Tập đọc nhạc, khi nào áp dụng đàn mẫu và khi nào không áp dụng? Mấu chốt của vấn đề là ở đây. Đó chính là áp dụng dạy học theo tiếp cận năng lực. Cần dạy kết hợp giữa đàn mẫu và không mẫu. Khi học sinh đã có những kỹ năng nhất định, gặp cao độ hoặc trường độ tương tự và ở mức độ dễ, giáo viên chỉ việc gợi mở để học sinh tự phân tích và tự đọc. Chỉ khi học sinh không làm được mới đàn mẫu hoặc đọc mẫu.


Nếu được học như vậy, học sinh phải vận động trí não, có sự chủ động trong tiếp thu, không thụ động chờ âm thanh vang lên rồi lặp lại. Qua nhiều năm, ít nhất các em cũng có một năng lực nào đó trong đọc nhạc, nhất là với các em có năng khiếu. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh phổ thông, không nên quá sa đà vào dạy học Tập đọc nhạc như cho đối tượng chuyên nghiệp” - PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho hay.

Cần đổi mới cách viết SGK

Một điều rất quan trọng để đạt được dạy học theo năng lực cần đổi mới cách viết SGK. Nhấn mạnh điều này, PGS Nguyễn Thị Tố Mai cho biết: SGK hiện hành được viết theo hướng tiếp cận nội dung. Chẳng hạn ở phân môn Hát, trong sách chỉ có bản nhạc của bài hát và đôi lời giới thiệu về bài hát... không có gợi ý cách hát; với phân môn Tập đọc nhạc chỉ có bài tập đọc nhạc...

Như vậy, mặc dù đã được học bài Tập đọc nhạc ở trên lớp nhưng khi nhìn vào các bản nhạc trong sách, học sinh rất khó để có thể tự thực hiện được những bước thực hành căn bản như đọc gam hay quãng...

Trong SGK cũng cần có sự thay đổi. Đó là để hình thành năng lực âm nhạc cần chú trọng nội dung thực hành, có thể lược bớt một số nội dung lý thuyết và lý thuyết nên được lồng ghép trong các nội dung thực hành, giúp học sinh học đến đâu, hiểu và được áp dụng ngay đến đó vào bài hát hay bài đọc nhạc một cách cụ thể.

SGK viết theo hướng tiếp cận năng lực cần có những bước, những quy trình cho các nội dung hoạt động. Với Tập đọc nhạc cần có bước đọc gam, quãng 2, quãng 3, luyện riêng trường độ, cao độ... và được lặp đi lặp lại thành quy trình. Lâu dần, cách dạy học này hình thành ở học sinh kỹ năng nhận biết và tự thực hành; khi đó, chỉ cần nhìn sách, các em có thể tự biết thực hiện đọc gam, quãng... như thế nào. Không chỉ với phân môn Tập đọc nhạc mà với cả Nhạc lý, Hát, Thường thức âm nhạc, SGK cũng nên được viết tương tự như vậy.

“Ngoài ra, về số lượng bài hát hay tập đọc nhạc cũng không nên nhiều mà có thể giảm bớt hơn để học bài nào, học sinh được đi sâu rèn luyện kỹ năng hơn. Đặc biệt, các bài tập đọc nhạc nên soạn những giai điệu dễ, đơn giản để học sinh có thể dần dần tự đọc được ở một mức độ nhất định, không nên dùng hoàn toàn những bài hát quen thuộc để làm bài tập đọc nhạc” - PGS Nguyễn Thị Tố Mai lưu ý.

Để đáp ứng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT, của chương trình mới, các giáo viên đang dạy Âm nhạc ở phổ thông, các nhà quản lý ở trường phổ thông cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và kịp thời có những chuẩn bị phù hợp để khi SGK mới ban hành sẽ thích ứng được với phương pháp dạy học mới. Các trường đào tạo giáo viên âm nhạc cũng cần có sự thay đổi tích cực trong đào tạo giáo viên âm nhạc để đáp ứng xu thế mới.

                                                                     PGS Nguyễn Thị Tố Mai

Hạn chế trong dạy - học âm nhạc ở phổ thông



Hải Bình (ghi)

28/9/2019 - 16:26 (GMT+7)


GD&TĐ - Thực trạng về sử dụng phương pháp dạy học âm nhạc của giáo viên phổ thông được PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) chia sẻ trong tham luận tại hội nghị về giáo dục nghệ thuật tổ chức tại Hà Nội mới đây.


Hiệu quả chưa cao trong hình thành năng lực âm nhạc cốt lõi


Là giảng viên giảng dạy âm nhạc lâu năm tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, từng đưa sinh viên đi thực tập, dự và chấm thi nhiều giờ dạy ở các trường phổ thông, là thành viên tham gia nghiên cứu nhiều đề án, chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông..., PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai nhận thấy, nhìn chung, hiện nay đội ngũ giáo viên âm nhạc ở phổ thông cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Môn Âm nhạc thực sự trở thành một môn học được khá nhiều học sinh yêu thích không chỉ bởi được giải trí, sảng khoái tinh thần sau những giờ học căng thẳng mà còn làm học sinh năng động hơn, tự tin hơn.

Nhiều học sinh có khí chất nhút nhát qua rèn luyện kỹ năng âm nhạc đã dám đứng trước đám đông để trình diễn hát một mình mà không cảm thấy ngại ngùng.

Âm nhạc như một sợi dây kết nối các em khi được tham gia trò chơi, được hát múa tập thể. Qua việc học hát, học sinh biết hát đều hơn, hay hơn, thể hiện sắc thái, tình cảm tốt hơn. Được học các bài dân ca, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống của âm nhạc dân tộc...

Đạt những thành tựu đó, có công sức của đội ngũ giáo viên âm nhạc. Họ không chỉ chú ý đến việc truyền đạt kiến thức sao cho đúng mà luôn nghĩ ra các phương pháp dạy học để làm sao cuốn hút học sinh, đưa các em vào thế giới của cái đẹp, của những giá trị nhân bản, để từ đó, giáo dục các em trở thành những người biết sống và làm theo cái đẹp.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai cho biết, giáo viên âm nhạc cũng còn bộc lộ một số hạn chế.

Điểm hạn chế nhìn thấy rõ nhất chính việc hình thành năng lực âm nhạc cốt lõi cho học sinh chưa đạt hiệu quả cao.

Ở một số trường, nhất là những vùng sâu, vùng xa, có không ít giáo viên dạy âm nhạc là những người không được đào tạo chính quy về sư phạm âm nhạc hoặc thậm chí là những giáo viên dạy môn học khác được điều chuyển sang. Do không được đào tạo bài bản, nên không chỉ yếu về chuyên môn mà còn yếu cả về phương pháp dạy học.

Sở dĩ có chuyện dạy không đúng với chuyên môn được đào tạo như vậy chính bởi quan niệm của không ít người, trong đó có lãnh đạo của trường sử dụng giáo viên, của Sở GD&ĐT tại địa phương đó đã quan niệm học âm nhạc để học sinh vui vẻ, để giải trí và hát là chính, các kiến thức khác không quan trọng, như thế vô hình trung đã không chú trọng đến hình thành năng lực âm nhạc cho các em.


Dạy học tiếp cận nội dung vẫn được sử dụng chủ yếu


Thông qua những buổi tập huấn cho giáo viên, dự giờ; qua trao đổi với giáo viên dạy học âm nhạc ở một số tỉnh, thành phố, địa phương..., PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai nhận thấy: Mặc dù đã có 9 năm học từ Tiểu học đến THCS song có không ít học sinh không nhận biết được hoặc nhận biết rất chậm nốt trên bản nhạc của bài Tập đọc nhạc (chưa nói đến nốt trên bản nhạc của bài hát).

Thực trạng đó là do nhiều học sinh thường phiên tên nốt ra chữ viết tắt của tiếng Việt phía dưới nốt nhạc rồi nhìn vào đó đọc nhạc mà không nhìn vào bản nhạc.

Hầu như học sinh chỉ thích học hát, nhiều nơi vì điều kiện cơ sở vật chất không tốt, trình độ giáo viên không tốt cũng chỉ dạy Hát là chính, các nội dung Tập đọc nhạc, Nhạc lý, Âm nhạc thường thức bị coi nhẹ, thậm chí có nơi bỏ qua.

Vì thế, việc hình thành năng lực đọc nhạc, kiến thức âm nhạc cho học sinh có thể nói là chưa tốt nếu như không nói là ở một số nơi còn kém hiệu quả.

Nguyên nhân của bất cập, tồn tại trên thì có thể nêu ra rất nhiều, song có một nguyên nhân khá quan trọng thuộc về phía giáo viên âm nhạc. Đó là do sử dụng các phương pháp dạy học tiếp cận nội dung vẫn là chủ yếu mà ít chú ý tới tiếp cận năng lực của học sinh.

Nhìn vào thực tiễn sử dụng phương pháp dạy học âm nhạc của giáo viên phổ thông thì không thể nói là họ chỉ sử dụng một loại mô hình truyền đạt kiến thức hay chỉ áp dụng theo thuyết hành vi. Yếu tố gợi mở sự sáng tạo, sự chủ động cho học sinh vẫn được áp dụng. Song, vấn đề là ở chỗ học sinh vẫn còn thụ động nhiều và đặc biệt, nếu không có giáo viên, ngoài bài hát mà học sinh đã thuộc có thể hát lại được thì ngay cả với học sinh có năng khiếu cũng không thể có năng lực tự học Tập đọc nhạc hay gõ đệm (dù là ở mức độ hết sức đơn giản).

PGS Nguyễn Thị Tố Mai cũng nói rõ, không có ý phủ nhận dạy học theo hướng tiếp cận nội dung thì không hình thành được năng lực. Mỗi một mô hình dạy học, hệ thống phương pháp dạy học có những ưu điểm và cả những nhược điểm nhất định. Nhiều nước trên thế giới và nước ta, trước đây vẫn chủ yếu áp dụng mô hình dạy học tiếp cận nội dung và vẫn đạt được những kết quả nhất định.

Giáo dục nghệ thuật: Nâng cao năng lực cho giáo viên



Thảo Đan

22/8/2019 - 19:31 (GMT+7)

GD&TĐ - Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, các trường sư phạm/các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cho nhà trường phổ thông còn chậm đổi mới, chưa chủ động đề xuất đổi mới các phương pháp dạy học và nội dung chương trình đào tạo để theo kịp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. 


Chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật hiện nay đang dạy những gì mình có, chưa dạy học theo nhu cầu và thật sự đáp ứng yêu cầu của nhà trường phổ thông.

Nội dung chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật giữa các cơ sở giáo dục không thống nhất, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục chênh lệch rất rõ, vì vậy, năng lực nghệ thuật của các giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật rất không đồng đều.

Báo cáo có sự tham góp của 3 vụ, cục của Bộ GD&ĐT: Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” (tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội vừa qua) đã đề xuất giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc và giáo viên Mỹ thuật ở các trường phổ thông thực hiện Chương trình GDPT mới, trong đó có giải pháp về xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật.

Theo đó, các cơ sở đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cần căn cứ chương trình chi tiết môn Âm nhạc và Mỹ thuật trong chương trình GDPT (2018) để điều chỉnh chương trình đào tạo hiện tại của cơ sở mình. Đồng thời, quản lý, thực hiện tốt quá trình đào tạo (từ tuyển sinh đầu vào đến chuẩn trình độ đào tạo đầu ra), bảo đảm đáp ứng yêu cầu đối với môn học Âm nhạc và Mỹ thuật ở trường phổ thông.

Mặt khác, tăng cường các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật phổ thông. Để đáp ứng chương trình GDPT 2018, cần bồi dưỡng cho cả hai đối tượng: Giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông thực hiện chương trình GDPT 2018. Trong đó, tập trung vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc, Mỹ huật đáp ứng Chương trình GDPT mới ở cả 3 cấp học.

Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đáp ứng Chương trình GDPT mới, các cơ sở đào tạo giáo viên cần: Điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở trình độ đại học sư phạm chính quy. Điều chỉnh, bổ sung nội dung các chương trình liên thông từ trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm hoặc tương đương lên trình độ đại học sư phạm.

Với chương trình bồi dưỡng kiến thức (đào tạo lại) chuẩn năng lực nghề nghiệp của giáo viên phổ thông, cần xây dựng các modun bồi dưỡng theo khung năng lực nghệ thuật của giáo viên phổ thông. Chương trình bồi dưỡng giáo viên cho những người học các chuyên ngành nghệ thuật không thuộc khối ngành sư phạm như: Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, hội họa, thanh nhạc, piano, lý luận âm nhạc, nhạc cụ… cần xây dựng các modun bổ sung kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học âm nhạc/mỹ thuật ở trường phổ thông cho đối tượng này. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học dạy môn thêm môn Âm nhạc và Mỹ thuật theo sát nội dung chương trình môn học Âm nhạc/Mỹ thuật mới.

5 vấn đề quan trọng với giáo dục nghệ thuật



Hiếu Nguyễn

21/8/2019 - 13:04 (GMT+7)

GD&TĐ - 5 vấn đề quan trọng đối với giáo dục nghệ thuật được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh trong hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” tổ chức sáng nay (21/8) tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.


Vấn đề đầu tiên, theo Thứ trưởng là cần nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật. Giáo dục nghệ thuật là một thành tố của giáo dục toàn diện, góp phần quan trọng hình thành nhân cách, đạo đức người học.

Thứ 2: Cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật; trước hết là phải tuyển đủ giáo viên và giáo viên cần có đủ năng lực. Tuyển được đủ giáo viên là một trong những khó khăn nhất hiện nay, địa phương cần phải xây dựng đề án cho nội dung này. Tuyển đủ cũng còn căn cứ vào nguồn nào để tuyển, nhất là giáo viên trình độ đại học, đây cũng là nội dung mà theo Thứ trưởng cần phải quan tâm.

Thứ 3 là cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc. Trong nội dung này có những nội dung quan trọng, đó là: xây dựng tài liệu bồi dưỡng, giảng viên làm nhiệm vụ bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá và tổ chức bồi dưỡng phải chuyên nghiệp, trách nhiệm.

Đặc biệt nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng giáo viên, Thứ trưởng cho rằng, cần biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng; tài liệu được đưa lên mạng để giáo viên tự học, nghiên cứu; đến lớp bồi dưỡng trực tiếp chỉ là giải đáp thắc mắc và ví dụ minh họa, tránh tình trạng truyền đạt lại.

Về kiểm tra, đánh giá, theo Thứ trưởng, năm nay Bộ sẽ có phần mềm đánh giá bằng máy tính, buộc báo cáo viên, học viên phải tăng cường dạy và học tốt hơn. Bộ GD&ĐT giao quyền cho các trường đại học sư phạm trực tiếp tham gia bồi dưỡng giáo viên, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng đào tạo bồi dưỡng, nhưng đề kiểm tra sẽ là do Bộ ra. Bởi vậy, bản thân các trường đại học sư phạm phải nỗ lực cố gắng, giảng viên tham gia bồi dưỡng cũng phải hết sức trách nhiệm.

Vấn đề thứ 4 được Thứ trưởng nhấn mạnh là công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó có nội dung, trường sư phạm cần đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải thợ dạy.

Cuối cùng là trách nhiệm phối hợp thực hiện. Theo Thứ trưởng, liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, các tài liệu, đặc biệt là chương trình bồi dưỡng giáo viên là sự kết hợp giữa 3 đơn vị: Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung; trường đại học sư phạm trực tiếp tham gia cung cấp giảng viên bồi dưỡng, các sở GD&ĐT lựa chọn giáo viên bồi dưỡng. “Sự phối hợp này cần hết sức chặt chẽ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cần thống nhất, chuẩn hóa lại chương trình đào tạo ĐHSP âm nhạc



Hiếu Nguyễn

21/8/2019 - 14:49 (GMT+7)

GD&TĐ - TS Lê Vinh Hưng - Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương – cho rằng, cần chuẩn hoá các chương trình đào tạo, chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, thống nhất xây dựng và đánh giá chuẩn đầu ra là việc cần phải giải quyết đồng bộ ở các trường sư phạm và các trường văn hoá nghệ thuật trong thời gian tới.


Môn thực hành liên quan tới âm nhạc chiếm khá khiêm tốn

Tham luận tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 21/8, TS Lê Vinh Hưng cho biết: Theo chương trình khung đào tạo giáo viên trình độ ĐH sư phạm âm nhạc của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ các môn thực hành liên quan tới âm nhạc chiếm khá khiêm tốn (27/210 đơn vị học trình). Trong đó bao gồm các môn: Ký xướng âm (16 đơn vị học trình), Nhạc cụ (4 đơn vị học trình), Thanh nhạc (4 đơn vị học trình), Hát đồng ca - hợp xướng (3 đơn vị học trình).

Tỷ lệ trên là chưa cân đối, quá ít để tạo ra người thầy có khả năng giỏi về thực hành. Chưa tính đến một số cơ sở đào tạo khi tuyển sinh đầu vào còn chưa yêu cầu thí sinh thực hành trên đàn, không thực sự có năng khiếu âm nhạc.

"Trên thực tế, một số trường sư phạm đã chủ động điều tiết khi xây dựng chương trình đào tạo cho cơ sở của mình" - TS Lê Vinh Hưng chia sẻ.

Do vậy, sinh viên tốt nghiệp khó có thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về các kỹ năng đàn, hát và tổ chức các hoạt động âm nhạc như mong muốn mà mục tiêu chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông mới đề ra. 

Để đáp ứng được mục tiêu của chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông mới đề ra, theo TS Hưng, cần phải thống nhất, chuẩn hoá chương trình đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc theo hướng mới. Chương trình đào tạo cần tập trung tới các kỹ năng thực hành, giảm tỉ lệ lý thuyết. Hơn nữa, theo quy luật biện chứng của sự phát triển, thì cần phải tiếp tục xây dựng cái mới cho phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục.

Ngoài việc thực hiện theo quy định của Bộ về tiêu chuẩn của thí sinh thi vào ngành sư phạm, các trường đào tạo sư phạm âm nhạc cần có đề xuất phương thức tuyển sinh riêng với Bộ GD&ĐT, tập trung hướng đến học sinh có năng khiếu âm nhạc thực sự.

Song song với chương trình đào tạo chính quy, liên thông vừa học vừa làm - việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo định kỳ, theo chuyên đề hàng năm… cho giáo viên âm nhạc ở các cấp học là hết sức cấp thiết.

Qua đó, giáo viên được bổ sung những thông tin mới về ngành, được trao đổi thảo luận nghiên cứu về phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện dạy học cho việc dạy học âm nhạc theo chương trình mới.


Chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, thống nhất xây dựng chuẩn đầu ra

Cũng theo TS Hưng, các trường đào tạo hệ ĐH sư phạm âm nhạc cần phải cùng nhau xây dựng tiêu chuẩn đầu ra phù hợp cho chuyên ngành này. Nếu các trường đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc thống nhất được chuẩn đầu ra thì mới có thể thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH là “không phân biệt văn bằng theo hình thức đào tạo”.

Về đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc, đánh giá của TS Hưng là rất đa dạng, được tập hợp từ nhiều nguồn đào tạo. Phần lớn các giảng viên có đủ tiêu chuẩn về bằng cấp (thạc sĩ, tiến sĩ), năng lực. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bằng cấp và năng lực của các nguồn đào tạo khác nhau cung cấp cho mỗi người, còn việc đáp ứng được dạy học hay chưa còn tuỳ thuộc vào yêu cầu đào tạo do cơ sở đề ra.

Chẳng hạn, các giảng viên dạy bộ môn Thanh nhạc/Nhạc cụ của Khoa Sư phạm Âm nhạc thuộc Trường ĐHSP Nghệ thuật, tiêu chuẩn “hành nghề” tối thiểu phải đạt trình độ ĐH chuyên ngành Thanh nhạc/Nhạc cụ.

Thậm chí, khi giảng viên đó có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khác (Văn hoá học, Quản lý giáo dục, Nghệ thuật học, Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc…) mà chưa tốt nghiệp ĐH thuộc hai chuyên ngành trên, thì cũng khó có thể đạt chuẩn kỹ năng để dạy học bộ môn Thanh nhạc/Nhạc cụ.

Đối với một số cơ sở đào tạo trình độ ĐH sư phạm âm nhạc, tiêu chuẩn này hầu như chưa khả thi với họ, bởi lẽ, họ còn thiếu nhiều giảng viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong hai chuyên ngành trên.

“Hiện nay, phần lớn giảng viên đang giảng dạy âm nhạc trong các trường sư phạm/trường văn hoá nghệ thuật đang làm công việc truyền đạt những cái mà họ có, chứ chưa làm được tốt vai trò của giảng viên hướng dẫn sinh viên theo sự đòi hỏi của công việc giáo dục âm nhạc phổ thông.

Theo chúng tôi, các chương trình hội thảo, tập huấn về phương pháp dạy học âm nhạc, các chương trình phát triển giáo dục âm nhạc theo năng lực của người học… không chỉ triển khai ở các cán bộ, giảng viên chủ chốt mà cần phải thường xuyên mở rộng đến các giảng viên trực tiếp dạy học âm nhạc trong các trường sư phạm/trường văn hoá nghệ thuật bằng nhiều hình thức” – TS Lê Vinh Hưng đề xuất.

Từ các hình thức đào tạo, cách cấu tạo các môn học, cách tổ chức lớp học, qui mô/biên chế lớp học của từng môn học âm nhạc là không thể rập khuôn như đào tạo các chuyên ngành khác. Biên chế giờ dạy học một thầy lên lớp với 2 trò ở môn Thanh nhạc và Nhạc cụ; biên chế nhóm từ 15 đến 20 sinh viên tổ chức lên lớp với 2 thầy (1 thầy dạy hát, 1 thầy đệm đàn piano) đối với môn học Chỉ huy hợp xướng và Hát hợp xướng… đến nay đang còn làm “thao thức” nhiều nhà quản lý.

 

Do vậy, nếu các cơ quan hữu trách thấu hiểu và cảm thông thì đó là những yếu tố hết sức quan trọng cho việc đào tạo giáo viên âm nhạc có trình độ, có năng lực đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông mới.

 

TS Lê Vinh Hưng

Nâng chất dạy học nghệ thuật: Cần chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên



Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

28/7/2019 - 15:00 (GMT+7)


GD&TĐ - Điểm nổi bật trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) được triển khai ở các cấp học. PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cho rằng - các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, cập nhật, nắm bắt, theo kịp tinh thần của chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng GV cho môn học này.  


* Chúng ta sẽ gặp khó khăn nào trong đáp ứng điều kiện đội ngũ GV Âm nhạc, Mỹ thuật khi triển khai Chương trình GDPT mới?

-Nhiều người lo ngại đội ngũ GV nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) hiện tại khó có đủ khả năng đáp ứng đảm nhận Chương trình GDPT mới theo kế hoạch đề ra. Do đó, chuẩn hóa, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, vai trò của đội ngũ GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK.

* Thực hiện đổi mới chương trình, nhất là chương trình GDPT không phải dễ dàng và luôn gặp khó khăn ban đầu. Đổi mới dạy học môn Nghệ thuật trong nhà trường phổ thông, trước hết khó khăn sẽ tập trung ở vấn đề đội ngũ GV và cơ sở vật chất. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xúc tiến xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân GV để có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.

* Giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) trong danh mục các môn học ở các cấp học trong Chương trình GDPT mới có vị trí quan trọng và được định hướng về nội dung giáo dục rõ ràng. Để đạt được mục tiêu đó, năng lực đội ngũ GV dạy học nghệ thuật đóng vai trò quyết định. Đội ngũ này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mở rộng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Mỗi địa phương, vùng miền có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau trong đào tạo, sử dụng đội ngũ GV nghệ thuật. Việc chuẩn hóa, phổ cập đội ngũ GV này trước đây chủ yếu tập trung ở các trung tâm, thành phố; hầu hết các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn thiếu, trình độ của đội ngũ GV nghệ thuật không đồng đều. Đây cũng là bất cập cho triển khai Chương trình GDPT mới và cũng cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ GV nghệ thuật của các trường phổ thông.

Nội dung giáo dục nghệ thuật ở phổ thông hướng tới định hướng nghề nghiệp cho học sinh, được thể hiện chuyên sâu trong các chuyên đề học tập. Do đó, cần nhanh chóng đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật trong trường phổ thông qua vai trò của các trường sư phạm. Là người trong cuộc, ông nghĩ sao?

- Có thể nói, các cơ sở đào tạo GV nghệ thuật phải là nơi tiên phong trong rà soát, điều chỉnh, thiết kế lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV theo mục tiêu phát triển năng lực nghề và tương thích với sự thay đổi của chương trình, SGK theo Chương trình GDPT mới.

Đối chiếu với yêu cầu của Chương trình giáo dục mới, các trường sư phạm nghệ thuật sẽ thấy rõ cái đang cần và đang thiếu của GV, từ đó xác định nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng cho GV và xây dựng chương trình cho sát với nhu cầu thực tiễn.

* Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, GV nghệ thuật cho các trường phổ thông, giảng viên các trường ĐH sư phạm nghệ thuật phải thực sự là lực lượng nòng cốt, chủ yếu để bảo đảm chất lượng của đội ngũ GV dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật. Các cơ sở đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sẽ là người chịu trách nhiệm tổ chức, chủ động phối hợp với các địa phương trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác được giao theo lộ trình và yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

* Đối với Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, được ghi nhận là cơ sở đào tạo GV nghệ thuật chính quy lớn nhất cả nước cả về số lượng và chất lượng, đang theo sát lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới. Trường đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ, chuẩn bị, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội nghệ thuật.

*Theo ông, cần làm gì để chúng ta có thể tự tin về đội ngũ khi triển khai chương trình mới với môn nghệ thuật?

- Tôi cho rằng, trước hết cần có sự thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu; ổn định nội dung, chương trình; cải tiến đồng bộ phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ GV dạy học bộ môn nghệ thuật trong trường phổ thông.

* Bộ GD&ĐT cùng các trường sư phạm nghệ thuật có khảo sát, điều tra, thống kê, tổng kết về số lượng, chất lượng; đánh giá lại năng lực một cách chính xác, khách quan của đội ngũ GV nghệ thuật để có căn cứ khoa học cho một chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ này ở tầm vĩ mô. Đồng thời ban hành chuẩn GV, chuẩn chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật theo Chương trình GDPT.

* Tổ chức biên soạn các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật theo từng nội dung hoặc chủ đề, trên cơ sở đó, thiết kế một số giáo án mẫu, các tiết dạy minh họa thể hiện cách thức dạy học theo hướng đổi mới của Chương trình GDPT để GV có thể tự học, tự bồi dưỡng, vận dụng.

* Đối với các cơ sở được giao đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật cần xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị (đặc biệt xây dựng phòng dạy trực tuyến) để giảng dạy qua mạng, online. Xác định rõ mình là lực lượng nòng cốt trong tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng. Đây là khâu then chốt để bảo đảm chất lượng trong công tác bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật cho các trường phổ thông. Cần thiết mở rộng chỉ tiêu đào tạo liên kết, hình thức vừa học vừa làm cho ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật thay thế cho việc bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật.

* Đối với các Sở GD&ĐT, trường phổ thông, bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý cho GV nghệ thuật được tham gia các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn từ xa hoặc trực tiếp theo chương trình mới.

* GV trực tiếp giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở các cơ sở GDPT chủ động, tích cực hoàn thành tốt các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở địa phương hoặc ở các trường sư phạm nghệ thuật phù hợp với thời điểm áp dụng chương trình, SGK theo lộ trình, thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới mà Bộ, ngành, sở triển khai.

* Các cơ quan, bộ phận liên quan xây dựng quy trình thường xuyên đánh giá tiến độ, mức độ thực hiện kế hoạch và biện pháp triển khai, lấy ý kiến phản hồi của GV nghệ thuật trong trường phổ thông về các điều kiện và biện pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển học thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

* Xin cảm ơn ông!

Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giáo dục Âm nhạc



Hải Bình

21/8/2019 - 13:01 (GMT+7)

GD&TĐ - Tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay (21/8), bà Vũ Mai Lan - chuyên viên Âm nhạc, Sở GD&ĐT Hà Nội – đã chia sẻ về thực trạng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc cấp THCS của thành phố Hà Nội; đồng thời đề xuất giải pháp liên quan đến đội ngũ giáo viên Âm nhạc chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.


Những băn khoăn về đội ngũ

Bà Vũ Mai Lan cho biết, hiện Hà Nội có 816 giáo viên Âm nhạc cấp THCS/624 trường. Trong đó, 40% giáo viên có trình độ ĐH tốt nghiệp ngành sư phạm Âm nhạc; 60% giáo viên được đào tạo trình độ CĐ tốt nghiệp chuyên nghành sư phạm Âm nhạc. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn về trình độ và năng lực chuyên môn.

Tuy nhiên, việc bố trí giáo viên dạy môn Âm nhạc còn tồn tại một số trường chỉ có 1 giáo viên dạy 22 đến 25 lớp, kiêm nghiệm thêm công tác tổng phụ trách, tổ chức các hoạt động phong trào âm nhach  trong nhà trường. Bên cạnh đó, ở những trường nằm tại quận trung tâm, có đến 4 giáo viên nhạc dạy trong một trường có 40 lớp. Hơn nữa, giáo viên dạy nhạc còn kiêm nhiệm thêm công tác Tổng phụ trách, tổ chức phong trào của trường.

Cũng theo bà Lan, bên cạnh ưu điểm năng lực sư phạm tốt, chuyên môn vững, yêu nghề, nhiệt tình trong giảng dạy, tổ chức hoạt động phong trào trong nhà trường, hiện tại còn một số giáo viên âm nhạc lớn tuổi, tâm lí ngại cập nhật, ngại đổi mới. Một số giáo viên Âm nhạc cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau (Tổng phụ trách - Chủ nhiệm - Bí thư đoàn và nhiều các hoạt động ngoại khóa khác). Chính vì vậy giáo viên dạy Âm nhạc chưa có nhiều thời gian tập trung cho việc phát triển năng lực giảng dạy bộ môn...

Ở một số đơn vị trường học có giáo viên chuyên môn tốt, say nghề, nhưng chưa được sự quan tâm, tạo điều kiện về thiết bị dạy học, cơ sở vật chất của ban giám hiệu do tâm lí coi môn Âm nhạc là môn phụ. Bởi vậy, giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc không được phát huy khả năng...


Giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên Âm nhạc

Từ thực tiễn dạy học Âm nhạc nói chung, về đội ngũ giáo viên Âm nhạc nói riêng, bà Vũ Mai Lan cho rằng, thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch rà soát, kiểm tra về cơ sở vật chất và việc dạy học môn Âm nhạc ở THCS trong toàn quốc.

Qua đó, Bộ GD&ĐT nắm được cơ sở vật chất ở từng địa phương, việc thừa hay thiếu giáo viên, chất lượng dạy và học của bộ môn để có giải pháp như tăng cường đào tạo, bổ sung đội ngũ giáo viên, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn những nội dung cần thiết để xây dựng và phát triển một đội ngũ giáo viên âm nhạc THCS đầy đủ và có chất lượng.

Riêng nội dung tập huấn, song hành cùng tổ chức các đợt tập huấn trực tiếp cho giáo viên, Bộ GD&ĐT cần xây dựng hệ thống học tập trực tuyến, trong đó tích hợp hướng dẫn thực hiện chương trình, thiết kế minh họa các nội dung cụ thể bằng âm thanh, hình ảnh video minh họa, việc tổ chức dạy học, định hướng về phương pháp giảng dạy. Các video minh họa đảm bảo về chất lượng - gần như nội dung mẫu để giáo viên lấy đó là điểm chuẩn, từ đó phát triển, sáng tạo vận dụng phù hợp với địa phương.

Cũng theo bà Vũ Mai Lan, Bộ GD&ĐT cần có tiêu chí rõ về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về con người. Trường hợp đã được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tốt mà nhà trường vẫn không triển khai, lí do giáo viên không đủ trình độ, thì có hình thức điều chuyển giáo viên. Lựa chọn giáo viên trên địa bàn có trình độ, say mê, luôn học hỏi trau dồi chuyên môn về giảng dạy những trường đã đủ điều kiện triển khai chương trình mới môn Âm nhạc. Đặc biệt, tránh việc lãng phí đầu tư cơ sở vật chất, trường thừa, trường thiếu…

Về đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nhạc trong tương lai, bà Vũ Mai Lan cho rằng, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên Âm nhạc, các khoa sư phạm Âm nhạc đầu tư xây dựng chương trình, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung các tín chỉ trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm âm nhạc, bám sát vào nội dung dạy và học Chương trình GDPT mới.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo ngành sư phạm Âm nhạc đầu tư máy móc thiết bị, kiện toàn một đội ngũ giảng viên có trình độ công nghệ thông tin cao, nhất là khả năng sử dụng phần mềm âm nhạc chuyên nghiệp cũng như các phần mềm hỗ trợ khác cho thiết kế, giảng dạy âm nhạc… Đó cũng là điều kiện cần thiết mà các cấp lãnh đạo, các ban ngành cần hết sức quan tâm nhiều hơn nữa.

Riêng đội ngũ giáo viên giảng dạy cấp THPT, bà Vũ Mai Lan đề xuất, nên tuyển dụng đối tượng giáo viên dạy cấp THPT là những sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, CĐ, ĐH từ các trường đào tạo chuyên nghiệp như: CĐ nghệ thuật Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia… Đội ngũ sinh viên này chắc chắn đảm bảo, đáp ứng được việc thực hiện chương trình mới theo lộ trình năm 2022 - 2023 dạy âm nhạc cấp THPT hiệu quả, chất lượng.

“Trên thực tế qua các cuộc kiểm tra chuyên môn tại Hệ thống các trường Ngoài công lập như Vinschool, Olympia, Nguyễn Siêu… thì đối tượng giáo viên được tuyển chọn giảng dạy môn Âm nhạc ở đây là đối tượng giáo viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp đào tạo ngành Thanh nhạc, Ghita, Piano… chuyên môn giỏi, giáo viên có thể bao quát, cập nhật phương pháp mới rất nhanh khi họ đã có nền tảng kiến thức cơ bản chuyên sâu” – bà Vũ Mai Lan chia sẻ.

Bộ GD&ĐT cần có biện pháp quản lý, tổ chức thẩm định chặt chẽ, hiệu quả các bộ sách giáo khoa. Ngoài tài liệu sách giáo khoa cần có thêm nhiều tài liệu tham khảo có chất lượng để phục vụ tốt cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập - bà Vũ Mai Lan

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates