Tác giả: Hồ Ngọc Khải
Giáo dục Âm nhạc tại Hoa Kỳ được khởi xướng bởi nhà giáo dục Lowell Mason và các cộng sự của ông bằng việc giới thiệu môn Âm nhạc vào chương trình các trường công lập thành phố Boston, Massachussets. Giữa những năm 1837 và 1852, Giáo dục Âm nhạc được phổ biến trên khắp quốc gia này.
Ngày nay, nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang nỗ lực phát triển chương trình Giáo dục Âm nhạc trong hệ thống giáo dục quốc gia. Mặc dù Giáo dục Âm nhạc khác biệt từ giữa các quốc gia, giáo viên Âm nhạc vẫn đang đương đầu với các vấn đề tương tự về chuẩn kiến thức, khung chương trình giảng dạy, và định hướng giáo dục (Alexandra, 2008). Vì vậy, để chuẩn bị chương trình cải cách giáo dục mới sau năm 2015, nghiên cứu Giáo dục Âm nhạc của các quốc gia tiến bộ là một việc làm thật sự cần thiết để giáo dục Âm nhạc Việt Nam có thể tìm ra những hướng đi mới cũng như những điểm mạnh để học hỏi và phát triển.
Qua gần ba năm được đào tạo về Giáo dục Âm nhạc ở bang Hawaii – Hoa Kỳ, tôi đã học tập và nghiên cứu về các phương pháp sư phạm cũng như được thực tập giảng dạy âm nhạc tại một số trường phổ thông công lập tại xứ sở này. Dưới hình thức đối chiếu và so sánh, tôi xin đề cập các vấn đề có liên quan đến chương trình giáo dục, tư liệu sư phạm, nội dung và chuẩn kiến thức, phương pháp giảng dạy, và các điều kiện dạy và học của Giáo dục Âm nhạc Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi hy vọng rằng qua những điểm tương đồng và dị biệt tìm ra, chúng ta có thể xác định các nhân tố giáo dục ưu việt để áp dụng vào điều kiện Việt Nam trong tương lai.
1. Chương trình Giáo dục Âm nhạc ở Việt Nam và Hoa Kỳ
1.1. Giáo dục âm nhạc Việt Nam
Âm nhạc được chính thức đưa vào giảng dạy trong nhà trường Việt Nam vào năm 1980, từ lớp 1 đến lớp 8. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu giáo viên, dạy học Âm nhạc chỉ thực hiện được ở các trung tâm đô thị lớn mà thôi. Mãi đến năm 2002, theo chương trình cải cách về nội dung, phương pháp, và sách giáo khoa của Quốc hội Việt Nam, Âm nhạc đã được dạy từ lớp 1 đến nửa đầu lớp 9 như là một môn học bắt buộc. Giáo dục Âm nhạc Việt Nam phát triển trên định hướng giáo dục âm nhạc tổng quát (general music education).
Bảng 1 dưới đây tóm lược sự dự phần của môn Âm nhạc trong chương trình các cấp học phổ thông ở Việt Nam hiện nay, dựa trên các tiêu chí: lớp, chương trình âm nhạc, thời gian phân bố, cơ cấu giảng dạy, số lượng học sinh trong một lớp học Âm nhạc.
Bậc học
|
Tiểu học
|
Trung học sơ sở
|
Trung học phổ thông
|
Lớp
|
1-5
|
6-9
|
10-12
|
Chương trình Giáo dục Âm nhạc | Giáo dục Âm nhạc phổ thông | Giáo dục Âm nhạc phổ thông | (Không) |
Thời gian tiết học | 35 phút | 45 phút | |
Hình thức dạy học | Cả lớp | Cả lớp | |
Số lượng học sinh | 35-45 | 35-45 | |
Số tiết Âm nhạc | 1 tiết / tuần | 1 tiết / tuần |
1.2. Giáo dục Âm nhạc ở Hoa Kỳ
Giáo dục Âm nhạc tại Hoa Kỳ được khởi xướng bởi nhà giáo dục Lowell Mason và các cộng sự của ông bằng việc giới thiệu môn Âm nhạc vào chương trình các trường công lập thành phố Boston, Massachussets. Giữa những năm 1837 và 1852, Giáo dục Âm nhạc được phổ biến trên khắp quốc gia này. Đến trước năm 1900, môn học này được cơ cấu như một môn học thường xuyên trong chương trình các trường công lập (Lois Choksy, 2001). Suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn. Bảng 2 sau đây minh họa các thông tin chung của chương trình Giáo dục Âm nhạc ở Hoa Kỳ.
Cấp học
|
Primary school
|
Middle high school
|
High school
|
Lớp
|
MG-4 (5)
|
(5) 6-8
|
9-12
|
Chương trình Giáo dục Âm nhạc | Âm nhạc chuẩn phổ thông (General Music) | -Âm nhạc chuẩn biểu diễn (Performance-based music)
-Phát triển năng lực cá nhân (Individual development)
+ Hợp xướng (Choir)
+ Dàn nhạc cổ điển (Instrumental Ensemble)
+ Nhóm nhạc (Band)
| -Âm nhạc chuẩn biểu diễn (Performance-based music)
-Phát triển năng lực cá nhân (Individual development)
+ Hợp xướng (Choir)
+ Dàn nhạc cổ điển (Instrumental Ensemble)
+ Nhóm nhạc (Band)
|
Thời gian tiết học | 20-30 phút | 30-45 phút | 30-45 phút |
Hình thức dạy học | Nhóm lớn, nhóm nhỏ | Nhóm lớn, nhóm nhỏ, và cá nhân | Nhóm lớn, nhóm nhỏ, và cá nhân |
Số lượng học sinh | 15-20 | Phụ thuộc vào hình thức lớp | Phụ thuộc vào hình thức lớp |
Số tiết Âm nhạc | 4-5 tiết / tuần | 4-5 tiết / tuần | 4-5 tiết / tuần |
Bảng 2- Giáo dục Âm nhạc tại Hoa Kỳ
Sự du nhập các phương pháp dạy học âm nhạc nổi tiếng Kodaly, Dalcroze, và Orff-Schulwerk và các triết lý sư phạm khác như Pestalozzi, Gordon và Montessorri đã mang ra nhiều thay đổi lớn về mặt chất lượng dạy và học âm nhạc ở xứ này. Ngoài ra, nhiều cuộc cải cách lớn đã mang lại nhiều tiến bộ cho Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ trong suốt nhiều thập niên dưới sự lãnh đạo của Hiệp hội các nhà Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ (Music Educators National Conference) – viết tắt là MENC (Lois Choksy, 2001).
Tại Hoa Kỳ, giáo dục phổ thông được tổ chức theo nhiều mô hình khác nhau giữa các tiểu bang, và giữa khối công lập và tư thục. Nhìn chung, có ba mô hình chính, gồm mô hình 6-3-3, 4-4-4, và K-5-3-4 của các lớp cấp Primary Schools – tương đương cấp tiểu học, Middle High Schools – tương đương cấp trung học cơ sở, và High Schools – tương đương cấp trung học phổ thông (Rober E. Ny, 1992, tr. 71-73). Giáo dục Âm nhạc được áp dụng trong tất cả các lớp Mẫu giáo đến 12 với nội dung và tổ chức dạy-học khác nhau. Thời gian của một tiết và tổng số tiết học cũng khác nhau theo từng cấp học. Âm nhạc được tổ chức dạy-học dưới ba hình thức chính: nhóm lớn, nhóm nhỏ, và cá nhân; theo quy định của các chuẩn quốc gia về giáo dục nghệ thuật của MENC.
So sánh dữ liệu từ Bảng 1 và 2, chúng ta có thể dễ dàng xác định nhiều điểm khác biệt cũng như tương đồng giữa hai hệ thống Giáo dục Âm nhạc. Những điểm tương đồng có thể nhận thấy đa phần ở bậc tiểu học. Ở bậc học này ở cả hai nước, Giáo dục Âm nhạc theo chuẩn phổ thông (General music education). Học sinh học Âm nhạc dưới nhiều hình thức cơ cấu dạy học, bao gồm cả lớp, hay nhóm lớn gồm nhiều học sinh, với thời lượng tiết học âm nhạc khoảng chừng 30 phút. Tuy nhiên, nhiều sự khác biệt có thể tìm thấy giữa hai hệ thống.
Thứ nhất, ở bậc tiểu học, số lượng học sinh trong một cơ cấu lớp học Âm nhạc ở Hoa Kỳ nhỏ hơn so sánh với ở Việt Nam. Điều đó cho thấy giáo viên âm nhạc ở Hoa Kỳ dễ dàng hơn trong quản lý lớp học và tổ chức các hoạt động thực hành so với các đồng nghiệp người Việt với gần gấp đôi số học sinh trong một lớp học. Ngoài ra, các học sinh tiểu học ở Hoa Kỳ sẽ được tích lũy kỹ năng và kiến thức Âm nhạc (3-4 tiết/tuần) nhiều hơn so với học sinh ở Việt Nam (chỉ 1 tiết /tuần).
Thứ hai, ở cấp trung học cơ sở ở Việt Nam, Giáo dục Âm nhạc vẫn dựa trên nền tảng giáo dục phổ thông. Trong khi đó, ở bậc Middle High School ở Mỹ, Giáo dục Âm nhạc tập trung phát triển năng lực biểu diễn của học sinh. Các em có thể chọn âm nhạc hợp xướng, dàn nhạc, hay ban nhạc để học tập và biểu diễn. Do đó, bên cạnh các buổi học tập thể, mỗi học sinh có 1-2 tiết thực hành nhạc cụ của mình.
Thứ ba, ở cấp trung học phổ thông tại Việt Nam học sinh không được học Âm nhạc, trong khi đó, ở bậc High School tại Hoa Kỳ, học sinh được tiếp tục đầu tư phát triển các kỹ năng biểu diễn cá nhân trong các dàn hợp xướng, dàn nhạc, và ban nhạc. Đối với các học sinh không thích theo học các ngành biểu diễn thì các em có thể chọn các lớp học nâng cao về âm nhạc phổ thông như lý thuyết âm nhạc, thanh nhạc, hoặc lịch sử âm nhạc.
2. Chương trình khung và nội dung dạy học Âm nhạc ở bậc tiểu học Việt Nam và Hoa Kỳ
Như đã trình bày ở trang trước và qua so sánh nội dung trong Bảng 1 và 2, đặc điểm chung nhất có thể được tìm thấy chủ yếu trong các chương trình tiểu học của hai quốc gia. Với mục đích nghiên cứu áp dụng giáo dục quốc tế vào Việt Nam, chúng ta cần thiết đi sâu so sánh khung chương trình và nội dung dạy học Âm nhạc ở bậc tiểu học ở cả hai hệ thống giáo dục.
2.1. Nội dung dạy học
Chương trình Giáo dục Âm nhạc cấp tiểu học tại Việt Nam chủ yếu tập trung phát triển các kỹ năng ca hát, năng lực thưởng thức và đánh giá âm nhạc, cùng với giáo dục đạo đức và tình yêu đất nước cho trẻ em. Ca hát là hoạt động chính của chương trình Âm nhạc bậc học này. Xướng âm chỉ được giảng dạy lớp 4 và 5 với trên hệ thống viết nhạc Đô cố định theo âm nhạc Pháp (fixed-do system). Môn Âm nhạc bậc tiểu học bao gồm ba phân môn chính: ca hát, âm nhạc thường thức, và xướng âm. Ca hát và các kỹ năng ca hát được chú trọng phát triển. Mục tiêu dạy-học chính là học sinh có thể hát đúng, hát rõ lời diễn cảm các bài hát trong chương trình và sách giáo khoa. Các em cũng được nghe nhạc và những mẫu chuyện âm nhạc để hiểu biết về lịch sử âm nhạc, các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới và Việt Nam (Hoàng Long, 2005, 2006).
Lớp
|
Học hát
|
Phát triển khả năng âm nhạc
|
Xướng âm
|
1 | 12 bài | Nghe nhạc, nghe và đọc chuyện âm nhạc | Không |
2 | 12 bài | Nghe nhạc, nghe và đọc chuyện âm nhạc. Nghe giới thiệu các loại nhạc cụ | Không |
3 | 11 bài (kể cả bàiQuốc ca) | Nghe nhạc, nghe và đọc chuyện âm nhạc. Nghe giới thiệu các loại nhạc cụ. Học các khái niệm và thành tố âm nhạc | Không |
4 | 10 bài | Nghe nhạc, nghe và đọc chuyện âm nhạc. Nghe giới thiệu các loại nhạc cụ.Học các khái niệm và thành tố âm nhạc. Học về các hình thức biểu diễn âm nhạc | 8 bài tập xướng âm ở nhịp 2/4, gam Đô ngũ cung |
5 | 10 bài | Nghe nhạc, nghe và đọc chuyện âm nhạc. Nghe giới thiệu các loại nhạc cụ. Học các khái niệm và thành tố âm nhạc. Học về các hình thức biểu diễn âm nhạc. Học về các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới và Việt Nam | 8 bài tập xướng âm ở nhịp 2/4, 3/4 hoặc 3/8, gam Đô trưởng |
Bảng 3: Nội dung của chương trình môn Âm nhạc bậc tiểu học ở Việt Nam
Chương trình khung và sách giáo khoa Âm nhạc ở Việt Nam là cố định được xuất bản bởi Bộ Giáo dục và Đào Tạo. Chuẩn kiến thức và kỹ năng âm nhạc được thiết kế chi tiết cho từng tiết học. Giáo viên âm nhạc phải thực hiện theo đúng nội dung và các hoạt động âm nhạc trong một giờ lên lớp. Trong chương trình dạy hát, 15% số bài có thể được thay thế bằng bài hát truyền thống của địa phương theo từng vùng miền.
LỚP MẪU GIÁO
Khái niệm và phân biệt khái niệm của âm thanh
– Mạnh & nhẹ
– Nhanh & chậm
– Cao & thấp
– Ngắn & dài
– Giống & khác
– Mềm mại & nẩy
| LỚP 1
– Phách & Tiết tấu
– Nốt đen, hai móc đơn
– Nốt Sol-Mi (giọng F)
– Lặng đen
– Nhịp 2/4, Dấu quay lại
– Âm chủ Do (giọng G & F)
| LỚP 2
– Nốt trắng
– Nhịp 4/4
– Chùm bốn móc kép
– Nốt La trầm, (giọng G, F & C)
|
LỚP 3
– Nốt Sol trầm (giọng G, F & C)
– Nốt La (giọng G & F)
– Đơn hai móc kép
– Hai móc kép móc đơn
– Gam Do ngũ âm (giọng G, F & C);
– Gam La ngũ âm
| LỚP 4
– Nốt Si trầm (giọng G, F & C)
– Nốt Do cao (giọng G, F & C);
– Đảo phách
– Nốt tròn, lặng tròn
– Tiết tấu đen chấm móc đơn
– Nốt Fa ở hệ Do chuyển động (giọng G, F & C)
– Nốt Si giáng – Bb
| LỚP 5
– Đơn đen chấm dôi
– Trắng chấm dôi, Nhịp 3/4
– Đơn chấm dôi, móc kép, móc kép, đơn chấm dôi
– Nốt Fa thăng – F#
|
Bảng 4: Khung chương trình các lớp bậc tiểu học (Primary School) bang Hawaii, Hoa Kỳ (Nguồn: Loong, 2011)
Khác với Việt Nam, chương trình Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ phát triển dựa trên nền tảng phát huy năng lực biểu diễn của học sinh. Do vậy, trong chương trình Primary Schools, học sinh học và thực hành các tiết tấu và cao độ cơ bản, và các khái niệm âm nhạc. Các bài học âm nhạc này nhằm đảm bảo chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng âm nhạc cơ bản để học sinh có thể tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn như Middle High School và High School. Ở lớp mẫu giáo, học sinh học và trải nghiệm các đặc điểm của âm thanh và âm nhạc qua vận động, chạy nhảy, và hoạt động. Từ lớp 1 đến 6, xướng âm được đưa vào giảng dạy (Loong, 2011). Chương trình giảng dạy đưa ra các tiêu chuẩn về nội dung; còn giáo viên Âm nhạc được tự do lựa chọn sách giáo khoa, bài hát, đồng dao, trò chơi, và hoạt động giảng dạy để thực hiện trong tiết học của họ. Mục tiêu quan trọng là giáo viên phải đạt được các chuẩn nội dung đó.
2.2. Phương pháp giảng dạy
Trong chương trình môn Âm nhạc được áp dụng trên toàn quốc từ năm 2002, một số công cụ và phương tiện giảng dạy âm nhạc quốc tế đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Ví dụ, sử dụng nhạc cụ gõ như thanh phách, song loan, hay song tiền gõ đệm trong khi hát (tương tự các nhạc cụ không định âm theo phương pháp Kodaly và Orff-Schulwerk), chữ âm tiết tấu (rhythmic syllables, và hình tiết tấu (stick notation) trong xướng âm (Kodaly). Tuy nhiên, nhiều công cụ giảng dạy khác chưa được sử dụng. Học sinh học trong các lớp học với bàn ghế cố định, mà không có không gian vận động, di chuyển, và chơi trò chơi. Một số trường tiểu học có lớp học âm nhạc, nhưng chủ yếu trang bị đàn phím điện tử. Như vậy, việc học tập âm nhạc có chất tĩnh tại hơn là vận động và chơi đùa, kể cả các động tác múa phụ họa bài hát cũng được thực hiện tại chỗ ngồi của học sinh chủ yếu. Từ đó không khí học tập âm nhạc vẫn còn “hạn chế vận động” và ít hấp dẫn với trẻ em.
Khác với Việt Nam, Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ khai thác tiềm năng và vận dụng một cách kết hợp các phương pháp sư phạm khác nhau, như là Pestalozzi, Kodaly, Orff-Schulwerk, Dalcroze, Suzuki, Gordon, và Montessori. Đa số các phương pháp dạy-học này đã được du nhập từ các quốc gia khác nhau và đã tạo những tiến bộ vượt bậc, khẳng định vị trí hàng đầu của Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ. Trẻ em học và hiểu Âm nhạc thông qua trải nghiệm nghe nhạc, chơi trò chơi, ca hát, vận động, và chơi nhạc cụ (Choksy, 1999). “Phản ứng đa chiều đối với âm nhạc” là quan điểm dạy và học âm nhạc. Vì lý do đó, việc dạy-học âm nhạc phải chú trọng khai thác khả năng sáng tạo (creation) và ứng tác (improvisation) của trẻ em. Chơi và di chuyển là những hoạt động trung tâm. Vì vậy, không gian vận động là yêu cầu nhất thiết của một phòng học âm nhạc. Dưới kim chỉ nam của các phương pháp nổi tiếng trên, các nhà Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ được tự do thiết kế bài học và hoạt động, cũng như sử dụng nguồn tài liệu ; miễn sao đạt được các mục tiêu dạy học và chuẩn kiến thức, kỹ năng.
2.3. Tư liệu sư phạm
Ở trường tiểu học Việt Nam, các bài hát trong chương trình bao gồm dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài, và chủ yếu là sử dụng bài hát mới sáng tác. Đồng dao trẻ em chưa được sử dụng trong giảng dạy. Ngược lại, tư liệu giảng dạy bậc Primary School đa số là dân ca các dân tộc và đồng dao trẻ em. Hoa Kỳ là một quốc gia đa văn hóa với nhiều người thuộc nhiều chủng tộc sống, làm việc và học tập cùng nhau ở mỗi tiểu bang (Choksy, 1999). Vì vậy, Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ cũng đã phát triển dựa trên nền tảng đó. Dân ca của người Mỹ bản địa và các cộng đồng dân tộc khác được thu thập, phân tích, hệ thống, và xuất bản được bởi các nhà nghiên cứu Giáo dục Âm nhạc để dùng cho mục đích giáo dục. Đồng dao trẻ em (children chants) được sử dụng nhiều, đặc biệt là đối với những học sinh ở các lớp đầu cấp. Bài hát mới sáng tác ít được sử dụng.
2.4. Các hoạt động dạy-học
Trong chương trình Giáo dục Âm nhạc Việt Nam, một số hoạt động được sử dụng cùng với ca hát bao gồm vỗ tay, chơi các nhạc cụ gõ đệm, hay múa phụ họa. Vận động khi hát chủ yếu là thể hiện ý nghĩa lời của các bài hát. Trò chơi và các dạng vận động khác ít được sử dụng trong lớp học âm nhạc. Trong khi đó, trò chơi và vận động lại là hoạt động chủ yếu trong các lớp học âm nhạc Hoa Kỳ. Qua các trải nghiệm khi tham gia các trò chơi và vận động âm nhạc, trẻ em từ từ cảm thụ, lĩnh hội, và ứng tác sáng tạo khái niệm và thành tố âm nhạc. Vận động âm nhạc theo phương pháp Dalcorze được coi là tâm điểm trong hoạt động âm nhạc cho trẻ em ở bậc học phổ thông. Các loại hoạt động này đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung đã tạo ra bầu không khí học tập tích cực và vui nhộn cho trẻ em. Các hoạt động khác như khám phá giọng hát (Vocal Exploration), múa truyền thống, chơi trò chơi, phát âm (Speech), và nghe nhạc cũng được ứng dụng triệt để trong các lớp học âm nhạc trẻ em.
2.5. Xướng âm
Các bài tập xướng âm trong chương trình môn Âm nhạc ở các lớp tiểu học tại Việt Nam bao gồm chủ yếu là bài hát ngắn có lời. Sau khi đọc xướng âm, học sinh sẽ hát lời bài hát. Bài tập đọc là chủ yếu viết ở thang Đô ngũ âm (Đô, Rê, Mi, Son, La) trong chương trình lớp 4, sau đó, thêm vào âm Pha và Si của thang âm Đô trưởng ở chương trình lớp 5. Tiết tấu cơ bản được sử dụng trong xướng âm bậc tiểu học bao gồm nốt trắng, nốt đen, móc đơn, và dấu lặng đen. Khi dạy tiết tấu, nhiều giáo viên sử dụng một hệ thống đếm theo âm tiết dựa trên số lượng nốt trong một nhóm có giá trị bằng một nốt đen.
Xướng âm là một phân môn chính trong rèn luyện kỹ năng đọc và viết nhạc cho trẻ em Hoa Kỳ. Nốt Đô di chuyển (Moveable Do) là hệ thống ghi nốt chính khi học môn xướng âm. Tương tự giáo dục âm nhạc Việt Nam, gam ngũ cung được sử dụng chủ yếu trong các bài đọc xướng âm cho trẻ em ở lứa tuổi đầu cấp. Nhiều phương thức giảng dạy theo phương pháp Kodaly và Orff-Schuwerk, chẳng hạn như nốt nhạc biểu tượng (iconic notation), hình nốt nhạc (stick notation), âm tiết để đọc tiết tấu (rhythmic syllables), hệ thống dấu tay (hand signs), bộ gõ cơ thể (body percussions), cũng như vận động và trò chơi theo phương pháp Dalcroze, làm cho hoạt động dạy-học âm nhạc trở nên vui vẻ và sôi động (Choksy, 1999). Một số hình thức âm nhạc Canon và Fuga đã được đơn giản và đa dạng hóa trong các hoạt động của các em. Ngoài ra, trò chơi nhịp điệu được kết hợp trong các bài học xướng âm nhằm tăng cường cảm nhận tiết tấu của các em trong giờ học âm nhạc (Lineburgh, 1994).
2.6. Nhạc cụ
Từ khi chương trình giáo dục phổ thông 2002 được thực hiện, một số nhạc cụ gõ dụng cụ Việt Nam truyền thống đã được sử dụng trong các lớp học âm nhạc như song loan, mõ, thanh phách, và song tiền. Thường các nhạc cụ này dùng để đệm khi hát theo phách, theo nhịp, và theo tiết tấu bài hát. Học sinh còn được giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc phổ biến khác như sáo trúc, đàn tranh, và đàn bầu, hay các nhạc cụ phương Tây như đàn piano, guitar, violin, chủ yếu là xem hình ảnh và nghe những bản thu âm biểu diễn.
Tuy nhiên, học biểu diễn nhạc cụ được xem là một chuẩn âm nhạc của chương trình môn Âm nhạc ở Hoa Kỳ. Ở bậc tiểu học (Primary School), các em được tiếp xúc và sử dụng thường xuyên nhiều nhạc cụ gõ đơn giản, chẳng hạn như bộ gõ cơ thể (body percussions), nhạc cụ gõ cầm tay và các nhạc cụ của trường phái Orff-Schulwerk. Trẻ em chơi các nhạc cụ gõ theo nhiều cách và cơ cấu nhóm. Ví dụ, mỗi nhạc cụ thể hiện một vần trong ca từ, một cao độ, hay một hình tiết tấu cơ bản; hoặc gõ phách, tiết tấu, hoặc các âm hình cơ bản đan xen (ostinato) để đệm hát (Shamrock, 2007). Trẻ em lớp 2 và 3 có thể được học một số nhạc cụ như ukulele (một dạng đàn gỗ hình dáng như guitar nhỏ 4 dây), guitar, recorder, và xylophone, nhưng chỉ một số bài đàn nhỏ với các kỹ thuật cũng đơn giản.
3. Đề xuất những ứng dụng vào chương trình Giáo dục Âm nhạc Việt Nam
Bởi những đặc điểm riêng về xã hội, văn hóa, và chính trị, các ứng dụng quốc tế vào hệ thống giáo dục Việt Nam phải được chọn lọc, phù hợp, và khả thi. Theo tôi, đổi mới chương trình, phương pháp, và sách giáo khoa nên ưu tiên tập trung vào về mặt chất lượng dạy-học âm nhạc. Sau đây là một số đề xuất có tính ứng dụng cao có thể thực hiện trong những năm tới, dưới góc độ nội dung, tư liệu học tập, cũng như phương pháp dạy học và giáo cụ trực quan.
3.1. Nội dung
– Xướng âm cần được đưa vào giảng dạy ở các lớp đầu cấp tiểu học, như chương trình Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ, nhằm tăng cường khả năng đọc viết nhạc cho các em. Ở lớp 1, chủ yếu cung cấp cho các em các khái nhiệm về âm thanh âm nhạc, như to & nhỏ, cao & thấp, nhanh & chậm, v.v. Sau đó ở chương trình lớp 2 đến 5, một số khái niệm lý thuyết đơn giản và thành tố âm nhạc từng bước được đưa vào kết hợp với các bài tập xướng âm. Gam năm âm (Pentatonic) nên sử dụng xuyên suốt trong chương trình tiểu học. Còn các bài tập ở gam Đô trưởng 7 âm nên được sử dụng hạn chế.
– Tiết tấu cần được dạy riêng rẽ rồi mới kết hợp với cao độ trong các bài tập xướng âm. Tiết tấu cần được dạy thông qua hình thức trò chơi, vận động, và hoạt động âm nhạc để tạo điều kiện cho các em trải nghiệm về tiết tấu thông qua tham gia chơi đùa, chạy nhảy, hay múa đơn giản.
– Ở bậc tiểu học, bài hát nên dạy kết hợp với nội dung bài xướng âm, không sử dụng riêng rẽ vì các kỹ năng ca hát như hiện nay. Ở các bậc học cao hơn như trung học cơ sở và trung học phổ thông, thì bài hát có thể dạy riêng trong mối quan hệ với dạy các kiến thức về trào lưu âm nhạc, giới thiệu về tác giả, hoặc các mục tiêu giáo dục khác.
– Âm nhạc hợp xướng cần được đưa vào thực hiện ở mọi bậc học, đặc biệt ở bậc trung học phổ thông nhằm tăng cường khả năng biểu diễn âm nhạc mang tính học thuật cho học sinh. Thêm vào đó, hình thức âm nhạc này có thể giúp duy trì và phát triển tính kỷ luật và biểu diễn nghệ thuật nghiêm túc cho học sinh.
3.2. Tư liệu dạy học, phương thức dạy học, và giáo cụ trực quan
– Nên tăng cường số lượng các bài hát dân ca truyền thống Việt Nam trong chương trình môn Âm nhạc phổ thông. Khám phá và sử dụng những nguồn tư liệu âm nhạc khác như đồng dao và bài hát gắn với trò chơi trẻ em. Bởi vì những tư liệu dạy học này chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống, ứng dụng Giáo dục Âm nhạc này sẽ góp phần giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam.
– Bổ sung các dạng phương thức dạy học âm nhạc mới như Nốt nhạc hình tượng (Iconic notation – viết nhạc bằng hình ảnh của các con vật, trái cây, hay biểu tượng đồ vật) nhằm đơn giản và đa dạng hóa qua trình lĩnh hội âm nhạc của trẻ. Sử dụng Smart Notebook và Bảng tương tác thay cho Power Point trong các bài giảng ứng dụng công nghệ, vì phần mềm này giúp giáo viên có thể viết nốt nhạc, hình ảnh, cùng các hiệu ứng âm thanh trực tiếp trên slides biểu diễn rất thuận lợi cho môn Âm nhạc.
– Bên cạnh việc sử dụng các nhạc cụ gõ truyền thống Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu đưa vào sử dụng các nhạc cụ không định âm theo phương pháp Orff-Schulwerk trong lớp học Âm nhạc cho trẻ em. Đầu tiên là sử dụng bộ gõ cơ thể với vỗ tay, búng tay, đập tay, và dậm chân; bởi những động tác này dễ và có sẵn ở mọi trẻ em. Sử dụng bộ gõ cơ thể giúp trẻ em cảm nhận âm nhạc bằng hoạt động và tương tác của các bộ phận cơ thể, Thứ hai, sử dụng thêm các nhạc cụ không định âm cầm tay như maraca (bầu rỗng chứa hạt), triagle (kẻng ba góc), jingle (rung leng keng), finger cymbals (chũm chọe), tambourine, cowbell (chuông cổ bò), … và trống con ở nhiều cỡ. Những nhạc cụ này đơn giản về cầu trúc, có âm thanh vui tai; rất thích hợp và hiệu quả đối với hoạt động âm nhạc của trẻ (Shamrock, 2007).
3.3. Phương pháp giảng dạy
– Nhằm nâng cao chất lượng giờ học Âm nhạc, cần nghiên cứu và đa dạng hóa phương pháp dạy học của giáo viên. Giáo viên và các nhà sư phạm âm nhạc cần được đào tạo về các phương pháp giảng dạy âm nhạc hiệu quả phổ biến quốc tế như Kodály, Dalcroze, và Orff-Schulwerk. Những phương pháp này bao gồm nhiều phương thức dạy học và hoạt động âm nhạc đặc thù phù hợp và đáp ứng nhu cầu vừa học vừa chơi của trẻ em.
– Cần thành lập tổ chức nghiên cứu Giáo dục Âm nhạc, gồm các nhà giáo kinh nghiệm trong nước, các chuyên gia sư phạm âm nhạc được đào tạo ở nước ngoài để nghiên cứu sâu về các phương pháp dạy học tiên tiến thế giới cũng như liên kết với các tổ chức giáo viên âm nhạc thế giới để đề ra chiến lược cải cách Giáo dục Âm nhạc Việt Nam trong tương lai.
– Vận động âm nhạc theo phương pháp Orff-Schulwerk và Dalcroze cần được sớm áp dụng vào chương trình âm nhạc phổ thông Việt Nam.
– Sự thay đổi phương pháp trên tiêu chí tương tác và vận động nêu trên cần sự thay đổi về cấu trúc lớp học âm nhạc. Không gian vận động và chơi đùa cần được bố trí trong cấu trúc thiết kế của phòng học âm nhạc. Bàn ghế di động cần được thay thế bàn ghế cố định để tận dụng không gian cho tổ chức các hoạt động âm nhạc thường ngày.
Tóm lại, có rất nhiều nội dung có thể nghiên cứu và ứng dụng từ Giáo dục Âm nhạc Hoa Kỳ và quốc tế vào Việt Nam, trên các tiêu chí nội dung, tư liệu – phương thức, và phương pháp dạy-học âm nhạc. Thay đổi cần thiết nên bắt đầu từ Giáo dục Âm nhạc cấp tiểu học, sau đó đến các cấp học khác. Cải tiến chương trình Âm nhạc phổ thông phải ưu tiên bằng việc đa dạng hóa hoạt động học tập của trẻ bằng nhiều hình thức trò chơi, vận động, hoạt động âm nhạc, và sử dụng nhạc cụ; phải dựa trên những mô hình dạy-học âm nhạc tiêu biểu đang phổ biến hiệu quả tại nhiều quốc gia không nên góp nhặt một cách riêng rẽ mà không có định hướng phương pháp cụ thể.
4. Kết luận
So sánh Giáo dục Âm nhạc của hai quốc gia cho thấy, Giáo dục Âm nhạc tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, Giáo dục Âm nhạc chuẩn phổ thông (general music education) vẫn phù hợp để tập trung phát triển trong nhiều năm tới. Việt Nam chưa đủ điều kiện để thực hiện một nền Giáo dục Âm nhạc chuẩn biểu diễn và phát triển năng lực cá nhân như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn lọc để áp dụng vào các cấp học. Đổi mới giáo dục cần tiên quyết với những thay đổi môi trường và phương pháp dạy-học Âm nhạc cấp tiểu học, sao cho giờ học âm nhạc sinh động và rộn ràng hơn bằng nhiều hoạt động âm nhạc. Các hoạt động âm nhạc đó phải dựa trên tiền đề của các phương pháp Giáo dục Âm nhạc nổi tiếng nhân loại như Kodály, Orff-Schulwerk, và Dalcroze. Đổi mới phương pháp cần được ưu tiên trước đổi mới nội dung và khung chương trình. Để thực hiện được điều đó, (1) Các nhà hoạch định chính sách giáo dục Việt Nam cần gửi nhiều nhà sư phạm Âm nhạc đi đào tạo trong các chương trình dài hạn ở nước ngoài. (2) Cần thành lập tổ chức hay viện nghiên cứu Giáo dục Âm nhạc. (3) Vận dụng hỗ trợ quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm, đào tạo chuyên gia, cung cấp phương tiện và dụng cụ âm nhạc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Alexandra, K.-W. (2008). Music education in the twenty-first century: a cross-cultural comparison of German and American music education towards a new concept of international dialogue. Music Education Research , 439-449.
Berkey, M., Cooper, L., & Surplus, J. C. (2003). Advocacy for Music Education. Kentucky: Kentucky Music Educators Association.
Choksy, L. (1999). The Kodály Method I. New Jersey: Prentice Hall.
Hoàng Long (2008). Một số ý kiến về giáo dục nghệ thuật và đào tạo giáo viên nghệ thuật. Tham Luận Hội thảo Quốc Gia: Đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Hà Nội: Trường Đại học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương.
Hoàng Long (2001-2006). Tài liệu hướng dẫn thực hiện sách giáo khoa Âm nhạc các lớp 1-5. Hà Nội: Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Lineburgh, N. (1994). Dalcroze Techniques in the Kodaly Classroom. NOCKA – The University of Akron, 1-15.
Loong, C. Y. (2011b, September 2). Inclusions – in class PPT file. Honolulu, Hawaii, United States of America. Retrieved August 25, 2011, from The Minnesota Governor’s Council on Developmental Disabilities: http://www.mncdd.org/parallels/index.html
Loong, C. Y. (n.d.). Music in Special Education. Retrieved September 8, 2011, from Dr. Chet Yeng Loong, Early Childhood Music Specialist: http://cyloong.com/MUS454/Video_History.html
Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam – Khóa 8 (2000). Giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông.
Rober E. Nye, Vernice Trousdale Nye, Gary M. Martin, & Mary Lou Van Rysselberghe. (1992). Music in the Elementary School (Vol. Sixth). Prentice-Hall, Inc.
Shamrock, M. (2007). The Orff-Schulwerk Approach. Retrieved October 11, 2012, from American Orff-Schulwerk Association: http://www.aosa.org/orff.html.