SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Doanh số trực tuyến Black Friday ở Mỹ đạt kỷ lục 9 tỷ USD

 

Người Mỹ đã chi kỷ lục 9,12 tỷ USD để mua hàng online trong dịp Black Friday, theo số liệu của Adobe Analytics.

Như vậy, chi tiêu trực tuyến cho Black Friday năm nay đã tăng 2,3%, cao hơn mức dự báo trước đó của Adobe Analytics là 1%. Adobe Analytics là công cụ đo lường thương mại điện tử bằng cách phân tích giao dịch tại các trang web. Đơn vị này có quyền truy cập vào dữ liệu mua hàng của 85% trong số 100 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Mỹ.

Người Mỹ đã chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh để mua hàng trong dịp lễ. Dữ liệu từ Adobe cho thấy hoạt động mua sắm trên thiết bị di động chiếm 48% tổng doanh số bán hàng trực tuyến vào Black Friday.

Ở kênh bán trực tiếp, từng có dự báo người tiêu dùng sẽ đổ xô đến các cửa hàng sau khi đại dịch làm giảm hoạt động mua sắm offline trong hai năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của Reuters, các cửa hàng năm nay thu hút ít khách hơn những dịp trước do trời mưa rải rác ở một số vùng.

Một người phụ nữ đi ngang qua các biển quảng cáo giảm giá  Black Friday ở Manhattan, New York hôm 26/12. Ảnh: Reuters

Một người phụ nữ đi ngang qua các biển quảng cáo giảm giá Black Friday ở Manhattan, New York (Mỹ) hôm 26/12. Ảnh: Reuters

Washington Post cũng ghi nhận những đám đông mua sắm Black Friday năm nay thưa thớt hơn, đúng với dự báo của các nhà phân tích rằng lạm phát cao, sự mệt mỏi đã đè nặng lên người tiêu dùng. Ngoài ra, một yếu tố khác là các nhà bán lẻ Mỹ đã dần biến Black Friday thành một đợt giảm giá kéo dài có khi hàng tháng, thay vì chỉ tập trung vào một ngày duy nhất.

Nhiều chuỗi lớn đã tung ra các chương trình khuyến mãi kể từ tháng 10, một phần để giảm lượng hàng tồn kho. Nhưng họ cũng đang chịu chi phí lao động và chuỗi cung ứng cao hơn, làm giảm tỷ suất lợi nhuận.

"Vì vậy, họ cố gắng chốt doanh số bán hàng", Adam Davis, Giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ tại Wells Fargo Capital Finance, nhận định.

Sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã phá vỡ trải nghiệm mua sắm Black Friday truyền thống. Harley Finkelstein, Chủ tịch nền tảng thương mại điện tử Shopify, cho biết sự kiện giảm giá này trải dài hơn và có nhiều điểm mua hàng hơn, từ website, ứng dụng, đến cửa hàng.

"Black Friday, Cyber Monday đã biến đổi từ dịp mua sắm cuối tuần thành một mùa lễ hội. Và tôi nghĩ người tiêu dùng thích điều đó vì giúp họ mua sắm được sớm hơn", Harley Finkelstein, nói. Theo dự báo của Adobe Analytics, doanh số của Cyber Monday tới sẽ có thể đạt 11,2 tỷ USD, lớn nhất trong các dịp giảm giá online cuối năm nay ở Mỹ.

Phiên An (theo Reuters, Washington Post

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Vài suy nghĩ về điều cấm và kiểm duyệt phim ở Việt Nam

 

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi 2020 (LĐASĐ) đang tạo ra chuỗi thảo luận liên tục và khác nhau của không chỉ giới làm phim mà còn của báo chí, công chúng quan tâm đến đời sống điện ảnh Việt Nam. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào nội dung điều luật liên quan nghiêm cấm, thẩm định phim được cho là quá khắt khe, thiếu cụ thể, mơ hồ và có thể gây nên rất nhiều hệ lụy xấu trong thực tiễn. Tuy nhiên, như mọi đối thoại đa chiều, để không bị cực đoan hay thiên lệch, tôi nghĩ rằng mọi cảm xúc đều cần lắng nghe và mỗi hiểu biết cũng cần được tham chiếu một cách tôn trọng.


Các đạo diễn, nhà sản xuất phim thể hiện đồng ý với bản kiến nghị trong tọa đàm “Ai có ý kiến giơ tay lên”. 

Thế lưỡng nan của các điều cấm

 

Điều 10 của Dự thảo LĐASĐ được công bố lần hai (ngày 4/1/2021) ghi rõ “những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh”. Theo nhìn nhận của giới làm phim, những điều cấm này khá mơ hồ, không rõ nội hàm và dễ gây suy diễn chủ quan. Vì thế, họ kiến nghị cần xóa bỏ các điều cấm này, biến thành bộ tiêu chí riêng. Quả thật, trong số 13 điều cấm thì những điều cấm như “xuyên tạc sự thật lịch sử”, “thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân” hay “mê tín dị đoan”, “phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội”,… xuất hiện như qui ước đạo đức làm nghề hơn là một sự cụ thể hóa các phạm vi, ranh giới giữa được làm và không được làm. Rất khó để phân chia rành mạch câu chuyện, cảnh phim ở mức độ nào thì “xuyên tạc” nếu bộ phim đó chỉ mượn lịch sử, chi tiết dã sử để thực hiện ý tưởng sáng tạo của tác giả. Tương tự, nếu phim có những cảnh tình dục hay bạo lực thì triển khai đến ngưỡng nào, diễn thật hay dàn dựng, kĩ xảo hay, để không thành “dâm ô”, kích động bạo lực. Cũng khó quả quyết rằng đời tư cá nhân cần “bí mật” đến bao nhiêu thì đủ và cá nhân nào thì được thêm thắt nếu một ngày đẹp trời, các nhà làm phim Việt muốn học theo dòng phim tiểu sử (biography) Hollywood dựng chuyện cả tổng thống. Cho nên, nhìn tổng quát, các điều cấm, tự nó, đang để ngỏ những khoảng trống cho người diễn giải, thực thi. Nếu nhà làm phim và nhà quản lí có độ vênh lớn trong cách hiểu điều cấm thì tranh cãi, xung đột tất yếu sẽ xảy ra khi nhà quản lí thực hiện quyền kiểm duyệt. Hơn nữa, các nhà làm phim cũng lo ngại tình trạng chụp mũ, qui kết đủ loại “tội danh” mà bộ phim, vốn được họ nhấn mạnh là tác phẩm hư cấu, phải gánh chịu do các nhà quản lí thường qui chiếu nội dung phim vào hiện thực xã hội một cách cứng nhắc, sơ giản.

Tính chất mơ hồ, không cụ thể ở các điều cấm trên, theo tôi, là điều có thể xảy ra trong các luật định liên quan đến sáng tạo nghệ thuật, văn hóa. Không như khoa học tự nhiên, công nghệ chính xác hai năm rõ mười, bản thân hoạt động nghệ thuật và văn hóa luôn hàm ẩn những biến số khó lường, chủ yếu do yếu tố cá tính, phong cách sáng tạo cá nhân. Mặt khác, tùy vào bối cảnh chính trị, xã hội của mỗi thời đoạn mà nội dung, hành vi nào đó của nghệ thuật bị xem xét vi phạm luật cấm hay không, và vi phạm mức độ nào thì xử lí. Điện ảnh cách mạng trước đây, chẳng hạn, trong Mối tình đầu (1976), diễn tả nụ hôn rất ý nhị, chóng vánh, bất đắc dĩ mới dùng đến. Nhưng điện ảnh gần đây, từ phim giải trí đến phim nghệ thuật, từ Thung lũng hoang vắng (2002) lấy bối cảnh vùng cao, cho đến Bi, đừng sợ (2009) chọn không gian phố thị, từ Dòng máu anh hùng (2006) chất ngất hào khí kháng Pháp đầu thế kỉ XX, đến Sống trong sợ hãi (2005) âm ỉ nỗi đau hậu chiến chống Mỹ, từ Cánh đồng bất tận (2010) trau chuốt hình ảnh kĩ càng cho đến Kiều (2021) vụng về kể chuyện, thì các đạo diễn, theo nhiều mức độ khác nhau, đã không còn giấu nhẹm cảnh tình ái, tình dục và lấy đó như một cách thức soi chiếu, phản ánh cuộc sống, số phận và tâm lí con người… Rõ ràng, trước những diễn biến sinh động và ngày càng đa dạng của sáng tạo điện ảnh, rất khó cho các nhà làm Luật Điện ảnh liệt kê cụ thể, lượng hóa chi tiết, đầy đủ các điều cấm. Và ngược lại, cũng không thể đòi hỏi các nhà làm phim tự động cài sẵn các điều cấm vốn dĩ chưa rõ ranh giới để rồi thực hiện chính xác tuyệt đối. Trong trường hợp đó, chúng ta không thể qui kết hoàn toàn cho nhà quản lí quá khắt khe, vô tâm và cũng chẳng nên coi các nhà làm phim là cố tình vi phạm, ương bướng, cứng đầu. Chúng ta chỉ nên giả định rằng giữa hai bên đều chịu những sức ép khác nhau và biện pháp xử lí (chỉnh sửa, cấm phát hành) đều gây tổn hại cho cả hai. Dĩ nhiên, với nhà sản xuất/nhà làm phim thì việc cấm trình chiếu, phát hành phim gây tổn thất kinh tế rất lớn, có thể khánh kiệt gia sản. Đây là “nỗi đau riêng” của giới làm phim mà các lĩnh vực nghệ thuật khác (ví dụ văn chương) ít chịu mức độ tương tự nếu bị cấm phát hành.


Bảng phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ.

Sự tồn tại các luật cấm mơ hồ nhưng khắc nghiệt không là một ngoại lệ đối với điện ảnh Việt Nam. Nhiều nền điện ảnh trên thế giới, với các điều luật và cách thức kiểm duyệt khác nhau, đều cho thấy những lí lẽ rất riêng mà không dễ gì cắt nghĩa. Với điện ảnh Iran, kể từ sau 1979, khi Bộ Văn hóa và hướng đạo Hồi giáo trực tiếp điều hành hoạt động điện ảnh thì các điều cấm và kiểm duyệt đều mang nặng tính chất Hồi giáo hóa (Islamicized). Ngoài chủ trương giáo huấn đạo Hồi, thuyết độc thần, và hạn chế lượng phim nước ngoài được trình chiếu, việc kiểm duyệt phim của chính quyền, đôi khi, chỉ nhắm vào nhân vật nữ trên màn hình. Các nhân vật nữ phải vận trang phục che thân từ đầu đến chân, những ứng xử trong gia đình và xã hội phải tuân theo đạo đức Hồi giáo, khi diễn viên nữ đóng vai phụ nữ phương Tây, họ vẫn phải mặc trang phục theo đạo Hồi, không được dùng đồ uống có cồn. Nếu nhà làm phim không thực hiện các qui định như vậy, bộ phim sẽ bị cấm chiếu trong nước. Nghiêm ngặt hơn, các cảnh phim không được phép diễn tả tiếp xúc cơ thể, “chúng tôi không thể quay đàn ông và phụ nữ chung giường, ngay cả khi họ được che phủ hoàn toàn và cách nhau một mét”, nếu một trong hai nhân vật ốm đau hoặc bị thương, “người còn lại không thể làm gì khác ngoài khóc”; thậm chí, ngoài đời dù diễn viên là vợ chồng thì trong phim, vào vai phu phụ, họ vẫn phải giữ khoảng cách, chẳng thể ôm ấp, vì “công chúng không biết”! Nhà làm phim muốn phản ánh hiện thực nào thì nguyên tắc trước nhất là không ma túy, không chất kích thích, các nhân vật giáo sĩ tuyệt đối phải hoàn hảo, thiên thần. Không chỉ kiểm duyệt phim trong nước, chính quyền Iran còn can thiệp để nhà làm phim Iran không được chiếu phim ở nước ngoài như trường hợp phim Delighted (2016) của Abdolreza Kahani. Chính sách cấm, kiểm duyệt của chính quyền Hồi giáo khiến các nhà làm phim Iran không ngừng phản ứng, đấu tranh. Mới đây nhất, tháng 10/2019, hơn 200 nhà làm phim Iran đã ra một tuyên bố mười điểm phản đối sự can thiệp, kiểm duyệt chặt chẽ của chính phủ đối với bộ phim The Paternal House (2012, Kianoush Ayari), hành vi khiến họ cảm thấy “bị tấn công và tổn hại trong nhiều năm” Nhưng nhìn chung, không có nhiều nhượng bộ, nới lỏng từ chính quyền, và vì thế, các nhà làm phim Iran vẫn phải đối mặt với “những rào cản giết người” như cách họ ví von khi tìm kiếm giấy phép để chiếu tác phẩm của mình. Còn trong điện ảnh Hollywood, Hàn Quốc hay Trung Quốc, những điều cấm và kiểm duyệt đều có một lịch sử khá dài, phức tạp, gay cấn và thường xuyên gây tranh cãi. Lí do chủ yếu, cũng gần giống với thực tế ở nước ta, là vì phần lớn các nhà làm phim không thể lường hết sự diễn giải, qui chiếu điều cấm trong quá trình kiểm duyệt.

Bởi vậy, dẫu ủng hộ kiến nghị xóa bỏ một số điều cấm trong Dự thảo LĐASĐ nhưng tôi e rằng rất khó xây dựng một qui định chi tiết, cụ thể cho các điều cấm. Ngay cả khi nó được chuyển sang bộ tiêu chí (có thể hiểu như qui tắc hành nghề) thì nhà làm luật vẫn chỉ ước lượng nó ở những điểm tương đối, chung chung. Trạng thái này, dù không dễ chấp nhận, vẫn sẽ tồn tại và nó đòi hỏi các nhà làm phim khả năng thích ứng thay vì phủ nhận, chối bỏ. Mặt khác, họ cũng cần chuẩn bị hành trình dài hơi cho sáng tạo riêng trước khi nghĩ rằng các điều luật đang gạt hết mọi nỗ lực sáng tạo, tình yêu điện ảnh của mình.

 

“Sống chung” với kiểm duyệt

    

Khi trải nghiệm công việc kiểm duyệt phim, không ít nhà làm phim Việt Nam cảm thấy khó hiểu với những đề nghị can thiệp, chỉnh sửa hoặc tệ hơn, bị cấm phát hành. Dự thảo LĐASĐ, một lần nữa, khiến họ lo lắng khi các điều cấm trở thành rào cản, ngăn trở công việc sáng tạo của họ. Cùng thời điểm với Dự thảo Luật, bộ phim Vị (2020) bị cấm phát hành ở Việt Nam, phim Ròm (2019) bị phạt hành chính vì “phát hành phim khi chưa được cấp phép” càng làm dấy lên những bức xúc, lo lắng. Nhiều đạo diễn cho biết họ phải điều chỉnh phong cách làm phim của mình, một số người thì lựa chọn làm phim giải trí, hài vui vẻ để không bị vạ lây. Ý kiến trên báo chí còn lo ngại, với cung cách kiểm duyệt bất ổn như vậy, điện ảnh Việt Nam khó lòng sáng tạo và phát triển, ganh đua với quốc tế.

Trải nghiệm kiểm duyệt, chỉnh sửa phim là mệt mỏi, nhọc nhằn và đôi khi cay đắng. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, phim Bao giờ cho đến tháng Mười(1984) của ông “phải duyệt đi duyệt lại nhiều tầng nhiều nấc […]. Cứ mỗi nấc duyệt lại nảy sinh thêm những rắc rối mới”. Đạo diễn Trần Văn Thủy tiết lộ phim Hà Nội trong mắt ai (1982) bị cấm chiếu đến năm năm, gây tranh cãi và nổi tiếng vì “bị cấm, bị đưa lên thớt, bị qui thành vấn đề chính trị […] Chung qui nó nổi tiếng vì sự đa nghi thái quá, mẫn cán thái quá của một số người có chức quyền thời đó”. Các trường hợp như Xích lô (1999), Bụi đời chợ Lớn (2013) Đập cánh giữa không trung (2014),… chắc chắn đều thấm thía quyền uy kiểm duyệt. Nhưng nếu cho rằng kiểm duyệt đã và sẽ triệt tiêu sức sáng tạo thì dường như không thuyết phục hoàn toàn. Nên chăng, cần đặt ra câu hỏi liệu kiểm duyệt có khiến các nhà làm phim trổ hết tài năng thật sự của mình để “sống chung” và đạt thành tựu hay không?


Một công nhân gỡ bỏ áp phích của bộ phimThe Parental House sau khi bị chính quyền Iran cấm chiếu.

Vẫn có những đạo diễn, nền điện ảnh phát triển rực rỡ trong vòng kiểm duyệt. Điện ảnh Iran, bất chấp điều cấm và kiểm duyệt như đã nói ở trên, luôn có những giải thưởng quốc tế lớn, nhiều đạo diễn bậc thầy, các tài năng liên tục gối tiếp, từ Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf, Majid Majidi, Jafar Panahi, Babak Payami cho đến Asghar Farhadi. Những bộ phim như Where is the friend’s home? (1987),Taste of Cherry (1997), The Silence (1998), Children of Heaven (1998), Blackboards (2000), The Circle (2000), Secret Ballot (2001), A Separation (2011), The Salesman (2016),… đều được xem là mẫu mực của điện ảnh thế giới. Tôi không thấy ở những bộ phim này bất kì cảnh sex nào, không bạo lực đâm chém máu me, cũng chẳng khỏa thân trần trụi, không chân dài miên man cũng chẳng khoe sáu múi cơ bắp! Nhưng tôi nghĩ, nhiều khán giả Việt có thể hiểu, yêu thích phim Iran hơn, không phải bởi họ chuộng ngoại hơn, mà bởi các bộ phim Iran, nhờ cách kể chuyện hấp dẫn, nhiều ẩn dụ, nhờ sức mạnh tự phản tư và không ngừng suy tư trước hiện thực xã hội, nhờ khả năng phát hiện và khai thác vẻ đẹp văn hóa Ba Tư vĩ đại, sẽ khiến họ dễ cảm nhận, đồng điệu hơn. Là khán giả tôn trọng cái mới, cố gắng tìm hiểu các thủ pháp cách tân, đổi mới ngôn ngữ điện ảnh, nhưng tôi cũng không tránh khỏi lúng túng, khó hiểu về một số tìm tòi, thử nghiệm của nhiều phim Việt tranh và đạt giải quốc tế gần đây. Những cảm giác này khiến tôi nghĩ rằng tài năng điện ảnh, oái oăm thay, là thứ khó học theo nhất dù cho, trong thực tế, chúng ta đang có xu hướng và phần nào thành công với tinh thần học theo mô hình vận hành của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran.

Chúng ta không thể so sánh các điều cấm, kiểm duyệt giữa các quốc gia bởi bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa nghiễm nhiên khác nhau. Nhưng điện ảnh là một nghệ thuật có thể so sánh. Những bộ phim hay, được đánh giá cao và thừa nhận rộng rãi đều cho thấy tài năng của ê-kíp làm phim. Ngay cả với tác phẩm điển hình truân chuyên bị cấm, kiểm duyệt mà tôi chợt nhớ như Last Tango in Paris(1972), Salò, or the 120 Days of Sodom (1975), In the Realm of the Sense(1976), The Tin Drum (1979), The Last Temptation of Christ (1988),… thì tài năng của đạo diễn là điều không thể phủ nhận. Như thế, kiểm duyệt hay cấm đoán thường biểu đạt quyền lực nhà nước chứ không thể xóa hoàn toàn tài năng của nhà làm phim. Ngược lại, nếu nhà làm phim có tài năng thì dù sức sáng tạo của họ làm yếu đi bàn tay kiểm duyệt, kết cục, bộ phim của họ vẫn đến và được đánh giá bởi công chúng, các nhà nghiên cứu phê bình mà thôi.

 

Thay đổi cách thức thẩm định

 

Những thảo luận, phản ứng của giới làm phim đã chỉ ra sự bất ổn trong quan điểm và cách thức đánh giá của Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện (trực thuộc Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim). Dự thảo LĐASĐ cũng giữ nguyên điều luật về “hội đồng thẩm định và phân loại phim” (điều 31) với “trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền trước khi khi cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng”.

Đảm nhận vai trò thẩm định, tư vấn để cấp giấy phép có thể khiến hội đồng này quá sức và lạm quyền (khi diễn giải theo các điều cấm) trong đánh giá, yêu cầu chỉnh sửa, can thiệp nội dung bộ phim. Không ít nhà làm phim hoài nghi năng lực chuyên môn của hội đồng thẩm định và họ đành miễn cưỡng chấp nhận các yêu cầu chỉnh sửa mà bản thân bất ngờ, khó hiểu, bực bội. Tổn thất tinh thần và kinh tế, của đau con xót, chỉ nhà làm phim/nhà sản xuất gánh chịu. Tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn như vậy chỉ giảm thiểu phần nào khi có những thay đổi căn bản trong cách thức, chức năng và vai trò của hội đồng thẩm định. Thiết nghĩ, nên giới hạn chức năng hội đồng phân loại phim và đưa ra khuyến cáo dành cho khán giả và nhà phát hành. Đây cũng là xu hướng làm việc phổ biến của các hội đồng đạo đức hoặc phân loại phim trên thế giới. Chẳng hạn, ở Mỹ, sau một thời gian tồn tại khá dài và đầy quyền uy thì Bộ Quy tắc sản xuất phim ảnh (còn được gọi là Luật Hays, ra đời năm 1930, thực thi phổ biến trong Hollywood từ năm 1934 bởi Cơ quan Quản lý Quy tắc sản xuất – PCA) bắt đầu giảm vai trò vào thập niên 1950, và chính thức bị bãi bỏ hoàn toàn vào cuối thập niên 1960. Năm 1968, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) thiết lập hệ thống xếp hạng phim MPPA, trực thuộc Cơ quan Quản lí phân loại và xếp hạng (CARA) nhằm đưa ra khuyến cáo phim phù hợp cho khán giả, giúp cha mẹ quyết định lựa chọn phim cho con cái (hiện có 5 hạng phim theo độ tuổi). Hệ thống xếp hạng này hoạt động tự nguyện, không thực thi bởi luật pháp, một số phim có thể được chiếu mà không có xếp hạng, những người không phải thành viên MPPA cũng có thể gửi phim để xếp hạng. Một khảo sát cho biết có đến 80% phụ huynh Mỹ nhận thấy hệ thống phân loại là chính xác.

Trong trường hợp chức năng, vai trò của hội đồng thẩm định vẫn tiếp tục như hiện hành thì các nhà sản xuất, các công ty điện ảnh hoặc Hội Điện ảnh có nên thiết lập một đơn vị thẩm định độc lập, tự nguyện để cùng đối thoại, trao đổi và đưa ra những quyết định công bằng, hợp lí hơn? Các nhà làm phim/sản xuất có nên xây dựng công cụ nào để đo lường phản ứng của khán giả như một cách đánh giá? Tôi nghĩ, đã đến lúc các thảo luận, kiến nghị giữa nhà làm luật, giới làm phim cần nhiều lí lẽ xác đáng dựa trên phân tích, thực chứng và điều tra xã hội để bớt dần cảm tính, chủ quan.□

—-

Toàn văn Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được công bố trên website của Quốc hội, tại địa chỉ: https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7334

“Ai có ý kiến giơ tay lên”, cuộc tọa đàm do các nhà làm phim, đạo diễn, nhà sản xuất tổ chức trực tuyến vào chiều ngày 26/9/2021, đã đi đến một bản kiến nghị chung. Toàn bộ nội dung tọa đàm hiện lưu giữ trên Youtube theo địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=aKi-x-BUon4

Đã từng có những bộ phim của Dariush Mehrjui như The Tenants (1986) và Hamoun (1990) có phần giữa và phần kết không nhất quán do phải thay đổi theo qui định kiểm duyệt. Xem thêm: A.A. Seyed-Gohrab & K. Talattof [eds] (2013), Conflict and Development in Iranian Film. Leiden University Press, tr.11.

Một chia sẻ những trải nghiệm về làm phim và đối đầu kiểm duyệt của các đạo diễn có phim bị cấm chiếu ở Iran. Xem chi tiết cuộc trao đổi tại: https://observers.france24.com/en/20170818-iranian-director-reveals-what-you-not-allowed-see-iranian-films-12

Chính quyền Iran đã can thiệp để bộ phim Delighted không được chiếu ở rạp phim độc lập của Canada, một động thái chưa có tiền lệ. Bộ phim bị cơ quan kiểm duyệt cho là “vô đạo đức”, “có vấn đề từ đầu đến cuối”. Bản thân đạo diễn Abdolreza Kahani cũng chấp nhận hủy buổi chiếu vì lo ngại rằng, bộ phim khác của mình, We love you Mrs Yaya (2018) vốn rất tốn kém chi phí, có thể tiếp tục bị cấm phát hành.

6 Radio Farda (2019), “Iranian Film Artists Protest Censorship, Lack of Protection and Suspicious Money”. Nguồn:

https://en.radiofarda.com/a/iranian-film-artists-protest-censorship-lack-of-protection-and-suspicious-money/30251002.html

7 Đặng Nhật Minh (2005), Hồi kí điện ảnh. Nxb Văn nghệ, tr.93.

Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy (2013), Chuyện nghề của Thủy. Nxb Hội nhà văn, tr.177.

9 Khảo sát cũng cho thấy, đa số phụ huynh lo ngại các nội dung khiêu dâm, tính dục và cảnh khỏa thân trong phim hơn là bạo lực. Xem thêm: https://www.hollywoodreporter.com/movies/movie-news/movie-ratings-sex-remains-top-845507/

Đàn Nguyệt – Đàn Việt

 

Đàn Việt chỉ có hai dây nên thuận cho việc chơi bằng kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy, vê, rung để diễn cảm được đúng tiếng lòng của người Việt, tâm hồn Việt.


Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Khi giới thiệu về sắc, tài của Kiều, Nguyễn Du tả:

“Cung, thương, làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”

Hiểu là Kiều vừa có tài sáng tác nhạc mà lại còn chơi đàn giỏi. Tất nhiên cũng hiểu thêm “nghề riêng” chính là phong cách, là khác biệt nữa. Nguyễn Du dùng chữ “nghề riêng” là cực khen tiếng đàn của Kiều nói chung chứ chưa chắc là cụ Nguyễn Du bảo Kiều chỉ biết chơi mỗi tỳ bà giỏi. Còn “hồ cầm” là đàn tỳ bà hoặc đàn nhị trầm, trùng tên nhưng tỳ bà thì bốn dây, nhị hồ chỉ có hai dây.

Cho nên ai vẽ Kiều chơi tỳ bà cũng hay. Nhưng tôi thích vẽ Kiều chơi đàn nguyệt. Tỳ bà và nguyệt đều là hai trong những nhạc cụ quen thuộc của người Việt. Ví dụ dàn nhạc ở chân tảng, chùa Phật Tích, Bắc Ninh, thế kỷ X. Các nhân vật vừa hát múa vừa sử dụng nhạc cụ: gõ sênh phách, đánh trống, kéo nhị, thổi sáo, gảy đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt. Riêng nhạc công đàn nguyệt bấm phím bằng bàn tay phải, gảy bằng tay trái, chắc do thuận tay trái? Hoặc các mảng chạm khắc gỗ trên cốn, ván nong ở chùa Thái Lạc, Hưng Yên, thế kỷ XIII cũng có cảnh tiên nữ chơi đàn tranh, tỳ bà và nguyệt. Đặc biệt là bức tranh sơn mài ở đình Lỗ Hạnh, Hiệp Hòa, Bắc Giang dựng năm 1576 vẽ cảnh tám cô tiên, mỗi người một nhạc cụ, đứng trên mây, trong đó có một cô chơi đàn nguyệt (cần dài, hai dây). Hoặc đồ án trang trí đường diềm tám món đồ quý của hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, ngoài thanh kiếm, cây bút … thì có tỳ bà, có khi là sáo trúc. Đó là biểu tượng cho âm nhạc thôi, chứ không phải chỉ có tỳ bà và sáo trúc mới quý. 

Lần đầu Kiều chơi đàn ấy là buổi tối Kiều “xăm xăm băng lối” sang nhà Kim Trọng, Kim bảo nghe nói Kiều đàn rất hay và muốn Kiều chơi tặng mình một bản, Kiều nhận lời, Kim đưa đàn cho Kiều:

“Hiên sau treo sẵn cầm trăng

Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày”


Ảnh: TTXVN.

Cầm trăng là đàn trăng, đàn nguyệt, đàn trăng rằm, gợi ý tạo hình đẹp! Có đường cong, đường thẳng, có mảng, có nét (bầu đàn, cần đàn).

Khi Kiều buộc phải “bán mình chuộc cha”, mụ mối ép Kiều chơi đàn cho Mã Giám Sinh:

“Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”

Đấy là lần thứ hai, đàn nguyệt được nhắc đến.

Đàn nguyệt của Trung Quốc có bốn dây, tám đến mười phím và cần đàn ngắn. Khi vào Việt Nam, nguyệt thành đàn tứ. Còn đàn nguyệt của Việt Nam cũng vẫn có từng ấy phím, nhưng chỉ có hai dây và cần đàn dài, dài gấp đôi cần đàn nguyệt Trung Quốc. Đàn nguyệt Việt Nam là một nhạc cụ khác hẳn. Chính vì là một nhạc cụ khác, nên ngay từ hồi thế kỷ XVI, khi những người Minh Hương lưu lạc sang Việt Nam cho đến hôm nay, con cháu họ vẫn chỉ chơi đàn nguyệt của họ, đàn nguyệt cần ngắn, chắc đó là gene? Hơn năm trăm năm rồi chứ ít ỏi gì. Đặc biệt là các cây đàn nguyệt từ thời Lý, Trần, Lê vừa nêu trên đều đã là cây đàn nguyệt của Việt Nam: cần dài, đàn nguyệt – đàn Việt. Có lẽ cần đàn dài thì khoảng cách giữa các phím, nhất là các phím phía trên xa nhau, phím lại cao so với cần, cũng khác với đàn nguyệt Trung Quốc, phím thấp. Mà đàn Việt chỉ có hai dây nên thuận cho việc chơi bằng kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy, vê, rung để diễn cảm được đúng tiếng lòng của người Việt, tâm hồn Việt, diễn cảm được thanh điệu của lời ăn tiếng nói Việt vốn đã có sẵn giai điệu trầm bổng ngân nga của huyền sắc hỏi ngã nặng, của thanh không (không dấu). Đó là tiếng của phóng khoáng, tự do, ngẫu hứng, “tiếng” của người Việt. Nghệ thuật nào mà chả là nghệ thuật người. Chả thế mà đàn nguyệt là nhạc cụ chính trong các loại hình âm nhạc cổ truyền từ Bắc xuôi Nam: Chèo, Bát âm, Ca Huế, Cải lương, Đờn ca tài tử. Nhất là hát văn, chỉ duy nhất có đàn nguyệt. Mà hát văn (chầu văn) thì gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Tứ phủ, tín ngưỡng Đạo Mẫu, đạo của người Việt. □

Tái khám phá bản thảo của Leonardo da Vinci sau 500 năm

 


Đã hơn 500 năm kể từ ngày mất của thiên tài Leonardo, ngoài những bức tranh nổi tiếng, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn về sự giao thoa giữa nghiên cứu khoa học với gia tài nghệ thuật vĩ đại hiển hiện trong khoảng 7000 trang bản thảo còn lại tới ngày nay, đại diện cho các chủ đề quan tâm phong phú của Leonardo: thực vật học, địa chất, thủy lực, kiến trúc, kỹ thuật quân sự, thiết kế trang phục, hình học, bản đồ, quang học, giải phẫu, thăm dò các bí ẩn của vũ trụ.

Nghệ sĩ đường phố người Ý, Valter Conti, đã tạc bức tượng Leonardo đang rảo bước về phía bảo tàng nghệ thuật Uffizi, vùng Toscana, Italia, nơi trưng bày các trước tác của Leonardo để du khách chụp ảnh.

Theo lời của nhà sử học nghệ thuật Martin Kemp và là học giả chuyên nghiên cứu về Leonardo, ở khoa Lịch sử nghệ thuật, Đại học Oxford, “Không ai trong số những tiền nhân hoặc đương thời cùng Leonardo có thể so sánh được về phạm vi sáng tạo, óc suy đoán sáng suốt và sức mạnh biểu lộ thị giác. Và chúng tôi biết không có gì thực sự có thể so sánh được trong nhiều thế kỷ tiếp theo”.

Giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật

Trong suốt 46 năm sự nghiệp của mình với phần lớn thời gian tại Florence và Milan, Leonardo luôn cố gắng tìm kiếm tri thức. Ông học tiếng Latin, sưu tầm thơ, đọc hình học Euclid và Archimedes. Khi người khác chấp nhận những gì cơ thể cảm nhận được, ông lại xem xét kỹ lưỡng những chi tiết vụn vặt – các góc hình học, sự dãn nở của đồng tử – tìm mối liên hệ giữa ngành này với ngành khác. Ông phác thảo hoa lẫn máy bay, các cỗ máy chiến tranh cho nhà bảo trợ của mình, công tước Ludovico Sforza; chế tác đồ trang trí sân khấu từ lông công, và lên kế hoạch đổi hướng dòng sông Arno giữa Florence và Pisa.

Leonardo đã vượt qua các bậc tiền bối của mình bằng phương pháp riêng: ông kiểm tra chéo các đối tượng và lật ngược chính các kết luận của mình. Đối với Leonardo, phương châm khoa học, gồm trình tự quan sát, đặt giả thuyết và thực nghiệm – cũng rất quan trọng trong nghệ thuật. Sức mạnh lớn nhất của ông là khả năng biến kiến thức thành hiện thực, và ông đã linh hoạt ứng dụng khả năng của mình trên cả hai lĩnh vực.

Hàng ngàn bản phác thảo, quan sát, nghi vấn đã thể hiện hành trình tìm kiếm tri thức không ngừng nghỉ của Leonardo. Một lượng lớn các trang gốc đã thất lạc. Những phần còn lại, nhiều trang được kết tập, cho thấy sự giao thoa giữa nghiên cứu khoa học tỉ mỉ với các gia tài nghệ thuật vĩ đại của ông.

Các nghiên cứu về giải phẫu học của Leonardo chính là sự giao thoa sống động nhất giữa khoa học và nghệ thuật. Ông phẫu tích thi hài và khám phá từng bắp cơ bên dưới, trong không gian ba chiều, để tự mình xem cách một cái chân gập lại hay cánh tay nâng lên. Những người đương thời của Leonardo, gồm cả đối thủ Michelangelo, cũng đã nghiên cứu cơ và xương để cải thiện khả năng mô phỏng cơ thể người trong các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nhà sử học Domenico Laurenza cho biết Leonardo đã vượt xa những người khác. “Cách tiếp cận của ông như một nhà giải phẫu học thực thụ”.

Dữ liệu khoa học mà Leonardo thu thập trong các cuốn sổ chính là nền tảng cho mọi nét cọ của ông. Các nghiên cứu giải phẫu của ông đi sâu vào đặc điểm sinh học của các biểu hiện trên khuôn mặt. Dây thần kinh nào gây ra chau mày, hoặc bĩu môi, mỉm cười, ngạc nhiên? Ông tự hỏi trong các ghi chú của mình. Quá trình phân tích về ánh sáng và bóng tối cho phép ông tô vẽ các đường nét với sự tinh tế không gì sánh được. Ông loại bỏ cách phác thảo truyền thống, thay vào đó làm mềm các cạnh của vật thể bằng kỹ thuật sfumato. Quang học và hình học đã dẫn đến một đẳng cấp phối cảnh điêu luyện, được thể hiện trong bức họa “Bữa tối cuối cùng”. Những quan sát sắc sảo cho phép ông khắc họa chiều sâu cảm xúc trên từng hình thể, khuôn mặt, mềm mại mà không xơ cứng.

Ông dự tính hoàn thành các chuyên luận về nhiều chủ đề, bao gồm cả địa chất và giải phẫu học. Còn các bản phác thảo được để lại cho người bạn đồng hành trung thành Melzi sắp xếp. Trong những thập kỷ sau khi Leonardo qua đời, 2/3 đến 3/4 các trang gốc đã bị đánh cắp hoặc làm mất. Mãi đến cuối thế kỷ 18, nghĩa là hơn 200 năm sau, hầu hết các trong còn sót lại mới bắt đầu được xuất bản. Kết quả là, chúng ta còn biết rất ít về di sản của Leonardo với tư cách là một nhà khoa học. Nhưng nhân loại của nhiều thế kỷ sau đó vẫn đang phải cố gắng bắt kịp ông.

Nhà giải phẫu học

Di sản của Leonardo ngày càng rực rỡ hơn dưới sự soi sáng của khoa học y học thời hiện đại. J. Calvin Coffey, trưởng khoa phẫu thuật tại trường y khoa thuộc đại học Limerick, Ireland, đã tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm và đưa đến một khám phá đáng kinh ngạc: Một quan sát của Leonardo vào năm 1508 đã xác nhận giả thuyết mà Coffey đang cố chứng minh. Coffey nghiên cứu về mạc treo, một cấu trúc hình rẻ quạt kết nối ruột non và ruột già với thành sau ổ bụng. Kể từ ngày xuất bản cuốn giải phẫu kinh điển của Gray vào năm 1858, sinh viên được dạy rằng mạc treo bao gồm một số cấu trúc riêng biệt. Nhưng khi càng thực hiện nhiều ca phẫu thuật đại trực tràng, Coffey bắt đầu nghi ngờ mạc treo thực chất là một cơ quan liên tục.

Quyết tâm hiểu rõ từng thớ thịt trong cơ thể, Leonardo đã phẫu tích xác động vật và người. Ông đã vẽ lại xương và cơ cánh tay, vai và bàn chân và từng định xuất bản một chuyên luận giải phẫu. Nếu thực hiện, có lẽ ông đã được công nhận là ông tổ của ngành giải phẫu học hiện đại, danh hiệu sau này được trao cho Andreas Vesalius. Ảnh: Royal Collection Trust/© Her Majesty Queen Elizabeth II 2018
Michael Grimaldi, giám đốc hội họa tại học viện mỹ thuật New York, tôn sùng Leonardo từ khi còn nhỏ. Trong một dự án hợp tác độc đáo với đại học y khoa Drexel tại Philadelphia, các sinh viên mỹ thuật của Grimaldi kết hợp cùng cùng với các sinh viên y khoa cùng tiếp xúc với thi hài và phác thảo cơ thể người. 

Khi ông và các đồng nghiệp nghiên cứu cấu trúc giải phẫu để chứng minh giả thuyết này, Coffey đã tim thấy một bức vẽ của Leonardo mô tả mạc treo như một cấu trúc không gián đoạn. Coffey hồi tưởng lại khoảnh khắc đó rất rõ ràng. Ông đã lướt qua nó, nhưng sau đó liền nhìn lại. Euréka “Tôi hoàn toàn kinh ngạc về những gì đã thấy, nó tương quan chính xác với thực tế. Nó là một kiệt tác tuyệt đối”.

“Giờ đây, chúng ta mới biết rằng cách giải thích của da Vinci là đúng”. Coffey ngạc nhiên về khả năng phẫu tích toàn bộ cơ quan của Leonardo, vốn là một kỳ công do sự phân tầng phức tạp của cấu trúc giải phẫu. “Không phải bác sĩ phẫu thuật nào hiện nay cũng có thể lặp lại [những đường phẫu tích] như Leonardo từng thực hiện”.

Tầm nhìn của Leonardo được thúc đẩy bởi niềm tin của ông vào tạo hóa, dù là rễ cây hay con hà mã. Ông viết, sự khéo léo của con người, “sẽ không bao giờ nghĩ ra bất kỳ phát minh nào đẹp hơn, và cũng đơn giản hơn, và có mục đích hơn mẹ thiên nhiên đã tạo tác; bởi không gì do dục vọng, không có gì thừa thải”. Mọi động mạch, mọi mô, mọi cơ quan đều tồn tại cho mục đích của nó.

Bản phác họa chi tiết trái tim bò đã được lấy ra khỏi cơ thể. Leonardo đã xem xét kỹ lưỡng hình thái để hiểu rõ đặc tính cơ học: Các hình vẽ nghiên cứu động mạch chủ và các tĩnh mạch chủ trên và dưới, cũng như mô tả van ba lá, cả trạng thái mở và đóng.

Francis Charles Wells, bác sĩ phẫu thuật tim tại bệnh viện Royal Papworth, Cambridge, Anh, đã tình cờ tham dự một triển lãm các búc vẽ giải phẫu của Leonardo tại Học viện Nghệ thuật  Hoàng gia tại khu phố Piccadilly, London, năm 1977 và Wells choáng ngợp trước những hiểu biết của người nghệ sĩ. Sau khi phẫu tích thi hài một người đàn ông 100 tuổi, Leonardo đã trình bày mô tả đầu tiên về chứng xơ vữa động mạch trong lịch sử y học.

Leonardo đã thiết kế một mô hình thủy tinh của van động mạch chủ chứa nước và hạt cỏ, cho phép ông hình dung mô hình dòng chảy của máu và cách van đóng mở, các chi tiết này cuối cùng đã được chứng thực vào những năm 1960. Hơn tất thảy, các bản thảo của Leonardo đã như lời tiên tri, mở mang tầm nhìn về logic tinh tế của cấu trúc và cơ học của trái tim – không chỉ mô tả chính xác cơ quan trông như thế nào mà còn cả lý do tại sao nó phát triển.

Một sáng mùa thu, khi Wells đứng bên lồng ngực đang mở của bệnh nhân trong phòng mổ tại bệnh viện Papworth, ông chỉ vào van hai lá và hỏi: “Thấy không? Thật đáng kinh ngạc”. Phương pháp phẫu thuật của Wells được hướng dẫn bởi châm ngôn mà ông học từ Leonardo: Mỗi cấu phần phức tạp của van, gồm các lá van, các dây chằng, các cơ nhú, đều hiện diện và được thiết kế để duy trì lực đẩy lên của nó. Nguyên lý cơ bản đã định hình phương pháp sửa chửa van tim của Wells. “Bạn có thấy thứ nhỏ gì trong cái kẹp forceps của tôi không? Đó là các sợi dây chằng bị đứt và là nguồn gốc của vấn đề”. Wells có thể chọn loại bỏ toàn bộ van và thay thế bằng một chiếc nhân tạo, cách tiếp cận được nhiều bác sĩ phẫu thuật ưa chuộng.

Nhưng không. Ông cẩn thận thay từng sợi bằng chỉ khâu Gore-Tex, bảo tồn càng nhiều cấu trúc ban đầu càng tốt. Leonardo không thể dự đoán sẽ xuất hiện phương pháp phẫu thuật này, nhưng những gì ông vẽ đã dạy Wells xem xét cẩn trọng, dừng lại và suy nghĩ, cũng như nắm bắt đầy đủ và tìm cách duy trì khả năng vốn có và thành thạo của van để thực hiện đúng nhiệm vụ của nó. Wells đã thu thập những hiểu biết của mình trong một cuốn sách dày 256 trang, “Trái tim của Leonardo”.

Tại Mỹ, những ghi chép về cách  bay của các loài chim của Leonardo đã truyền cảm hứng cho phòng thí nghiệm của David Lentink, nhà sinh học và kỹ sư cơ khí tại Stanford. 500 năm sau, Lentink vẫn tiếp tục cố gắng trả lời cho câu hỏi của Leonardo: chuyển động của cánh trong không khí tạo lực đẩy thế nào? Làm thế nào để cơ của chim điều khiển việc vỗ cánh. Làm thế nào chúng lượn? Tất cả các câu hỏi vẫn rất thời sự.

Ngày nay, nhóm của Lentink có các công cụ công nghệ mà thời của Leonardo không ngờ tới: Các cảm biến và ảnh chụp tốc độ cao cho phép họ đo lực nâng mà cánh chim tạo ra. Một trong những dự án nổi bật của họ là con chim cơ khí PigeonBot, có đôi cánh lông vũ và một hệ thống điều khiển vô tuyến. Nhóm nghiên cứu sử dụng kính hiển vi tia X độ phân giải 1 phần 1 triệu mét để xác định các đặc tính của bề mặt lông vũ và sự tương tác giữa các lông vũ liên kề. Khung xương và các chốt gắn lông được in 3D. PigeonBot được trang bị gia tốc kế, con quay hồi chuyển, cảm biến vận tốc, GPS, la bàn và bộ thu phát tín hiệu vô tuyến truyền thông tin chuyến bay về máy tính. PigeonBot không chỉ là mẫu vật trưng bày. Kỹ thuật mô phỏng ngược con chim cho phép các nhà khoa học nắm được từng giai đoạn trong cơ chế bay và hiểu rõ chức năng của từng bộ phận – cuối cùng sẽ chạm đến lời giải cho các câu hỏi liên quan của Leonardo.

Leonardo cũng ghi vào sổ tay của mình những phát minh chưa từng được chế tạo, bao gồm cả một chiếc máy được thiết kế cho phép thợ lặn thở dưới nước. Các thiết kế thuở xưa của Leonardo đã được phát triển cao hơn trong hải quân hiện đại. Tại cảng Messina, một lính đặc nhiệm hải quân Ý đang huấn luyện trong bộ đồ lặn có điều áp có thể đạt độ sâu 1000 feet. Ảnh: Paolo Woods, Gabriele Galimberti

Nhạc sĩ

Không chỉ gồm những ghi chép rõ ràng, các cuốn sổ cũng chứa đựng những ý tưởng giả định thoáng lên hy vọng sẽ được hiện thực hóa. Các bản vẽ của Leonardo đã thúc đẩy nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan Sławomir Zubrzycki nghiên cứu sâu hơn. Ông khao khát được nghe âm nhạc của Leonardo.

Cùng với nhiều sáng tạo khác, Leonardo đã ứng tác trên lira da braccio, một nhạc cụ dây thời kỳ Phục hưng, và nghiên cứu sự phức tạp của âm học và thiết kế âm nhạc trong sổ ghi chép. Năm 2009, Zubrzycki nhận ra mình vừa lướt qua một ghi chép về một chiếc viola organista, nhạc cụ phím kết hợp dây cung. Bị cuốn hút bởi khả năng có thể kết hợp cả hai loại nhạc cụ thành một, Zubrzycki bắt tay chế tạo nó.

Không có bản vẽ chi tiết nào, nên Zubrzycki phải mày mò 5 giờ mỗi ngày trong suốt bốn năm để nghiên cứu và xây dựng thiết kế của mình. Anh đã thử nghiệm các mẫu gỗ, tìm ra rằng cần có 61 phím, và chế tạo 4 cung tròn được phủ lông đuôi ngựa để lướt trên dây đàn và tạo ra âm nthanh. Để đưa nhạc cụ này đến với cuộc sống, Zubrzycki đã dựa vào sức mạnh quan trọng đã thúc đẩy Leonardo: trí tưởng tượng.

Leonardo thiết kế mọi thứ, từ bánh xe và tay quay cho đến các phát minh thú vị hơn như con sư tử cơ khí mà ông nghĩ ra cho vua nước Pháp. Bức vẽ năm 1485 phác thảo một chiếc máy để nâng vật nặng. Khả năng đặc biệt có thể hình dung đối tượng từ nhiều góc độ trong không gian ba chiều cho phép ông mô tả cần trục ở dạng hoàn chỉnh và khi tách rời từng cấu phần. Ảnh: Veneranda Biblioteca Ambrosiana/Bridgeman Images.

Kết quả thật ngoạn mục. Được sơn màu lam bên ngoài với nội thật màu đỏ, chiếc đàn viola organista duyên dáng của Zubrzycki kết hợp khả năng đa âm của bàn phím – cho phép phát nhiều giai điệu đồng thời – với độ nhạy và tinh tế về âm thanh của dây đàn. Trong âm nhạc, và cũng như mọi lĩnh vực khác, Leonardo chưa bao giờ hài lòng với chuẩn mực thông thường. “Ông luôn tìm kiếm giải pháp tiếp theo”, Zubrzycki nói.

Nghiên cứu mới về các bản thảo của Leonardo sẽ còn cung cấp thêm nhiều chất liệu cho các học giả trong tương lai. Laurenza và Kemp đã hợp tác cùng nhau phân tích bản thảo Codex Leicester của Leonardo, cho thấy nó có thể đã ảnh hưởng đến sự ra đời của ngành địa chất hiện đại. Và sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu tỉ mỉ về cuộc đời và sự nghiệp của Leonardo, Bambach của bảo tàng Metropolitan đang xuất bản một đại tác phẩm bốn tập, “Leonardo da Vinci Rediscovered” [Tái khám phá Lenonardo da Vinci].

Các nhà nghiên cứu về Leornado mong muốn, các cuốn bản thảo ghi chép của Leonardo đến gần với công chúng và một ngày không xa, tất cả bản thảo sẽ được dịch, số hóa hoàn toàn, để từ đó công chúng sẽ được thấy Leonardo trong ánh hào quang vĩ đại. □

Cao Hồng Chiến lược thuật

Nguồn bài và ảnh:

https://www.nationalgeographic.com/magazine/article/leonardo-da-vinci-artistic-brilliance-endures-500-years-after-death

118 nhà soạn nhạc giúp hoàn tất chùm tác phẩm viết cho organ của Bach

 


Bằng cú chạm của thế kỷ 21, một dự án mới sẽ hoàn tất “Orgelbüchlein” mà Bach lên kế hoạch nhưng chưa bao giờ hoàn thành.

Một trong những bí ẩn lớn nhất mà nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach để lại cho chúng ta là “Orgelbüchlein” (Little Organ Book), một bộ các bản prelude choral cho đàn organ (prelude choral là một dạng sáng tác ngắn dành cho đàn organ trên cơ sở giai điệu choral, một phong cách sáng tác chủ yếu của thời kỳ Baroque Đức và đạt đến đỉnh cao trong các tác phẩm của J.S. Bach). Ông đã đặt tên cho mỗi giai điệu trên đầu mỗi trang của tập bản thảo dày 164 trang, và bắt đầu hoàn thành được một khúc prelude choral như trong bức ảnh chụp bản thảo.

Từ tập bản thảo nguyên gốc, rõ ràng là Bach đã lên kế hoạch để sáng tác trọn vẹn bộ tác phẩm, có thể là dành cho các nghi lễ nhà thờ trong suốt năm. Nhưng với những nguyên nhân mà chỉ có Bach biết, ông mới hoàn thành được 46 khúc prelude. Như vậy còn hơn 100 trang vẫn chờ Bach.

Giờ đây một dự án kéo dài 15 năm được lập ra để kết thúc những gì Bach mới bắt đầu – từ quan điểm của thế kỷ 21. Nghệ sĩ organ William Whitehead đã dành hơn một thập kỷ cùng với các nhà soạn nhạc đương đại như John Rutter, Judith Bingham, Sir Stephen Hough, Sally Beamish, Louis Andriessen, Daniel Kidane, Roxanna Panufnik, Nico Muhly… để viết tiếp 118 trang. Họ đưa dự án vào tâm điểm thách thức các quan điểm bảo thủ : nếu Bach còn sống đến ngày nay, ông có thể viết một khúc prelude chorale trong Orgelbüchlein theo phong cách nào? Và để làm điều đó, có thể ông phải thực hiện một cuộc khảo sát đáng chú ý về các phong cách sáng tác của kỷ nguyên chúng ta, tạp chí âm nhạc cổ điển Gramophone bình luận như vậy. “Dự án này không là gì nếu không phải là kính vạn hoa”, William Whitehead nói. “Đó là dạng chiết trung in hoa”.

Dự án đang gần đến điểm kết thúc. Toàn bộ chùm tác phẩm mới được ra mắt tại Anh và Edition Peters sẽ sớm xuất bản toàn bộ các bản nhạc.

Trong khi các nghệ sĩ piano có “Bình quân luật” của Bach, các nghệ sĩ organ sẽ có “Orgelbüchlein”. Ngày nay là hòn đá tảng cho danh mục biểu diễn của organ.

Với vai trò là một hình mẫu sáng tác và giảng dạy, “‘Orgelbüchlein’ đã ảnh hưởng đến các nhà soạn nhạc đời sau kể từ khi Bach dạy học trò của mình”, Russell Stinson, một giáo sư âm nhạc hồi hưu tại Lyon College và là tác giả của một chuyên khảo về bộ tác phẩm này. “Một số tác phẩm trong ‘11 khúc prelude choral cho đàn organ (op. 112)’ của Johannes Brahms chắc chắn mang dấu ấn của ‘Orgelbüchlein’”.

Cách thức lấy một giai điệu từ một câu trong hợp xướng nhà thờ và đưa nó thành chủ đề của một khúc prelude đã được nhiều nhà soạn nhạc áp dụng, trong đó có Robert Schumann, Max Reger và Anton Webern. Bằng chứng là bộ “O Ewigkeit, du Donnerwort” của Webern sáng tác năm 1906, từ gợi ý của ông thầy Arnold Schoenberg.

Khởi nguồn của dự án “Orgelbüchlein” mà Whitehead thực hiện là từ một cậu học trò 17 tuổi của ông khi cậu viết một khúc prelude choral theo phong cách “Orgelbüchlein” trên giai điệu của bài hát Anh mừng Noel “Of the Father’s Heart Begotten” 15 năm trước. “Tôi nhớ đã nghe và nghĩ: nếu một cậu chàng 17 tuổi có thể làm điều đó thì tại sao chúng ta không thể tập hợp các nhà soạn nhạc châu Âu và đặt hết tâm trí của họ vào thực hiện nhiệm vụ này, sau đó cùng xem là liệu chúng ta có thể lấp đầy khoảng trống điên rồ này không”, Whitehead nói.

Nhóm hợp tác triển khai công việc giữa cây đàn organ và các khoa sáng tác tại Trinity College London, nơi Whitehead giảng dạy. Đó là khởi điểm của cái mà Whitehead gọi là “cuộc thám hiểm khảo cổ học” – tìm kiếm những khúc thánh ca và bình ca mà Bach hướng đến để sáng tác nhưng giờ đã biến mất hoặc đã bị cho là lỗi thời. Cuộc kiếm tìm và nghiên cứu bao gồm việc tham khảo các bản “Orgelbüchlein” của Bach còn tồn tại đến ngày nay trở thành cơ hội để Whitehead và John Scott Whiteley, cố vấn học thuật của dự án có được một phát hiện mới: một nốt cho giọng tenor trong ô nhịp áp chót của “Wer nur den lieben Gott lässt walten” (BWV 642) trong văn bản nguyên gốc hiện đã bị bốc hơi khỏi các ấn bản hiện đại.

Whitehead đã sắp xếp hàng ngàn nốt của 118 nhà soạn nhạc, phân tách chúng vào các chủ đề. Phân định phần đóng góp của những người tham gia là một việc vô cùng khó khăn bởi “hòa được một chút gì đó là phong cách hiện đại của riêng một người vào phản chiếu cái chất của ‘Orgelbüchlein’” dường như là việc không phải dễ, Whitehead nói.

Yếu tố dẫn đến thành công, theo Whitehead, là tìm được “một ý tưởng để theo đuổi ở một mức độ nhất định. Nhiều nhà soạn nhạc nói với tôi là rõ ràng họ thấy quá khó”. Whitehead nhận thấy những đóng góp từ bên ngoài thế giới của sáng tác đương đại: những người như Andreas Fischer và John Butt liên quan đến nghiên cứu hoặc biểu diễn hơn; phần choral cyar Andrew Keeling được lấy từ Reggae, thể loại âm nhạc có nguồn gốc từ Jamaica; James O’Donnell đóng góp một mô phỏng khéo léo âm nhạc của Brahms; giọng baritone và nhà soạn nhạc Roderick Williams chọn phản chiếu chất đời thường trong cái mà Whitehead miêu tả là “một điệu tango run rấy”.

“Đóng góp với tư cách một nhà soạn nhạc vào một dự án như dự án này là một nỗ lực kinh khủng”, Williams,  người viết “Ich weiss ein Blümlein hübsch und fein”, trao đổi trong một email. Ông cho biết thêm, “Thật vô nghĩa khi cố gắng sao chép những sáng tạo của Bach, kỹ thuật đối âm của ông và sự uyên thâm sâu sắc trong suy nghĩ về tôn giáo của ông. Vì vậy tôi chọn một cách làm khác; việc so sánh thế kỷ 21 số hóa của chúng ta với thời đại Bach đem lại những suy nghĩ trong tôi, phản ánh một số giá trị của ngày m nay (hoặc giả đã thiếu đi chất tôn giáo như của ông)”.

Với những nhà soạn nhạc khác, như Roxanna Panufnik, người đóng góp một giai điệu từ “Was Gott tut, das ist wohlgetan” của Severus Gastorius, dự án đã là một cơ hội để đem bà gần lại với Bach. “Với tôi, ông ấy là một bậc thầy”, bà viết trong một email. “Âm nhạc của ông luôn luôn ẩn chứa một cảm giác về những điều tốt đẹp trong thế giới này, và tôi cam thấy ngôn ngữ hòa âm của ông quá Lãng mạn hơn cả những nhà soạn nhạc Lãng mạn”.

Whitehead cũng có quan điểm tương tự khi ông nói là “các tác phẩm trong ‘Orgelbüchlein’, ở một mức độ nào đó là những bài tập đậm chất kỹ thuật nhưng cũng đem lại những cuộc khám phá mang tính biểu tượng của thi ca – nếu anh  đã định nghĩa từ ‘xúc động’ theo nghĩa chung nhất thì đúng là những gì làm nên một bức tranh âm điệu”. Cách tiếp cận của Panufnik là tránh tìm hiểu quá nhiều vào phần lời để giữ sự độc lập về hòa âm cho mình, một tác phẩm nằm trong hy vọng của Whitehead là tạo dựng cho cái gọi là ‘một cảm giác thống nhất về ‘xúc động’”.

Việc đi tìm sự thống nhất về cảm xúc trong hơn 100 nhà soạn nhạc luôn luôn là điều không thể nhưng những người đóng góp dường như cảm thấy phấn chấn vì chính sự thật này. “Bất kỳ điều gì đem đến một cộng đồng các nhà soạn nhạc đa dạng về phong cách cũng là điều tốt”, Panufnik nói, “Tôi cảm thấy chúng ta phải thường xuyên kết nối qua các dự án như thế này”.

Tô Thanh Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.theladyorganist.com/finishing-bachs-grand-plan-the-orgelbuchlein-project/

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates