SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Chương trình đổi mới giáo dục mầm non theo hướng tiên tiến

 

Tại hội thảo "Kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non", GS.TS Lê Anh Vinh - viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trưởng Ban soạn thảo chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020 - cho rằng vấn đề giáo dục sớm từ lứa tuổi mầm non không chỉ dừng ở việc chăm sóc trẻ, mà cần chớp lấy cơ hội vàng để giúp trẻ hình thành năng lực, kỹ năng cần thiết.

Chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020 có định hướng nhất quán với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai ở bậc phổ thông, chú trọng việc phát triển các năng lực, kỹ năng cho trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm, vui chơi.

Chương trình sắp xây dựng sẽ đảm bảo chuẩn bị cho trẻ những năng lực, kỹ năng cần thiết để tiếp cận tốt Chương trinh giáo dục phổ thông 2018. Theo ông Vinh, đây sẽ là chương trình mở hơn cả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho phép các trường và giáo viên có thể thực hiện linh hoạt. 

Hiện ban soạn thảo chương trình mới đang bắt đầu giai đoạn nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, nghiên cứu và kế thừa những thành quả của chương trình giáo dục mầm non giai đoạn 10 năm (2011-2020) để xây dựng một chương trình theo hướng tiếp cận năng lực, thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, hòa nhập, tạo điều kiện phát huy thiên hướng, tiềm năng sáng tạo của mỗi đứa trẻ. 

Trước đó, trong trình bày về thành quả triển khai chương trình giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2020, ông Nguyễn Bá Minh - vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết đây là chương trình khung quốc gia, thể hiện được tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng chất lượng giáo dục mầm non. Cùng với việc triển khai chương trình này tại 15.461 cơ sở mầm non, có nhiều sự thay đổi rõ rệt về số lượng huy động trẻ đến lớp, mở rộng mạng lưới trường lớp mầm non, bổ sung đội ngũ giáo viên… 

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng hạn chế của chương trình giáo dục mầm non giai đoạn trước là chưa thể hiện việc phát triển năng lực, phẩm chất. Chương trình mới sẽ xây dựng theo tiếp cận năng lực, liên thông giữa giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông giữa chương trình giáo dục mầm non với giáo dục phổ thông 2018. 

Bày tỏ quan điểm và chỉ đạo về việc này, ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng ở giai đoạn khởi động, cần phải nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới và phân tích kỹ chương trình hiện hành cả ở ưu, nhược điểm, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ chính giáo viên đang đảm nhiệm dạy học. Bộ trưởng Sơn cũng nhắc đến tính phù hợp với đối tượng trẻ em Việt Nam và điều kiện triển khai. 

"Trong 2-3 năm tới khi triển khai chương trình thì điều kiện thực hiện về căn bản chưa có nhiều thay đổi. Vì thế việc xây dựng chương trình cũng cần lường trước những khó khăn", ông Sơn lưu ý. 

Quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là cần kế thừa thành quả của chương trình cũ. Và khi đặt ra việc liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì những người xây dựng chương trình mầm non phải ngồi với những người làm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để rà soát, điều chỉnh. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu cân nhắc việc phát triển năng lực, kỹ năng đối với trẻ mầm non, đừng đặt ra những mục tiêu quá cao vì trẻ đang ở độ tuổi chưa ổn định. Ông cho rằng kỹ năng đáng quan tâm nhất của trẻ mầm non là kỹ năng sinh tồn, và năng lực quan trọng nhất là ngôn ngữ. Việc hình thành các năng lực, kỹ năng cho trẻ mầm non cũng phải chú ý đến tâm sinh lý lứa tuổi để xây dựng nội dung phù hợp. 


Quốc hội giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa 

TTO - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông không làm thay cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cần xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng.

Tìm hiểu về Giáo dục mầm non trong xu thế đổi mới hiện nay phát triển như thế nào là chủ đề trong bài viết hôm nay của lamnghieptaynguyen.edu.vn. Theo dõi bài viết nhé. Đối với giáo dục mầm non trong xu thế hiện tại, mỗi giáo viên đều phải tự học hỏi cũng như trau dồi kiến thức để có thể trở thành một giáo viên mầm non vừa có tâm vừa có tầm. Các cô cần phải biết đổi mới phương pháp giáo dục, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo.

Trước đây, khi nói về việc dạy học cho trẻ mầm non chắc chắn mọi người sẽ cho rằng bạn chỉ cần kể chuyện, dạy múa hoặc hát cho trẻ là xong. Bởi quan niệm rằng trẻ con đã biết gì đâu mà dạy dỗ … Tuy nhiên, giáo dục mầm non thực tế hiện nay lại giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên tính cách đặc biệt là sự phát triển của trẻ sau này.

Chính vì thế việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non là điều hết sức cần thiết để có thể giúp trẻ tự khám phá và tìm hiểu bằng chính sự sáng tạo của mình một cách tự nhiên nhất có thể. Từ đó sẽ mang lại sự hứng thú cho trẻ. Đây chính là xu hướng mới trong giáo dục mầm non ở nước ta hiện nay.

*

Giáo viên không chỉ kể, mà còn cần giải thích để trẻ hiểu được câu chuyện

Giáo viên mầm non phải trở thành một người nghệ sĩ thực thụ

Không chỉ đơn thuần là trông và dạy trẻ như trước đây hiện nay mỗi giáo viên đều phải tự học hỏi và trau dồi kiến thức để trở thành một người nghệ sĩ thực thụ. Đơn giản nhất là các cô cần phải biết cách hướng dẫn cũng như phải giải thích một cách đơn giản nhất mà trẻ vẫn có thể hiểu được điều mình muốn nói.

Các cô cần phải gắn bó thân thiết với trẻ để trẻ có thể thoải mái chia sẻ cách nghĩ của mình, các cô có thể sáng tác ra các điệu múa mới hoặc có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch của trẻ…. Cần phải khiến trẻ coi mình là một người bạn thực sự.

Giáo dục mầm non hiện đại hướng đến việc để trẻ chơi mà học, học mà chơi

Hiện nay, một môi trường tốt cho trẻ không phải chỉ đơn thuần là nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, thoáng mát, rộng rãi … mà còn phải đảm bảo được sự tương tác giữa các bé với nhau, các bé với cô giáo và sự tương tác với thế giới thực tế bên ngoài. Nền giáo dục mầm non hiên tại đang ngày càng chú trọng hơn với trẻ để cho trẻ thoái mái vui chơi theo cách riêng của mình. Giúp cho bé phát triển khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ.

Ngoài ra, trường học còn phải là nơi giúp cho trẻ trải nghiệm được những kỹ năng sống thực tế trong cuộc sống. Đồng thời rèn luyện cho các em có tính giác ngay từ khi còn nhỏ, bé sẽ được dạy cách tự đi giày, tự mặc quần áo …. Có thể lúc đầu bé sẽ làm rất chậm nhưng dần dần các bé sẽ quen hơn. Từ những việc như vậy trẻ đã học được cách tự giác cũng như có đức tính tự lập …

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non

Đối với các ứng dụng này không chỉ giúp cô giáo có thể dễ dàng quản lý học sinh mà còn giúp cho học sinh dễ dàng kết nối thông tin với nhà trường. Dù có ở bất cứ đâu thì phụ huynh cũng có thể dễ dàng biết được con em mình hiện đang làm gì và có được chăm sóc tốt hay không? Đối với những đổi mới trong giáo dục mầm non khiến phụ huynh càng thêm tin tưởng khi cho con đi học tại các trường mầm non.

Xu hướng chuyên nghiệp hóa giáo dục mầm non

Khi càng có nhiều phụ huynh và các nhà quản lý các nhà nghiên cứu hiểu được tầm quan trọng trong việc giáo dục mầm non thì các trường đang ngày càng nỗ lực để có thể hướng tới đạt được những tiêu chuẩn cao về chất lượng. Đối với cách chăm sóc trẻ theo kiểu truyền thống chỉ nhằm phục vụ mực đích giữ trẻ cho cha mẹ để có thể yên tâm đi làm sẽ không được áp dụng nữa.

Bởi phụ huynh và xã hội ngày nay càng đòi hỏi các cơ sở giáo dục mầm non và nhà trẻ phải cung cấp được những chương trình học tập sớm cập nhật và linh hoạt nhất. Vì môi trường mầm non phải kích thích học tập cho trẻ các giáo viên có năng lực đưa vào sử dụng các chương trình giáo dục sớm có tính linh hoạt và ứng dụng công nghệ. Giáo viên mầm non cần phải đạt tới các tiêu chuẩn cao hơn để đáp ứng sự kỳ vọng của phụ huynh.

Xu hướng áp dụng chương trình giáo dục linh hoạt

Một trong những xu hướng lớn trong việc giáo dục mầm non chính là xu hướng áp dụng những chương trình linh hoạt, các quốc gia đi đầu trong xu hướng này đang chuyển hướng từ phương thức giáo dục truyền thống với cách giảng dạy theo giáo trình cứng nhắc và theo quy tắc. Được chuyển sang mô hình giáo dục linh hoạt trong đó các cô giáo sẽ nhận định được khả năng riêng của từng học sinh để áp dụng chương trình dạy và học cho trẻ.

Phương pháp dạy mới này đã đem lại kết quả tốt trong giáo dục trẻ trong những năm đầu đời, giáo án linh hoạt hơn cũng đòi hỏi các giáo viên phải có tay nghề cao hơn và có khả năng thực hiện kế hoạch học tập cho học sinh của họ. Điều này đồng thời cũng đang củng cố xu hướng chuyên nghiệp hóa trong giáo dục mầm non.

Mức độ áp dụng và chấp nhận ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non ngày càng trở nên phổ biến các giáo viên và phụ huynh cùng các cơ quan quản lý nhà nước đều ghi nhận rằng ứng dụng công nghệ là hết sức cần thiết trong giáo dục mầm non.

Các ứng dụng trên nền điện toán đám mây và những ứng dụng thông minh ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn và giá cả phải chăng. Ví dụ chỉ cần một máy tính bảng giá rẻ giúp cô giáo mầm non dễ dàng ứng dụng công nghệ quản lý lớp và kết nối thông tin được với phụ huynh… Có thể giao tiếp đa chiều với phụ huynh và đồng nghiệp qua ứng dụng thông minh và các phần mềm khác …

Linh hoạt các giải pháp

Để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên cho giáo viên mầm non cần phải có những giải pháp tổng thể của các cấp và các ngành cũng như sự linh hoạt phù hợp thực tiễn từ các địa phương hiện nay.

Giảng viên Thanh Hoa – dạy liên thông Cao đẳng Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn bày tỏ ý kiến: ” Ngành giáo dục cần chỉ đạo rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất đặc biệt ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn hợp pháp khác để có thể đầu tư xây dựng đủ phòng học sao cho hợp lý và thực tế.”

Trên đây là những giải pháp cũng như xu thế đổi mới trong giáo dục mầm non để các giáo viên mầm non ngày càng học tập và phát triển theo thời đại công nghệ 4.0.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Thử nghiệm Chương trình GDMN mới: Địa phương chờ hướng dẫn mua sắm thiết bị

 

Chương trình Giáo dục mầm non mới sẽ tiếp cận Quyền Trẻ em

Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng nhằm giúp trẻ tiếp cận Quyền Trẻ em. Trong đó thống nhất nguyên tắc chung và quan tâm đến 4 nhóm quyền là: Quyền được sống còn, Quyền được bảo vệ, Quyền được phát triển và Quyền tham gia. 

Đồng thời, chương trình nhấn mạnh cần tập trung phát triển những phẩm chất, năng lực quan trọng của trẻ, trong đó gồm: yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm; phát triển các năng lực chung: giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, tự lực, thích ứng. Và các năng lực đặc thù về thể chất, toán, khoa học và công nghệ, khám phá xã hội, ngôn ngữ, nghệ thuật. Đồng thời đặt ra kỳ vọng theo hai giai đoạn nhà trẻ và mẫu giáo sao cho phù hợp với trẻ mầm non.

Dựa trên mục tiêu và kết quả mong đợi cuối độ tuổi, các địa phương và từng cơ sở giáo dục mầm non lựa chọn nội dung giáo dục gần gũi với trẻ cũng như phù hợp với bối cảnh văn hoá của gia đình, cộng đồng, địa phương. Từ đó xây dựng các chủ đề giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, tổ chức cho trẻ em học qua các trò chơi và trải nghiệm bằng phương pháp sư phạm tích hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và học tập của từng độ tuổi.

Mục tiêu và kết quả mong đợi trong Chương trình được đánh giá dựa trên các nguyên tắc, phương pháp sư phạm mầm non, cùng với các điều kiện giáo dục bảo đảm một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, mang tính hòa nhập, không phân biệt đối xử đối với trẻ em.

“Ở giai đoạn 1 (từ tháng 10 - tháng 11/2022), Phòng Giáo dục và Đào thành phố Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như lựa chọn điểm trường thử nghiệm, cử giáo viên đi tập huấn theo chương trình của Bộ. Sau đó, thành phố đã đưa chương trình giáo dục mầm non mới vào thử nghiệm từ tháng 12. Sau khi đánh giá, thành phố Ninh Bình chọn trường mầm non Cầu Vồng là trường thử nghiệm và trường mầm non Tràng An là trường đối chứng.

Sau khi hoàn thành dạy thử nghiệm giai đoạn 1 chương trình giáo dục mầm non tại trường, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ninh Bình cho biết: "Trước mắt, chúng tôi đánh giá chương trình giáo dục mới đã ứng dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến, đa dạng, tiệm cận với giáo dục quốc tế, đặt ra những mục tiêu, yêu cầu cần đạt ở mỗi trẻ mở rộng hơn so với chương trình hiện hành".

Những nội dung được đề cập trong chương trình giáo dục mầm non mới đã có sự liên kết, kết nối giữa các giai đoạn. Yêu cầu đối với giai đoạn nhà trẻ đồng nhất, liên thông với giai đoạn mẫu giáo, đã khắc phục được một số nhược điểm của chương trình giáo dục mầm non hiện hành.

Thử nghiệm Chương trình GDMN mới: Địa phương chờ hướng dẫn mua sắm thiết bị ảnh 1

Ảnh minh họa. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào Tạo

Mong mỏi Bộ sớm hướng dẫn mua sắm trang thiết bị

Thành phố Ninh Bình may mắn gặp thuận lợi khi có số lượng giáo viên tương đối đầy đủ, đảm bảo 2 giáo viên/lớp đúng theo quy định, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Thế nhưng bên cạnh thuận lợi đó, ngành giáo dục mầm non của thành phố phải đối diện với một số khó khăn lớn còn tồn đọng và khó giải quyết triệt để trong thời gian ngắn.

Trong đó quan ngại, đáng lưu tâm nhất là tình trạng quá tải số lượng trẻ/lớp. Theo quy định, số trẻ trong một lớp ở giai đoạn 24 - 36 tháng và giai đoạn 3 - 4 tuổi là 25 trẻ/lớp, giai đoạn 5 - 6 tuổi là 35 trẻ/lớp. Ở một số trường, số lượng trẻ vượt mức giới hạn theo quy định của điều lệ trường mầm non. Lớp đông thì vượt 5 - 10 trẻ còn lớp trung bình thì vượt trên dưới 5 trẻ.


Hải Phòng: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

Bên cạnh đó, các trường mầm non công lập cũng gặp khó về điều kiện cơ sở vật chất. Hầu hết các phòng học và nhiều phòng chức năng chưa được trang bị đủ thiết bị, đồ dùng dạy học đúng như quy định của chương trình giáo dục mầm non. 

Hiện nay, đa số các trường đều không có đồ chơi hiện đại cho trẻ mà chủ yếu sử dụng các đồ chơi thủ công do các cô tận dụng nguyên vật liệu tự nhiên làm ra. Không có nhiều đồ chơi hiện đại, các trường lấy những đồ chơi đơn sơ này để tạm thời thay thế.

Nhìn chung, thành phố Ninh Bình không lâm vào hoàn cảnh thiếu giáo viên như nhiều địa phương khác nhưng vẫn trong trạng thái thiếu trang thiết bị dạy học. Đồ dùng, đồ chơi chỉ dừng lại ở mức cơ bản, là đồ chơi đơn giản mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, mà chưa thực sự phong phú, đa dạng.

Giáo cụ, đồ dùng, đồ chơi hiện đại có nhưng không đáng kể, chủ yếu dựa vào nguồn lực xã hội hóa giáo dục. Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non đã có độ mở khi cho phép các địa phương, nhà trường sử dụng các giáo cụ phù hợp với điều kiện thực tế cũng như chương trình học. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hay một danh mục cụ thể nên việc mua sắm đồ chơi hiện đại cho trẻ còn gặp nhiều bất cập.

Thành phố Ninh Bình có điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Thế nhưng, để đáp ứng được những yêu cầu của chương trình mới và tiến trình phát triển của xã hội, giáo dục mầm non còn cần nhiều điều kiện tốt hơn. Nhìn nhận một cách khách quan, thành phố Ninh Bình tuy có nhiều ưu thế nhưng để thực hiện những mục tiêu chương trình giáo dục mầm non mới đặt ra thì còn phải vượt qua nhiều thách thức.

Tuy chưa triển khai dạy thử nghiệm chương trình giáo dục mầm non mới và đang dạy theo chương trình hiện hành, Bắc Giang vẫn đang phải đương đầu với tình trạng thiếu giáo viên. Hiện tại trung bình tỷ lệ giáo viên trên một lớp mới đạt 1.96, trong khi đó Bộ quy định số lượng giáo viên phụ trách một lớp đối với mẫu giáo là 2.2 và lớp nhà trẻ là 2.5. 

Tỉnh vẫn đang tuyển dụng theo số lượng giáo viên biên chế được giao hàng năm và có chính sách hợp đồng riêng. Nhưng vì phải đảm bảo cân bằng số lượng giáo viên của các trường công lập và các trường tư, nên không thể tổ chức thi tuyển ồ ạt. 

Tuy có chất lượng cơ sở vật chất đồng đều, nhưng nếu triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, các trường ở Bắc Giang vẫn sẽ gặp chút khó khăn vì thiếu một số các thiết bị, giáo cụ trực quan cũng như các đồ chơi hiện đại. 

Bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Tỉnh Bắc Giang cũng đang rất mong ngóng được triển khai chương trình giáo dục mầm non mới. Bởi chương trình cũ đã có từ lâu, còn nhiều tồn tại, khó theo kịp xu hướng giáo dục chung của thế giới.

Nếu dạy chương trình giáo dục mầm non mới, tôi cho rằng Bộ cần phải có quy định cụ thể về bổ sung thiết bị hiện đại mới, chỉ ra những thiết bị cũ không còn phù hợp là thiết bị nào và đưa ra khỏi quy định tối thiểu. 

Thêm vào đó, để triển khai thực hiện chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xây dựng một bộ tài liệu tham khảo cho trẻ. Bộ tài liệu này phải đảm bảo tính thống nhất vì thực tế trong khi dạy chương trình giáo dục mầm non, chúng ta đang có quá nhiều tài liệu. Điều này tạo ra sự loay hoay, rối rắm cho các đơn vị quản lý cấp cơ sở".

Bên cạnh giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, các địa phương mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn mua sắm, quy định danh mục trang thiết bị cụ thể. Các nhà trường sẽ căn cứ vào đó để sớm bổ sung các đồ chơi, giáo cụ hiện đại cho trẻ. Bởi chỉ khi có đầy đủ trang thiết bị dạy học, chúng ta mới thực hiện được các mục tiêu mà chương trình giáo dục mầm non mới đề ra.

Hoài Linh

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thúc đẩy hợp tác công nghệ giáo dục giữa Việt Nam và Vương quốc Anh

 

15/12/2022 | 125 Lượt xem 

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tham dự Hội thảo Hợp tác về công nghệ giáo dục giữa Anh Quốc và Việt Nam. Hội thảo do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam và Bộ Thương mại quốc tế Anh phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trân trọng cảm ơn Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, Bộ Thương mại quốc tế Anh đã cùng phối hợp để tổ chức Hội thảo. Đồng thời cảm ơn các đại biểu, diễn giả đã tham dự Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo

Khẳng định Việt Nam luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Việt Nam xác định chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực.

Với sự ra đời của Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Luật giáo dục năm 2019 các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được tự chủ cao về hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Đã có khoảng hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài, trong đó, có trên 90 chương trình với các trường đại học của Vương quốc Anh.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC, UNESCO, UNICEF...

Đánh giá cao nền giáo dục phát triển của Vương Quốc Anh cũng như quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tin tưởng Hội thảo sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực công nghệ giáo dục giữa hai nước, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Vương quốc Anh nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Ian Flew chia sẻ tại Hội thảo

Năm 2019, Bộ GDĐT Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thương mại quốc tế Anh, Hiệp hội công nghệ giáo dục Anh quốc (BESA) tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác công nghệ giáo dục và Triển lãm công nghệ giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Diễn đàn và Triển lãm, nhiều giải pháp về công nghệ giáo dục hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập được giới thiệu và từng bước ứng dụng vào thực tiễn tại các trường học và các trung tâm học tập cộng đồng.

Về phía Việt Nam, trong giai đoạn dịch Covid-19, với tinh thần “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả. Kho học liệu số chia sử dùng chung toàn ngành có gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy truyền hình, 200 thí nghiệm ảo... Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý điều hành đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng một số chương trình, đề án như: Đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học; Dự án triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học,…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Ian Flew khẳng định, Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vương quốc Anh trong việc xây dựng quan hệ đối tác giáo dục.

Gửi lời cảm ơn Chính phủ và Bộ GDĐT Việt Nam với những hỗ trợ liên tục trong thời gian qua, ông Ian Flew cho biết: Đại sứ quán Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành Giáo dục Việt Nam ứng dụng hiệu quả công nghệ trong dạy và học.

Hội thảo đã nghe báo cáo của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục đến từ các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức giáo dục Việt Nam và Vương quốc Anh. Với chủ đề về “Công nghệ giáo dục”, các diễn giả đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh việc chuyển đổi số trong giáo dục tại Việt Nam và Vương quốc Anh; khó khăn, thách thức; cách thức Vương quốc Anh hỗ trợ chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam…

Tại Hội thảo, Triển lãm Công nghệ Giáo dục (BESS) tại Việt Nam năm 2023 với chủ đề chuyển đổi số thúc đẩy giáo dục 4.0 gắn liền Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Education 4.0 to Industry 4.0) đã chính thức được giới thiệu và khởi động chuẩn bị. Triển lãm do Bộ GDĐT Việt Nam và Hiệp hội các nhà cung cấp giáo dục Anh quốc (BESA) tổ chức, nhằm giới thiệu các sản phẩm giải pháp công nghệ giáo dục, thiết bị, đồ chơi, đồ dùng học tập; các dịch vụ giáo dục tiên tiến của Vương quốc Anh, đối tác quốc tế và Việt Nam.

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

 12 Tháng Mười Hai 2016

 

               Nguyễn Thị Hương [*]

 

Trong chương trình đào tạo hệ đại học cho sinh viên Sư phạm âm nhạc, Đàn phím điện tử là một trong những môn học quan trọng đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tế của nhiệm vụ dạy học môn Âm nhạc cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở hoặc cho các trường đào tạo trung cấp, cao đẳng Sư phạm âm nhạc trên toàn quốc… Mặt khác, để có được những giờ dạy tốt hay những buổi hoạt động ngoại khóa đạt chất lượng cao thì không thể thiếu sự hỗ trợ của cây đàn phím điện tử bởi những tính năng ưu việt của nó. Đàn phím điện tử không chỉ hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy, hoạt động sáng tác, biểu diễn mà còn thể hiện là một nhạc cụ đang ngày càng được ưa chuộng, sử dụng rộng rãi. 

Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng dạy học môn Đàn phím điện tử tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã được nhà trường hết sức chú trọng như bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho sinh viên… Tuy nhiên, việc đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học Đàn phím điện tử cho sinh viên sư phạm âm nhạc vẫn là một vấn đề nên làm thường xuyên và liên tục. 

Bài viết sẽ giới thiệu một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

1.   Nâng cao kỹ năng biểu diễn trên đàn phím điện tử

 Kỹ thuật ngón bấm:  kỹ thuật tay phải, kỹ thuật tay trái, kỹ thuật phối hợp chung hai tay. Trong nhóm giải pháp này, tập trung vào bổ sung một số bài tập kỹ thuật cơ bản luyện ngón Piano nhằm giúp các sinh viên đàn phím điện tử phát triển độ nhạy của ngón tay phải và trái. Yêu cầu cần có thời gian tập luyện phù hợp và bền vững. Sự phối hợp hai tay giúp cho việc xử lí về cường độ và chất lượng âm thanh trong các bài Etude cũng như trong các tác phẩm thuộc giáo trình giảng dạy.

Dạy các dạng kỹ thuật tạo âm thanh cơ bản: legato, staccato, non legato... Việc giảng dạy cho sinh viên các dạng kỹ thuật tạo âm thanh có tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phát âm trên đàn phím điện tử cho các sinh viên Sư phạm âm nhạc chưa qua đào tạo chuyên nghiệp. Trên thực tế còn có sinh viên chưa nắm vững được một cách chính xác những kỹ thuật này, nên việc dạy các kỹ thuật cơ bản ấy là rất cần thiết. Vì vậy, để dạy tốt những kỹ thuật tạo âm thanh, chính giảng viên là người sẽ phải thị phạm cụ thể cho sinh viên từng kỹ thuật để các em có thể từng bước nắm được và thực hành có chất lượng tốt theo thời gian. Do đó, những giải pháp kỹ thuật mang tính kinh nghiệm của chính giảng viên sẽ thực sự cần thiết.

Giải pháp đa dạng hóa nội dung và hình thức giảng dạy nhằm khắc phục những hạn chế của thời lượng giảng dạy chính khóa. Trong nhóm này, cố gắng đưa ra các vấn đề về phát triển khả năng diễn tấu, trong đó bao gồm: Khắc phục các lỗi kỹ thuật trong quá trình học luyện ngón; Thực hành luyện tập các tác phẩm âm nhạc Cổ điển, các tác phẩm âm nhạc mang phong cách Jazz, Pop, Rock.

            Đối với tác phẩm mang phong cách âm nhạc tiền cổ điển, có thể sử dụng các tác phẩm phức điệu viết cho đàn Clavecin, Fortepiano như các prelude fugue, trích suite của J.S. Bach cho sinh viên học… Các tác phẩm này thường được trình bày một cách khách quan, lý trí, không có sự thay đổi cường độ đột ngột, hay tương phản quá lớn mà có sự thay đổi sắc thái theo một quá trình từ nhỏ (P, PP) đến to (f, ff) hoặc ngược lại…

            Đối với các tác phẩm mang phong cách âm nhạc Cổ điển và Lãng mạn, Đương đại… giảng viên có thể chọn một số tiểu phẩm hay tác phẩm nhiều chương như sonatin, sonata, variation, suite… có giai điệu hay, có kỹ thuật diễn tấu vừa sức với sinh viên Đại học Sư phạm âm nhạc để biên soạn cho đàn phím điện tử.

Các tác phẩm mang phong cách nhạc Jazz, Pop, Rock chưa thực sự phổ biến như âm nhạc cổ điển nhưng nó cũng có những đặc trưng riêng nên được đưa vào giáo trình giảng dạy Đàn phím điện. Các tác phẩm Jazz, Pop, Rock không hề đơn giản bởi tiết tấu nhịp điệu và phong cách của nó thường không ổn định và tương đối phức tạp. Việc đưa các tác phẩm Jazz, Pop, Rock vào giáo trình cũng góp phần giúp các em tiếp cận những bản nhạc nhẹ hoặc hứng thú chơi các tác phẩm nhạc trữ tình Việt Nam ở dòng nhạc Cổ điển hoặc Bán Cổ điển.

Bổ sung các bài tập luyện ngón Piano được chuyển soạn cho đàn Phím điện tử; các bài tập kỹ thuật của tác giả Việt Nam:

Trong số này, cần chú trọng tới những giáo trình và các tuyển tập bài tập của PGS.NSUT Nguyễn Xuân Tứ, PGS.TS Lưu Quang Minh. Có thể tham khảo thêm ở giáo trình của PGS.TS Lưu Quang Minh và PGS.TS Nguyễn Phúc Linh qua các tác phẩm phát triển dân ca các dân tộc Việt nam cho đàn Accordeon hoặc đàn phím điện tử. Ngoài ra, các giảng viên có thể sử dụng các tác phẩm Việt Nam sáng tác cho đàn Piano để chuyển soạn cho đàn Phím điện tử.  


2. Rèn luyện kỹ năng ngẫu hứng cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương


Đây là môn học cần sự tích hợp giữa các môn Kiến thức âm nhạc như Sáng tác âm nhạc, Lịch sử âm nhạc, Phân tích tác phẩm, Hòa thanh, Phức điệu, Phối khí, … với kỹ năng biểu diễn trên đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm.

Thứ nhất, ngẫu hứng trên nền hòa âm cho trước: 

Trước tiên, giảng viên cần giảng cho các em sinh viên nắm được đặc điểm của lối cấu trúc hòa âm, cách tiến hành và giải quyết của vòng hòa thanh Cổ điển cũng như nhạc Jazz . Giúp các em hiểu rõ cấu trúc các hợp âm 6, các hợp âm bảy át (D7), hợp âm bảy trưởng (DM7), hợp âm bảy thứ (D7m), hợp âm bảy giảm (D7 dim), các hợp âm chồng quãng ba, các hợp âm tăng giảm âm 4, 5; Các hợp âm thêm nốt 9, 11, 13, 15…

        Trên cơ sở nắm vững các kiến thức hòa thanh Cổ điển và nhạc Jazz, giảng viên soạn cho các em tập ngẫu hứng từ vòng hòa thanh Cổ điển, sau khi thành thạo mới tập ngẫu hứng trên vòng hòa thanh II-V-I. Giảng viên có thể hướng dẫn các em sử dụng các loại gamme liền bậc như trưởng thứ, gamme Trung cổ, gamme Blues, Hợp âm rải 19 kiểu… cùng các tiết tấu đặc trưng của nhạc Jazz để sử dụng cho việc xây dựng các giai điệu ngẫu hứng.   

Thứ hai, ngẫu hứng trên chủ đề là một ca khúc cho trước

Giảng viên có thể chọn làm chủ đề ngẫu hứng cho sinh viên sư phạm âm nhạc các thể loại các khúc Việt Nam như Chính ca là thể loại ca khúc mang tính trang nghiêm, ngợi ca, hiệu triệu, kêu gọi; Hành khúc là thể loại mang tính hiệu triệu, kêu gọi; Hát ru mang tính chất mềm mại, uyển chuyển, có tính chu kỳ hoặc tự do; Ca khúc trữ tình có tính chất mềm mại, uyển chuyển; Dân ca các vùng miền...  

Bên cạnh đó, giảng viên cũng có thể chọn cho sinh viên sư phạm âm nhạc những ca khúc mang phong cách nhạc Jazz, Pop, Rock… của nước ngoài làm chủ đề ngẫu hứng. Sau khi lựa chọn được âm nhạc làm chủ đề ngẫu hứng, giảng viên tiến hành hướng dẫn cho sinh viên các bước tiến hành ngẫu hứng trên đàn phím điện tử như sau:

Phân tích cấu trúc cho sinh viên nắm được về cấu trúc âm nhạc, nhịp, tiết điệu và xây dựng cấu trúc hòa âm của bản nhạc.

Viết intro cho bài hát: Khi ngẫu hứng, sinh viên có thể lấy nét giai điệu của chủ đề để làm câu mở đầu. Có thể là nét giai điệu phần đầu hoặc điệp khúc của bài hát chủ đề rồi sau đó biến tấu nét giai điệu đó để tránh sự lặp lại. Sinh viên cũng có thể dựa trên thang âm, điệu thức, hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, âm hình chủ đạo, nội dung, tính chất âm nhạc… của chủ đề để sáng tạo nên nhạc dạo riêng cho phần mở đầu. Sinh viên cũng có thể nhấn nút Intro trên đàn phím điện tử để có phần dạo đầu cho chủ đề. Việc soạn nhạc dạo đầu phụ thuộc vào tính chất, thể loại của bài hát.

Trình bày chủ đề: sinh viên trình bày chủ đề một lần từ đầu đến cuối trên tay phải và tay trái, giữ nhịp với tiết tấu chính xác của bản nhạc. 

Ngẫu hứng: Việc biên soạn phần ngẫu hứng, sinh viên cũng nên dùng các thủ pháp sáng tác như lấy nét giai điệu của chủ đề để phát triển. Có thể là nét giai điệu phần đầu hoặc điệp khúc của bài hát chủ đề rồi sau đó biến tấu nét giai điệu đó để tránh sự lặp lại. Sau đó, giảng viên còn cần hướng dẫn cho các em biên soạn câu hay đoạn nhạc kết (Coda) với các thủ pháp sáng tác mà các em đã được nghiên cứu

 Sinh viên cũng có thể dựa trên thang âm, điệu thức, hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, âm hình chủ đạo, nội dung, tính chất âm nhạc… của chủ đề để sáng tạo nên phần ngẫu hứng 1 và 2. Các em có thể dùng thủ pháp phát triển chủ đề trong sáng tác như mô phỏng, giữ nguyên âm hình tiết tấu, thay đổi cao độ, soi gương, xé lẻ và tổng hợp, kéo dài hay co ngắn giai điệu… để sáng tạo nên hai phần ngẫu hứng khác nhau. 

Hòa tấu với phần đệm tự động, lựa chọn âm săc cho bài ngẫu hứng: Sau khi sinh viên đã biên soạn xong bài ngẫu hứng, các em cần làm phần thu trên bộ đệm tự động của đàn phím điện tử theo sơ đồ hòa âm của tác phẩm được chọn làm chủ đề. 

Khi trình bày bài ngẫu hứng, sinh viên có thể chọn các âm sắc khác nhau cho từng phần. Ví dụ: phần mở đầu, các sinh viên có thể sử dụng Voice là tiếng kèn Saxophon, phần trình bày chủ đề có thể  dùng âm sắc Grand Piano, phần ngẫu hứng 1 dùng âm sắc String, phần ngẫu hứng 2 dùng dàn kèn Đồng, phần tái hiện và kết có thể sử dụng lại âm sắc của đàn Piano và Kèn Saxophon… 


3.  Nâng cao chất lượng dạy và học đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc


Về chương trình giảng dạy: Cải tiến chương trình chính khóa bằng cách bổ sung một số gamme phục vụ cho kỹ năng ngẫu hứng so với chương trình trước đây; phân nhóm bài tập, lựa chọn bản nhạc phù hợp cho từng đối tượng - hệ sinh viên; bổ sung các tác phẩm âm nhạc Cổ điển, tác phẩm nhạc Jazz, Pop, Rock, tác phẩm Việt Nam; xây dựng hệ thống bài đệm ca khúc dựa trên các bài đệm để luyện thanh hay ca khúc nghệ thuật; bổ sung các ca khúc nước ngoài và Việt Nam có thể dùng làm chủ đề cho sinh viên ngẫu hứng trên đàn phím điện tử… 

Cách tổ chức giờ dạy: qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy cần có những cải tiến cụ thể trong việc phân chia nhóm học dựa trên năng lực của sinh viên, thiết kế giờ học hiệu quả bằng cách phân định thời gian cụ thể cho từng nội dung giảng dạy, sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ công tác giảng dạy.

Phương pháp giảng dạy: Xây dựng phương pháp rèn luyện kỹ năng,  đổi mới phương pháp giảng dạy cho giảng viên đàn phím điện tử, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ tuổi, nhiệt huyết; khai thác nguồn lực công nghệ thông tin vào giảng dạy; tổ chức đánh giá kiểm tra trình độ của sinh viên cũng như tổ chức các buổi biểu diễn, giao lưu báo cáo nhằm khuyến khích sinh viên đạt kết quả cao…

Phương pháp học tập: Khuyến khích sinh viên nghe nhạc nhiều hơn, hướng dẫn cho sinh viên phương pháp tự học, tự rèn luyện để các em chủ động, tích cực trong quá trình học của mình. Giảng viên cũng khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động nghệ thuật quần chúng hoặc tham gia biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp để bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như tiếp xúc sớm với công việc thực tế sau này của các em.

                                                       Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Ngọc Anh (2013), Nâng cao chất lượng giảng dạy Keyboard cho sinh viên Đại  học Sư phạm Âm nhạc tại Hà Nội, Luận văn Thạc sỹ Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

2. Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  1. Khoa Accordeon - Guitar - Organ, Chương trình đào tạo chuyên ngành Organ hệ 7 năm. Hà Nội: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2015.
  2. Nguyễn Xuân Tứ (2001), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ cho hệ CĐSP trường CĐSP Nhạc - Họa Trung ương tập 1, 2, Nxb Âm nhạc (tài liệu lưu hành nội bộ), Hà Nội.
  3. Nguyễn Bích Vân (2010), Rèn luyện bản lĩnh biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhạc cụ cổ điển Phương Tây. Luận án Tiến sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

 

Giải pháp nâng cao việc sử dụng đàn phím điện tử trong giảng dạy ở bậc Trung học cơ sở

 


Thực trạng việc dạy đàn phím điện tử ở bậc trung học cơ sở (THCS) hiện nay còn nhiều khó khăn và bất cập. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cơ chế chính sách của địa phương… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của môn Âm nhạc nói chung và việc học đàn phím điện tử nói riêng.

Nhiều trường ở thành phố đạt chuẩn quốc gia có phòng học đàn phím điện tử riêng đạt tiêu chuẩn về cách âm, diện tích... Nhưng một số trường ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì thông thường phòng học đàn cũng chính là phòng học của các môn khác hay còn gọi là phòng đa chức năng. Về trang bị đàn phím cho giảng viên và người học cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều trường giảng viên được trang bị đàn giảng dạy còn học sinh tự túc. Nếu học sinh nào gia đình có điều kiện thì mua đàn cho con em học, ngược lại các em có thể học chung hoặc dùng đàn của giáo viên ngoài giờ học để luyện tập. Hầu hết giáo viên môn Âm nhạc ở cấp THCS có trình độ đạt chuẩn, tức là đã có bằng cử nhân. Đa số các giáo viên âm nhạc có bằng cử nhân hệ vừa làm vừa học, chỉ một phần nhỏ có bằng cử nhân chính quy tại các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Khoa Nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi theo học chương trình đại học, hệ vừa làm vừa học, các giáo viên đã có bằng trung cấp âm nhạc hoặc cao đẳng sư phạm âm nhạc do các trường văn hóa, nghệ thuật hoặc cao đẳng sư phạm trên địa bàn các địa phương đào tạo. Sự đa dạng cơ sở đào tạo, đa dạng chương trình và điều kiện đào tạo khiến chất lượng giáo viên âm nhạc phổ thông cũng có sự đa dạng.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành nhiều thông tư, chính sách đối với việc dạy và học âm nhạc trong trường phổ thông phục vụ sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện, chính sách của từng tỉnh thành đối với bộ môn Âm nhạc trong các trường lại có cách thức đầu tư, chú trọng khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều bất cập trong việc dạy học đàn phím điện tử ở bậc THCS. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và nâng cao chất lượng việc giảng dạy đàn phím điện tử đối với bậc THCS cần có các biện pháp cụ thể, gắn với thực tiễn.

1. Đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện dạy học âm nhạc

Cơ sở vật chất dành cho dạy môn âm nhạc ở đây là phòng học âm nhạc đạt chuẩn phòng chức năng, có sự tách biệt với khu phòng học các môn văn hóa. Khi đã nhận thức đúng đắn về vai trò của giáo dục thẩm mỹ trong giáo dục phổ thông ở bậc THCS, chắc chắn, cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu giáo dục này sẽ được chú ý, cải thiện. Như vậy, việc cần làm ngay là đảm bảo cho tất cả các trường Tiểu học và THCS có phòng chức năng dành riêng cho giáo dục thẩm mỹ (dạy âm nhạc, mỹ thuật). Phòng chức năng này cũng quan trọng không kém các phòng học khác. Bố trí riêng phòng chức năng thẩm mỹ, trong đó để sẵn hệ thống trang âm, loa đài, nhạc cụ đàn phím điện tử, máy chiếu, sân khấu nhỏ, đủ bàn ghế cho học sinh của một lớp; giáo viên chỉ cần mang theo máy tính cá nhân là có thể làm việc ngay. Cũng có thể tích hợp phòng chức năng này với phòng truyền thống, tùy điều kiện thực tế của mỗi trường.

Bộ GDĐT cần có thiết kế quy chuẩn cho một phòng chức năng âm nhạc chung cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Trong đó, bên cạnh các quy định cứng chung, nên có các phần quy định mềm(mở) để các địa phương có thể vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc trưng văn hóa vùng miền. Cần coi nhạc cụ là phương tiện thiết yếu trong dạy học âm nhạc ở các cấp học phổ thông. Thực tế cho thấy, rất nhiều giáo viên âm nhạc hiện tại “bỏ qua” nhạc cụ mà ỷ lại vào các phương tiện công nghệ thông minh, khai thác những thứ có sẵn trên mạng. Họ cho rằng trên mạng có tất cả những gì họ cần mà lại hay hơn nhiều so với việc họ dùng nhạc cụ; thế nên tội gì phải mệt đầu, tội gì phải vất vả với đàn phím điện tử. Họ coi đó là một sự giải phóng. Họ không biết rằng làm như vậy là đã tự biến mình thành một phương tiện kết nối học sinh với học liệu trên mạng, tự làm giảm ý nghĩa, vai trò định hướng tri thức và cảm xúc âm nhạc cho học sinh của một giáo viên âm nhạc trong lớp học.

Vì thế, giáo viên dạy âm nhạc phổ thông cần gắn với nhạc cụ, phải biết chơi tương đối thành thạo một nhạc cụ nhất định (nhạc cụ nào cũng tốt). Tất nhiên, đàn phím điện tử là phương tiện phù hợp và phổ biến nhất hiện nay. Mặt khác, các cơ sở đào tạo sư phạm âm nhạc đều dạy đàn phím điện tử (môn bắt buộc). Điều đó cho thấy, đây là lựa chọn của ngành GDĐT. Trên thực tế, một người biết thành thạo một nhạc cụ bất kỳ đều có thể sử dụng được đàn phím điện tử sau một khoảng thời gian làm quen với nó.

Các giáo viên âm nhạc phổ thông cần có cho mình lựa chọn gắn bó với ít nhất một loại nhạc cụ, thường xuyên thực hành âm nhạc trên nhạc cụ đó. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, họ hoàn toàn có thể đề nghị nhà trường trang bị loại đàn phù hợp với khả năng cũng như sở thích của mình. Nếu được nhà trường ủng hộ thì tốt, nếu nhà trường chưa có điều kiện thì vẫn nên tự mình mua sắm, vì đó là đồ nghề gắn bó với nghiệp dạy nhạc của bản thân.

Thực trạng không đồng đều các loại đàn phím điện tử và trong phân bố đàn không phải là vấn đề quá quan trọng mà ở năng lực và tâm huyết với nghề của người sử dụng. Thực trạng phân bố đàn tại các trường THCS vùng miền núi hoàn toàn có thể giải quyết tốt, tránh lãng phí tiền của Nhà nước và tránh lãng phí đàn vì không được sử dụng nếu gắn việc sử dụng đàn vào quy định hoạt động nghiệp vụ của giáo viên dạy âm nhạc. Điều này cần đến các quy định cụ thể của Bộ GDĐT và sự quan tâm vận dụng vào thực tiễn của các nhà quản lý giáo dục phổ thông ở các địa phương.

Tất nhiên, mỗi nhạc cụ có những thiết bị ngoài, phụ trợ kết nối với hệ thống khuếch đại âm thanh để đáp ứng khả năng nghe của số đông học sinh. Vì thế, kèm theo nhạc cụ là các thiết bị như tăng âm, loa và các vị trí lựa chọn để lắp đặt các thiết bị trong lớp học. Giáo viên cũng hoàn toàn có thể khai thác các công cụ tiện ích khác như máy tính, máy chiếu, màn hình, tuy nhiên không nên quá ỷ lại vào các công cụ đó mà rời bỏ nhạc cụ, phương tiện chính yếu để dạy âm nhạc.

2. Gắn việc sử dụng nhạc cụ vào thực dạy âm nhạc trên lớp 

Sử dụng nhạc cụ để dạy bao giờ cũng khó hơn mở máy tính, bật loa, bấm nút phương tiện công nghệ. Vì thế cần đưa việc sử dụng nhạc cụ để dạy học âm nhạc thành quy định trong nhà trường. Trong chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc cho giáo dục phổ thông ở các cơ sở đào tạo đại học sư phạm âm nhạc, môn Nhạc cụ là bắt buộc. Tức là sinh viên sẽ không thể tốt nghiệp, trở thành giáo viên âm nhạc THCS nếu không có điểm số ít nhất đạt yêu cầu (điểm 5 trở lên) môn Nhạc cụ (đàn phím điện tử). Tuy nhiên, không có cơ chế nào quy định giáo viên phải sử dụng nhạc cụ trong dạy học môn âm nhạc ở các cấp học phổ thông, trong đó có THCS. Chính vì thế, hiện nay, đa số giáo viên môn Âm nhạc ở các trường phổ thông không sử dụng nhạc cụ, với rất nhiều lý do khác nhau.

Quy định việc sử dụng đàn phím điện tử trong giờ dạy âm nhạc đối với giáo viên không đồng nghĩa với cấm giáo viên sử dụng các tiện ích khác trong giờ dạy. Giáo viên hoàn toàn có thể khai thác các khuôn mẫu có sẵn, có thể dùng nhạc beat, nhưng không được xa rời, hay nói cách khác, loại hoàn toàn nhạc cụ ra khỏi giờ dạy học đọc nhạc, giờ dạy hát. Quy định việc sử dụng đàn không có nghĩa là giáo viên cứ phải đứng bên cây đàn, trong suốt giờ dạy, không “thoát ly” được đàn để quán xuyến toàn bộ lớp học.

Thứ nhất, bắt buộc giáo viên sử dụng đàn (đàn phím điện tử) như một công cụ sư phạm không thể thiếu trong giờ dạy tập đọc nhạc và dạy hát. Quy định này cần được thực hiện chung cho tất cả các giáo viên dạy âm nhạc phổ thông, ở tất cả các cấp học có dạy môn âm nhạc. Thứ hai, giáo viên phải thể hiện mẫu tổng thể giai điệu bài đọc nhạc hoặc bài hát trực tiếp trên đàn trước khi giáo viên đọc mẫu hay hát mẫu và dạy từng câu; trước khi giáo viên sử dụng các tiện ích công nghệ khác. Thứ ba, đưa việc sử dụng đàn vào nội dung các cuộc thi/ sát hạch giáo viên định kỳ hằng năm hoặc chu kỳ vài năm một lần ở các phòng GDĐT.

Vấn đề giám sát việc thực hiện quy định rất quan trọng, bởi vì đưa ra quy định mà không có sự tuân thủ nghiêm túc thì sẽ phản tác dụng, quy định vô nghĩa. Sự giám sát quy định sử dụng đàn trong giờ dạy âm nhạc ở cấp THCS cần có các yếu tố: thẩm quyền và trách nhiệm của người giám sát, cơ chế và các mức độ giám sát, kết luận sau giám sát. Như vậy, cần xây dựng chế tài đối với việc sử dụng đàn trong dạy học âm nhạc các cấp học phổ thông. Làm tốt có khen thưởng, khuyến khích; làm không tốt hoặc không thực hiện sẽ là cơ sở đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ (gắn với vị trí việc làm).

3. Điều chỉnh nội dung chương trình dạy nhạc cụ trong đào tạo ngành Sư phạm âm nhạc 

Một trong những giải pháp căn cơ để cải thiện khả năng sử dụng đàn phím điện tử trong các trường THCS là đào tạo. Sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc ra trường, trở thành giáo viên đứng lớp mà không biết sử dụng hoặc sử dụng ở mức độ kém trong công việc của họ, một phần lớn do lỗi của đào tạo. Ngành Âm nhạc có đặc thù riêng, ngành Sư phạm âm nhạc cũng vậy, không giống các ngành khoa học xã hội khác, vì thế thời gian và chương trình đào tạo cần phù hợp với đặc thù ngành.

Đặc thù ngành Âm nhạc (trong đó có Sư phạm âm nhạc) là gì? Đó là ngành gắn chặt với thực hành, trong suốt quá trình từ học cho đến khi ra trường, cống hiến cho xã hội. Chỉ cần không thực hành âm nhạc một thời gian ngắn, năng lực tự nó dần suy giảm. Thực hành âm nhạc đòi hỏi phải biết sử dụng/ chơi một loại nhạc cụ. Đây cũng là một đặc thù ngành, bởi vì bất cứ ai học âm nhạc cũng đồng thời phải học một nhạc cụ nào đó (kể cả những người theo ngành Thanh nhạc). Đối với người theo học ngành Sư phạm âm nhạc, nhạc cụ mà các cơ sở đào tạo ngành này lựa chọn để cho sinh viên học là đàn phím điện tử. Khi trở thành giáo viên âm nhạc phổ thông, họ cũng chủ yếu sử dụng đàn phím điện tử.

Qua nghiên cứu thực tế, tác giả đề xuất thời gian đào tạo đại học ngành Sư phạm âm nhạc nên điều chỉnh phù hợp với đối tượng đầu vào. Đầu vào của ngành Sư phạm âm nhạc ở bậc đại học có hai loại đối tượng: đã qua đào tạo âm nhạc và chưa qua đào tạo âm nhạc. Đối với các thí sinh đầu vào đã qua đào tạo âm nhạc, có bằng trung cấp hoặc cao đẳng, thời gian đào tạo có thể giữ nguyên như hiện tại (4 năm). Đối với đối tượng đầu vào chưa qua đào tạo âm nhạc, cần kéo dài thêm thời gian đào tạo một hoặc hai năm nữa (5 hoặc 6 năm). Thời gian một hoặc hai năm đầu của chương trình đào tạo dành cho đối tượng này chỉ bố trí học nhạc lý cơ bản và học đàn phím, sao cho tương xứng với trình độ trung cấp chuyên ngành âm nhạc hoặc cao đẳng sư phạm âm nhạc trước khi theo học nội dung chính quy đại học ngành Sư phạm âm nhạc. Điều chỉnh nội dung chương trình dạy đàn phím điện tử theo hướng sát với thực tế công việc cần sử dụng đàn phím điện tử ở các trường THCS.

Bên cạnh các kỹ thuật cơ bản được thực hiện bài bản theo chương trình học từ thấp lên cao vẫn sử dụng, nên có thêm nội dung hướng dẫn sinh viên tự biên soạn bài hát thiếu nhi hoặc bất cứ giai điệu nào mà họ yêu thích thành bản nhạc biểu diễn trên đàn. Trong chương trình thi kết thúc học phần nên khuyến khích sinh viên có bài tự biên soạn từ ca khúc (ví dụ, được cộng thêm điểm). Lưu ý là bài do sinh viên thi tốt nghiệp tự biên soạn, không phải bài do người khác soạn hộ hoặc bài soạn có sẵn đã xuất bản.

Nửa sau của chương trình (trước tốt nghiệp) cần tăng thời lượng thực hành đệm hát (trên lớp và biểu diễn thực tập; đệm có phần đệm chuẩn bị trước và đệm trực tiếp không có chuẩn bị trước). Cụ thể: Nên thay một phần của nội dung tiểu phẩm nhạc đàn trong chương trình học và thi học phần bằng đệm hát ngẫu hứng; tức là không được biết trước bài hát và người hát, xử lý đàn phím điện tử đệm theo ngay (tất nhiên, đối với thi học phần, có thể cho sinh viên chuẩn bị trước 15 phút). Tình huống phải xử lý đàn tức thì theo từng bối cảnh sử dụng đàn phím điện tử thường xuyên xuất hiện trong công việc của giáo viên âm nhạc ở các trường THCS miền núi. Nếu kỹ năng này được rèn luyện ngay trong thời gian học đại học thì các giáo viên âm nhạc trong tương lai sẽ thích nghi nhanh với thực tế và sử dụng đàn phím điện tử hiệu quả hơn. Đàn phím điện tử ở các trường THCS không chỉ sử dụng trong các hoạt động giáo dục chính khóa mà còn trong nhiều hoạt động ngoại khóa.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Ngọc Anh, Nâng cao chất lượng giảng dạy Keyboard cho sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc tại Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 2013. 

2. Dương Viết Á, Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa, tập 1, 2, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2005. 

3. Nguyễn Bách, Tiến Lộc, Hạnh Thi, Thuật ngữ âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2000. 

4. Ban biên soạn chuyên từ điển New Era, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007. 

5. Phan Trần Bảng, Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.

6. Nguyễn Quốc Bình, Nâng cao chất lượng giảng dạy, học môn Nhạc lý phổ thông và Đọc - Ghi nhạc tại trường Đại học An Giang, Luận văn thạc sĩ (Khóa 1) chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Hà Nội, 2014. 

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư Ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường phổ thông có nhiều cấp học, Số 13/2020/TT-BGDĐT, 26- 5-2020

8. Nguyễn Lệ Chi, Ca khúc Thiếu nhi của nhạc sĩ Phong Nhã với chương trình giáo dục Âm nhạc Tiểu học và Trung học cơ sở, Luận văn thạc sĩ (Khóa 1) chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Hà Nội, 2014. 

9. Phạm Chỉnh, Hướng dẫn thực hành phần đệm trên đàn Organ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2001. 

10. Chương trình môn Âm nhạc THCS của Bộ GDĐT.

Ths NGÔ THỊ VIỆT ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates