SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2024

MODUL 5 ​Hoạt động tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của GVMN

 


GVMN 5

 Hoạt động tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của GVMN

1. Ý nghĩa, vai trò của hoạt động tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ GVMN:

Xã hội càng phát triển, giáo dục đào tạo cũng phát triển theo, đòi hỏi ngày càng cao hơn phẩm chất năng lực của đội ngũ giáo viên. Tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất giúp người giáo viên tiến bộ, trưởng thành, có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đào tạo được giao. Vì thế, hoạt động tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của GVMN có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công tác giảng dạy.

Công tác tự bồi dưỡng chuyên môn là nhiệm vụ hàng đầu để khắc phục những hạn chế trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục mầm non, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên.

Theo từ điển giáo dục, bồi dưỡng (nghĩa hẹp) là trang bị thêm những kiến thức, thái độ, kỹ năng nhằm mục đích nâng cao và hoàn thiện năng lực hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể. Bồi dưỡng (nghĩa rộng) là quá trình giáo dục, đào tạo nhằm hình thành nhân cách và những phẩm chất riêng biệt của nhân cách theo định hướng mục đích đã chọn. Bồi dưỡng là quá trình tác động của chủ thể giáo dục đến đối tượng được giáo dục, làm cho đối tượng được bồi dưỡng tăng thêm năng lực, phẩm chất và phát triển theo chiều hướng tốt hơn.

“Chuyên môn” là tổ hợp các tri thức, kỹ năng, kỹ xảo thực hành mà con người tiếp thu được qua đào tạo để có khả năng thực hiện một loạt công việc trong phạm vi một ngành nghề nhất định theo phân công của xã hội. Chuyên môn sư phạm là một ngành khoa học về lĩnh vực giáo dục đào tạo, có nội dung và phương pháp sư phạm riêng biệt, chuyên môn sư phạm đòi hỏi các nhà giáo dục của mình còn phải biết truyền thụ tri thức nghề nghiệp cho học sinh. Đối với giáo viên mầm non, ở góc độ chuyên môn, họ là người hiểu rõ về công việc chăm sóc - giáo dục trẻ mà mình phụ trách ở trường mầm non. Yêu nghề, yêu trẻ, có kỹ năng lựa chọn những phương pháp giảng dạy hay, chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao nhất.

2. Yêu cầu, nội dung, phương pháp tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của người GVMN.

* Yêu cầu, nội dung:

- Tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là công việc mang tính chiến lược, phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài để xây dựng kiến thức đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu và có chất lượng cao. Mặt khác, công tác tự bồi dưỡng mang tính cấp bách phải thực hiện ngay những yêu cầu của năm học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới chương trình, phương pháp dạy học…

- Công tác tự bồi dưỡng sẽ đẩy mạnh sự phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân giáo viên mầm non, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Tham gia vào các hoạt động bồi dưỡng sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi khi tiếp cận với chương trình mới, có thái độ tích cực với những thay đổi nhanh chóng của thời đại.

- Tự bồi dưỡng dưới nhiều hình thức phong phú đặc biệt là hình thức bồi dưỡng tại trường sẽ góp phần xây dựng tinh thần cộng tác, làm việc theo tổ, nhóm chuyên môn trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác tự bồi dưỡng sẽ khuyến khích bản thân làm việc chăm chỉ, tích cực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

- Khi thực hiện tự bồi dưỡng một cách thường xuyên, bài bản sẽ góp phần nâng cao ý thức, tính sáng tạo trong phương pháp dạy, những kỹ năng và thói quen tự học của giáo viên. Qua việc tự bồi dưỡng chuyên môn giúp cho giáo viên đánh giá được khả năng hoàn thành công việc và sự tiến bộ trong công tác của bản thân.

Để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay, người giáo viên cần phải luôn luôn rèn luyện đạo đức, tự học tập, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao khả năng sư phạm, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, nhu cầu học tập của trẻ và yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Điều đó khẳng định rằng: công tác tự bồi dưỡng chuyên môn , nghiệp vụ của giáo viên mầm non là việc hết sức quan trọng trong nhà trường.

* Để quá trình tự học, tự bồi dưỡng đạt chất lượng, hiệu quả bản thân người giáo viên mầm non cần có những phương pháp sau:

          - Một là, mỗi giáo viên trước hết phải nhận thức được vị trí,vai trò, trách nhiệm về tự học, tự bồi dưỡng. Chỉ khi nhận thức đúng thì bản thân mỗi giáo viên mới chuyển hóa được nhu cầu, đòi hỏi của xã hội thành động cơ mục đích của cá nhân, từ đó mới chủ động, tích cực, tự giác phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng.

          - Hai là, ngay từ đầu năm học, bản thân mỗi giáo viên cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng khoa học.Trong kế hoạch này cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian tự học, tự bồi dưỡng.

Khi xây dựng kế hoạch giáo viên phải thể hiện rõ những nét phẩm chất, nhân cách, đạo đức nghề nghiệp cần hoàn thiện. Những kiến thức, kĩ năng sư phạm, phương pháp dạy học, …cần bổ sung. Để xây dựng một kế hoạch khoa học, giáo viên cần dựa trên kế hoạch của trường.

Ngoài ra cần tham khảo thêm Thông tư 12/2019/TT- BGDĐT ban hành ngày 26/8/2019 về việc Ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên mầm non.

Từ đó giáo viên lựa chọn, thống kê các phần công việc cần làm, những yêu cầu cụ thể cần đạt được, mốc thời gian và mức độ hoàn thành phù hợp với điều kiện và năng lực bản thân. Sau khi lập được kế hoạch mỗi giáo viên phải có quyết tâm, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần chủ động, kiên trì vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

          - Ba là, người giáo viên cần sắp xếp thời gian tự học, tự bồi dưỡng cho phù hợp với đặc trưng công việc của mình. Thời gian tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên mầm non rất hạn chế do vậy mỗi giáo viên cần sắp xếp thời gian tự học qua sinh hoạt chuyên môn ở tổ, nhóm, qua dự giờ thăm lớp, qua tham dự các buổi chuyên đề, tập huấn, hội thảo do trường, Phòng giáo dục - đào tạo, các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức…vào hè hoặc trong năm học. Ngoài ra, người giáo viên cần tham gia tự học, tự bồi dưỡng vào ngày nghỉ, giờ nghỉ.

         - Bốn là, giáo viên mầm non cần xác định được nội dung tự học, tự bồi dưỡng phù hợp. Tự học, tự bồi dưỡng ở đây không chỉ bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn bồi dưỡng về đạo đức, tác phong, kĩ năng sư phạm. Trong quá trình bồi dưỡng về đạo đức, tác phong, kĩ năng sư phạm người giáo viên cần học tập ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Học tập, bồi dưỡng thông qua các mối quan hệ với đồng nghiệp, với phụ huynh, với học sinh, với xã hội. Từ đó hoàn thiện nhân cách người giáo viên. Khi bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên mầm non cần biết lựa chọn tài liệu, nghiên cứu thu thập thông tin một cách có chọn lọc và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Giáo viên có thể tìm tài liệu bồi dưỡng qua sách báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet, qua sinh hoạt chuyên môn…Giáo viên cần bổ sung kịp thời những kiến thức về tin học, ngoại ngữ, đổi mới về phương pháp, trang bị cho mình những kiến thức về văn hóa, xã hội, những hiểu biết pháp luật.

           - Năm là, để quá trình tự học, tự bồi dưỡng có hiệu quả người giáo viên mầm non phải biết lựa chọn các hình thức bồi dưỡng phù hợp với khả năng, sở trường của mình. Hình thức tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động cá nhân giảng dạy, nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu các công văn, chỉ thị, thông tư…Hình thức tự học, tự bồi dưỡng qua hoạt động tập thể như tham gia các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, qua các hoạt động chính trị, xã hội, qua đào tạo nâng chuẩn.

          - Sáu là, trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng người giáo viên phải biết tự kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng. Hoạt động này, giúp giáo viên nhìn nhận lại những việc đã làm và chưa làm được trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhằm đạt mục tiêu bồi dưỡng.

           Tự học, tự bồi dưỡng được hình thành trong quá trình luyện tập kiên trì có hệ thống, trên cơ sở ý thức trách nhiệm, tính tự giác cao. Qua đó, giáo viên sẽ say sưa với nội dung học tập, biến chúng thành hiểu biết và chuyển thành niềm tin, thế giới quan khoa học, luôn tạo ra được trạng thái phấn khởi, hứng thú; biết tranh thủ tận dụng có hiệu quả mọi khoảng thời gian có thể để tự học, tự nghiên cứu; luôn tìm cách hiểu sâu những nội dung đã biết và khám phá những điều chưa biết; hình thành thái độ động cơ phấn đấu đúng đắn, để hoàn thiện phẩm chất nhân cách, nâng cao năng lực, phương pháp, tác phong công tác và uy tín nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

3. Hướng dẫn thực hiện các hoạt động tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của người GVMN đáp ứng Chuẩn nghề nghiệp:

Để thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy thì cần có những biện pháp sát thực đưa ra để việc thực hiện đổi mới phương pháp có hiệu quả, thời gian thực hiện trong năm học. Đổi mới phương pháp giáo dục là quá trình chuyển từ phương pháp giáo dục coi “giáo viên là trung tâm” thành phương pháp giáo dục coi “ trẻ là trung tâm”. Vì thế, giáo viên cần lựa chọn phương pháp giáo dục chủ yếu nhằm giúp trẻ được trải nghiệm khám phá về sự vật, hiện tượng xung quanh; từ đó trẻ rút ra ý kiến nhận xét để cô giáo nhận ra và điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp:

- Tự Bồi dưỡng thông qua dự giờ:

Giáo viên tự đăng ký một hoạt động bất kỳ trong chương trình phù hợp với chủ đề.

Tham gia rút kinh nghiệm ngay sau khi dự giờ, phân tích ngay mặt mạnh, mặt yếu, những ưu điểm cần phát huy và chỉnh sửa kịp thời những tồn tại trong tiết dạy trên quan điểm góp ý nhẹ nhàng, tế nhị, tạo bầu không khí thoải mái đối với giáo viên được đánh giá dự giờ.

Giáo viên tự ghi chép đầy đủ vào sổ dự giờ để kịp thời điều chỉnh cho các hoạt động sau và tự tổ chức lại tiết dạy gần giống với phương pháp và có thể sáng tạo, linh hoạt hơn để đánh giá khả năng của bản thân.

Tự  bồi dưỡng chuyên môn thông qua các buổi họp tổ, thông qua các tiết dự giờ lẫn nhau. 

Từ những hình thức này, sẽ tạo cơ hội cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện, đối chiếu với việc thực hiện của đồng nghiệp để rút ra những tồn tại cần khắc phục. Sau mỗi hoạt động là những bài học không chỉ cho chính người giảng dạy mà cho tất cả thành viên trong hội đồng sư phạm, những lời góp ý sâu sắc, chính xác, chân thành và đầy tinh thần xây dựng, luôn được tôn trọng, xem xét hưởng ứng

- Tự bồi dưỡng thông qua chuyên đề:

Hoạt động chuyên đề là hoạt động cơ bản, giúp giáo viên trực tiếp giảng dạy tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong chuyên môn. Qua mỗi lần tổ chức hoạt động chuyên đề, chất lượng giảng dạy của người giáo viên được nâng lên, phát huy được năng lực, sáng kiến của mỗi giáo viên, nhân rộng những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong toàn trường.

Được học hỏi từ các giáo viên có năng khiếu chuyên môn về từng chuyên đề xây dựng những hoạt động mẫu.

Giáo viên được dự và đúc kết rút kinh nghiệm sau mỗi lần tổ chức chuyên đề, nhằm bổ sung những khiếm khuyết và kịp thời chỉnh sửa những sai sót của mình.

Qua chuyên đề, giúp giáo viên tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong các hoạt động, hơn nữa giáo viên còn bộc lộ được năng lực và trình độ chuyên môn. Từ đó, giáo viên có cơ hội tự học tập, tự bồi dưỡng và trao đổi với đồng nghiệp những kinh nghiệm hay trong giảng dạy cũng như trong việc chăm sóc trẻ.

- Tự bồi dưỡng thông qua tổ chuyên môn:

Thông qua tổ chuyên môn, giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là biện pháp hiệu quả nhất. Tổ chuyên môn là nơi giáo viên gắn bó giúp đỡ nhau hiệu quả nhất vì ban giám hiệu không thể cùng một lúc sinh hoạt đều ở các tổ. Do đó xây dựng tổ chuyên môn vững mạnh là một biện pháp không thể thiếu.

Dự họp tổ chuyên môn để nắm vững tình hình về cách trình bày, cách giải quyết vấn đề chuyên môn, cách làm đồ dùng, đồ chơi theo từng chủ đề.

- Tự bồi dưỡng thông qua học bồi dưỡng thường xuyên:

Tham gia bồi dưỡng với ý thức tự giác, trách nhiệm, thực hiện thật nghiêm túc tất cả các công đoạn bồi dưỡng.

Nội dung học bồi dưỡng bám sát các chương trình Bồi dưỡng thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tham gia học theo hình thức tập trung, tự học cá nhân, học tập theo tổ chuyên môn, học theo nhóm giáo viên; 

Bản thân kịp thời rút kinh nghiệm sau mỗi mô đun được bồi dưỡng để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của Bồi dưỡng thường xuyên, thực hiện vận dụng kiến thức và kỹ năng đã được bồi dưỡng vào hoạt động giảng dạy và giáo dục.

ĐỌC THÊM

Module 5: Hoạt động tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non (GVMN) có vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực và nâng cao chất lượng giảng dạy. Cụ thể, module này giúp giáo viên mầm non:

1. Phát triển năng lực nghề nghiệp

Cung cấp phương pháp và kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để cải thiện năng lực chuyên môn.

Hỗ trợ giáo viên cập nhật kiến thức mới, các phương pháp giáo dục tiên tiến phù hợp với đặc điểm trẻ mầm non.

2. Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.

Giúp giáo viên thích nghi với các yêu cầu mới về năng lực, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp.

3. Nâng cao chất lượng giảng dạy và chăm sóc trẻ

Tăng khả năng tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, nhu cầu và khả năng của trẻ.

Phát triển kỹ năng đánh giá, xây dựng kế hoạch giáo dục hiệu quả.

4. Thúc đẩy sự tự tin và chủ động

Khuyến khích giáo viên tự giác học tập, nâng cao năng lực một cách liên tục và có kế hoạch.

Tạo động lực để giáo viên mầm non tự hoàn thiện bản thân, từ đó nâng cao vị thế nghề nghiệp.

5. Tăng cường tinh thần học tập suốt đời

Xây dựng thói quen tự học, tự bồi dưỡng, góp phần hình thành tinh thần học tập suốt đời.

Giúp giáo viên không ngừng cải thiện và đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội và ngành giáo dục.


Như vậy, Module 5 không chỉ là công cụ hỗ trợ phát triển cá nhân mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.


 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates