SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

Cần giải pháp đột phá đổi mới, phát triển giáo dục mầm non

 



Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 06/04/2024 06:09 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây chủ trì Phiên họp UBQG Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nhiều khó khăn, tồn tại với bậc học nền tảng

Báo cáo về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Giáo dục mầm non (GDMN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Luật Giáo dục 2019 khẳng định: "GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân; GDMN nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam".


10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có GDMN. Qua việc triển khai thực hiện ở các cấp, các địa phương trên phạm vi toàn quốc, GDMN từ cấp học còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, mạng lưới trường lớp chưa được quan tâm quy hoạch, đến nay, đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo nền tảng cơ bản để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Chương trình GDMN được điều chỉnh từng bước để phù hợp hơn với thực tiễn. Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy GDMN phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được tới cơ sở GDMN, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN, chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em sẵn sàng vào lớp 1.

Quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình GDMN được quy chuẩn và quan tâm đầu tư.

Chính phủ ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non. Các chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ con em công nhân... đã góp phần nâng cao chất lượng GDMN.

Cần giải pháp đột phá đổi mới, phát triển giáo dục mầm non  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi báo cáo tại phiên họp

Bên cạnh những thành tựu, GDMN vẫn là bậc học còn nhiều hạn chế, tồn tại. Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo NQ 29-NQ/TW, yêu cầu về Chương trình GDMN tại Luật Giáo dục, chưa liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ. Năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế. Tỷ lệ huy động: trẻ nhà trẻ mới đạt 32,1%, trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi mới đạt 93,1%. Hiện có khoảng gần 300.000 trẻ em mẫu giáo 3 - 4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ. Hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con của người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế.

Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình GDMN. Hiện nay tính riêng cấp học mầm non, toàn quốc còn khoảng trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi.

Cần giải pháp đột phá đổi mới, phát triển giáo dục mầm non  - Ảnh 3.

Đại biểu dự phiên họp

Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết. Hiện nay toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 giáo viên mầm non. Trong bối cảnh thiếu nhưng các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là giáo viên mầm non. Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và nghề giáo viên mầm non ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập đang thấp nhất trong các cấp học, trong khi giáo viên chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12 giờ mỗi ngày).

Mục tiêu "công bằng" trong phát triển GDMN chưa bảo đảm. Khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn. Vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN.

GDMN cần có được những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, thay đổi quan điểm đầu tư để có Chương trình giáo dục tốt, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên mầm non, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng.

Tiền đề cho sự đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, hơn 10 năm qua, giáo dục và đào tạo của đất nước đã có nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng. Đổi mới thể hiện ở hầu hết các thành tố, các khâu, các đối tượng của giáo dục; tuy nhiên được tiến hành mạnh mẽ và được chú ý nhiều hơn ở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông.

Cần giải pháp đột phá đổi mới, phát triển giáo dục mầm non  - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

GDMN của cả nhà trẻ, mẫu giáo cũng đã có những đổi mới. Theo Bộ trưởng, chúng ta đã thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên phạm vi cả nước và thu được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, về sự đầu tư, sự quan tâm, sự chuyển biến vẫn chưa thực sự nhiều như mong muốn.

Hiện nay, với chủ trương phát triển con người một cách toàn diện, lấy dạy người làm gốc, lấy sự phát triển con người để làm nền tảng cho sự phát triển của nguồn nhân lực, thì việc đổi mới và chăm lo cho GDMN càng trở nên quan trọng.

Với một quốc gia, sự chăm sóc và đầu tư cho trẻ em vừa thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, cũng vừa là logic tất yếu theo yêu cầu của khoa học giáo dục. Đây là tiền đề cho sự đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục.

Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất vai trò quan trọng của GDMN và cần tăng cường sự quan tâm, đầu tư cho cấp học này. Việc cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ 3-5 tuổi, Nghị quyết về đổi mới Chương trình GDMN cũng được nhiều ý kiến đồng thuận; kèm theo đó là yêu cầu tính toán kỹ điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi trong triển khai.

"Chúng ta phải nhận thức lại vai trò của giáo dục, đào tạo, đặc biệt là 1000 ngày đầu đời của trẻ em". Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh khi phát biểu tại phiên họp và cho rằng, điểm nghẽn hiện nay với GDMN cả ở nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và sự quan tâm của các địa phương, của các cấp. Dù GDMN đã được quan tâm nhưng chưa đủ so với yêu cầu.

Từ đó, nguyên Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự đồng tình với việc cần phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi. Muốn phổ cập GDMN từ 3-5 tuổi theo xu hướng phát triển hiện đại, vươn tầm quốc tế, bảo đảm quyền trẻ em, việc đầu tiên là phải đổi mới chương trình.

Ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định cần thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; trong đó có nội dung "hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi" đến năm 2030. Đồng thời nhất trí với kiến nghị của Bộ GD&DT về xây dựng Nghị quyết về phổ cập trẻ 3-5 tuổi trình Quốc hội.

Chia sẻ từ thực tế các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi trẻ em 3-5 tuổi nếu được học mầm non tiếng phổ thông tốt hơn, mạnh dạn hơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Không nên bàn nên hay không nên phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi mà nên bàn làm thế nào.

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đều thống nhất sự cần thiết đổi mới GDMN và triển khai phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, vấn đề cần quan tâm là giải quyết thiếu giáo viên, hiện nay giáo viên mầm non thiếu nhưng dù có chỉ tiêu tuyển dụng cũng không tuyển dụng được vì thiếu nguồn tuyển. Bà Vũ Thu Hà cho rằng, cần có giải pháp để có lộ trình đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng giáo viên.

Đổi mới giáo dục mầm non: Làm kỹ và làm chắc

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo đánh giá cao sự chuẩn bị và nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong xây dựng các đề án về "Đổi mới, phát triển GDMN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Thủ tướng đồng thời hoan nghênh, cảm ơn các ý kiến đóng góp tại phiên họp với tinh thần chung là mong muốn nền giáo dục nước nhà phát triển hơn nữa và phù hợp xu thế.

Cần giải pháp đột phá đổi mới, phát triển giáo dục mầm non  - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp

Khẳng định vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo với sự phát triển đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhận thức vậy để tiếp cận giải quyết vấn đề của giáo dục theo hướng tổng thể, toàn diện, bao trùm nhưng phải căn cứ vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhắc tới Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi", Thủ tướng chỉ đạo, phải thế chế hoá, cụ thể hóa chủ trương của Đảng.

Cụ thể, theo Thủ tướng, thực trạng GDMN còn nhiều bất cập, khó khăn. Muốn thực hiện được mục tiêu của Đảng, cần giải quyết, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn và muốn tháo gỡ được khó khăn phải có đề án. Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng đề án và cần xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Về những việc cần làm tiếp theo, Thủ tướng lưu ý, Bộ GDĐT tiếp tục hoàn thiện đề án. Trong đó làm rõ hơn, mạch lạc hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, thực trạng thực tế hiện nay, thẩm quyền xem xét từng nội dung, đề xuất Chính phủ làm gì, Quốc hội làm gì, các Bộ, ngành, địa phương làm gì.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần làm rõ nội hàm của đổi mới GDMN. Đó là phải phù hợp với quan điểm phát triển giáo dục của Đảng, pháp luật của Nhà nước là đào tạo và phát triển toàn diện con người; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước trong bối cảnh hiện nay; đổi mới cách huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư là chính…

Với những điểm "nghẽn" lớn hiện nay của GDMN, Thủ tướng đề nghị làm rõ để có cơ sở đề xuất giải quyết phù hợp. Cụ thể là điểm "nghẽn" thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận GDMN chưa bình đẳng nhất là vùng sâu vùng xa và người yếu thế. Để giải quyết, Thủ tướng gợi mở cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực con người và nguồn lực vật chất, trong đó rà soát lại cơ chế hiện hành, những gì đã có, những gì đã có nhưng chưa làm được…

Từ ý kiến góp ý tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp thu và tiếp tục hoàn thành đề án để trình các cấp có thẩm quyền. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD&ĐT trong quá trình hoàn thiện đề án. Tinh thần chung theo Thủ tướng là không cầu toàn nhưng không nóng vội; chuẩn bị kỹ lưỡng, làm kỹ và làm chắc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates