GDVN-Cần thiết phải duy trì một số trường CĐSP bên cạnh quy hoạch mạng lưới các CSĐT giáo viên và sắp xếp hợp lý các trường CĐSP để tránh thiếu các CSĐT giáo viên
Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành, chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, từ nay đến năm 2030 buộc các trường cao đẳng sư phạm sẽ phải vừa ổn định tổ chức, hoạt động, vừa tìm kiếm cách thức tồn tại, phát triển.
Tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay” do Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 15/3, các đại biểu tham dự đã tích cực chia sẻ ý kiến tham luận về những khó khăn của trường cao đẳng sư phạm trong bối cảnh quy hoạch mạng lưới.
Hiện tỉnh Nghệ An đang thực hiện đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An, Sau khi sáp nhập – là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc tỉnh, có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực, đa cấp học.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho biết, việc thành lập Trường Đại học Nghệ An trên cơ sở sáp nhập 3 trường cũng tạo ra thuận lợi, khó khăn.
Về thuận lợi, việc sáp nhập giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; cơ cấu tổ chức bộ máy của trường giảm 6 đơn vị thuộc, trực thuộc (còn 30 đơn vị); nguồn lực của 3 trường được phát huy tối đa; giảm một số cơ sở sử dụng tài sản không hiệu quả;...
Tuy nhiên, thầy Dũng cho rằng: “Việc sáp nhập khiến trường gặp hàng loạt vấn đề như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, chế độ chính sách đối với viên chức, cơ sở vật chất; nhất là chưa có văn bản nào hướng dẫn về sáp nhập, giải thể, chỉ làm trên tinh thần tự nguyện. Thách thức trong bố trí công tác để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ khi sáp nhập vì họ đều là lãnh đạo, quản lý đã được bổ nhiệm đầy đủ ở trường cũ.
Chưa kể, số lượng cán bộ, giảng viên có trình độ cao còn hạn chế chưa đáp ứng được việc mở các mã ngành đào tạo; thiếu chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực chuyên môn. Phần thu sự nghiệp còn hạn chế nhất là về học phí, mức thu học phí còn thấp so với mặt bằng chung của các trường đại học. Cơ cấu nguồn chi chủ yếu là chi thanh toán cá nhân, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nâng cao trình độ còn thấp. Ngoài ra, việc cạnh tranh đối với các mã ngành mới mở trình độ đại học với các trường có thâm niên đào tạo lâu năm là một thách thức lớn”.
Trong “Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang tiếp tục được nâng cấp và cải tạo để giao nhiệm vụ đào tạo hàng nghìn nhân lực cho tỉnh nhà.
Chia sẻ trong hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tuyển – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình cụ thể, chính thức cho trường cao đẳng sư phạm trong quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, để Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang có bước đi thích hợp cho sự tồn tại và phát triển đến năm 2030.
Theo thầy Tuyển, theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Điều này khiến chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường cao đẳng sư phạm giảm bởi chỉ còn đào tạo ngành Giáo dục mầm non.
Cùng bàn về những khó khăn của trường cao đẳng sư phạm trước bối cảnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, Tiến sĩ Trần Anh Đức - Trưởng khoa Bồi dưỡng và Liên kết đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ rằng, về mặt quản lý nhà nước, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chưa thật sự quan tâm. Quy hoạch, định hướng phát triển, phân công chỉ đạo, theo dõi của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa rõ ràng.
“Những tưởng, Thông tư số 23/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường cao đẳng sư phạm ra đời ngày 30/12/2022 sẽ tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đối với trường cao đẳng sư phạm; khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các trường. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có chỉ đạo quyết liệt, việc thực hiện Thông tư 23 ở mỗi địa phương chưa có sự đồng nhất.
Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với tư tưởng chấm dứt đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng vào năm 2030 càng làm cho các trường cao đẳng sư phạm thêm phần bi quan”, thầy Đức bày tỏ.
Hàng năm, quy mô đào tạo của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn gần 2.000 học sinh, sinh viên. Trong đó, gần 1000 học sinh, sinh viên các ngành giáo dục nghề nghiệp, hơn 600 học sinh trường liên cấp và hơn 100 sinh viên ngành Giáo dục mầm non. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức liên kết đào tạo trình độ đại học và bồi dưỡng chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ.
Thạc sĩ Vi Hồng Thắm – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn chia sẻ: “Ưu thế đào tạo của Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”.
Song, chỉ ra khó khăn của trường, cô Thắm cho hay, đa số nhà giáo, cán bộ quản lý của trường tốt nghiệp ngành đào tạo sư phạm, với các chuẩn chuyên môn, trình độ nghiệp vụ đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy vậy, để đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần đội ngũ đáp ứng các yêu cầu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong khi đó, việc cử giảng viên đào tạo lại, đào tạo văn bằng 2 đáp ứng yêu cầu mới cần lộ trình, cơ chế, tài chính; việc tuyển dụng bổ sung đội ngũ đáp ứng yêu cầu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần có sự quan tâm vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành.
Trước khó khăn hiện nay, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn nhận định, để đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục nghề nghiệp, cũng như mục tiêu, sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết phải duy trì một số trường cao đẳng sư phạm bên cạnh việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên; và sắp xếp hợp lý các trường cao đẳng sư phạm để tránh tình trạng thiếu các cơ sở đào tạo giáo viên, hoặc không đảm bảo tính vùng miền khi giáo viên chỉ được đào tạo ở các cơ sở giáo dục vùng trung tâm.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần tạo điều kiện để các trường cao đẳng sư phạm được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; được thi giảng viên giáo dục nghề nghiệp hạng II khi đủ tiêu chuẩn. Kiến nghị Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ chế chính sách để định hướng và phát triển các trường cao đẳng sư phạm phù hợp với Quyết định 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng đề xuất các giải pháp ổn định tổ chức, hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm, Tiến sĩ Trần Anh Đức nêu:
Thứ nhất, sau năm 2030, nếu chỉ đào tạo giáo viên mầm non tại các trường đại học sư phạm hoặc trường đại học có đào tạo giáo viên sẽ không thể giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Cụ thể, Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Như vậy, nếu quy hoạch theo hướng đào tạo giáo viên mầm non chỉ hoàn toàn được thực hiện trong các trường đại học thì sinh viên ở các địa phương xa sẽ phải tập trung về thành phố lớn, dẫn đến chi phí đào tạo cao, hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu về số lượng giáo viên mầm non.
Do vậy, Bộ cần tiếp tục giao nhiệm vụ đào tạo ngành Giáo dục mầm non cho các các trường cao đẳng sư phạm sau năm 2030. Thêm nữa, Bộ cũng nên có cơ chế để các trường cao đẳng sư phạm được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương.
Thứ hai, về phía trường cao đẳng sư phạm, trong khi chờ đợi những quy hoạch, hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phải tập trung vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đoàn thể. Ví dụ như tham gia các hoạt động khoa học, sáng tạo, hoạt động xã hội, các hội thi,...
Thứ ba, trường cao đẳng sư phạm cần chủ động tham mưu tỉnh thành cho phép phối hợp đào tạo trình độ đại học, trước mắt ưu tiên đào tạo giáo viên tiểu học, kể cả chương trình đại học ngành Giáo dục mầm non theo cơ chế đặt hàng. Có thể thảo luận với các trường đại học sư phạm để thực hiện quy trình đào tạo kết hợp 3 năm tại trường cao đẳng sư phạm địa phương và 1 năm tại trường đại học sư phạm.
Cuối cùng, theo thầy Đức, các trường cao đẳng sư phạm cũng cần chú trọng thông tin, truyền thông về hệ thống cao đẳng sư phạm; thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét