Thứ Năm, 12:11, 04/04/2024
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh: "Vấn đề giải quyết các điểm nghẽn lớn ở đây là cái gì? làm rõ ra để chúng ta có cơ sở đề xuất. Một là thiếu giáo viên; thứ 2 người thiếu cơ sở vật chất; thứ ba là tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và người yếu thế".
Sáng 4/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Uỷ ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về "Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non".
Cùng dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cùng các thành viên Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các ban bộ ngành trung ương và một số địa phương tiêu biểu.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Vừa qua, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện Đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 và có Báo cáo trình Ban cán sự Đảng Chính phủ để trình sang Bộ Chính trị.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả 10 năm đổi mới giáo dục cho thấy, chúng ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tốt. Đổi mới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với tăng cường tự chủ đã có chuyển biến tích cực, đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu đổi mới căn bản đối với giáo dục và đào tạo đã được thực hiện tích cực với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong 10 năm qua.
Thủ tướng khẳng định, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời. Luật Giáo dục 2019 khẳng định: "GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân; GDMN nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam". Bậc học Giáo dục mầm non cần tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới căn bản và cũng để đảm bảo giáo dục được đổi mới toàn diện theo đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã tiếp tục khẳng định các quan điểm nhân văn của Đảng về chính sách xã hội, trong đó có chính sách về giáo dục để phục vụ cho phát triển con người. Một trong những mục tiêu đến năm 2030 được đặt ra trong Nghị quyết là "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi...".
Triển khai hiện thực hoá các Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai nhiều nội dung về đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới - giai đoạn với bối cảnh mới và những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đang tiếp tục được đổi mới.
Tại phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo về "Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", các thành viên Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã thảo luận và cho ý kiến về báo cáo này.
Đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các báo cáo và ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
Nêu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đổi mới giáo dục và đào tạo phải nhằm đào tạo và phát triển toàn diện con người Việt Nam; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước; đổi mới giáo dục mầm non, cụ thể là đối với trẻ từ 3 – 5 tuổi; đổi mới huy động nguồn lực, lấy hợp tác công tư là chính để phát triển giáo dục và đào tạo."
Với yêu cầu xử lý, giải quyết các điểm nghẽn, hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất và sự bất bình đảng về giáo dục và đạo tạo nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non…
"Vấn đề giải quyết các điểm nghẽn lớn ở đây là cái gì? làm rõ ra để chúng ta có cơ sở đề xuất. Một là thiếu giáo viên ; thứ 2 người thiếu cơ sở vật chất; thứ ba là tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và người yếu thế. Giải quyết 3 điểm nghẽn này thì vấn đề đặt ra là phải có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực. Cơ chế huy động nguồn lực ở đây như thế nào? đó là nguồn lực con người và nguồn lực vật chất, vậy thì chúng ta phải rà soát lại là cơ chế, chính sách hiện hành đã có những gì rồi để huy động nguồn lực cho giáo dục mầm non. Cái gì đã có chưa làm được điều chỉnh và cái gì chưa có bổ sung, nhất là cơ chế huy động về vật chất như là vấn đề thuế, vấn đề tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng."
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban; tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, trong đó nêu rõ nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm, theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật, sát tình hình thực tế và tháo gỡ được điểm nghẽ, vướng mắc trong phát triển giáo dục mầm non.
Các bộ, ngành, địa phương phối với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện, trên tinh thần “cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét