Phương pháp STEAM và cách ứng dụng cho các bé mầm non
Phương pháp STEAM hiện đang áp dụng nhiều tại các trường mầm non. Đây là phương pháp dạy học kết hợp 5 lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Vậy phương pháp này đem lại những lợi ích gì cho bé? Cách triển khai và ứng dụng STEAM để đạt hiệu quả tốt nhất là gì? ILA sẽ chia sẻ cùng bạn nhé.
Dạy học theo phương pháp STEAM là gì?
STEAM là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại. Học sinh học theo phương pháp STEAM sẽ được trang bị kỹ năng và kiến thức từ 5 nhóm ngành. Đó là: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Nghệ thuật (Art) và Toán học (Mathematics).
STEAM là phiên bản nâng cấp của STEM khi được thêm yếu tố Nghệ thuật (Art) vào chương trình giảng dạy. Ra đời từ ý tưởng sáng tạo của Trường Thiết Kế Rhode Island (Hoa Kỳ), sau đó, phương pháp này được nhân rộng và áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Mỗi bài học trong phương pháp STEAM sẽ kích thích trí tuệ, sự sáng tạo và tò mò của trẻ nhỏ. Con sẽ tiếp thu kiến thức đa dạng từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Đồng thời, bé sẽ được phát triển các kỹ năng liên quan.
>>> Tìm hiểu thêm: Tầm quan trọng của chữ M trong giáo dục STEM
1. Kỹ năng Khoa học – Science (S)
Bé hiểu cách thức hoạt động, mối liên hệ giữa sự vật, sự việc thông qua những gì chứng minh rõ ràng. Từ đó, con hình thành các kỹ năng để giải quyết vấn đề.
Ví dụ: Bé sẽ hiểu được một năm có mấy mùa, đặc điểm của mỗi mùa trong năm.
2. Kỹ năng Công nghệ – Technology (T)
Bé sẽ được làm quen với công nghệ cao và hiện đại. Từ đó, con có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ của riêng mình.
Ví dụ: Học sinh cấp 1 có thể sáng tạo ra một phần mềm trên máy tính hoặc một app học ngoại ngữ.
3. Kỹ năng Kỹ thuật – Engineering (E)
Phương pháp giáo dục steam hướng dẫn bé biết cách tạo ra và vận hành các sản phẩm công nghệ. Từ đó, bé sẽ có kỹ năng lắp ráp và tạo ra những máy móc kỹ thuật đơn giản. Ví dụ: robot, các sản phẩm phù hợp với độ tuổi của bé.
4. Kỹ năng Nghệ thuật – Art (A)
Yếu tố Nghệ thuật (Art) là điểm phân biệt giữa phương pháp STEAM và STEM. Con sẽ được tự do sáng tạo nghệ thuật như: hội họa, âm nhạc, kiến trúc. Phương pháp STEAM kết nối yếu tố khoa học và nghệ thuật. Điều này giúp bé phát triển toàn diện.
5. Kỹ năng Toán học – Mathematics (M)
Đây là phương pháp giáo dục sớm thông qua việc cho bé làm quen với Toán học từ nhỏ. Từ đó, bé sẽ có tư duy nhanh nhạy và là tiền đề cho niềm đam mê Toán học sau này.
>>> Tìm hiểu thêm: Hiểu đúng về phương pháp Montessori cho bé 0 – 6 tuổi
Lợi ích của phương pháp giáo dục STEAM
1. Giúp con phát triển các kỹ năng sống cần thiết
Dạy trẻ kỹ năng sống là một trong những việc làm quan trọng và cần thiết. Khi áp dụng phương pháp STEAM, bé sẽ có cơ hội học được một số kỹ năng sống như:
• Kỹ năng quan sát
Thông qua STEAM, bé rèn luyện khả năng quan sát sự vật, sự việc, những mối liên hệ trong cuộc sống. Từ đó, con biết cách nhìn nhận, phân tích và kết nối thông tin.
• Kỹ năng truy vấn, phản biện
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của giáo dục hiện đại là phản biện. Dạy tư duy phản biện cho trẻ sẽ giúp con trở nên bản lĩnh, biết nhìn nhận sự việc theo nhiều khía cạnh. Bằng cách đặt nhiều câu hỏi, lật qua lật lại vấn đề để truy vấn, tìm hiểu, bé sẽ biết cách tìm câu trả lời đúng đắn cho mình.
>>> Tìm hiểu thêm: Dạy tư duy phản biện cho trẻ để trở nên bản lĩnh hơn
• Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trước khi bắt đầu một dự án STEAM, bé sẽ được yêu cầu đặt vấn đề. Sau đó, con được hướng dẫn tìm đáp án cho dự án. Thông qua đó, bé sẽ biết cách tiên liệu và dự đoán những kết quả có thể xảy ra cho một vấn đề. Từ đó, bé rèn luyện được kỹ năng giải quyết vấn đề.
• Kỹ năng hợp tác
Phương pháp STEAM đề cao kỹ năng đội nhóm và hợp tác. Con sẽ học cách phối hợp cùng nhau đề giải quyết những dự án, đưa ra đề xuất hoặc thực hiện một sản phẩm khoa học.
2. Tăng khả năng sáng tạo
Thông qua cách “vừa học – vừa chơi” của phương pháp STEAM, bé được khơi gợi khả năng sáng tạo. Con có thể ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Sự sáng tạo thể hiện thông qua nhiều khía cạnh như biết đặt câu hỏi để tìm ra đáp án, biết lắp ráp những sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình, hình dung khái niệm trừu tượng theo cách riêng… Như vậy, con sẽ từng bước phát triển khả năng tư duy.
Bên cạnh đó, môi trường học tập STEAM không nhiều áp lực, không đặt nặng việc trả lời đúng hay sai. Quan trọng ở thái độ và cách thức con giải quyết vấn đề. Trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức và sáng tạo ra những cách học tập của riêng mình. Nói cách khác, môi trường học steam giúp tăng khả năng tư duy, cổ vũ sự tìm tòi, sáng tạo.
>>> Tìm hiểu thêm: Nắm bắt thời kỳ VÀNG cho con phát triển tư duy sáng tạo
3. Tạo cảm hứng học tập
Phương pháp STEAM chú trọng đến việc khơi gợi tiềm năng và cảm hứng học tập của bé. Con không phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức mà được học quan sát, thực hành và trải nghiệm. Điều này mang lại niềm vui thích, kích thích trí tò mò và tăng sự ham học hỏi của bé.
Phương pháp STEAM trong giáo dục mầm non
Để áp dụng phương pháp STEAM hiệu quả, giáo viên là người dẫn đường quan trọng. Việc kết hợp lý thuyết và thực hành STEAM vẫn còn khá khó khăn với một vài giáo viên mầm non. Sau đây là một số cách ứng dụng STEAM trong trường mầm non bạn có thể tham khảo:
1. STEAM trong khi chơi
Thông qua vui chơi, bé sẽ tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh một cách tự nhiên. Bạn có thể áp dụng STEAM cho trẻ 3 tuổi với trò chơi sau:
Chuẩn bị:
Sỏi, đá, lá cây, bông hoa, cát, giấy và một chậu nước nhỏ.
Cách thực hiện:
Cho bé thả lần lượt các đồ vật vào chậu nước. Thông qua đó, bé sẽ quan sát vật nào chìm dưới nước, vật nào nổi trên mặt nước.
Với các bé lớn hơn, bạn có thể cho bé thu thập đồ vật nhỏ ở sân trường hoặc công viên. Sau đó, bạn cho bé phân loại theo hình dáng, sắp xếp và đếm số lượng. Thông qua trò chơi, bé sẽ phát triển khả năng phân biệt hình dạng, Toán học và sắp xếp logic.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 trò chơi tiếng Anh cho trẻ em và cách học ‘dễ như ăn kẹo’
2. STEAM trong giáo dục mầm non bằng dự án
Phương pháp STEAM trong giáo dục mầm non luôn lấy trẻ làm trung tâm trong các dự án ở lớp học. Các bé 4 – 5 tuổi thường có nhu cầu khám phá rất cao. Khi là người thực hiện chính, con sẽ cảm thấy phấn khích, tha hồ được tìm hiểu, khám phá.
Bé được tự lên kế hoạch, tự trải nghiệm và thu nhận thành quả. Khi có vấn đề xảy ra, con cũng là người xử lý chính. Từ đó, bé phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Giáo viên sẽ định hướng, hỗ trợ bé khi cần thiết.
Sau khi kết thúc dự án, bé sẽ tự tin giới thiệu sản phẩm của mình với thầy cô, bạn bè. Điều này giúp xây dựng và bồi đắp sự tự tin cho trẻ.
Ví dụ: Bạn có thể tạo một khu vườn nhỏ ở lớp và hướng dẫn bé chăm sóc hàng ngày. Thông qua đó, con có cơ hội nghiên cứu về thực vật, chọn giống cây trồng, gieo hạt, tưới cây. Con sẽ phải tìm hiểu về thông tin các loài cây, loài nào chịu được nước, loài nào cần ánh nắng… Con biết cách sắp xếp, bố trí khu vườn hợp lý, đẹp mắt.
Trong quá trình chăm sóc, bé sẽ phải chứng kiến và xử lý các vấn đề như: sâu bọ, cây héo, úng nước, cây yếu… Lúc này, bạn có thể gợi ý và hướng dẫn con cách xử lý. Qua đó, bạn chia sẻ với bé về ý thức bảo vệ tầng thực vật và môi trường đang sống.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ ngay từ nhỏ
Hạn chế của phương pháp STEAM cần tránh
1. Phương pháp STEAM không có tiêu chuẩn rõ ràng
Một trong những hạn chế lớn nhất của phương pháp STEAM là không có tiêu chuẩn cụ thể về việc bé cần học những gì. Thêm vào đó, trình độ của giáo viên về từng lĩnh vực cũng không được đưa ra rõ ràng. Điều này đã gây ra sự chênh lệch kiến thức được tiếp thu giữa học sinh các trường.
Mặt khác, việc học theo phương pháp STEAM đa số chỉ áp dụng tại các trường tư thục chất lượng cao, trường quốc tế hoặc các trường ở thành phố. Phương pháp STEAM không được áp dụng đại trà trên cả nước.
2. Chi phí đầu tư rất cao khi nhà trường tổ chức áp dụng phương pháp STEAM
Bên cạnh rào cản về trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất cũng là hạn chế của phương pháp STEAM.
Mô hình giáo dục này cần khoản kinh phí đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc và thiết bị. Không nhiều trường đầu tư xứng đáng và đến nơi đến chốn. Điều này ảnh hưởng đến việc áp dụng STEAM trong giáo dục.
Kết luận
Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhất định nhưng STEAM được xem là phương pháp giáo dục vượt bậc. Với những ưu điểm về phát triển tư duy, sáng tạo, chủ động, phương pháp STEAM phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét