SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Cần giải pháp căn cơ thu hút xã hội hóa lĩnh vực giáo dục

 


- Thứ Bảy, 15/04/2023, 08:12

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội với UBND TP. Hà Nội, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cần báo cáo rõ hơn mức độ đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, cần có giải pháp căn cơ hơn nhằm tạo điều kiện để thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ:
Quy hoạch mạng lưới trường học còn bất cập

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Đoàn giám sát nhận thấy, thành phố Hà Nội đã rà soát, đánh giá thực trạng, xác định quy mô, nhu cầu cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nhiều quận, huyện, thị xã đã đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; bổ sung phòng học và các phòng chức năng để tổ chức tốt việc dạy học 2 buổi/ngày.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu - ảnh: T.Chi

Tuy nhiên, đầu tư cơ sở vật chất vẫn chưa đồng bộ; một số cơ sở giáo dục thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng học tập, trang thiết bị xuống cấp. Một số gói thầu mua sắm trang thiết bị dạy học còn chậm tiến độ. Quy hoạch mạng lưới trường học còn bất cập, phân bố không đều, nhiều khu đô thị được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất. Diện tích khuôn viên một số trường trong nội đô nhỏ, sĩ số lớp đông, diện tích bình quân tối thiểu trên học sinh thấp hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nơi thiếu trường học theo quy định.

Báo cáo của UBND thành phố cần đánh giá cơ sở vật chất các cấp học trên địa bàn cơ bản đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông. Đề nghị làm rõ mức độ đáp ứng cả về số lượng và chất lượng nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình.

UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4969/QĐ-UBND ngày 10.12.2022 phê duyệt danh mục mua sắm thiết bị. Đến nay, việc triển khai thực hiện quyết định này như thế nào? Có khó khăn gì không? Có bảo đảm trang thiết bị theo tiến độ năm học và lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không? Trong Báo cáo và tại Phụ lục 3 đã rà soát, thống kê số liệu về tổng số các khối phòng học, khối phòng hỗ trợ học tập, khối phòng phụ trợ… Đề nghị báo cáo rõ số lượng phòng còn thiếu so với yêu cầu đổi mới Chương trình.

Tại Phụ lục 4 (thiết bị dạy học) thống kê trong 3 năm, có nhiều đơn vị quận/huyện đã đáp ứng 100% trang thiết bị dạy học cả bậc học Tiểu học và THCS, đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo rõ tính xác thực của thông tin trên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng:
Cần quan tâm giải quyết tình trạng chênh lệch giữa các vùng nội thành và ngoại thành

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội đã tập trung đánh giá những ưu điểm, kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà chưa tập trung nêu những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện. Các thành viên Đoàn giám sát mong muốn nhận được các ý kiến từ cơ sở, đặc biệt là từ đội ngũ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu - ảnh: T.Chi

Về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, thành phố đã quan tâm và có kế hoạch cụ thể với các mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Đoàn giám sát đánh giá rất cao các đề án này của thành phố nhằm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế cho thấy, sĩ số học sinh mỗi lớp trên địa bàn còn tương đối cao, nhất là cấp tiểu học trung bình hơn 40 em/lớp. Số trường tiểu học có thư viện đạt mức thấp so với mức trung bình của cả nước. Sân thể dục thể thao còn thiếu nhiều; có 6/30 đơn vị cấp huyện trên địa bàn đạt tỷ lệ đáp ứng yêu cầu về thiết bị nhỏ hơn 5%... Bên cạnh đó, có những trường đạt tỷ lệ rất cao, lên tới 100%; thành phố cần ưu tiên xử lý những vấn đề nổi lên này. Cần quan tâm giải quyết tình trạng chênh lệch giữa các vùng, các quận, huyện của thành phố và cho biết thêm tình hình thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp; việc bảo đảm quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc:
Vì sao Hà Nội chưa thu hút được nhiều nguồn lực tư nhân đầu tư cho giáo dục?

Trong phần đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP. Hà Nội, báo cáo của UBND thành phố cần bổ sung, làm rõ hơn kết quả đạt được từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 đến nay, gồm: số trường, lớp đã triển khai xây dựng kinh phí đầu tư nhằm nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc - ảnh: T.Chi

Tôi cơ bản đồng tình với các kiến nghị, giải pháp của Hà Nội, song thành phố cũng cần nghiên cứu tập trung thực hiện hai nhiệm vụ lớn. Một là, lồng ghép quy hoạch hệ thống trường lớp và quy hoạch thành phố mà hiện nay thành phố đang xây dựng theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Hai là, huy động các nguồn lực xã hội hóa trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Hà Nội là một trong những địa phương rất thuận lợi cho công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp. Tuy nhiên, ở đây Hà Nội cũng nên mạnh dạn làm rõ vì sao trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thu hút được nguồn lực tư nhân vào lĩnh vực này. Đứng từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, đây là lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư và thuộc lĩnh vực xã hội hóa được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật. Vậy tại sao chúng ta lại chưa thu hút được nhiều các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp? Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân chính và cốt lõi mà hầu hết các dự án giáo dục gặp vướng mắc là vấn đề về mặt bằng. Hiện nay, mặc dù ưu đãi cao nhưng nhà đầu tư rất khó có mặt bằng. Các nhà đầu tư hiện nay vẫn phải tự đàm phán mua đất của người dân và sau đó phải xin được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, trên thực tế, để có được mặt bằng thì nhà đầu tư đã phải bỏ ra trước đấy rất nhiều tiền rồi, nên nhiều khi nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với các ưu đãi của Nhà nước đối với lĩnh vực này nữa, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vì theo quy định của pháp luật về đất đai, đối tượng này không được quyền thỏa thuận đất trực tiếp với người dân. Đối với những khu đất ở trong khu đô thị được quy hoạch để phát triển trường, việc các nhà đầu tư tiếp cận các khu đất này cũng rất khó do giá đưa ra rất cao. Đấy là một trong những lý do rất căn bản, tồn tại nhiều năm nay khiến các nguồn lực tư nhân chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, chúng ta nên tổng hợp để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ vướng mắc này trong thời gian tới.

T. Chi ghi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates