SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa: Vì sao phụ huynh phản ứng?

 

Quý Minh 

Chia sẻ   Zalo 

Kinhtedothi-Hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện thể chất, tinh thần. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, nội dung này còn gây nhiều băn khoăn cho phụ huynh.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, chú trọng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh (Ảnh minh họa)
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, chú trọng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh (Ảnh minh họa)

Nhiều căn cứ pháp lý

Chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai nhiều năm qua; được quy định tại nhiều luật, và cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ.

Cụ thể: tại Luật Giáo dục 2019 nêu: Nhà nước khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục... Nếu các lực lượng liên kết có chức năng nhiệm vụ, được quản lý chặt chẽ theo thẩm quyền của các cấp, nội dung đáp ứng yêu cầu đặt ra thì đây chính là lực lượng đồng hành cùng nhà trường, ngành giáo dục, dựa theo nhu cầu học tập của học sinh và đang thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục.

Có nhiều cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa (Ảnh minh họa)
Có nhiều cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có quy định thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và khuyến khích các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Các nhà trường có kế hoạch dạy 2 buổi/ngày sử dụng thời gian ngoài chương trình các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc một cách hợp lí để dạy các môn học tự chọn cho học sinh có nguyện vọng học; bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn những học sinh chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt; tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

Với việc triển khai chính sách xã hội hóa trong giáo dục cùng quy định dạy 2 buổi/ngày, hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa được các nhà trường đẩy mạnh. Trong Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT giải thích rõ: Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa là hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt. Hoạt động này góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho người học; có nội dung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý người học, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Để quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, bên cạnh Thông tư 04/2014-TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT còn ban hành Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học... Chính phủ cũng ra Nghị định số 24/2021/NĐ-CP, trong đó có các điều khoản khẳng định “cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật".

Như vậy, hoạt động xã hội hóa giáo dục, cụ thể là hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, học 2 buổi/ngày đã có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng. Các địa phương, nhà trường cũng bám sát các văn bản trên nhưng thực tế triển khai đã nảy sinh nhiều vấn đề dẫn đến dư luận phản ứng mạnh.Nhập nhèm trong triển khai

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc dạy học 2 buổi/ngày, trong đó có hoạt động ngoài giờ chính khóa nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, chỉ tổ chức khi có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Thế nhưng, thực tế lại trái ngược khi vốn là hoạt động ngoài giờ chính khóa nhưng nhiều trường học cố tình sắp xếp giờ liên kết vào trong giờ chính khóa; học sinh nào không đăng ký thì giờ đó phải đi ra khỏi lớp, không ai quản lý; kèm theo đó là các tờ đơn “đăng ký tự nguyện” theo mẫu sẵn để phụ huynh ký tên. Không ít phụ huynh ấm ức than phiền cho rằng, kiểu đăng ký tự nguyện này là một hình thức ép buộc. Mặt khác, chất lượng các tiết dạy liên kết không được giám sát chặt chẽ dẫn đến việc học sinh tham gia học nhưng không tiến bộ, không phát triển năng khiếu và tư duy.

Nhiều nhà trường cố tình chèn tiết học liên kết vào chương trình chính khóa, điều này là sai quy định (Ảnh: PHCC)
Nhiều nhà trường cố tình chèn tiết học liên kết vào chương trình chính khóa, điều này là sai quy định (Ảnh: PHCC)

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân nêu ý kiến: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, chú trọng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Đây là điều chương trình cũ không có được. Học sinh muốn học thì phải có thầy dạy; trường không đủ nhân sự thì phải đi liên kết. Do đó, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày, cho phép tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa trong trường học là chính sách đúng đắn, ý nghĩa, đặt ra yêu cầu các trường phải liên kết với các đơn vị có đủ năng lực chuyên môn và có đánh giá chất lượng học tập. Vấn đề ở chỗ, việc triển khai các hoạt động dạy liên kết hiện nay còn nhập nhèm, lộn xộn, nhiều sạn, hiệu quả mang lại chưa cao khi các nhà trường quan tâm đến % hoa hồng hơn là chất lượng dạy.

Theo ông Đặng Tự Ân, nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa là phải tự nguyện, theo nhu cầu của học sinh. Việc chèn tiết liên kết vào thời gian chính khóa là không đúng về bản chất học bắt buộc và học tự nguyện. Nhà trường phải có trách nhiệm bố trí nhân viên quản lý với những em không đăng ký học trong khi chờ bố mẹ đón để tránh lộn xộn và nguy cơ mất an toàn. Thêm nữa, kể cả là hoạt động tự nguyện thì nhà trường cũng chỉ nên liên kết với số lượng đơn vị nhất định, tránh tình trạng liên kết vô tội vạ gây rối, gây khó, gây quá tải cho học sinh.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân: nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa là phải tự nguyện, theo nhu cầu của học sinh (Ảnh: NVCC)
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân: Nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa là phải tự nguyện, theo nhu cầu của học sinh (Ảnh: NVCC)

Từng tham gia dạy liên kết với nhiều đơn vị trường học, HLV môn võ Karate Nguyễn Đức Anh khẳng định, chất lượng dạy võ thuật liên kết cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học đang không đảm bảo chất lượng, chỉ là hoạt động quản lý trẻ chứ không phải là dạy và chủ yếu học sinh chỉ tập đi tập lại vài động tác cơ bản, không hoàn thành mục tiêu giáo án.

Đồng ý quan điểm cho rằng nhà trường không kiểm soát được chất lượng của các hoạt động liên kết, trong đó có môn tiếng Anh, Giám đốc điều hành Hệ thống Winki Enghlish Trần Thu Giang cho rằng: “Nhà trường khó có đủ chuyên môn, năng lực để quản lý các chương trình tiếng Anh liên kết; và ngay cả các trung tâm Tiếng Anh hiện nay cũng hiếm có trung tâm có đủ năng lực đào tạo giáo viên. Mặt khác, học sinh học chương trình SGK, khác hoàn toàn với các chương trình liên kết nên hầu như các em không học được gì thêm với các tiết tiếng Anh liên kết tại nhà trường”.

Nhiều chuyên gia bày tỏ, nếu hoạt động liên kết tổ chức chuẩn, đúng quy định, chắc chắn được nhiều phụ huynh ủng hộ với điều kiện đồng tiền bỏ ra phải mang lại giá trị, đó là sự tiến bộ và nhân cách của học sinh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates