Hiến kế cho chiến lược phát triển giáo dục của TPHCM
Sáng 30-12, hơn 200 cán bộ quản lý, nhà giáo tham gia Hội thảo “Góp ý cho chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Tham dự hội thảo có PGS.TS Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Xác định mục tiêu dựa trên đặc thù về nguồn lực
Mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trải qua nhiều thời kỳ, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm phát triển giáo dục. Từ nhiều năm qua, thành phố là nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến, mô hình sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Với chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, thành phố cần xác định tầm nhìn, quan điểm xuyên suốt để từ đó có những biện pháp, kế hoạch, chương trình hiện thực hoá tầm nhìn đó, góp phần giữ vững vai trò là đầu tàu cả nước không chỉ về kinh tế mà còn giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, có vị trí và vai trò ở khu vực và quốc tế.
Đồng chí Dương Anh Đức cho rằng, cần xác định rõ học sinh, sinh viên TPHCM có những đặc tính, ưu thế gì trên thị trường lao động.
Trước đó, dự thảo chiến lược phát triển đã qua 2 lần lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tại hội thảo góp ý lần này, ngành giáo dục muốn lắng nghe thêm các ý kiến đóng góp trên tinh thần phản biện, thẳng thắn chia sẻ quan điểm để tìm sự đồng thuận từ nhiều nguồn lực, qua đó định hướng xuyên suốt chiến lược phát triển giáo dục từ mầm non đến phổ thông, đại học.
TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, hiện nay TPHCM có hơn 4.000 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp với hơn 1,7 triệu người học cùng hơn 500.000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp, giáo dục nghề nghiệp.
Nhiều năm qua, thành phố thực hiện chủ trương tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, huy động 100% trẻ em trong độ tuổi ra lớp, giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục trung học theo định hướng của thành phố.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo không ngừng nâng cao, đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn và trên chuẩn, tuy nhiên hiện nay còn thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện. Ngoài ra, một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học dẫn đến việc chưa theo kịp yêu cầu đổi mới trong giáo dục và hội nhập quốc tế.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đặt ra các mục tiêu thực hiện rất rõ ràng nhưng cần cụ thể hơn.
“Chúng ta luôn nói giáo dục phát triển trong bối cảnh 4.0 nhưng cụ thể có những yêu cầu gì, cần thực hiện những thay đổi gì để đáp ứng bối cảnh đó thì chưa được xác định rõ. Tôi cho rằng đó là những nội dung phụ huynh và học sinh cần biết chứ không phải những chủ trương chung chung, chỉ đạo của thông tư, nghị quyết”, TS Huỳnh Công Minh đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhận định, đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã và đang đổi mới rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Vì vậy, việc định hình chân dung học sinh trong giai đoạn mới rất cần thiết, trong đó cụ thể những tố chất, năng lực và phẩm chất gì đáp ứng sự phát triển của xã hội.
TS Huỳnh Công Minh cũng nêu ý kiến, xã hội hóa giáo dục chưa có chỗ đứng phù hợp trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục này. Trên thực tế, cần xem xã hội hóa giáo dục là giải pháp đột phá đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Ở góc độ khác, nhà giáo Trương Song Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, song song với các chính sách phát triển giáo dục phổ thông, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xác định cụ thể tỷ lệ bao nhiêu người học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Riêng với bậc mầm non, nhà giáo Trương Song Đức nhìn nhận, đây là bậc học có tính đặc thù, cần ưu tiên phát triển hệ thống trường công lập vì tỷ lệ người nghèo, công nhân lao động trong xã hội còn rất lớn. Hiện nay, mỗi phường, xã được xác định có ít nhất một trường mầm non công lập chưa thể giải quyết hết nhu cầu gửi con của người dân.
Cũng tại hội thảo, nhiều cán bộ quản lý cho rằng, các chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn tới cần có sự tính toán riêng đối với từng khu vực đặc thù như quận ở trung tâm thành phố, hạn chế về quỹ đất hoặc các quận vùng ven, tập trung đông dân nhập cư nhưng khó khăn về điều kiện xã hội hóa.
Cần tính toán dài hơi về nguồn lực
Lắng nghe các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đồng ý với quan điểm cần xác định rõ hình ảnh, các yêu cầu về kỹ năng, phẩm chất của con người trong tương lai khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. Dựa trên chiến lược phát triển chung của cả nước, TPHCM cần có thêm định hướng riêng, xác định rõ mục tiêu thực hiện, tránh vừa thiếu vừa thừa khi triển khai trong thực tế.
Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị thành phố đặt quyết tâm kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, phấn đấu thực hiện 30-35 học sinh/lớp để phát huy hiệu quả năng lực, phẩm chất người học cùng các phương pháp dạy học theo cá thể, dạy học tích cực.
“Tất cả nhiệm vụ, giải pháp đều cần cụ thể, có lộ trình thực hiện, tính toán về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Đơn cử, muốn giảm sĩ số học sinh/lớp thì cần xác định rõ cần thêm bao nhiêu phòng học, bao nhiêu giáo viên trong giai đoạn tới, từ đó có các kế hoạch đào tạo, bổ sung phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ.
Hiện nay, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đánh giá cao sự chủ động này, song cần thêm nhiều giải pháp, tính toán cụ thể để hiện thực chiến lược phát triển.
Ở góc độ thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, tổ soạn thảo dự thảo chiến lược phát triển sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, nhà giáo.
“Thành phố luôn đảm bảo mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu. Do đó, chiến lược phát triển giáo dục cần hài hoà, toàn diện từ bậc mầm non đến phổ thông, đại học và sau đại học, tạo ra hệ thống phát triển toàn diện”, đồng chí Dương Anh Đức khẳng định.
Phó chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo chiến lược, đồng thời có lộ trình trình UBND TPHCM phê duyệt, phù hợp lộ trình chiến lược phát triển giáo dục chung của quốc gia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét