SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Vận dụng các phương pháp học piano cho trẻ 12-15 tuổi.

 

VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PIANO THEO PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH 12 ĐẾN 15 TUỔI TẠI TRUNG TÂM NGHỆ THUẬT P.O.D

 05 Tháng Tư 2023

Nguyễn Thuý Hằng
Học viên K15 – LL & PPDH Âm nhạc


Học piano là hình thức giải trí lành mạnh, giúp cho các em học sinh có khoảng thời gian vui vẻ sau những giờ học văn hoá căng thẳng, bồi dưỡng tâm hồn, phát triển, hoàn thiện tư duy và giúp các em có một tâm hồn phong phú hơn, cảm nhận cuộc sống theo hướng tích cực hơn;  piano còn giúp các em tự tin thể hiện bản thân, có khả năng cao hơn về các kỹ năng và sự tự tin trong học tập. Ngoài ra, học đàn piano mang đến cho các em những trải nghiệm, sự hứng thú sau khi hoàn thành một đoạn nhạc hay một tác phẩm.
 Các lớp học Piano ở Trung tâm Nghệ thuật P.O.D hiện nay thường được phân chia theo độ tuổi, khả năng nhận thức, năng khiếu hoạc theo sở thích của từng cá nhân. Các em học sinh đến trung tâm học đàn vì sự yêu thích với nghệ thuật và âm nhạc. Các giáo viên đều có năng lực về chuyên môn dạy đàn đáp ứng được yêu cầu của Trung tâm và của học viên, song nhóm học viên ở độ tuổi Trung học cơ sở (từ 12 đến 15 tuổi) đang trong giai đoạn thay đổi về tâm, sinh lý, có nhiều sự thay đổi về nhận thức vì vậy các em cần một phương pháp dạy và học linh hoạt hơn để khơi gợi cảm hứng và niềm đam mê với âm nhạc. Không chỉ coi Piano như một môn học mà còn có thể coi Piano như một người bạn, dành nhiều thời gian luyện tập và thể hiện cảm xúc qua các bài nhạc giúp các em hạn chế sử dụng mạng xã hội và chơi game.
Ngày nay dạy học phát triển năng lực hay dạy học theo định hướng phát triển năng lực không còn là một khái niệm xa lạ đối với hầu hết giáo viên. Các phương pháp, cách thức trong dạy học phát triển năng lực bao gồm:

Lấy học sinh làm trung tâm

Trong dạy học truyền thống, cách thức dạy học lâu đời của giáo dục, lấy GV làm trung tâm. Ở phương pháp này, người dạy là chuyên gia, giáo viên, cố vấn hoạc huấn luyện viên. Người dạy sẽ chọn chủ đề, dẫn dắt quá trình dạy học, cung cấp các thông tin, ra bài tập, kiểm tra, sửa chữa, đánh giá theo nội dung học. HS nghe GV hướng dẫn, tiếp thu kiến thức thụ động. 
Trong dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phương pháp đổi mới này chủ yếu tập trung vào người học. HS tự sắp xếp, lên kế hoạch để tiếp thu các kỹ năng và kiến ​​thức thông qua các hoạt động. GV sẽ chỉ trợ giúp khi cần thiết. Ở phương pháp này, HS sẽ chủ động đưa ra câu hỏi trước lớp, câu hỏi dành cho giáo viên. Từ yêu cầu về nội dung của GV, HS sẽ lựa chọn chủ đề theo nhóm hoạc cá nhân. HS tự đánh giá, trao đổi lẫn nhau. HS cũng không cần phải ngồi một chỗ thụ động nghe giảng tuy nhiên hiệu quả bài học vẫn cao, nội dung kiến thức được tiếp thu sâu rộng hơn, học sinh hiểu vấn đề và nhớ bài lâu hơn. 
Với phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, HS là người chủ động sắp xếp việc học đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm về phương pháp và kết quả học tập. Trong phương pháp dạy học truyền thống, trách nhiệm của GV là quan trọng, trong khi dạy học lấy học sinh làm trung tâm thì tin vào khả năng tự tổ chức của HS. Khả năng này được rèn luyện và phát huy trong quá trình học tập và tích lũy kinh nghiệm. Phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm giúp HS học và làm việc chủ động, tự giác, độc lập. Đây là kỹ năng quan trọng giúp ích cho các em rất nhiều trong sự nghiệp sau này. Đối với các em học sinh lứa tuổi 12 – 15 thì hiệu quả của phương pháp này rất cao do cá tính về lứa tuổi và yếu tố khẳng định bản thân ở độ tuổi này đang phát huy mạnh mẽ. 
Việc dạy học lấy HS làm trung tâm tuy lấy HS làm trung tâm nhưng vị trí của GV vẫn rất quan trọng. GV sẽ sử dụng kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân để định hướng HS có phương hướng và mục tiêu rõ ràng trong việc sắp xếp, tổ chức bài học, từ đó giúp việc tiếp thu kiến thức và tố chức học đạt hiệu quả cao hơn về chiều sâu, giúp đỡ và chỉnh sửa cho các em khi cần, hướng dẫn các em đàn sao cho hay, sắc thái biểu diễn sao cho tốt. 
Thông qua hoạt động học, cách thức tổ chức của HS, giáo viên sẽ đánh giá và hướng dẫn để có hiệu quả học tập cao nhất. GV gợi mở để tác động đến tư duy và sự sáng tạo của HS. HS sẽ tự trao đổi, bàn luận để tìm ra cách thức giải quyết vấn đề.
Tập trung vào phương pháp tự học: khi thực hiện phương pháp dạy học tích cực, các giáo viên cần phải để HS hoàn toàn chủ động, không áp dụng phương pháp truyền thống vào nữa...GV sẽ để HS tự học, tự suy nghĩ, tự tìm tòi ra phương pháp học tập tốt nhất và phù hợp với bản thân nhất. Học sinh sẽ tự đọc bản nhạc, tự xướng âm và tự vỗ tay theo tiết tấu sau đó giáo viên sẽ nghe và chỉnh sửa. 
Khuyến khích phương pháp học nhóm, tập thể: khi được phân công hoạt động theo nhóm, khả năng tổ chức, sắp xếp của HV sẽ được phát huy tối đa. HS sẽ có trách nhiệm với các nhiệm vụ được phân chia. Chính vì vậy, việc phân chia nhóm ngay từ ban đầu của GV là việc rất quan trọng.
Tổng hợp lại các kiến thức đã học: Sau mỗi buổi học, GV và HS sẽ cùng tổng hợp lại tất cả các kiến thức và tìm ra các vấn đề còn chưa đc giải quyết thoả đáng để tìm ra cách thức giải quyết sau cùng.

Những phương pháp dạy học tích cực có thể kế đến như:

Phương pháp dạy nhóm: Đây là phương pháp dạy học tích cực được đánh giá cao hiện nay. Với phương pháp này, các giáo viên có thể giúp các em phát huy tích cực khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, giao tiếp của bản thân. Giúp các em hào hứng hơn và ghi nhớ tốt hơn khi được học cùng các bạn.
Kỹ thuật phân chia nhóm: giáo viên phân chia nhóm dựa theo các tiêu chí khác nhau, có thể chia theo năng lực, theo thứ tự điểm danh hoạc theo sở thích chung của HS để ghép nhóm với nhau. Ở Trung tâm Nghệ thuật P.O.D, các bạn học sinh cũng được chi theo các tiêu chí như trên, có nhóm HS thích học nhạc nhẹ, có nhóm thích học cổ điển, có nhóm học từ 4-6 năm, có nhóm mới học,…
Phương pháp nghiên cứu các trường hợp điển hình: Đây là một phương pháp hiệu quả giúp các em dễ hình dung, dễ ghi nhớ và hiểu vấn đề. Phương pháp này được nhiều các GV sử dụng trong giảng dạy. GV sẽ sử dụng những câu chuyện có thật trong lịch sử, trong hiện tại, ở xung quanh hoạc các câu truyện hư cấu để học sinh dễ tưởng tượng, hình dung và hiểu vấn đề. Thông thường khi bắt đầu một tác phẩm, GV ở Trung tâm Nghệ thuật P.O.D sẽ cho HS tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, lịch sử ra đời của bản nhạc, các em sẽ tự tìm hiểu ở nhà, đến lớp trình bày cho các bạn nghe, GV sẽ cung cấp thêm tự liệu và cho nghe tác phẩm mẫu được biểu diễn từ các nghệ sĩ nổi tiếng.
Phương pháp giải quyết vấn đề: ở phương pháp này các GV sẽ đưa ra các câu hỏi gợi mở, từ đó các em sẽ suy nghĩ, tư duy, bàn luận và đưa ra các cách giải quyết vấn đề. Phương pháp này thường được áp dụng khi các em bắt đầu học tác phẩm mới, GV sẽ đặt câu hỏi để HS tự tìm hiểu các điểm đặc biệt trong tác phẩm, cá ký hiệu âm nhạc, giọng,…
Phương pháp trò chơi: Ở phương pháp này, GV sẽ đưa ra các trò chơi phù hợp với nội dung bài học, từ đó giúp các em HS “Học mà chơi, chơi mà học”, giúp HS hiểu về vấn đề nào đó thông qua hoạt động chơi trò chơi phù hợp. Ở Trung tâm Nghệ thuật P.O.D, GV thường cho HS học lý thuyết âm nhạc thông qua trò chơi “Cá ngựa”. GV có một bàn gồm các bước đi như trong trò chơi cá ngựa nhưng các ô sẽ là các ký hiệu âm nhạc. Các em sẽ tung xúc xắc lần lượt, mỗi lần bước đến ô nào là sẽ phải trả câu hỏi đó, trả lời đúng mới được đi tiếp.
Phương pháp dạy học theo góc: Ở phương pháp này, HS sẽ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau cùng một lúc. Các hoạt động có thể sử dụng như: tập đọc xướng âm, tập đàn, chơi trò chơi,…
Ở Trung tâm Nghệ thuật P.O.D, trong các buổi học, GV sẽ giao bài cho học sinh, có thể là một bài Etude, một bản sonata hoạc một bản nhạc nhẹ, các em sẽ tự đọc nốt, xướng âm và thị tấu trên đàn sau đó sẽ tập trung theo nhóm để cùng đọc xướng âm và tự đàn cho nhau nghe. Việc học như vậy sẽ giúp cho các em hứng thú hơn ở bước đầu tiên khi bắt đầu một tác phẩm mới. Tự kiểm tra chéo nhau, cùng đọc xướng âm cũng sẽ giúp các em tự học hỏi lẫn nhau, tự sửa những lỗi sai của mình và ghi nhớ bản nhạc tốt hơn. Trong quá trình các em làm việc nhóm, GV cũng sẽ đồng hành và hỗ trợ khi các em cần. 
Ví dụ về phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm ở Trung tâm Nghệ thuật P.O.D
Khi GV yêu cầu nhóm học sinh lứa tuổi 12 – 15 tuổi thị tấu bản nhạc “Proud of you – Fiona Fung”, các em sẽ thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Giáo viên giao bài, các em sẽ đọc một lượt bản nhạc, tìm những điểm cần lưu ý như bản nhạc được viết ở nhịp bao nhiêu, giọng nào, có xuất hiện những dấu hoá bất thường trong bài hay không,… 
Bước 2: Học sinh về đàn, gạch phách mạnh nhẹ vào bản nhạc, tập đọc xướng âm giai điệu ở từng tay, đọc tốt giai điệu ở tay phải sẽ chuyển sang đọc nốt của tay trái.
Bước 3: Đọc xướng âm theo nhóm. Các em sẽ tập trung lại, cùng vỗ tay đệm nhịp và đọc xướng âm. Trong quá trình đọc GV cũng tham gia cùng, khuyến khích các em tự phát hiện lỗi sai và hỗ trợ khi cần.
Bước 4. Thị tấu từng tay trên đàn Piano, các em sẽ tập lần lượt tay phải và tay trái cho đến khi thuộc mới ghép hai tay. Giáo viên cũng sẽ hướng dẫn các em chia nhỏ từng câu nhạc để việc luyện tập hiệu quả hơn.
Bước 5: Sau khi các em đã hoàn thành tốt phần luyện tập được giao thì sẽ tập trung học theo nhóm, từng bạn sẽ đàn và những bạn khác sẽ nghe, sửa lỗi sai cho mình và đóng góp ý kiến cho bạn. 
Bước 6: Sau khi hoàn thành bài học trên lớp, GV sẽ tổng hợp lại những điểm cần lưu ý và giao bài mới (đoạn nhạc tiếp theo) cho các em. HS sẽ về tự luyện tập theo các bước như trên lớp và buổi học tiếp theo sẽ thực hành biểu diễn, kiểm tra.

KẾT LUẬN
Tìm hiểu và vận dụng các phương pháp dạy học Piano theo phát triển năng lực vào quá trình dạy học là một nhiệm vụ quan trọng, giúp GV lựa chọn phương pháp phù hợp và áp dụng linh hoạt nhằm đạt được hiệu quả tối ưu trong dạy học piano cho học sinh 12 đến 15 tuổi tại Trung tâm Nghệ thuật P.O.D đồng thời, giúp phát huy tính tích cực, chủ động của HS và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) - Đỗ Hương Trà (2018), Dạy và học tích cực - một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, in lần thứ ba, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
2. Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 
3. Phan Trọng Ngọ (2005), Bài tập và nghiên cứu để dạy học đàn Piano, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 
4. Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Hoành Thông (2000), Âm nhạc và phương pháp dạy học, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates