Xác định được tầm quan trọng của công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục đối với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo dựng môi trường giáo dục từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học hiện nay, những năm qua, ngành giáo dục và các địa phương trên địa bàn Hà Nam đã tích cực tăng cường các biện pháp, vận động các bậc cha mẹ học sinh và sự tham gia của toàn xã hội cho công tác này.
Trong nhiều năm, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trường học trên địa bàn tỉnh lên tới hàng nghìn tỉ đồng, trong đó có một tỉ lệ không nhỏ kinh phí huy động được từ nguồn XHH giáo dục. Điều dễ nhận thấy, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư từ phía Nhà nước, việc đầu tư cho giáo dục sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Công tác XHH giáo dục đã thể hiện rõ sự quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực trong xã hội đối với sự nghiệp giáo dục.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, để học sinh tới trường học tập an toàn, Trường Tiểu học Phù Vân (TP Phủ Lý) đã phối hợp với hội cha mẹ học sinh triển khai thực hiện mua sắm, lắp đặt máy đo thân nhiệt và khử khuẩn tự động tại 100% các lớp học.
Cô giáo Lê Thị Mỹ Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là ý tưởng và đề xuất của cha mẹ học sinh với mong muốn góp phần kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học, bảo đảm an toàn cho các con trong quá trình học tập tại trường. Không chỉ ủng hộ, hỗ trợ về kinh phí mua sắm thiết bị, phụ huynh còn trực tiếp lắp đặt, hướng dẫn sử dụng cho giáo viên và học sinh các lớp. Rất nhanh chóng, các lớp đã có được hệ thống thiết bị này. Nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh, việc mua sắm, lắp đặt các máy đo thân nhiệt, khử khuẩn tự động của nhà trường sẽ không dễ thực hiện.
Cũng trong năm học 2021 - 2022, Trường THCS Trần Phú (TP Phủ Lý) đã nhận được sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh và các nhà tài trợ, được nhận phòng học thông minh với đầy đủ máy vi tính, bảng tương tác công nghệ, hệ thống âm thanh, tích hợp các phần mềm bài giảng điện tử… giúp cho giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau một cách dễ dàng và đạt hiệu quả.
Thầy giáo Đặng Xuân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của nhà trường còn nhiều khó khăn, việc mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học bị phụ thuộc nhiều bởi cơ chế mua sắm tập trung, sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân dành cho nhà trường thực sự có ý nghĩa và giá trị thực tế. Khi được tiếp nhận những phòng học thông minh với nhiều thiết bị hiện đại không chỉ là niềm vui, phấn khởi của thầy và trò nhà trường mà còn là điều kiện để thầy và trò có cơ hội tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Sau khi nhận tài trợ của một số doanh nghiệp tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường phổ thông năm học 2021- 2022, 100% các lớp học của Trường THTP A Kim Bảng đã được lắp đặt tivi phục vụ hoạt động dạy và học. Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, gói hỗ trợ này dành cho nhà trường rất kịp thời và thiết thực. Bởi trong quá trình dạy học hiện nay, đòi hỏi phải có thiết bị hỗ trợ để giáo viên khai thác, sử dụng các bài dạy trình chiếu, giúp nâng cao hiệu quả dạy học. Các thiết bị được hỗ trợ càng có giá trị hơn trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, giáo viên phải dạy học kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp, phải tổ chức các hoạt động giáo dục trực tuyến, các thí nghiệm ảo…
Bên cạnh đó, nằm trong chuỗi đầu tư xây dựng nông thôn mới của các địa phương, hệ thống trường học các cấp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại, nhiều trường có quy mô trường chuẩn quốc gia.
Theo đó, các nhà trường hiện cơ bản có đầy đủ phòng học, phòng chức năng cùng hệ thống các trang thiết bị từng bước đồng bộ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới giáo dục từ việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở cấp học mầm non cho tới công tác giảng dạy của các trường phổ thông. Nhiều năm qua, chất lượng giáo dục của các nhà trường, cấp học luôn được đánh giá tốt, đạt nhiều kết quả khả quan.
Có được kết quả này, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, các địa phương, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục còn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ phía người dân và một số nhà hảo tâm trong việc hỗ trợ kinh phí giúp nhà trường từng bước hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất. Hệ thống đồ dùng, đồ chơi trong lớp, ngoài trời, bàn ghế cho học sinh, thiết bị dạy học ở nhiều đơn vị được đầu tư mua sắm, bổ sung từ nguồn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ở không ít trường, các công trình sân chơi, vườn hoa, thư viện xanh, các công trình phụ trợ khác được chính các thầy, cô giáo, cha mẹ học sinh và các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng.
Trong điều kiện nguồn đầu tư cho thực hiện các chương trình mục tiêu giáo dục đã hạn chế hơn những năm học trước rất nhiều, các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để có được những nguồn kinh phí phục vụ cho đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng trường lớp. Trước thực tế đó, những nguồn hỗ trợ từ XHH giáo dục có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển giáo dục nói chung, của từng cơ sở giáo dục nói riêng. Vì vậy, các nhà trường phải thực sự linh hoạt những biện pháp vận động XHH một cách phù hợp, sử dụng kinh phí XHH công khai, minh bạch, thực sự tạo được lòng tin cho xã hội thì mới huy động tốt các nguồn XHH cho giáo dục.
Tầm quan trọng của công tác XHH giáo dục còn được thể hiện rõ nét với sự đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực xây dựng trường học tư thục, góp phần giảm tải cho các trường công lập và tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục trên địa bàn. Việc đầu tư theo hướng XHH giáo dục này chính là hiện thực hóa chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục của tỉnh, tạo thêm điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét