TTO - Tại hội nghị bàn về giáo dục môn nghệ thuật trong trường phổ thông tổ chức ngày 21-8, bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận trong các nhiệm vụ 'dạy chữ', 'dạy người' và 'dạy nghề', ngành giáo dục mới chỉ làm tốt việc 'dạy chữ'.
Tiết học âm nhạc tại một trường tiểu học - Ảnh: V.H.
Theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới, môn nghệ thuật sẽ xuất hiện từ bậc tiểu học đến THPT. Bên cạnh việc cải tiến chương trình đào tạo sư phạm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đã có kế hoạch cho việc bồi dưỡng đối với giáo viên âm nhạc, mỹ thuật.
Tuy nhiên, tư duy quản lý ở các trường cũng phải thay đổi để chuyển môn nghệ thuật từ "vị thế môn phụ" sang nhóm các môn học quan trọng, tác động tích cực đến việc "dạy người".
Vị thế… môn phụ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã "bắt bệnh" về sự lệch chuẩn ở các nhà trường phổ thông: các nhà trường chỉ đang chú trọng dạy các môn văn hóa, tập trung đầu tư cho các cuộc thi toán, tin, robocon… trong khi những môn học góp phần rất lớn vào hình thành nhân cách, bồi đắp tâm hồn, tình cảm cho học sinh lại chưa được đầu tư đúng mức hoặc cũng chỉ "làm cho có".
"Khi trực tiếp đến các trường, tôi biết có nhiều trường giáo viên mỹ thuật, âm nhạc phải kiêm nhiệm nhiều việc phụ khác, có nơi "giao khoán" cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên dạy môn nghệ thuật bị coi như môn phụ. Trong khi trên thực tế, đó là những môn học có thể giúp cho học sinh khơi dậy sáng tạo, khát vọng, nâng thẩm mỹ cho học sinh, góp phần hình thành các năng lực cho học sinh" - ông Nhạ chia sẻ.
"Vị thế môn phụ" của các môn nghệ thuật ở trường phổ thông hiện nay cũng thể hiện trong đánh giá thực trạng của Bộ GD-ĐT. Theo đó, trình độ đào tạo giáo viên cho các môn này hiện không đồng đều, nhiều giáo viên không được đào tạo chuyên ngành.
Giáo viên được đào tạo giáo dục tiểu học thì dù được đào tạo để dạy học tất cả các môn học nhưng không có năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật; thời lượng đào tạo ít ỏi nên giáo viên dạy kiêm nhiệm các môn nghệ thuật gặp khó khăn. Việc dạy học của những giáo viên này chỉ làm cho có chứ không đủ sức khơi dậy cảm xúc nghệ thuật cho học sinh.
Thêm vào đó, giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật hiện nay rất ít được bồi dưỡng tập huấn. Tài liệu dạy học hoàn toàn lệ thuộc vào sách giáo khoa. Theo Bộ GD-ĐT, hiện các trường tiểu học và THCS công lập hầu như không có phòng học bộ môn dành riêng cho học âm nhạc, mỹ thuật. Thiết bị dạy học thì đầu tư không phù hợp, lãng phí, mua về "đắp chiếu" do không ai biết sử dụng.
Bắt đầu thay đổi từ trường sư phạm
Đánh giá chung của Bộ GD-ĐT là các trường sư phạm dạy môn nghệ thuật vẫn chỉ dạy những gì mình có, chưa dạy theo nhu cầu và đáp ứng yêu cầu của trường phổ thông, chưa chủ động đề xuất đổi mới chương trình để tiệm cận với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường cần thay đổi từ việc tuyển sinh đến việc xác định chuẩn đầu ra. Trong đề án tuyển sinh chú trọng yếu tố năng khiếu, sự đam mê, yêu thích với chuyên ngành này vì "thí sinh có điểm cao môn văn hóa nhưng không có năng khiếu, đam mê với nghệ thuật thì sẽ khó thành giáo viên dạy nghệ thuật tốt, sẽ chán học, chán nghề" - ông Nhạ phân tích. Về chương trình, ông Nhạ đề nghị giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành.
Trao đổi về điều này, bà Nguyễn Thị May - phó khoa phụ trách sư phạm mỹ thuật Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương - cũng nhận xét việc đào tạo sư phạm nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng hiện nay trên cả nước đều phổ biến tình trạng "giàu tri thức - nghèo kỹ năng". Chính vì thế, sinh viên ra trường không đủ năng lực thực hiện các hoạt động dạy học cơ bản.
"Đào tạo giáo viên là khâu then chốt trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở môn nghệ thuật" - bà May nhấn mạnh. Bà May còn cho biết hiện giáo viên nghệ thuật hạn chế trong hiểu biết về khoa học giáo dục dẫn đến các sai lầm trong dạy học.
"Yếu thực hành" và "yếu lý luận dạy học" cũng là hai "lỗ hổng" lớn của đội ngũ giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc hiện nay. Khoảng trống bù đắp để có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vì thế không chỉ ở số lượng hàng ngàn giáo viên để phủ kín các nhà trường phổ thông.
Bắt đầu từ đâu?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết giải pháp nào thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, bộ phải làm trước như đề xuất cơ chế, chính sách đối với giáo viên nghệ thuật, đề xuất định mức kinh phí đào tạo giáo viên nghệ thuật…
Các trường phổ thông hạn chế yêu cầu giáo viên môn nghệ thuật kiêm nhiệm nhiều việc khác để dành thời gian đầu tư đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục nghệ thuật cho học sinh.
Bộ giao Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương là đầu mối rà soát chương trình đào tạo sư phạm nghệ thuật, bám sát chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất.
Tiểu học thiếu gần 5.000 giáo viên mỹ thuật, âm nhạc
Theo yêu cầu tối thiểu, nếu mỗi trường cần 1 giáo viên dạy mỹ thuật và 1 giáo viên dạy âm nhạc, riêng bậc tiểu học thiếu gần 5.000 giáo viên. Trên thực tế, nếu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phải bổ sung nhiều giáo viên để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Giáo viên bậc THCS về tổng thể cơ bản đủ, nhưng vẫn có tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các địa phương. Đặc biệt, nếu định mức mỗi trường có 1 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên mỹ thuật, với quy mô 19 lớp/trường, lao động của giáo viên sẽ quá tải, phải dạy tăng giờ. Ngược lại, trường có quy mô dưới 19 lớp/trường, giáo viên lại rơi vào tình thế "không đủ định mức giờ dạy" và bị giao thêm nhiều việc phụ để đảm bảo định mức.
Do bậc THPT hiện hành không có môn nghệ thuật nên sẽ thiếu toàn bộ giáo viên nghệ thuật của bậc học này. Ở một số địa phương, trong bối cảnh phải tinh giản 10% biên chế giáo dục, nhiều giáo viên môn nghệ thuật cũng rơi vào "vòng nguy hiểm" vì các trường quan niệm chỉ cần đủ giáo viên dạy các môn văn hóa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét