SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

 


GIÁO DỤC THẨM MỸ TRONG TRƯỜNG MẦM NON BẰNG NGHỆ THUẬT ÂM NHẠC


Có thể khẳng định rằng, giáo dục âm nhạc đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong trường, lớp mầm non. Bởi tất cả trẻ mầm non đều yêu thích âm nhạc chúng muốn được hòa mình vào những bài hát nhí nhảnh hồn nhiên, với những điệu múa mềm mại, với những trò chơi âm nhạc ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các hoạt động âm nhạc đó đã giúp những tâm hồn thơ ấu, trong sáng ấy phát triển một cách toàn diện các mặt nhân cách.

 

Tóm tắt: Giáo dục âm nhạc là một hoạt động nghệ thuật gần gũi với trẻ được trẻ yêu thích và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để trẻ cảm thụ được cái hay cái đẹp của nghệ thuật. Âm nhạc được coi là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để đưa vào ý thức của trẻ mối quan hệ thẩm mỹ với nghệ thuật một cách sâu sắc. Sự hình thành mối quan hệ giữa trẻ với âm nhạc nhằm phát triển ở trẻ khả năng lĩnh hội, cảm thụ, hiểu cái đẹp, phân biệt được cái hay, cái dở, biết hoạt động độc lập và sáng tạo khi tiếp xúc với các dạng hoạt động âm nhạc khác nhau. Có thể khẳng định rằng, giáo dục âm nhạc đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong trường, lớp mầm non. Bởi tất cả trẻ mầm non đều yêu thích âm nhạc chúng muốn được hòa mình vào những bài hát nhí nhảnh hồn nhiên, với những điệu múa mềm mại, với những trò chơi âm nhạc ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các hoạt động âm nhạc đó đã  giúp những tâm hồn thơ ấu, trong sáng ấy phát triển một cách toàn diện các mặt nhân cách.

 
ĐẶT VẤN ĐỀ

Giáo dục toàn diện là mục tiêu đặt ra và được khẳng định tại Nghị quyết Hội nghị TW8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong giáo dục toàn diện, nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ (GDTM) được coi trọng bình đẳng với các nhiệm vụ giáo dục trí tuệ, đạo đức, thể chất, kỹ năng lao động… Điều nàyđược khẳng định rõ ở mục tiêu cụ thể của Nghị Quyết 29 – BCHTW khoá XI: “Đối với giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách”.

GDTM trong trường mầm non góp phần hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ cho mỗi cá nhân, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, lý tưởng sống lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với quan điểm, chuẩn mực xã hội hiện đại. Năng lực thẩm mỹ của cá nhân cũng góp phần tạo nên môi trường sống, bối cảnh xã hội mang yếu tố văn hóa. Trong một xã hội văn minh, khoa học, kỹ thuật phát triển thì các giá trị văn hóa, nhân văn luôn là đối trọng, là thành tố làm cân bằng xã hội. Sự phát triển của một nền văn minh sẽ không thật bền vững nếu không đồng hành cùng các yếu tố văn hóa, nhân văn, mà các yếu tố này lại được hình thành trên cơ sở các năng lực thẩm mỹ của từng cá nhân. Vậy, “muốn cho con người, trong đó có trẻ em, tiếp nhận và cảm thụ được đầy đủ cái đẹp, biến nó thành giá trị thẩm mỹ, năng lực thẩm mỹ thực sự cho mình, nhất là cái đẹp trong nghệ thuật (thường rất sâu sắc) thì rất cần sự hỗ trợ của người lớn, của môi trường giáo dục, các thiết chế văn hóa – nghệ thuật, đặc biệt là các nhà giáo dục và coi đây là một hoạt động mang tính sư phạm có ý thức mà người ta thường gọi là giáo dục thẩm mỹ”.[1]

NỘI DUNG

  • Nội dung giáo dục thẩm mĩ trong trường mầm non bằng âm nhạc

Trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục âm nhạc (GDÂN) là một hoạt động nghệ thuật gần gũi với trẻ được trẻ yêu thích và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để trẻ cảm thụ được cái hay cái đẹp của nghệ thuật. Âm nhạc được coi là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để đưa vào ý thức của trẻ mối quan hệ thẩm mỹ với với nghệ thuật một cách sâu sắc. Sự hình thành mối quan hệ giữa trẻ với âm nhạc nhằm phát triển ở trẻ khả năng lĩnh hội, cảm thụ, hiểu cái đẹp, phân biệt được cái hay, cái dở, biết hoạt động độc lập và sáng tạo khi tiếp xúc với các dạng hoạt động âm nhạc khác nhau. GDÂN đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong trường, lớp mầm non bởi tất cả trẻ mầm non đều yêu thích âm nhạc, chúng muốn được hòa mình vào những bài hát nhí nhảnh, hồn nhiên, hòa mình với những điệu múa mềm mại, hòa mình với những trò chơi âm nhạc ngộ nghĩnh đáng yêu và các hoạt động âm nhạc đã giúp cho chúng thỏa mãn được nhu cầu ấy, giúp những tâm hồn thơ ấu, trong sáng ấy phát triển một cách toàn diện các mặt nhân cách. Ở trường mầm non, cô giáo không chỉ là người mẹ hiền thứ hai mà còn là người trực tiếp thổi vào những tâm hồn trong trẻo, ngây thơ những rung động, cảm thụ về âm nhạc để bé có những cảm giác vui tươi, hưng phấn trong hoạt động học tập và vui chơi. Như vậy, hoạt động âm nhạc có vai trò quan trọng, góp phần phát triển toàn diện các mặt đạo đức, trí tuệ, thể lực và đặc biệt là thẩm mỹ cho trẻ mầm non.

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh, nhịp điệu để diễn đạt tư tưởng tình cảm của con người. Nó có sức hấp dẫn kì lạ, có tác động mạnh mẽ làm cho con người tốt đẹp hơn, trong sáng hơn. Bản chất của âm nhạc là niềm vui, lạc quan, yêu đời và nâng con người đến với những tình cảm cao thượng. Âm nhạc trực tiếp tác động vào tâm hồn, vào ý thức con người, được con người cảm thụ tinh tế theo từng hoàn cảnh, từng lứa tuổi. Nó tồn tại trong suốt quá trình phát triển xã hội và gắn bó với con người từ khi chào đời cho đến khi giã từ cuộc sống.Với trẻ em, âm nhạc như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tinh thần, như nhịp cầu nối tâm thức trẻ với mọi bài học về cuộc sống. Trẻ cảm nhận sự kì diệu của âm thanh âm nhạc như cảm nhận sự ngọt ngào, âu yếm của người mẹ. Thông qua âm nhạc, trẻ tiếp cận và tiếp nhận các bài học dễ dàng hơn, sâu sắc hơn. Âm nhạc cũng chính là phương tiện giúp trẻ phát triển cảm xúc, phát triển tình cảm, trí tuệ, mở rộng nhận thức, phát triển óc tưởng tượng, phát triển ngôn ngữ và bồi dưỡng khả năng thẩm mĩ …

Âm nhạc góp phần phát triển năng lực thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể chất cho trẻ, tạo cơ sở cho sự hình thành nhân cách. Những giai điệu trầm bổng, sự phong phú của các âm hình tiết tấu, sự đa dạng của các thể loại âm nhạc…đã đưa trẻ vào thế giới cái đẹp một cách hấp dẫn và lý thú. GDÂN trong các trường mầm non nhằm nuôi dưỡng, củng cố niềm ham thích nghệ thuật của trẻ, trẻ được trải nghiệm trong môi trường âm nhạc thông qua các hoạt động: ca hát, nghe nhạc, vận động nhảy múa, trò chơi âm nhạc và biễu diễn…Những nghiên cứu gần đây cho thấy, giáo dục âm nhạc không chỉ đem lại sự phát triển nhân cách và những kỹ năng xã hội, mà còn giúp trẻ phát triển những năng lực trong nhiều lĩnh vực khác như: Toán, khoa học, khả năng ngôn ngữ… Có thể nói, giáo dục âm nhạc giúp trẻ thông minh, nhanh nhẹn và trở thành những nhân cách tốt hơn.

Trong trường mầm non, GDÂN là một nội dung quan trọng trong chương trình chăm sóc giáo, dục trẻ, âm nhạc chiếm một thời lượng khá nhiều trong mọi hoạt động kể cả trong và ngoài giờ học. Vì vậy, thông qua việc tổ chức các hoạt động âm nhạc đó cũng chính là một hình thức để giáo dục và phát triển thẩm mỹ, đồng thời cũng là bước đầu để hình thành năng lực thẩm mỹ cho trẻ. Tuy nhiên, giáo dục thẩm mỹ bằng âm nhạc là một khái niệm rộng hơn việc cung cấp kiến thức âm nhạc. Do vậy phải xác định, nhiệm vụ của GDÂN trong trường mầm non là để làm cho tinh thần của trẻ phong phú hơn bằng các phương tiện biểu hiện, diễn tả của âm nhạc, hoàn thiện và dần nâng cao tâm hồn của trẻ, bồi dưỡng cho trẻ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, hình thành ở trẻ những cơ sở tình cảm tiến bộ, nhân ái đối với mọi người, tạo nên ở trẻ một văn hóa âm nhạc đúng đắn.

Trong nhiệm vụ cơ bản của GDÂN cho trẻ, yếu tố giáo dục tư tưởng, đạo đức và giáo dục thẩm mỹ kết hợp với nhau, tạo nên một thể thống nhất. Mỗi giáo viên mầm non phải xác định rằng, thông qua việc tổ chức các hoạt động âm nhạc để dần hình thành và phát triển ở trẻ sự hứng thú, lòng yêu thích âm nhạc, hình thành thị hiếu thẩm mỹ tốt và bước đầu hình thành năng lực thẩm mỹ cho trẻ góp phần vào việc xây dựng nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa, tạo nên môi trường sống, bối cảnh xã hội mang yếu tố văn hóa.

Với trẻ mầm non, bài hát là một phương tiện để giáo dục trẻ nhiều mặt. Do đó, các bài hát giản dị, có tính nghệ thuật, ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ phù hợp với lứa tuổi sẽ hình thành ở trẻ thị hiếu âm nhạc trong sáng, lành mạnh, là cơ sở của tình cảm thẩm mĩ, đạo đức tốt đẹp. Chẳng hạn như bài “Hoa trường em” – nhạc và lời Dương Hưng Bang: “Em ngắm chiếc lá, em ngắm cánh hoa…Bông hoa thơm ngát ở trường lớp em, là bông hoa nhỏ biết vâng lời cô, bông hoa thơm ngát ở trường lớp em là bông hoa nhỏ cháu ngoan Bác Hồ” lời ca trên kết hợp với giai điệu âm nhạc đã tạo dựng lên một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ, gần gũi, thân thương và cũng là những lời nhắn nhủ, khuyên dạy hết sức nhẹ nhàng, thân thiết và có tính thuyết phục cao đối với trẻ trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách.

Âm nhạc có sức lay động tâm hồn mạnh mẽ, âm nhạc chân chính, có giá trị nghệ thuật đích thực sẽ cảm hóa mọi người cùng hướng tới cái đẹp. Những hình ảnh mang biểu tượng về cái đẹp tâm hồn, nhân cách, đạo đức…được thể hiện rõ trong các bài: Hoa trường em; Vườn trường mùa thu, Cháu vẽ ông mặt trời, Cháu yêu bà, Cô và mẹ, Tạm biệt búp bê, Màu hoa, Cá vàng bơi, Con chim vành khuyên…Những hình ảnh đó đã nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ sự nhận thức về cái đẹp để từ nhận thức cái đẹp một cách khách quan đi vào chiều sâu thế giới chủ quan của trẻ. Âm nhạc giáo dục tình cảm thẩm mỹ cho trẻ, trong đó có cái đẹp về nhân cách, cách ứng xử, giao tiếp với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè và mọi người trong cộng đồng. Ví dụ: bài hát Cô và mẹ các cháu đã hát với một tình cảm yêu mến, kính trọng những người gần gũi dạy dỗ, chăm sóc các cháu hàng ngày, những người luôn mong muốn cho các cháu được ấm no, chăm ngoan học giỏi: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…”

 Hay bài hát Cháu yêu bà của nhạc sĩ Xuân Giao là hình ảnh đẹp, chân thực về tình cảm của cháu với bà tạo nên sự rung động trong tâm hồn trẻ thơ mỗi khi các cháu cất tiếng hát và từ sự rung động ấy đã mang đến trong tiềm thức của trẻ những giá trị nhân văn có ý nghĩa giáo dục đạo đức thật giản dị và sâu nặng: “Khi cháu vâng lời, cháu biết bà vui”.Nghệ thuật âm nhạc đã thể hiện được vai trò hết sức quan trọng của mình trong việc hình thành và phát triển nhân cách nói chung, trong nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ cho trẻ nói riêng.

 

  • Tổ chức các hoạt động âm nhạc trong trường mầm non

Để âm nhạc phát huy được hết vai trò của mình, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non, các giáo viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

2.1. Tổ chức hoạt động âm nhạc trong giờ học âm nhạc

Do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi mầm non nên khi tổ chức các hoạt động nhận thức cho trẻ, giáo viên cần tiến hành theo phương châm “Học mà chơi – chơi mà học”, đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Một giờ học âm nhạc cô phải xây dựng và thiết kế theo nhiều cách thức tổ chức khác nhau, mỗi giờ học nên xác định một nội dung trọng tâm để tổ chức hoạt động và đặc biệt phải chú ý đến yếu tố động, tĩnh giữa các nội dung để tránh sự nhàm chán cho trẻ.

Việc cảm thụ âm nhạc luôn gắn bó chặt chẽ với sự phát triển nhận thức, nên giáo viên phải định hướng cho trẻ tập trung chú ý lắng nghe, quan sát và gợi ý để trẻ bộc lộ cảm xúc, biểu cảm của mình khi nghe các giai điệu âm nhạc

Một giờ hoạt động âm nhạc của trẻ ở trường mầm non

 

Description: http://spmamnon.edu.vn/uploads/news/2018_09/cam-thu-am-nhac-jerry1.jpg

 Việc tổ chức các hoạt động GDÂN trong trường mầm non, điều quan trọng không phải là dạy trẻ các kiến thức và kỹ năng âm nhạc, bắt buộc trẻ phải hát chuẩn xác, rõ ràng, trẻ phải múa đẹp, phải vận động nhịp nhàng… mà quan trọng là phải tạo ra môi trường để trẻ được tham gia và trải nghiệm trong các hoạt động âm nhạc như: ca hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc, múa, trò chơi âm nhạc, tham gia trong các hoạt cảnh đóng vai và biểu diễn…; được tiếp xúc và trải nghiệm trong môi trường âm nhạc như vậy, ở một mức độ nào đó trẻ sẽ biết tự nhận xét, trao đổi và nói lên những cảm xúc của mình về ý nghĩa lời ca, về giai điệu, nhịp điệu, về tính chất âm nhạc…đó cũng chính là ý nghĩa của giáo dục thẩm mỹ thông qua hoạt động âm nhạc. Được tiếp xúc với âm nhạc thường xuyên, liên tục như vậy sẽ tạo cho trẻ những ham thích để rồi dần dần hình thành ở trẻ nhu cầu và thị hiếu âm nhạc tốt đẹp.

Hoạt động âm nhạc trong giờ học nên đan xen các nội dung ca hát, nghe hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc hoặc trò chơi âm nhạc để trẻ được trải nghiệm trong một môi trường âm nhạc hết sức sinh động, đầy tính sáng tạo và cũng là để tạo nên sự hứng khởi trong các hoạt động của trẻ. Để có được một giờ hoạt động âm nhạc đạt kết quả cao, giúp trẻ làm quen với âm nhạc tốt hơn, giáo viên cần phải đầu tư, nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy, chuẩn bị các đồ dùng, phương tiện dạy học phù hợp (đàn, các nhạc cụ gõ cho trẻ, các phương tiện nghe nhìn, tranh ảnh minh họa…), giáo viên phải hát chuẩn xác giai điệu, lời ca và hát có truyền cảm bài hát, phải biết sử dụng nhạc cụ…Từ những nền tảng kiến thức đó kết hợp với tính sáng tạo và linh hoạt trong phương pháp tổ chức, giảng dạy để dẫn dắt trẻ vào môi trường hoạt động âm nhạc một cách nhẹ nhàng, tự tin không gò bó.

Trong giờ học, giáo viên nên thường xuyên động viên, khuyến khích trẻ, tuyệt đối không chê trách trẻ mà phải tôn trọng trẻ, nhẹ nhàng sửa sai đối với những trẻ thực hiện chưa đúng, giáo viên phải chú ý quan sát, mức độ và khả năng hoạt động của trẻ, trẻ có hứng thú hoạt động không? Tìm hiểu nguyên nhân vì sao để có hướng giải quyết, tìm cách đưa trẻ hoà nhập với bạn bè, dần cho trẻ quan tâm, thích thú với các hoạt động âm nhạc hơn.

2.2. Tích hợp hoạt động âm nhạc thông qua các giờ học khác

Ở trường mầm non, trong mọi hoạt động, giáo viên đều có thể lồng ghép hoặc tích hợp với GDÂN, căn cứ vào những bài đã học, những bài chưa học theo từng chủ đề, chủ điểm của bài dạy để có hướng tích hợp phù hợp nhất.

Ví dụ, dạy trẻ đọc thơ “Làm anh”, phần tích hợp cho trẻ hát bài: “Cả nhà thương nhau”, cô hát cho trẻ nghe bài: “Ba ngọn nến lung linh” . Qua đó giúp trẻ làm quen một số bài hát mới hoặc củng cố những bài hát đã học, không những giúp trẻ làm quen âm nhạc mà còn làm cho trẻ hứng thú hơn trong giờ học.

Hoặc trong giờ cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh, khi tìm hiểu về các vật nuôi trong gia đình, giáo viên có thể tích hợp hát bài “Gà trống, mèo con và cún con”, “Ai cũng yêu chú mèo”, “Con gà trống”… qua đó hình thành cho trẻ tình cảm đối với các con vật, giáo dục trẻ biết ích lợi của vật nuôi đối với đời sống con người, cách chăm sóc và bảo vệ các con vật nuôi…

Mọi tiết học đều có thể tích hợp giáo dục âm nhạc, ngoài việc ôn lại kiến thức cũ, làm quen kiến thức mới còn giúp cho giờ học nhẹ nhàng, hấp dẫn giúp trẻ thoải mái, hào hứng và sôi nổi trong giờ học.

2.3. Tổ chức hoạt động âm nhạc ở mọi lúc mọi nơi

Việc GDÂN được thực hiện phù hợp với chế độ sinh hoạt cả ngày ở trường của trẻ có ý nghĩa lớn, nhờ đó cuộc sống của trẻ thêm vui vẻ, hồn nhiên, trẻ hào hứng, phấn khởi mỗi khi đến trường

Trước giờ học buổi sáng, khi cô đón trẻ là lúc cần tạo không khí vui vẻ, lôi cuốn trẻ đến trường lúc này âm nhạc có vai trò rất lớn, vì vậy phải lựa chọn một số ca khúc có chủ đề đi học, có tính chất âm nhạc vui tươi, trong sáng… mở cho trẻ nghe, chẳng hạn như các bài: “Cháu đi mẫu giáo”, ”Trường chúng cháu là trường mầm non”; “Bài ca đi học”… Sau các giờ học buổi sáng vào giờ trẻ ăn trưa, ngủ trưa, ta có thể cho trẻ nghe những bản nhạc không lời, có tính chất nhẹ nhàng, êm dịu hay các bài hát ru để tạo nên một không khí nhẹ nhàng, thanh thản.

 Hoạt động ngoài trời cũng cần cho trẻ được tiếp xúc với âm nhạc, cho trẻ hát hoặc nghe những bài có nội dung theo chủ đề, chủ điểm để thông qua nội dung của các bài hát sẽ giáo dục nhân cách, giáo dục thẩm mỹ cho trẻ. Ví dụ, giờ hoạt động ngoài trời: Khi cho trẻ làm quen với thiên nhiên, cây cối, hoa lá… sau khi trẻ quan sát xong, giáo viên cho trẻ hát bài “Em yêu cây xanh”, “Vườn trường mùa thu”, “Ra vườn hoa”... qua đó trẻ được củng cố lại bài hát đã học đồng thời cũng giúp cho trẻ biết thế nào là trồng cây, có ý thức chăm sóc và bảo vệ cây xanh, hình thành ở trẻ tình yêu thiên nhiên, môi trường xung quanh…

Như vậy, ở trường mầm non từ lúc đến trường cho đến khi bố mẹ đón, âm nhạc luôn xuất hiện bên trẻ tạo không khí vui tươi, sảng khoái. Nếu vắng bóng lời ca, tiếng hát thì trường lớp đối với các cháu thật buồn tẻ. Âm nhạc là nhịp sống thường ngày của trẻ, làm cho trẻ thêm linh hoạt, tươi vui. Âm nhạc thực sự là người bạn thân của trẻ.

2.4. Tổ chức hoạt động âm thông qua giờ hoạt động góc

Trong một giờ hoạt động chung, trẻ không thể hát thuộc và vận động thành thạo bài hát, vì ở lứa tuổi này trẻ rất dễ nhớ nhưng mau quên. Cần cho trẻ làm quen âm nhạc mọi lúc, mọi nơi đặc biệt là ở hoạt động góc. Trong giờ hoạt động góc, trẻ chơi rất hồn nhiên, mạnh dạn, thích hát, múa lại những bài đã học và thích phản ảnh lại những việc làm của người lớn.

Ví dụ: Sau giờ âm nhạc, học bài hát ”Cô giáo miền xuôi” là hoạt động góc – ở góc phân vai, cho trẻ chơi trò chơi: Tập làm cô giáo, cô dạy hát bài: ”Cô giáo miền xuôi”, ”Cô và mẹ”… Trẻ rất thích thú chơi và đóng vai cô giáo, học sinh, dạy hát và làm theo các cử chỉ của cô như thể trẻ là cô giáo thật.

 
2.5. Tổ chức hoạt động âm nhạc thông qua các hoạt động biểu diễn

Giáo viên nên tổ chức các cuộc thi âm nhạc tại lớp. Có đàn, dụng cụ âm nhạc cho các cháu biểu diễn giống như một chương trình văn nghệ, cho trẻ đóng các vai: ban nhạc, nhạc công, ca sĩ… giáo viên chuẩn bị phần quà cho những trẻ đạt giải, trẻ sẽ rất hào hứng, mạnh dạn, tự tin tham gia vào các hoạt động âm nhạc, thích biểu diễn và say mê với âm nhạc.

Vào ngày lễ hội như ngày khai giảng, ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết trung thu…là những ngày có hình thức tổ chức quan trọng trong việc tạo ra môi trường âm nhạc phong phú và sinh động với các hoạt động nghệ thuật đa dạng như hát, múa, đóng kịch…tạo cho trẻ niềm phấn khởi, vui vẻ, những cảm xúc mới mẻ, tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc, mở rộng nhận thức cho trẻ. Ngày lễ, hội là cơ hội cho giáo viên và trẻ trong toàn trường giao lưu, hiểu biết nhau hơn, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ nâng cao các kỹ năng hoạt động nghệ thuật; trẻ hiểu thêm những điều mới lạ chỉ có trong ngày hội, ngày lễ, đồng thời củng cố những điều trẻ đã lĩnh hội được trong suốt thời gian trẻ đến trường.

Mức độ cảm thụ âm nhạc cùng với những kỹ năng âm nhạc ở trẻ sẽ được tồn tại lâu bền và phát triển hơn khi trẻ được rèn luyện thường xuyên và được tham gia biểu diễn, được trải nghiệm trong môi trường âm nhạc. Tất cả các hình thức biểu diễn tác phẩm âm nhạc như: Đồng ca, đơn ca, hát kết hợp với múa minh họa, với vận động theo nhạc hoặc hát kết hợp với trò chơi… đều tạo cho trẻ những hứng thú nhất định và có giá trị giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nhân cách hết sức hiệu quả và sâu sắc. Đặc biệt, hoạt động biểu diễn âm nhạc còn giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trước mọi người, tạo điều kiện hình thành ở các cháu những phẩm chất đạo đức, trí tuệ và kỹ năng hoạt động nghệ thuật.

KẾT LUẬN

Nghệ thuật âm nhạc đem đến cho trẻ những cái đẹp, những cái tiến bộ và nhẹ nhàng, phê phán những cái xấu, tạo cho trẻ một trạng thái tâm hồn hết sức thanh thản, hồn nhiên và trong sáng. Khi nghe lời ru của bà, của mẹ, trẻ có cảm giác an toàn, khi tham gia hoạt động âm nhạc với cô, với bạn ở lớp, trẻ tìm được niềm vui, sự hồn nhiên, nhí nhảnh theo đúng đặc điểm tâm sinh lí của mình. Vì vậy, ngoài sự hướng dẫn hoạt động âm nhạc của các giáo viên ở trường, gia đình cũng phải là một môi trường sinh hoạt âm nhạc lành mạnh, thường xuyên của trẻ. Các bậc phụ huynh cần chú ý tìm mua những ấn phẩm âm nhạc hay để trẻ nghe, xem, theo dõi và học hỏi, bắt chước theo. Hoặc dành thời gian cùng các bé ca hát, cổ vũ và động viên khi các bé ” nổi hứng biểu diễn ” tại nhà.

Giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non cần phải được xã hội hoá một cách triệt để, mức độ xã hội hoá càng cao thì hiệu quả giáo dục càng lớn. Có như vậy, việc giáo dục thẩm mỹ thông qua nghệ thuật âm nhạc trong các trường mầm non mới đạt được hiệu quả cao, góp phần vào việc hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách trẻ, hình thành lên những con người mới xã hội chủ nghĩa; đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong bối cảnh hiện tại và tương lai.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates