Ngày đăng: 20/06/2022 | 1 phản hồi
Ngày cập nhật: 20/06/2022
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng tại sao có những người có thể tự học tại nhà tất cả mọi thứ, từ ngoại ngữ đến các kỹ năng mềm? Nhưng cũng có những người lại không thể nào tập trung được khi ngồi tại nhà hay thậm chí là cả ở trường lớp?
Câu trả lời nằm ở khả năng tự học của mỗi người.
Vậy phương pháp tự học là gì và làm thế nào để việc tự học hiệu quả? Để Glints Việt Nam bật mí cho bạn bí quyết thông qua bài viết sau đây nhé!
Tự học là gì?
Tự học là quá trình tự tìm hiểu, tư duy, nghiên cứu các kiến thức cần thiết cho bản thân người học mà không có sự chỉ dẫn, giúp đỡ của người khác. Hoặc cũng có thể bạn được người khác chỉ dẫn những bước ban đầu, nhưng về sau bản thân bạn vẫn phải tự gánh vác.
Người tự học cũng phải tự phân chia thời gian học, tự tìm tòi tài liệu, phân tích đánh giá, tự quyết định khối lượng kiến thức tiếp thu trong mỗi buổi học sao cho hiệu quả.
Tóm lại, quá trình tự bản thân chúng ta tự giác, tự vận động để học được những kiến thức cần thiết cho bản thân chính là câu trả lời cho câu hỏi thế nào là tự học?
Lợi ích của việc tự học ngay cả khi đã đi làm
Nâng cao kiến thức và kỹ năng
Kiến thức lý thuyết ở trường, lớp, sách vở là nền tảng vô cùng quan trọng.
Nhưng trong thực tế, không phải tình huống nào, công việc nào bạn cũng có thể áp dụng được những kiến thức lý thuyết đó. Những lúc như vậy, kiến thức từ việc tự học chính là chiếc phao cứu sinh cho bạn.
Thông qua việc tự học, bạn có thể cập nhật cho mình những kiến thức mới, xu hướng mới, cách làm việc mới sao cho hiệu quả và áp dụng, ứng phó được với nhiều tính huống hơn.
Đồng thời, việc tự học cũng giúp kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn được phát triển hơn. Nếu có người hướng dẫn, khi gặp vấn đề bạn sẽ dựa dẫm họ để tìm cho mình câu trả lời.
Nhưng nếu bạn tự học, bạn sẽ tự phải tìm tòi, phân tích, nghiên cứu sao cho giải quyết được vấn đề ấy. Do đó, kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn có thể được cải thiện rõ rệt sau quá trình tự học.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể rèn luyện các kỹ năng khác như:
- Kỹ năng lập kế hoạch
- Quản lý thời gian
- Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc
- Khả năng tư duy
Chủ động về thời gian
Học tại các trung tâm hoặc phải nhờ vào người khác hướng dẫn, bạn sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào thời gian, giờ giấc của họ.
Nhưng đối với việc tự tự học, bạn hoàn toàn có thể tự chủ về mặt thời gian. Bạn có thể quyết định học vào những khung giờ nào bạn rảnh rỗi hoặc vào lúc bạn cảm thấy bản thân mình có thể tập trung cao độ nhất.
Việc có thể tự quyết định việc học sẽ kéo dài bao nhiêu và tần suất học trong tuần/ tháng cũng là một lợi ích của việc tự học.
Tăng hiệu suất công việc
Dĩ nhiên, khi khối lượng kiến thức bạn tự học cho mình đủ lớn, kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn được nâng cao, thì hiệu suất công việc cũng sẽ vì thế mà tăng lên.
Khi gặp các vấn đề hay tình huống bất ngờ phát sinh trong công việc, bạn sẽ có cái nhìn đánh giá tổng quan hơn và đưa ra các phương pháp tối ưu nhất để giải quyết.
So với trước kia, bạn chỉ nhìn nhận vấn đề hay tình huống theo một góc nhìn hạn hẹp và giải quyết theo tư duy lối mòn.
Những hạn chế của phương pháp tự học là gì?
Tuy việc tự học mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích trong cuộc sống và công việc, nhưng nó cũng có một số hạn chế nhất định.
Khó tập trung
Hạn chế đầu tiên cũng chính là hạn chế khiến chúng ta khó khắc phục nhất trong quá trình tự học. Đó là chính là sự tập trung của bạn.
Thông thường, không gian tự học của chúng ta thường là ở nhà hoặc quán cà phê.
Và dĩ nhiên, không gian ở nhà hay quán cà phê không hề có bất cứ sự áp lực nào cho bạn. Mà ngược lại, nó tồn tại rất nhiều yếu tố khiến bạn phân tâm. Ví dụ như: Tiếng ồn, mạng xã hội, game, điện thoại di động, tin nhắn, v.v.
Việc liên tục nạp vào đầu những kiến thức khô khan, nhàm chán và tự tìm giải pháp cho các vấn đề cũng là một nguyên nhân khiến bạn phân tâm, mất tập trung.
Phân bổ thời gian chưa hợp lý
Nếu chủ động thời gian là một lợi ích của việc tự học, thì việc bạn phân bổ thời gian không hợp lý lại chính là hạn chế.
Thông thường, khi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu một kiến thức hay vấn đề nào đó, chúng ta thường nôn nóng để mau chóng đạt được kết quả. Chính vì vậy, chúng ta thường sắp xếp thời gian tự học dày đặc và đặt việc tự học vào những khung giờ không hiệu quả.
Kết quả của điều này chính là khiến bạn không những không thể tập trung cho việc tự học, mà còn để cơ thể rơi vào tình trạng suy nhược, gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong cuộc sống.
Thiếu tài liệu
Tài liệu là thứ không thể thiếu đối với các hoạt động liên quan tới học hành. Với thời đại phát triển của Internet như hiện nay, không khó để bạn tìm được rất nhiều tài liệu, giáo trình của các kiến thức chuyên môn hay kỹ năng mà bạn đang muốn học.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều tài liệu lại khiến bạn bị nhiễu thông tin. Với người mới bắt đầu và không có sự chỉ dẫn của người khác, sẽ rất khó để bạn tìm được nguồn tài liệu chính xác liên quan đến các kiến thức, kỹ năng mình cần.
Bên cạnh đó, một số kiến thức chuyên môn hiện nay vẫn chưa có các nguồn tài liệu chính thống hoặc chỉ có nguồn tài liệu ngoại ngữ.
Thiếu tính tự giác
Việc tự học yêu cầu bạn phải tự mình lập kế hoạch học tập sao cho đạt hiệu quả. Do đó, quá trình này sẽ không có ai nhắc nhở, đốc thúc, tạo áp lực với bạn.
Điều này nghe có vẻ sẽ tạo cho bạn một tinh thần thoải mái hơn với việc học. Tuy nhiên, đối với những người không có tính tự giác, điều này lại trở thành một hạn chế rất lớn, gây cản trở cho quá trình tự học.
5 mẹo giúp bạn cải thiện khả năng tự học
Rèn luyện tính tự giác
Tính tự giác đóng vai trò rất quan trọng trong hầu hết các hoạt động trong cuộc sống. Và việc tự học cũng không phải ngoại lệ.
Đừng để việc học trở thành một gánh nặng khi phải để người khác nhắc nhở, hay đến khi gặp vấn đề mới nghĩ đến việc học.
Việc rèn luyện tính tự giác đến từ chính thói quen suy nghĩ của bạn. Hãy thử thay đổi suy nghĩ của bản thân để việc tự học trở nên nhẹ nhàng hơn.
Ví dụ: Thay vì nghĩ hôm nay phải học, phải tiếp thu cái mới, bạn hãy nghĩ rằng với việc tự học hôm nay sẽ giúp bạn những gì, có thêm những gì, cải thiện cuộc sống của bạn ra sao.
Biết lập kế hoạch quản lý thời gian
Việc tự học sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, nếu bạn biết lập kế hoạch và quản lý thời gian tự học của mình.
Trước khi bắt đầu tự học, hãy xác định bạn cần phải học những gì. Bạn cần tránh việc để các kiến thức lan man làm ảnh hưởng đến những gì bạn thực sự cần.
Tiếp theo, bạn hãy nghĩ đến việc:
- Bạn sẽ học như thế nào?
- Học vào khung giờ nào?
- Nên học bao nhiêu tiếng một ngày và bao nhiêu ngày trong tuần?
Thời gian mỗi ngày chỉ có 24 giờ. Do đó, hãy phân chia thời gian cho công việc chính, giải trí, nghỉ ngơi và việc tự học sao cho hợp lý để việc tự học của bạn đạt hiệu quả mà cơ thể không rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải.
Việc tự học rất quan trọng, nhưng đừng để nó trở thành nguyên nhân khiến sức khỏe của bạn báo động. Nếu cảm thấy mệt mỏi, đừng tự cố gượng ép.
Bạn có thể xả stress bằng cách tập thể dục, nghe nhạc, massage, uống nhiều nước. v.v.. Biết tự chăm sóc bản thân mình cũng là một mẹo giúp cho việc tự học của bạn đạt hiệu quả hơn.
Đọc thêm: Top Những Phần Mềm Quản Lý Thời Gian Hiệu Quả Giúp Bạn Trở Nên Năng Suất Hơn
Chọn lọc tài liệu
Việc chọn lọc tài liệu cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả cho quá trình tự học của bạn.
Chọn lọc đúng tài liệu sẽ giúp bạn dễ dàng học được các kiến thức, kỹ năng cần thiết hơn. Cách này sẽ giúp bạn tránh được việc bị các kiến thức lan man bên ngoài làm bạn mất nhiều thời gian hơn.
Khi bạn bị nhiễu thông tin, gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu, hãy thử tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Nếu là học sinh, hãy hỏi bạn bè hay thầy cô. Nếu bạn đã đi làm, hãy thử hỏi nguồn tài liệu từ đồng nghiệp hay cấp trên của mình.
Ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn
“Học đi đôi với hành”. Ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn là một mẹo vô cùng quan trọng giúp bạn cải thiện khả năng tự học của mình.
Hãy vận dụng những gì bạn đã học được, đọc được vào các tình huống thực tế trong cuộc sống. Điều này giúp cho quá trình ghi nhớ của bạn được thuận lợi và nhớ lâu hơn.
Đồng thời, điều này cũng thể hiện được bạn đã hiểu được bản chất của vấn đề, nắm được nội dung của bài học để tiếp tục tiếp thu những kiến thức mới một cách dễ dàng hơn.
Không gian yên tĩnh, cải thiện khả năng tập trung
Không gian là yếu tố bên ngoài ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả tự học của bạn. Một không gian yên tĩnh sẽ giúp bạn tập trung hơn, đầu óc được thoải mái hơn so với một không gian ồn ào, náo nhiệt.
Một vài vật trang trí nhỏ như một lọ hoa trong góc tự học của bạn có thể sẽ khiến tinh thần bạn thoải mái, hứng khởi hơn đấy!
Tổng kết
Tự học là một hoạt động vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân. Quá trình này sẽ giúp bạn không chỉ có thêm những kiến thức, kỹ năng mới mà còn có thể cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề và rèn luyện tính tự giác.
Tuy nhiên, tự học cũng đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian và công sức của mình để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Bên trên là tất cả những thông tin mà Glints Việt Nam muốn gửi đến các bạn về việc thế nào là tự học. Hy vọng qua bài viết, bạn đã hiểu rõ được kỹ năng tự học là gì, làm thế nào để tự học.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét