TIN LIÊN QUAN
- Giáo dục Đông Nam Bộ đặt mục tiêu không hạn chế sự phát triển của trường tư thục
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Cần nhiều chữ “hoá” trong phát triển GD vùng Đông Nam Bộ
- Quy hoạch giáo dục phải tích hợp thực chất, gắn với phát triển vùng, địa phương
- Giai đoạn tới, Bình Dương sẽ dành từ 1.000-1.500 ha đất để phát triển giáo dục
- Giám đốc Sở GD Thái Bình nêu 4 đề xuất để phát triển giáo dục giai đoạn tới
Ngày 17/1/2024, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký ban hành quyết định 192/QĐ-UBND, về phê duyệt chiến lược phát triển ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu phát triển của ngành giáo dục và đào tạo thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Châu Á, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục.
Song song đó, xây dựng xã hội học tập, khuyến khích và tạo điều kiện công bằng, thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội và hội nhập quốc tế.
Ngành giáo dục và đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến của Châu Á vào năm 2030, đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Cụ thể, đến năm 2025, giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Thành phố Hồ Chí Minh chấm dứt các hợp đồng lao động không đúng quy định trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính).
Từ nay đến năm 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 – 2020.
Đến năm 2030, thành phố bảo đảm 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 50% trường trung học phổ thông công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.
Mỗi quận huyện, thành phố Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.
Thành phố phấn đấu 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản (ảnh minh họa: V.D) |
Ngoài ra, thành phố có ít nhất 10 trường trung học phổ thông, trường trung học phổ thông chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao, 100% trường học trên địa bàn phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh, xây dựng mới 4 trường phổ thông có nhiều cấp học chất lượng cao tại thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố cũng đặt mục tiêu 100% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở dạy và học 2 buổi/ngày, có 80% trường trung học phổ thông trở lên ở mỗi quận huyện, thành phố Thủ Đức dạy học 2 buổi/ngày.
Trong đó, 80% học sinh trung học phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ), 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.
Mỗi học sinh phổ thông biết ít nhất một môn nghệ thuật, chơi 1 nhạc cụ và luyện tập ít nhất một môn thể thao.
Về đội ngũ giáo viên: Thành phố sẽ xây dựng chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ lao động có chuyên môn, giỏi nghiệp vụ vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tầm nhìn chiến lược.
Trong đó, 100% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, trên 85% giáo viên mầm non có trình độ cử nhân thuộc ngành giáo dục mầm non, 100% giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (hoặc tương đương) trở lên, 40% giáo viên trung học phổ thông có trình độ thạc sĩ chuyên ngành.
Về trình độ tin học, ngoại ngữ: 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng số từ cơ bản đến nâng cao, 80% giáo viên đạt chuẩn mức độ 2 khung năng lực số, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số, 60% giáo viên thành thạo giao tiếp và tiếp cận học liệu bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ).
Về tầm nhìn đến năm 2045: Có 20% trường mầm non công lập đảm bảo điều kiện tự chủ, 10% trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” và 80% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia.
Đối với giáo dục nghề nghiệp: Đến năm 2045, thành phố đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong nước, khu vực Asean và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực vượt trội, ngành nghề đào tạo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét