SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Hợp tác công tư trong giáo dục tại các trường công lập

 

20/09/202313:51

(Chinhphu.vn) - Quan hệ đối tác công tư (PPP) trong giáo dục (hợp tác giữa khu vực tư nhân và các trường công lập) đã nổi lên như một công cụ tiềm năng để nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao ở Việt Nam.

Hợp tác công tư trong giáo dục tại các trường công lập - Ảnh 1.

TS. Kyle Konold là người sáng lập, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Học viện Delta - Ảnh: VGP/Minh Thi

TS. Kyle Konold là người sáng lập, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Học viện Delta (Hoa Kỳ) có bài viết chia sẻ về hợp tác công tư trong giáo dục tại các trường công lập đạt hiệu quả.

Từng làm việc tại 9 trường thuộc danh mục "Hạng 1" của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ,  là người có công trong việc thành lập một số trường công lập và tư thục kiểu mới, từ mẫu giáo cho đến lớp 12, cũng như các trường trung học tư thục, TS. Kyle Konold chú trọng việc nâng cao chất lượng dạy và học, luôn tin rằng nâng cao chất lượng dạy và học sẽ tác động trực tiếp đến thành tích của học sinh; hợp tác công tư trong giáo dục sẽ là "đòn bẩy" quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu này.

Theo TS. Kyle Konold, có nhiều hình thức hợp tác công tư trong giáo dục trên thế giới: Hợp tác với đơn vị giáo dục tư nhân để dạy tại các trường công các môn học mà trường công không có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để giảng dạy, như ngoại ngữ, công nghệ, các môn STEM, hoạt động ngoại khoá chuyên sâu (thể thao, âm nhạc); thuê đơn vị giáo dục quản lý hoàn toàn một trường công (mô hình trường bán công - charter school); thuê ngoài một phần dịch vụ giảng dạy (outsourcing) những môn học cần giáo viên có năng lực đặc biệt (luyện thi các môn chuyên sâu cho kỳ thi quốc tế, các kỳ thi chuẩn hoá (SAT, AP...).

Trong bài viết này, TS. Kyle Konold chia sẻ sâu về các lập luận ủng hộ cho việc hợp tác công tư trong giáo dục trên thế giới và áp dụng vào Việt Nam. Các ý kiến và quan điểm ủng hộ việc sử dụng PPP vào các trường công lập ở Việt Nam và ảnh hưởng cũng như lợi ích của nó tới các vấn đề xã hội:

Thứ nhất, PPP giúp thu hẹp khoảng cách trong cơ hội học tập và công bằng xã hội

Học sinh trong các gia đình khá giả luôn có đặc quyền được học ở các môi trường đào tạo tốt hơn, chẳng hạn như được dạy kèm tiếng Anh hoặc các môn STEM tại các trung tâm tư nhân. Việc hợp tác đào tạo với các đối tác giáo dục tư nhân trong các trường công lập có thể đảm bảo rằng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế cũng có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao tương tự. 

Khi giáo dục bổ sung chất lượng cao bị hạn chế ở quy mô các trung tâm dạy thêm tư nhân, thì cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao sẽ trở thành xa xỉ chỉ dành cho những người giàu có mới có thể chi trả được, làm sâu sắc thêm sự phân chia các giai tầng và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Như vậy, việc triển khai PPP cũng đồng nghĩa với việc dân chủ hóa quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng. 

Tăng cường hình thức hợp tác này sẽ giúp trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng cao, từ đó rút ngắn khoảng cách của sự phân hóa trong xã hội về dài hạn và cơ hội học tập.

Thứ hai, tạo tính khả thi về kinh tế cho các gia đình

Cân nhắc về tài chính luôn là điều tối quan trọng của nhiều gia đình, nhất là các gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp hơn. Quan hệ đối tác công tư trong các trường công lập hiện nay thường có mức phí thấp hơn rất đáng kể so với các trung tâm dạy thêm tư nhân độc lập. Sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có của khu vực công, các tổ chức tư nhân có thể chỉ tập trung vào việc cung cấp nền giáo dục có chất lượng, nhờ vậy học phí sẽ giảm xuống chỉ còn 30-50% so với mức phí của các trung tâm tư nhân, giúp cho phụ huynh hay người giám hộ chỉ cần chi trả những mức học phí có giá cả phải chăng hơn nhiều.

Tại Ấn Độ, qua chương trình "Akshaya", tư nhân đã hợp tác với chính phủ để cung cấp đào tạo về tin học và phương pháp truy cập internet cho hơn 100 triệu người ở khu vực nông thôn. Có thể nói các dịch vụ giảng dạy tư nhân có thể giúp tăng khả năng tiếp cận giáo dục ở những khu vực chưa được quan tâm, chẳng hạn như khu vực nông thôn và khu dân cư có thu nhập thấp.

Hợp tác công tư trong giáo dục tại các trường công lập - Ảnh 2.

Hợp tác công tư có thể chuyển các nguồn lực quan trọng, từ các công cụ công nghệ tiên tiến và phần mềm giáo dục, đến nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào các trường học

Thứ ba, khai thác tài nguyên nâng cao

Các tổ chức giáo dục tư nhân thường có phương pháp và công cụ để kết nối, tiếp cận các nguồn lực giáo dục và công nghệ tiên tiến, như bài giảng số, hệ thống chấm điểm và đánh giá tự động, giáo viên được đào tạo, hệ thống và quy trình kiểm định chất lượng cao nghiêm ngặt. Những nguồn lực này thường nằm ngoài khả năng tài chính của nhiều tổ chức công. Do vậy PPP nếu được triển khai hiệu quả với đối tác tư nhân tốt sẽ góp phần nâng cao đáng kể trải nghiệm giáo dục cho học sinh.

Các trường công lập trên toàn cầu, bao gồm cả ở Việt Nam, đang phải vật lộn với những hạn chế về ngân sách. Nếu hợp tác với các công ty tư nhân có nguồn vốn dồi dào và chuyên môn về giáo dục, họ có thể chuyển các nguồn lực quan trọng, từ các công cụ công nghệ tiên tiến và phần mềm giáo dục, đến nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào các trường học này. Nguồn tài nguyên này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn trang bị cho học sinh Việt Nam khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ tư, giải quyết tính tất yếu của việc học thêm

Thực tế là học bổ sung hoặc thêm sẽ không biến mất. Dù ở trong hay ngoài trường học, học sinh, đặc biệt là những học sinh sắp bước vào kỳ thi quan trọng, sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ học tập bổ sung. Có cấm học trong trường học thì ra ngoài cổng trường, học sinh, đặc biệt là học sinh Việt Nam, cũng vẫn sẽ học thêm. Việc hợp tác công tư PPP, do vậy, có thể đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chương trình học bổ trợ chất lượng cao.

Thứ năm, giải quyết các mối quan tâm xã hội rộng hơn

Ngoài học thuật thuần túy, học thêm tại các trường công có thể giúp ích trong những lĩnh vực không ngờ tới, như giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Khi học sinh không cần phải di chuyển đến các trung tâm dạy thêm bên ngoài sẽ làm giảm lượng phương tiện trên đường vào giờ cao điểm. Hơn nữa, việc giữ học sinh trong khuôn viên trường học có thể tăng cường sự an toàn vì các em đang ở trong môi trường quen thuộc với những người đã quen biết.

Hợp tác công tư trong giáo dục tại các trường công lập - Ảnh 3.

Hợp tác PPP sẽ giúp trao đổi nghiên cứu và đổi mới giáo dục thường xuyên và hiệu quả - Ảnh: VGP/Minh Thi

Thứ sáu, tăng cường trao đổi chuyên môn

Chia sẻ kiến thức là trọng tâm của việc hướng tới sự xuất sắc trong giáo dục. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, các tổ chức giáo dục tư nhân thường xuyên hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế, nghiên cứu và đổi mới giáo dục. Khi cộng tác với các trường công lập, kho kiến thức phong phú này có thể được chuyển giao một cách liền mạch. 

Và kết quả sẽ là gì? Một chương trình giảng dạy vừa phong phú vừa sáng tạo, nâng cao tiêu chuẩn giáo dục tổng thể và mang đến cho học sinh trải nghiệm học tập đa dạng. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các trường PPP ở Colombia vượt trội hơn các trường công lập về các bài kiểm tra tiêu chuẩn với trung bình 0,16 độ lệch chuẩn. Điều này tương đương với khoảng một năm học thêm. Như vậy, các dịch vụ giảng dạy tư nhân có thể tạo cho học sinh sự quan tâm cá nhân tốt hơn cùng định hướng phù hợp, giúp cải thiện kết quả học tập của các em.

Tại Hoa Kỳ, phong trào trường bán công (charter schools) phát triển đã góp phần hình thành các mô hình giáo dục mới và sáng tạo. Nhiều trường bán công được thành lập và điều hành bởi các tổ chức giáo dục tư nhân. Thực tế cho thấy, dịch vụ giảng dạy tư nhân có thể dễ dàng khuyến khích sự đổi mới trong giáo dục là do các công ty tư nhân không bị hạn chế bởi những ràng buộc quan liêu giống như khu vực công. 

Thứ bảy, đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt

Mọi chương trình giáo dục qua đơn vị tư nhân trong khuôn khổ PPP đều phải trải qua quá trình kiểm tra toàn diện bởi cơ quan giám sát. Quá trình này bao gồm giai đoạn thử nghiệm ban đầu, đánh giá chất lượng tiếp theo và đánh giá thường xuyên hàng năm. Mức độ giám sát chất lượng này vượt xa những gì thường thấy ở các trung tâm dạy thêm bên ngoài.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các dịch vụ giảng dạy tư nhân luôn chú trọng nâng cao năng lực giáo viên bằng cách tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn bậc cao.

TS. Kyle Konold khẳng định rằng, đối với bất kỳ sáng kiến nào, đặc biệt là sáng kiến có tác động lớn như giáo dục, điều quan trọng là phải duy trì các tiêu chuẩn chất lượng và đạo đức. Miễn là các chương trình hợp tác công tư trong giáo dục này có chất lượng cao và không mang tính bắt buộc thì nên được ủng hộ. 

Việc tận dụng tốt và hợp pháp các dịch vụ của khối tư nhân qua hợp tác công tư có thể có tác động tích cực đến giáo dục ở các nước đang phát triển bằng cách cải thiện kết quả học tập của học sinh, tăng khả năng tiếp cận giáo dục, giảm chi phí, khuyến khích đổi mới và hỗ trợ giáo viên. Những sự hợp tác như vậy, khi được thực hiện đúng cách, có thể dẫn đến nền giáo dục toàn diện, dễ tiếp cận và toàn diện hơn, thu hẹp khoảng cách kinh tế xã hội và trang bị cho học sinh Việt Nam một tương lai tươi sáng hơn.

TS. Kyle Konold là người sáng lập, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Học viện Delta. Học viện Delta là trường bán công vừa kỷ niệm 17 năm hoạt động tại Las Vegas, Nevada. 

Năm 2014, TS. Kyle Konold được vinh danh là Nhà điều hành giáo dục hàng đầu của Las Vegas. Năm 2023, ông cũng được vinh danh là Cựu sinh viên "UNLV có thành tích đặc biệt" của trường.

TS. Kyle Konold tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Wisconsin, Eau Claire. Ngoài ra, ông có bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục tại Đại học Nam Illinois và bằng tiến sĩ giáo dục tại Đại học Nevada, Las Vegas (UNLV). 

Ông có hơn 27 năm và đảm nhiệm các vị trí, như: Nhà tâm lý trường học, trợ lý hiệu trưởng, hiệu trưởng, phó chủ tịch phụ trách học thuật, giám đốc... 

Trong các năm học 2015-2017, với sự hợp tác cùng các huấn luyện viên chuyển đổi trường học của WestEd, TS. Konold đã chủ trì và thực hiện Đánh giá toàn diện về khả năng lãnh đạo trong học tập (Comprehensive assessment of leadership for learning - CALL) nhằm đánh giá hiệu quả lãnh đạo toàn trường, từ đó đưa ra những cải tiến đáng kể trong học tập chuyên môn cộng đồng và phát triển nghề nghiệp.

Minh Thi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates