Trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, theo nhiều chuyên gia, cần phải thúc đẩyhợp tác theo phương thức đối tác công tư trong giáo dục đại học, để trường có nhiều cơ hội và tiềm lực phát triển.
Thế nhưng, mô hình hợp tác PPP - xu thế tất yếu trong giáo dục đại học trên thế giới lại chưa thực sự phổ biến và đạt được hiệu quả ở nước ta.
PPP trong giáo dục đại học là tất yếu, nhưng phải được quản lý tốt
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Dự án hợp tác theo phương thức đối tác công tư (hợp tác PPP) ở Việt Nam đã có từ hơn hai thập kỷ nay, nhưng tập trung chủ yếu vào các dự án công trình hạ tầng như giao thông, điện, nước, cảng biển, viễn thông.
Chủ trương mở rộng các dự án PPP sang lĩnh vực dịch vụ công, bao gồm dịch vụ giáo dục đã được thể hiện trong Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, mục nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế tài chính có chỉ rõ cần “có cơ chế tài chính phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, nhất là cho y tế và giáo dục, kể cả hình thức hợp tác công – tư, liên doanh, liên kết”.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: PM |
Chủ trương này tiếp tục được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 với một số định hướng cụ thể là: (1) Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập… Thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công – tư; (2) Thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường.
“Như vậy, trong tiến trình đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nước ta theo hướng phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công, việc thực hiện cơ chế hợp tác theo phương thức đối tác công – tư PPP là bước đi tất yếu và cần thiết. Đó là cách thức tốt nhất để khắc phục sự hạn chế của nguồn lực công cùng cơ chế quản lý kém hiệu quả của khu vực công, đem lại cho nhà trường sự mềm dẻo hơn trong đáp ứng cung – cầu giáo dục, mở rộng các cơ hội học tập” – ông Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, hợp tác công tư cũng sẽ tồn tại những mặt trái nhất định. Do đó, cần phải quản lý tốt các vấn đề liên quan đến dự án PPP trong giáo dục. Nếu không, việc hợp tác này có khả năng làm gia tăng tệ nạn tham nhũng; gia tăng phân tầng xã hội trong giáo dục.
Thiếu cơ chế khiến PPP trong giáo dục khó thực hiện
Không chỉ ở những văn bản quy phạm pháp luật đã kể trên, ở Việt Nam, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2021 đã quy định giáo dục – đào tạo là một lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Điều này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội nhằm thu hút hiệu quả đầu tư từ phía khu vực tư nhân vào lĩnh vực giáo dục.
Tận dụng lợi thế của PPP trong thu hút vốn đầu tư tư nhân, trong những năm gần đây, một số dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục (cụ thể, đầu tư xây dựng trường học các cấp) đã được triển khai, nổi bật là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một số trường đại học cũng đã vận dụng mô hình PPP để gọi vốn tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Dù cho được khuyến khích về chủ trương và được cụ thể hóa trong một số văn bản quy phạm pháp luật, nhưng đa số các cơ sở giáo dục đại học còn nhiều lúng túng khi nhắc tới hợp tác PPP.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến bày tỏ quan điểm: “Đúng là việc triển khai PPP trong giáo dục đại học còn nhiều vướng mắc, chưa đạt được hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, cùng rào cản dẫn đến vấn đề này”.
Ảnh minh họa: VNU |
Theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, trước hết, hợp tác PPP chính là một thành phần của hệ sinh thái “ba nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp). Trong đó, Nhà nước thực sự đóng vai trò là “bà đỡ” để tạo dựng nên những mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa nhà trường và doanh nghiệp Nhưng hệ sinh thái này đang thiếu những cơ chế chính sách cần thiết để nhà trường và nhà doanh nghiệp tin tưởng đến với nhau một cách bền vững, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Đó là nguyên nhân chính khiến việc vận dụng PPP trong giáo dục khó thực hiện.
Cùng với nguyên nhân trên, phải kể đến sự tồn tại của một cơ chế quản lý rất phức tạp với nhiều rào cản cả về nhận thức, thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó:
Thủ tướng nêu giải pháp tăng cường hợp tác công - tư trong y tế, giáo dục |
Thứ nhất, là rào cản về nhận thức. Hiện nay, phạm vi áp dụng của PPP trong lĩnh vực giáo dục được khoanh vùng trong các dự án xây dựng như BTO, BOT, BOO, BTL, BLT. Như vậy, Luật đã bỏ qua các dự án PPP trong cung ứng dịch vụ công. Nhưng trên thực tế, các dự án PPP loại này là rất phổ biến trong việc đóng góp nguồn lực xã hội cho giáo dục.
Các dự án PPP theo hướng cung ứng dịch vụ công trong giáo dục đại học nói trên rất cần được quan tâm xem xét và có những quy định cùng hướng dẫn cần thiết để tạo một kênh huy động nguồn lực xã hội đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của giáo dục đại học.
Thứ hai, là rào cản về thể chế. Hiện nay, Luật Giáo dục đại học 2018 quy định: “Tài sản của cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục” (Khoản 1, Điều 67). Theo đó, không chỉ riêng cơ sở đại học công lập mà kể cả các đơn vị sự nghiệp công lập được phép sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nếu chưa sử dụng hết công suất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện quyền này lại vấp phải những quy định của Luật Đất đai. Chưa kể còn có những khó khăn trong việc định giá tài sản của trường công lập khi đất đai thuộc quyền sở hữu nhà nước, nhà trường chỉ được giao quyền sử dụng.
Thứ ba, là rào cản về tổ chức thực hiện. Cần biết rằng, PPP trong giáo dục là công việc rất phức tạp về kỹ thuật và nhạy cảm. Trên thế giới, hiện đã có khá nhiều tài liệu hướng dẫn của của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn nhằm hướng dẫn PPP trong giáo dục. Điển hình như Ngân hàng Thế giới đã mở một trang web riêng về PPP, trong đó có những thông tin cụ thể cả về khung pháp lý lẫn công cụ cần thiết trong toàn bộ tiến trình xây dựng và triển khai dự án PPP đối với các lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, cái mà chúng ta đang thiếu là những văn bản hướng dẫn về PPP nói chung, PPP trong giáo dục nói riêng. Đây thực sự là một rào cản quan trọng khiến cho các cơ sở giáo dục đại học cũng như các doanh nghiệp không thấy hết tiềm năng của các dự án PPP khác nhau trong giáo dục, cũng như không trang bị được năng lực và niềm tin cần thiết trong xây dựng và triển khai các dự án PPP.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo trong việc hợp tác PPP ở lĩnh vực giáo dục
Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều eo hẹp, đầu tư theo phương thức đối tác công tư được coi là xu thế tất yếu của lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Nếu thực hiện tốt, sẽ giúp Chính phủ giảm thiểu được rất nhiều áp lực, đồng thời thúc đẩy chất lượng giáo dục của đất nước.
Để từng bước tháo gỡ những rào cản trong thực hiện hợp tác PPP thuộc lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Giải pháp cơ bản và lâu dài chính là cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục đại học.
Theo đó, Nhà nước cần có những chính sách đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Như đã nói ở trên, những chính sách này phải hướng tới hình thành hệ sinh thái ba nhà, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo chính sách và cơ chế để nhà trường và doanh nghiệp hợp tác với nhau trên cơ sở niềm tin và hai bên cùng có lợi.
"Vận dụng kinh nghiệm xây dựng mô hình “ba nhà” ở các nước đang phát triển vào thực tiễn Việt Nam, tôi cho rằng cần sớm ban hành ba nhóm chính sách sau:
Một là, nhóm chính sách về xây dựng môi trường thông tin minh bạch liên quan đến cung – cầu nhân lực chất lượng cao để nhà trường và doanh nghiệp có cơ sở đến với nhau;
Hai là, nhóm chính sách về tạo động lực hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp để hai bên hợp tác cùng có lợi;
Ba là, nhóm chính sách nhằm nâng cao năng lực hợp tác của nhà trường và doanh nghiệp, để mỗi bên có những năng lực mới, vượt khỏi giới hạn của những năng lực truyền thống, có thế các bên mới có thể hiểu nhau hơn và bắt tay nhau", Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.
Ông Tiến cho biết thêm, cần chú ý rằng, việc xây dựng, ban hành và tổ chức các chính sách trên là một quá trình lâu dài, với rất nhiều thách thức, nhất là khi cả thể chế, năng lực, lẫn hoạt động thực tiễn của “ba nhà” còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, trước mắt, trong phạm vi hợp tác giữa nhà trường – doanh nghiệp, để tiến hành các dự án PPP trong giáo dục đại học, cần triển khai sớm một số giải pháp như sau:
Trước hết, bên cạnh các dự án PPP trong đầu tư xây dựng, cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy các dự án PPP trong cung ứng dịch vụ công. Các dự án này bao gồm một phạm vi rộng các hoạt động giáo dục, mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể hợp đồng với khu vực tư nhân để thực hiện, ví dụ như: xây dựng chương trình giáo dục; đánh giá, kiểm định, xếp hạng trường học; tổ chức thi cử; tập huấn, bồi dưỡng nhà giáo; dịch vụ cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030.
Tiếp đó, trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, cần đảm bảo để các quy định của Luật Đất đai nhất quán với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Giúp cho việc sử dụng tài sản công (bao gồm cả đất) của các đơn vị sự nghiệp công lập vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thực sự phát huy tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng và ban hành một đề án huy động nguồn lực xã hội theo phương thức PPP trong giáo dục. Đồng thời, Bộ cũng cần thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện đề án theo lộ trình đã định; giám sát và đánh giá việc thực hiện để từng bước đưa giải pháp PPP vào đời sống giáo dục, góp phần hiệu quả tháo gỡ các thách thức về tài chính trong phát triển.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét