Nguyễn Thị Loan
Đối với trẻ em, âm nhạc có vai trò quan trọng trong sự phát triển, bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ. Âm nhạc là một trong những yếu tố giúp kích thích trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo, tăng khả năng cảm nhận tinh tế và giúp trẻ bộc lộ cảm xúc của mình một cách chân thật, tự nhiên nhất. Bởi lẽ đó, giáo dục âm nhạc được đưa vào trong chương trình mầm non như một phương tiện hữu hiệu để giáo dục trẻ một cách toàn diện; đặc biệt đối với trẻ 5 - 6 tuổi, giáo dục âm nhạc đặt nền tảng, cơ sở vững nhất giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1.
Tuy nhiên, trẻ mầm non 5 - 6 tuổi không thể học tập âm nhạc giống như người lớn do sự tập trung chú ý chưa bền. Sự hình thành ý niệm, biểu tượng ở trẻ cần phải nhắc lại một số lần. Đôi khi mệnh lệnh, ép buộc, khuôn mẫu của giáo viên không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến trẻ thờ ơ, không xúc động hoặc thậm chí dẫn đến chán ghét âm nhạc. Vậy làm thế nào để dạy học âm nhạc tạo được những tác động tích cực, mang lại lợi ích sâu sắc và lâu dài đối với trẻ. Vấn đề đặt ra ở đây là khi dạy học âm nhạc cho trẻ không nên quá chú trọng đến việc phải dạy trẻ biết hát thuộc và hát hay một bài hát; múa thật đẹp và bắt chước thật giống cô một bài múa. Phương pháp dạy học hiệu quả nhất là kết hợp giữa học và chơi trong các hoạt động đa dạng, phong phú, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, thể hiện bản thân và thể hiện sự sáng tạo nhằm mục đích cuối cùng là cung cấp, hình thành năng lực cảm thụ âm nhạc; biết cảm thụ âm nhạc trẻ sẽ yêu âm nhạc hơn, sẽ học tập và lĩnh hội âm nhạc tốt hơn.
Nghe nhạc là cơ sở để trẻ học hát, vận động và chơi theo nhạc. Hoạt động nghe nhạc cho trẻ 5 - 6 tuổi thường được triển khai ở nội dung kết hợp; song chất lượng nghe nhạc có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc chi phối hiệu quả của các hoạt động khác; bởi vì trẻ có nghe và cảm nhận âm nhạc tốt thì mới có thể hát và phối hợp vận động tốt được. Hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ thông qua hoạt động nghe nhạc là việc làm cần thiết hỗ trợ trẻ hát diễn cảm hơn; vận động chính xác, nhịp nhàng hơn; nhanh nhẹn, tự tin trong vui chơi. Tuy nhiên, nghe nhạc thế nào để trẻ không mau bị nhàm chán vì khoảng thời gian tập trung chú ý có chủ định của trẻ mẫu giáo có giới hạn. Nếu như chỉ cho trẻ ngồi nghe nhạc một cách thụ động như hiện tại, các cô giáo đang sẽ rất dễ gây cho trẻ sự nhàm chán, dẫn đến hiện tượng buồn ngủ và mất tập trung. Giáo viên cần phải xác định, dạy trẻ nghe nhạc không quá câu nệ là bắt buộc trẻ phải nhớ chính xác, chi tiết một bài hát cụ thể mà quan trọng hơn là qua mỗi tác phẩm âm nhạc; trẻ được thưởng thức, được trải nghiệm cùng âm nhạc một cách chủ động, tích cực trong các hoạt động phong phú, cởi mở có sự tương tác cao với cô giáo. Qua đó giúp trẻ cảm thụ và nâng cao kĩ năng thể hiện âm nhạc. Nghe cần phải được trực quan sinh động bằng hình ảnh, cần kết hợp với vận động, vui chơi; nghe không nên cho trẻ ngồi im một chỗ quá lâu. Giáo viên cần gợi mở, tạo mọi điều kiện để trẻ được cùng cô tham gia, thể hiện chính mình và hưởng ứng trong khả năng của trẻ. Hoạt động nghe nhạc có hiệu quả được phản ánh qua năng lực cảm thụ và thực hành âm nhạc của trẻ; biểu hiện ở việc trẻ cảm nhận được ở tác phẩm cái hay, cái đẹp; tính chất vui hay buồn; trữ tình, êm dịu hay vui hoạt, rắn rỏi; nhận biết được sự tương phản của âm nhạc như độ mạnh, nhẹ, to, nhỏ; nhịp độ nhanh, chậm; âm thanh lên cao hay xuống thấp; giai điệu đi lên hay đi xuống v.v..; qua đó trẻ biết nhận xét, đánh giá và có hưởng ứng phù hợp với âm nhạc. Muốn làm được điều này, thay vì cô giáo “độc diễn”, bắt trẻ ngồi ngay ngắn từ đầu đến cuối tiết học thì giáo viên nên tạo cơ hội để trẻ được vận động, múa hát cùng nếu trẻ muốn. Khi cho trẻ nghe, giáo viên cần chú ý nhấn mạnh đặc điểm, tính chất của bài hát; sau mỗi lần nghe, giáo viên hỏi trẻ cảm nhận về bài hát để củng cố ấn tượng. Giáo viên nên tiến hành cho trẻ nghe dưới nhiều hình thức đa dạng (hát trực tiếp; độc tấu; nghe qua băng đĩa hoặc xem video v.v..). Với những bài khó mà giọng hát còn hạn chế thì giáo viên không nhất thiết phải hát trực tiếp cho trẻ nghe vì nếu giáo viên hát sai, hát không hay sẽ khiến trẻ có ấn tượng không tốt về tác phẩm; cho trẻ nghe qua đĩa do ca sĩ biểu diễn, giáo viên thực hiện các hoạt động minh họa sinh động cũng sẽ khiến trẻ rất hào hứng. Sự thay đổi, luân phiên các hình thức, phương thức biểu diễn giúp trẻ ôn luyện thuần thục các kĩ năng âm nhạc, đồng thời làm cho trẻ say mê, yêu thích âm nhạc hơn. Cảm thụ âm nhạc không chỉ được khai thác qua giai điệu, tiết tấu, lời ca. Việc sử dụng tranh ảnh, trang trí không gian lớp học nhẹ nhàng, sinh động theo nội dung bài hát; trang phục, đạo cụ đẹp mắt trong mỗi màn biểu diễn cũng đem lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ để trẻ vừa được cảm nhận, vừa nhìn thấy cái hay, cái đẹp trong tác phẩm mà đôi khi những nốt nhạc trìu tượng chưa giúp trẻ hiểu hết được.
2. Dạy ca hát
Ca hát là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo và được đa số các em yêu thích. Sự nhạy cảm, khả năng tái hiện âm điệu, nhịp điệu; cảm giác về tai nghe, tiết tấu cũng như khả năng thể hiện xúc cảm, tình cảm là những kinh nghiệm trẻ sẽ được tích lũy dần dần trong quá trình học hát, góp phần hình thành cảm thụ âm nhạc. Tuy nhiên mức độ cảm thụ âm nhạc ở trẻ như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào các phương pháp, biện pháp tổ chức dạy hát của giáo viên. Theo chúng tôi, dạy hát cần hướng trẻ đến cảm thụ âm nhạc nhiều hơn; giáo viên không nên bó hẹp trong cách dạy truyền khẩu dễ dẫn đến hiện tượng học vẹt, thuộc vẹt, chóng nhớ, mau quên. Thực tế, không phải mọi trẻ đều có khả năng ca hát; một số trẻ phải nghe đi nghe lại, tập đi tập lại mới có thể hát đúng; thậm chí có trẻ hát mãi vẫn không đúng. Dù vậy, giáo viên cũng không nên áp đặt hoặc yêu cầu quá khắt khe với trẻ dẫn đến sự mệt mỏi, chán nản. Cần xác định việc dạy hát không có nghĩa là “luyện” cho trẻ phải hát thật chính xác, thật hay bài hát mà mục đích chính là giúp trẻ biết cảm nhận giai điệu, yêu thích bài hát; qua đó trẻ có ý thức hát đúng hơn, tình cảm hơn. Muốn làm được điều này, khi dạy trẻ ca hát, giáo viên nên kết hợp hát mẫu với đánh đàn để rèn cho trẻ có cảm giác chắc chắn về cao độ, trường độ. Khi sửa sai cho trẻ, tuyệt đối không nên nói những câu như “con hát sai rồi”; “con phải hát như thế này” khiến trẻ cảm thấy không thoải mái; thay vì phải hát đi hát lại cho trẻ nghe rất tốn sức; giáo viên nên đánh đàn nhiều lần chỗ trẻ hát sai và nhắc nhở nhẹ nhàng “các con nghe tinh để hát đúng hơn nhé”. Khi dạy trẻ hát từng câu, cô nên đệm đàn để trẻ tập hát phối hợp với âm nhạc sẽ giúp trẻ cảm thụ nhịp điệu tốt hơn. Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh, đồ dùng, vật dụng hỗ trợ cho học hát là điều cô cùng cần thiết vì trẻ học tập qua tư duy trực quan là chủ yếu. Giáo viên có thể sử dụng trong lúc giới thiệu bài, trong lúc dạy trẻ hát hay lúc ôn bài để giúp trẻ dễ hình dung, cảm thụ được cái hay, cái đẹp của bài hát vốn dĩ là những âm thanh, hình ảnh trừu tượng.
Vận động theo nhạc là hoạt động phối hợp giữa âm nhạc và các động tác nhảy múa hoặc sử dụng đồ chơi âm nhạc gõ đệm theo nhạc. Hoạt động này giúp trẻ phát triển về cảm giác nhịp điệu, sự sự khéo léo, phản ứng nhanh và đúng với tính chất âm nhạc. Vận động theo nhạc có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động ca hát, vì trẻ chỉ có thể phối hợp vận động tốt khi trẻ đã thuộc bài hát và có những cảm nhận về nhịp điệu của bái hát đó, ngược lại việc hát kết hợp với vận động cũng tạo nên sự hứng thú, phấn khởi của trẻ. Để vận động theo nhạc đạt hiệu quả tốt nhất, chỉ nên yêu cầu và gợi mở các vận động đảm bảo tính vừa sức đối với trẻ. Động tác không nên quá khó khiến trẻ không thực hiện được, cũng không nên có quá nhiều động tác hoặc sự di chuyển trong không gian với tuyến và đội hình phức tạp sẽ làm trẻ khó nhớ. Ngoài ra, động tác phải phù hợp tính chất âm nhạc, cấu trúc của bài. Mặt khác, muốn bồi dưỡng khả năng vận động cho trẻ, giáo viên cũng cần có những biện pháp giúp trẻ cảm thụ âm nhạc trước khi vận động. Cảm thụ âm nhạc là yếu tố quan trọng giúp trẻ phối hợp nhịp nhàng trong các vận động, thậm chí còn kích thích sự sáng tạo vận động mới. Với phương pháp này, giáo viên phải tạo điều kiện để phát huy tính chủ động tích cực của trẻ, cô chỉ là người điều khiển và giúp trẻ phối hợp động tác nhịp nhàng, uyển chuyển cùng với âm nhạc. Tuy nhiên trong thực tế thì không phải giáo viên mầm non nào cũng thực hiện được.
Ảnh: Một giờ học hát của trẻ mầm non (Nguồn: st)
Trước hết, để dạy vận động theo nhạc đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo, hiểu tính chất và cấu trúc tác phẩm cũng như đặc điểm của trẻ để có những động tác vận động phù hợp, vừa sức hoặc không quá khó với trẻ. Giáo viên làm mẫu động tác phải phù hợp với tính chất vui tươi, hồn nhiên hay mềm mại, trữ tình của câu hát, bài hát. Trước khi vận động, giáo viên phải cho trẻ ôn lại bài hát bằng nhiều cách, trò chuyện và gợi ý để trẻ hiểu được yêu cầu mới của bài học. Giáo viên sử dụng nhạc đĩa hoặc có thể tự hát truyền cảm kết hợp với vận động minh họa sinh động, nhịp nhàng để lôi cuốn trẻ thích thú với bài vận động sau đó tiến hành dạy trẻ. Khi dạy trẻ vận động, giáo viên cho trẻ luyện tập từng động tác riêng lẻ sau đó cho trẻ tập phối hợp động tác múa với âm nhạc trên nền nhạc của đĩa hay băng ghi âm trên đàn phím điện tử. Trong quá trình luyện tập, giáo viên cần luôn luôn quan sát, động viên và dùng lời nhắc nhở, mô tả để trẻ hiểu và biểu cảm đúng yêu cầu của động tác. Sau khi trẻ đã thuộc hết các động tác, giáo viên đánh đàn chậm, nhịp nhàng và hướng dẫn trẻ phối hợp vận động cùng âm nhạc từ đầu đến cuối bài. Khi trẻ đã thuộc bài múa, giáo viên nên khuyến khích trẻ sáng tạo động tác hoặc hình thức minh họa khác cho bài hát, cho trẻ biểu diễn trước lớp, động viên khen ngợi kịp thời.
Bên cạnh đó, giáo viên cần gợi ý để trẻ liên tưởng nội dung, hình ảnh trong từng câu hát và tương ứng với những động tác minh họa phù hợp để trẻ dễ tưởng tượng, dễ nhớ và nhớ lâu. Ngoài ra, trong dạy hát kết hợp vận động, giáo viên nên chuẩn bị những trang phục, đạo cụ đẹp để tạo hứng thú cho trẻ; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị học tập trong một giờ học thật chu đáo sẽ làm cho việc học hát và vận động theo nhạc thêm sinh động và hấp dẫn trẻ rất nhiều.
Đối với trẻ thơ, được làm quen với âm nhạc thông qua các trò chơi là biện pháp có hiệu quả cao nhất vì bản chất của trò chơi âm nhạc là hoạt động tổng hợp bao gồm các dạng hoạt động âm nhạc trong trường mầm non. Với đặc điểm của lứa tuổi mầm non là “học mà chơi, chơi mà học”, trẻ yêu thích vận động và học qua vận động bằng việc phối hợp tất cả các giác quan tham gia vào quá trình nhận thức. Do đó, trò chơi đã trở thành phương tiện để đem đến cho trẻ các yếu tố diễn tả của nghệ thuật sinh động, nó có tác dụng mạnh mẽ nhưng lại đến với trẻ một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Hiện nay trò chơi âm nhạc được coi là một trong các hình thức vận động theo nhạc của chương trình giáo dục âm nhạc mầm non. Trò chơi âm nhạc giúp rèn luyện tai nghe, củng cố ca hát, phát triển cảm giác nhịp điệu, phát triển năng khiếu, từng bước hình thành cảm thụ âm nhạc và tình cảm gắn kết cộng đồng. Mỗi loại trò chơi đều hướng đến phát triển một hay nhiều kĩ năng âm nhạc giúp trẻ ôn luyện, củng cố và tiếp thu các nội dung giáo dục. Cảm thụ âm nhạc thông qua trò chơi được thể hiện ở mức độ tai nghe, nhận biết và phân biệt các yếu tố diễn tả âm nhạc như độ cao, thấp, to, nhỏ; tiết tấu, nhịp điệu nhanh, chậm, âm sắc một số nhạc cụ và khả năng hóa thân trong các trò chơi đóng vai. Sự mới lạ và thú vị trong các trò chơi đa dạng, hấp dẫn do cô giáo thiết kế, sáng tạo và tổ chức gắn liền với bài học cũ và bài học mới nâng dần về yêu cầu sẽ là động lực giúp trẻ tích cực, hứng thú và thoải mái trong vui chơi; rèn luyện các kĩ năng, qua đó bồi dưỡng cảm thụ âm nhạc.
Như vậy, để tăng cường cảm thụ âm nhạc cho trẻ mầm non 5 - 6, trước tiên người giáo viên cần có trình độ, am hiểu về âm nhạc; sau đó cần có sự đầu tư, tìm tòi, khai thác và sáng tạo trong từng giáo án, bài dạy. Giáo viên có hiểu và cảm nhận sâu sắc ngôn ngữ, hình tượng âm nhạc mới có thể biết khai thác các “nhân tố”; “mô típ” chất liệu tiêu biểu, đặc sắc trong tác phẩm để thiết kế các bài học âm nhạc hay, bổ ích và lý thú. Mỗi bài học, giờ học phải mang đến cho trẻ những cảm nhận, ghi nhớ về một hoặc một vài yếu tố riêng lẻ trong nghệ thuật âm nhạc và sẽ nâng dần mức độ khó. Sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm tăng lên cũng dần dần tạo cho trẻ sự tự tin, chủ động khi thể hiện cảm xúc và ngôn ngữ âm nhạc, chia sẻ với bạn bè và cô giáo trong lớp học. Thông qua các hoạt động trải nghiệm sẽ tăng dần khả năng tập trung chú ý, lắng nghe, quan sát, so sánh, ghi nhớ hình tượng và giai điệu âm nhạc. Đây cũng chính là cơ sơ để giúp trẻ sẽ chủ động trình bày, thể hiện cảm xúc và tình cảm của mình trong các hoạt động âm nhạc.
Việc cảm thụ âm nhạc trong môi trường giáo dục âm nhạc theo kiểu “tích hợp nội dung” trong chương trình giáo dục mầm non sẽ mang lại cho trẻ những hiểu biết và kỹ năng “mềm” của các nội dung kiến thức ở các lĩnh vực liên quan trong chủ đề giáo dục. Cảm thụ âm nhạc không chỉ giúp trẻ có một tình yêu, say mê với âm nhạc, tham gia vào các hoạt động âm nhạc một cách thoải mái, không gò bó mà sẽ giúp trẻ năng động hơn, sáng tạo, tự tin, tinh tế và nhuần nhuyễn hơn trong giao tiếp, trong cuộc sống, trong môi trường học tập và lao động sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Tuấn Đức (2006), Một số biện pháp hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ 5 - 6 tuổi, Luận văn Thạc sĩ khoa học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
2. Trần Thị Tính (1979), Một số vấn đề về đặc điểm tâm lý mẫu giáo, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Trần Quỳnh Mai (2004), Âm nhạc với tuổi thơ, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
4. Ngô Thị Nam (2001), Nghiên cứu xây dựng chương trình phương pháp dạy học âm nhạc đáp ứng mục tiêu đào tạo Giáo viên CĐSP Âm nhạc cho các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, THSP 12+2, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét