MỸ DUNG
TTO - Nhiều quận, huyện tại TP.HCM nhiều năm liền khó tuyển giáo viên nhạc, họa. Trong khi đó, ghi nhận tại các nơi cho thấy nhu cầu tuyển giáo viên bộ môn này rất cao nhưng không tìm ra nguồn tuyển.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục quận Bình Tân, TP.HCM đăng tuyển 20 giáo viên âm nhạc, 16 giáo viên hội họa.
Đến nay, việc tuyển dụng tại Bình Tân đang trong giai đoạn xét duyệt hồ sơ. Nhưng theo dự đoán của lãnh đạo ngành giáo dục quận này, họ sẽ rất khó để tuyển đủ chỉ tiêu.
Ông Ngô Văn Tuyên, trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết quận thiếu nhiều nhất là lực lượng giáo viên âm nhạc và mỹ thuật. Hiện tại, hầu hết các trường trong quận đều không đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu.
Hằng năm, quận Bình Tân đều tuyển dụng lực lượng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật còn thiếu, chưa kể nhiều giáo viên trúng tuyển chỉ dạy hợp đồng, không chịu vào biên chế, làm được một thời gian thì nhảy việc.
"Giáo viên âm nhạc, mỹ thuật thiếu trầm kha, dai dẳng nhiều năm liền dù năm nào chúng tôi cũng tuyển" - ông Tuyên thông tin.
Quận 7, TP.HCM cũng đang thiếu giáo viên các bộ môn năng khiếu như âm nhạc, hội họa. TP Thủ Đức cũng tương tự.
"Năm nào quận cũng thiếu giáo viên âm nhạc, hội họa vì không có nguồn giáo viên để tuyển" - ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, nói.
Vì sao TP.HCM luôn trong tình trạng thiếu giáo viên nhạc, họa những năm qua?
Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, giáo viên năng khiếu như âm nhạc, hội họa tại TP.HCM ngày càng thiếu nhiều hơn vì nhu cầu từ các cấp học đối với các môn học này ngày càng tăng. Theo quy định, ở cấp tiểu học hiện nay giáo viên được đào tạo từ các trường sư phạm cấp tiểu học sẽ dạy nhiều môn, trong đó họ sẽ dạy luôn âm nhạc, mỹ thuật.
Nhưng hiện các trường ở TP.HCM đều muốn có lực lượng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật riêng để giảm tải công việc cho giáo viên dạy nhiều môn và nâng cao chất lượng dạy học các môn nói trên trong trường.
Ông Võ Văn Thật - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn - cho biết trường mỗi năm có 30 chỉ tiêu ngành thanh nhạc, âm nhạc, trong đó thanh nhạc chỉ có 10 chỉ tiêu và 30 chỉ tiêu ngành hội họa.
"Trường cũng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh cho đủ số lượng sinh viên ngành này. Năm nay, trường tuyển được 100% chỉ tiêu ngành thanh nhạc nhưng chỉ tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu ngành mỹ thuật. Không những vậy, thống kê từ nhà trường cũng cho biết, sinh viên sau tốt nghiệp những ngành này cũng nhiều em không theo nghề giáo" - ông Thật nói.
Nếu so với chỉ tiêu hằng năm của ĐH Sài Gòn, nếu tuyển đủ và ra trường phục vụ ngành giáo dục đủ với nhu cầu của quận Bình Tân năm nay đã "ngốn" đến 60% so với chỉ tiêu đào tạo. Như vậy, nguồn rất ít so với nhu cầu ngày càng phình ở các trường. Tuy vậy, ông Võ Văn Thật cũng cho biết, việc đào tạo các bộ môn nghệ thuật rất vất vả, tốn kém và hiện tại trường chỉ đáp ứng yêu cầu đào tạo chỉ tiêu như hiện nay.
Ông Ngô Văn Tuyên cho rằng để tuyển đủ giáo viên các môn năng khiếu, nâng cao chất lượng dạy học các môn này trong nhà trường thì cần có chế độ đãi ngộ khác hơn với giáo viên, đồng thời tăng chỉ tiêu hoặc các trường ĐH có đào tạo ngành này ở mảng sư phạm.
Không gắn bó được với nghề
Cô Nguyễn Thị Kim Thanh, giáo viên âm nhạc Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM, cho biết, lương những giáo viên mới ra trường trong lĩnh vực này chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Người đã có 20 năm trong nghề như cô Kim Thanh mỗi tháng chỉ có mức lương (đã bao gồm 35% phụ cấp) hơn 8 triệu đồng/tháng.
"Đa phần những giáo viên âm nhạc, hội họa không gắn bó được với nghề đều có lý do liên quan đến kinh tế. Với cuộc sống của TP.HCM hiện nay, mỗi tháng họ chỉ nhận được chừng đó thu nhập thì quả thực vất vả, khó gắn bó lâu dài với nghề", cô Kim Thanh cho biết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét