GD&TĐ - Nhiều lưu ý quan trọng về công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên đã được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) gửi về các Sở GD&ĐT.
Một số hạn chế, tồn tại
Công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục đặt ra. Tuy nhiên, theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, thực tế triển khai công tác này ở một vài địa phương vẫn còn bộc lộ một số tồn tại.
Cụ thể, một bộ phận cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp; khắc phục những yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên nên chưa có sự quan tâm, chỉ đạo cụ thể cũng như đầu tư thỏa đáng về nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ báo cáo viên và các điều kiện để thực hiện có kết quả công tác này.
Công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên hàng năm chưa xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng, kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp của giáo viên và tình hình thực tiễn ở địa phương, nên chưa xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện.
Việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo hình thức tập trung, chưa chú trọng tới việc phát huy thế mạnh của hình thức bồi dưỡng tại chỗ thông qua sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ với đồng nghiệp hoặc tự học qua mạng internet.
Việc lựa chọn đội ngũ báo cáo viên chưa thực sự đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng, một số báo cáo viên thiếu kinh nghiệm, năng lực còn bị hạn chế.
Cơ quan quản lý giáo dục chưa giao nhiệm vụ hoặc chưa phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trung tâm giáo dục thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, nên chưa khai thác và phát huy thế mạnh của các đơn vị này trong công tác bồi dưỡng.
Công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát bồi dưỡng thường xuyên chưa sát sao, chưa có sự đúc rút, trao đổi kinh nghiệm để làm tốt hơn. Việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên vẫn còn mang tính hình thức, chưa làm cho mỗi giáo viên có ý thức tích cực, tự giác tự học, tự bồi dưỡng hoặc tham gia bồi dưỡng.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí cho công tác bồi dưỡng thường xuyên còn hạn chế, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên và tổ chức bồi dưỡng qua mạng.
Công tác báo cáo kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm của nhiều địa phưong còn chậm so với quy định; nội dung báo cáo chưa đầy đủ, chưa thể hiện rõ công việc đã triển khai trong quá trình thực hiện.
9 lưu ý quan trọng
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên và từng bước kết hợp với việc triển khai thực hiện bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phố thông, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT thực hiện tốt các nội dung:
Thứ nhất: Quán triệt và nhận thức đúng tầm quan trọng của bồi dưỡng thường xuyên, xác định rõ bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nên phải đầu tư thỏa đáng về nguồn lực và đổi mới công tác quản lý để thực hiện công việc này có kết quả theo từng năm học.
Thứ 2: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cần xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và yêu cầu thực tiễn của giáo dục địa phương theo nhiệm vụ năm học hàng năm có đối chiếu với đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên để xác định rõ nội dung và hình thức bồi dưỡng phù hợp.
Thứ 3: Chủ động xây dựng nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học.
Thứ 4: Từng bước xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để thực hiện các công việc: Hỗ trợ các giáo viên khác trong việc tổ chức các nhóm thảo luận, tháo gỡ vướng mắc; liên hệ, trao đổi với các chuyên gia để giải đáp thắc mắc trong quá trình bồi dưỡng.
Thứ 5: Chỉ đạo, hướng dẫn các trường, các giáo viên thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên theo hình thức tự học, tự bồi dưỡng có sự hướng dẫn, trao đổi của các giáo viên cốt cán, các chuyên gia giáo dục. Chỉ bồi dưỡng tập trung những nội dung mới, cần có sự thảo luận và thực hành trực tiếp.
Thứ 6: Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; trung tâm giáo dục thường xuyên trong công tác bồi dưỡng thường xuyên, cần lựa chọn và giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, trung tâm giáo dục thường xuyên có đủ điều kiện bồi dưỡng.
Thứ 7: Sử dụng trang mạng “Trường học kết nối” để tổ chức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đảm bảo thực hiện tốt việc bồi dưỡng theo nhu cầu của từng cá nhân; phát huy hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn trong nhà trường giúp cho đội ngũ giáo viên chủ động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ 8: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị..., đầu tư kinh phí cho công tác bồi dưỡng giáo viên. Tham mưu và đề xuất vói UBND các cấp các cơ chế, chính sách của địa phương cho công tác bồi dưỡng thường xuyên.
Thứ 9: Công tác quản lý, chỉ đạo phải cụ thể, sát sao và hết sức linh hoạt. Triển khai nghiêm túc và hiệu quả việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm đối với mỗi giáo viên trên tinh thần lựa chọn các hình thức đánh giá linh hoạt, phù họp với đối tượng và hình thức tổ chức bồi dưỡng.
Sử dụng tốt kết quả bồi dưỡng thường xuyên trong đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và việc thực hiện các chế độ chính sách khác, góp phần thiết thực trong công tác phát triển đội ngũ. Đảm bảo việc báo cáo kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm theo đúng quy định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét