SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Làm gì để xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao?

 


Thứ Tư, 27/09/2023, 07:41

Nghị quyết 35/NĐ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ cần thu hút các nguồn lực đầu tư cho xã hội, cho giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ khuyến khích, tạo nhiều điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho GD-ĐT ở tất cả các cấp học, lĩnh vực đào tạo.

Đặc biệt, Nghị quyết 35/NĐ-CP đã chỉ rõ xã hội hóa cho GD-ĐT phải được xem là một chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Làm gì để xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao? -0
Việc liên kết trong giáo dục đã tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận nhiều kiến thức mới và phương pháp học hiệu quả.

Với chính sách xã hội hóa (XHH), giáo dục của Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Chất lượng nền giáo dục của Việt Nam được nâng lên 5 bậc, đạt thứ hạng 59 trên bảng xếp hạng quốc tế năm 2021. Việt Nam đã có một số trường đại học trong các bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, Việt Nam cũng đạt kết quả cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA.

Tuy nhiên, do giáo dục là một ngành đặc biệt quan trọng và đặc thù, bởi kết quả của quá trình GD-ĐT không chỉ tạo ra nguồn nhân nhân lực cho đất nước mà còn là xây dựng một thế hệ trẻ, tương lai có đạo đức tốt, năng lực sáng tạo, thể chất khỏe mạnh là trụ cột của quốc gia. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai XHH, cần phải có những mục tiêu rõ ràng, chiến lược phù hợp với định hướng phát triển giáo dục mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra.

Theo đó, cần xác định vai trò của các bên liên quan tới quá trình XHH trong giáo dục là ngành giáo dục (cơ quan quản lý nhà nước, các trường học); các đối tác, doanh nghiệp tham gia cung cấp, hợp tác vào quá trình phát triển giáo dục; phụ huynh, học sinh, là đối tượng thụ hưởng và sử dụng trực tiếp các dịch vụ, cơ sở hạ tầng, phương pháp trong giáo dục…

PGS. TS Ngô Văn Cẩm, Viện Quản trị và Công nghệ FSB (Trường Đại học FPT) cho rằng, vai trò của cơ quan quản lý giáo dục là tiền đề quan trọng đầu tiên để dẫn dắt, định hướng quá trình XHH trong giáo dục. Bởi vì, khi có những nghiên cứu, thẩm định, đánh giá về các chương trình XHH, từ đó các cơ quan quản lý này mới đưa ra các thông tư hướng dẫn, quy định làm cơ sở pháp lý để các trường, hiệu trưởng các trường triển khai thực hiện nhằm đảm bảo lợi ích của học sinh nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Theo đó, Sở GD-ĐT sẽ thẩm định và đánh giá nội dung dạy/tài liệu dạy. Các trường học chọn lựa các đơn vị đáp ứng đủ các điều kiện, đồng thời phù hợp với nhu cầu của phụ huynh để liên kết, tổ chức các hoạt động giáo dục tại nhà trường. Chương trình giảng dạy tại các trường đều được Sở GD-ĐT yêu cầu phải theo dõi, báo cáo định kỳ để bảo đảm thực hiện đúng theo hướng dẫn chuyên môn hằng năm cũng như đánh giá hiệu quả thực chất của mỗi chương trình. Ngoài ra, việc thẩm định hồ sơ nhân sự của các giáo viên, huấn luyện viên tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục, bảo đảm có đầy đủ minh chứng về năng lực cũng được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Trường học có vai trò khảo sát nhu cầu học tập thực tế của học sinh theo số đông và bố trí, tạo điều kiện một cách khoa học, công bằng về tổ chức lớp, người học, môn học.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp là đối tác cùng tham gia vào quá trình XHH của ngành giáo dục, khi đầu tư cho giáo dục phải xác định mục tiêu các bên cùng có lợi. Bên cạnh lợi nhuận, các chủ đầu tư phải đặt mình vào mục tiêu chung của quốc gia, vì sự phát triển của sự nghiệp GD-ĐT và vì lợi ích của học sinh. Có như vậy, mục đích, ý nghĩa của XHH trong giáo dục mới đạt kết quả cao.

Tiến sỹ toán học Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Thực tế triển khai đã chứng minh mô hình hợp tác công - tư trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích lớn. Nhưng quá trình thực hiện, chúng ta cũng cần tránh vơ đũa cả nắm, phản biện đúng mực để khích lệ những người làm giáo dục”.

Một trong những hình thức XHH trong giáo dục hiện nay đang được phổ biến trên phạm vi rộng của cả nước đó là triển khai hình thức dạy liên kết ở các môn tự chọn. Do đó, để phát huy vai trò của các bên cũng như tạo điều kiện để hình thức XHH này đi đúng mục tiêu và đem lại lợi ích, hiệu quả cần xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể.

Trong những năm qua, trên phạm vi cả nước, XHH trong giáo dục làm cho hệ thống giáo dục năng động hơn, hiệu quả hơn. Vấn đề là phải kết hợp được một cách hợp lý, có hiệu quả các mặt tích cực giữa tài trợ và vận hành của cơ chế công - tư trong mỗi loại hình với cơ sở pháp lý vững chắc. Từ đó, nhằm thu hút nhiều hơn và bền vững sự đầu tư cũng như hợp tác từ khối tư nhân.

Để cụ thể hóa cho việc đẩy mạnh XHH trong giáo dục, trong nội dung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 có nội dung triển khai dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, cũng như liên kết dạy tiếng Anh trong trường phổ thông đã huy động nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tham gia vào quá trình đưa các chương trình, phương pháp giảng dạy mới của thế giới vào Việt Nam.

Chương trình XHH này đã giải quyết thực trạng nhiều nhà trường thiếu giáo viên (đặc biệt là giáo viên có chất lượng), thiếu công nghệ dạy học, thiếu chương trình có bản quyền… Do đó, khi hợp tác với  các công ty giáo dục có những khả năng đáp ứng, giải quyết các vấn đề trên, nhà trường có thể hợp tác để tổ chức học ngay trong những tiết tăng cường. Việc này giúp cho học sinh đỡ phải di chuyển ra các trung tâm học với mức học phí cao hơn (gây lãng phí cho gia đình và xã hội), đồng thời thuận tiện cho nhà trường theo dõi học sinh học tập.

Có thể nói, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về XHH trong giáo dục, đặc biệt là tổ chức XHH trong các môn tự chọn, dạy liên kết như tiếng Anh tăng cường, STEM, rèn kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã đầu tư, chuẩn bị từ sớm để triển khai giảng dạy môn tích hợp trong trường THCS. Bây giờ phải kiên trì, quyết liệt làm, vì nó có lợi cho học sinh. Trong từng môn, Sở GD-ĐT sẽ có khung chương trình phân tiết cho giáo viên bản ngữ dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, vẫn có giáo viên Việt Nam dạy bằng tiếng Việt dựa trên khung chương trình Bộ GD-ĐT, với nguyên tắc không trùng lắp và bổ sung kiến thức lẫn nhau.

Theo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, hướng tới mục tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Bên cạnh các đầu tư công, thành phố có cơ chế, giải pháp đặc thù, chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công - tư, kích cầu, xã hội hóa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates