Đối với các trường công lập, nhà trường được ngân sách chi cho các hoạt động mua sắm trang thiết bị chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, với các thiết bị như điều hoà, tivi..., muốn trang bị cho lớp học, cần phải vận động xã hội hóa.
Để đáp ứng việc giảng dạy, học tập theo hướng chuyển đổi số, nhà trường phải khéo léo, công khai, để vận động xã hội hoá từ phụ huynh trong việc mua sắm trang thiết bị trên. Điều này nhằm tránh sự bức xúc của phụ huynh học sinh cho rằng, nhà trường lạm thu.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trịnh Kim Thoa (Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đoàn Kết, Tân Lạc, Hoà Bình) cho hay, nhà trường có nhiều học sinh ở vùng III (xã đặc biệt khó khăn), các em được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ được trợ cấp gạo, tiền theo Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn, nên trong những năm học trước đây, nhà trường chỉ vận động xã hội hoá phụ huynh lớp 10 để mua rèm cửa cho lớp học, nhằm tránh nắng chiếu vào phòng. Việc vận động xã hội hoá trên được thực hiện theo quy định tại Thông tư 16/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lớp học của trường Trung học phổ thông Đoàn Kết được trang bị rèm cửa. (Ảnh: NVCC) |
Đến khi học sinh ra trường, phụ huynh các lớp sẽ tự thanh lý rèm cửa hoặc thanh lý lại cho nhà trường để thanh lý lại cho phụ huynh có con em học khóa sau.
Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc vận động xã hội hoá tại đơn vị chưa bao giờ là dễ dàng, tuy nhiên khi nhà trường phân tích giá trị của việc đóng góp mua sắm đồ dùng thiết đáng cho con em, và quyền quản lý sử dụng là của phụ huynh, khi đó phụ huynh rất đồng tình ủng hộ.
Theo đó, nhà trường chỉ là đơn vị giới thiệu nơi cung cấp thiết bị và ban đại diện phụ huynh sẽ đứng ra thu tiền, mua thiết bị. Hợp đồng mua bán, tài sản sẽ do lớp và phụ huynh bảo quản.
"Nếu như nhà trường và phụ huynh cùng đồng thuận, mọi việc có kế hoạch, minh bạch, công khai thì làm việc gì cũng dễ dàng", cô Thoa chia sẻ.
Cô Thoa cho hay, hiện tại, máy chiếu của nhà trường được một trường trung học phổ thông ở tỉnh Bắc Ninh tặng lại và cũng đã sử dụng được 5 năm. Theo thời gian, máy chiếu cũng đã xuống cấp. Nhà trường dự kiến vận động xã hội hoá phụ huynh để mua máy chiếu hoặc tivi có kết nối internet trong năm học 2023-2024 cho 15 lớp học. Mỗi lớp có khoảng 35-40 học sinh, các em dự kiến sẽ đóng góp 250-300 nghìn đồng/học sinh nếu mua tivi với giá dự tính khoảng 10 triệu đồng/cái.
"Chúng tôi cũng sẽ xã hội hóa là vận động phụ huynh mua sắm thiết bị lớp học trên, bởi vì kinh phí nhà nước cấp không có nguồn để trang trải cho việc mua sắm trên. Nhà trường làm đúng theo quy định là phụ huynh sẽ không bức xúc", cô Thoa chia sẻ.
Về việc vận động xã hội hóa, nhà trường triển khai nội dung tới đội ngũ giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với phụ huynh các lớp để lấy ý kiến và có biên bản.
Việc bàn bạc, hỏi ý kiến phụ huynh cho việc mua sắm trên thông qua hội nghị phụ huynh vào đầu năm học. Phụ huynh sẽ là người đứng ra làm hợp đồng mua thiết bị và họ cũng sẽ giải quyết việc thanh lí khi các con tốt nghiệp.
"Nếu như phụ huynh không đồng ý cho việc mua sắm trên, nhà trường cũng sẽ phải dừng kế hoạch lại", cô Thoa nhấn mạnh.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn, bởi vậy đến nay trong các phòng học chưa có máy điều hoà. Nhà trường cũng chưa có dự định vận động xã hội hoá việc mua sắm này, vì kèm theo chi phí cao là tiền điện hằng tháng.
Cô Nguyễn Thị Thúy (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đà Bắc, Hòa Bình) chia sẻ, người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên nhà trường chỉ thực hiện một hoạt động xã hội hóa với học sinh lớp 10.
"Nhà trường chỉ vận động xã hội hóa phụ huynh lớp 10 mua tivi để cho học sinh học tập. Phụ huynh sẽ tự lắp, tính toán chi phí hợp lý, đến khi con em học hết lớp 12 phụ huynh sẽ tự thanh lý điều hòa", cô Thúy chia sẻ.
Ngoài ra, học sinh lớp 10 vào trường, mỗi em sẽ tự mua ghế sắt để ngồi khi có sự kiện ở sân trường. Đến khi tốt nghiệp, học sinh sẽ mang về nhà.
Đối với 6 khoản thu được nêu trong Nghị quyết 164của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhà trường đều công khai để phụ huynh nắm bắt được.
"Nghị quyết 164 ra đời tạo sự thống nhất trong các khoản thu của nhà trường và công khai tới phụ huynh", cô Thúy chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề xã hội hóa, cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tân Lập, Hà Giang) cho hay, nhà trường thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) nên các chi phí học tập của học sinh được nhà nước hỗ trợ.
"Hội phụ huynh trong trường có nhiệm vụ phối hợp với nhà trường trong công tác duy trì sĩ số, vận động học sinh đến trường. Việc vận động xã hội hóa theo quy định của tỉnh là không có thu", cô Chung chia sẻ.
Theo lãnh đạo nhà trường, để chuẩn bị cho năm học mới hằng năm, nhà trường sẽ cùng phụ huynh dọn dẹp chuẩn bị cho khuôn viên, lớp học sạch đẹp.
Đối với học sinh nơi đây, học sinh được hưởng chế độ ăn bán trú (ăn ở tại trường từ thứ Hai đến hết thứ Sáu) miễn học phí. Việc học sinh ăn ở học tập tại trường, điều này giúp phụ huynh cũng rất an tâm khi họ đi làm ăn xa nhà.
"Nhiều học sinh trong kì nghỉ hè còn gọi điện hỏi giáo viên là bao giờ được đến trường. Bởi khi đến trường, học sinh được ăn ngon, được sinh hoạt vui chơi, ở nhà lâu các em cũng buồn.
Bởi lẽ, ngoài giờ lên lớp, học sinh sinh hoạt tại trường còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa như trồng trọt, chăn nuôi....", cô Chung cho hay và thông tin thêm, đến nay, đơn vị đã chuẩn bị trang thiết bị cơ sở vật chất đều đã đầy đủ cho năm học mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét