SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Xã hội hoá ở Nghị quyết 35/NQ-CP là chủ trương lớn cần hiểu đúng và làm đúng



0:000:00
0:00
GDVN-Nghị quyết số 35/NQ-CP được xem là đường hướng để hoàn thiện thể chế thúc đẩy “xã hội hoá” trong lĩnh vực “quốc sách hàng đầu”.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chính sách về xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, năm 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2020. Đây được xem là đường hướng để hoàn thiện thể chế thúc đẩy “xã hội hoá” trong lĩnh vực “quốc sách hàng đầu”.

Huy động các nguồn lực xã hội để tạo bước chuyển biến…

Mục tiêu mong đợi của Nghị quyết 35 là nhằm “tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết đã xác định các mục tiêu cụ thể cho từng cấp học như:

“- Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.

- Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 2,3% và 2,6%; đến năm 2025, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập là 2,7% và 3%.

- Đối với giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%.

- Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ 40%”. 

Ảnh minh hoạ: T.L

Ảnh minh hoạ: T.L

Các mục tiêu này được xác định dựa trên quan điểm Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo”. “Việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo không để thay thế mà là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo”. 

Hoàn thiện thể chế là giải pháp ưu tiên

Khi phân tích, đánh giá các nguyên nhân hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện “chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo”, Nghị quyết nhấn mạnh: “Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành.... Chính vì vậy hoàn thiện thể chế phải là giải pháp ưu tiên.


Tiếp tục đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29

Bên cạnh việc rà soát hệ thống các văn bản, chính sách về xã hội hóa đã ban hành,… để kịp thời cập nhật những chủ trương, định hướng mới thì việc triển khai “hoàn thiện khung khổ pháp lý về địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục…” được xem là rất quan trọng. 

Một vấn đề cũng rất quan trọng rất cần phải ưu tiên triển khai là “xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.Dù công lập hay ngoài công lập thì đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng phải cần được chú trọng song hành với các chủ trương lớn.

Ngoài ra, Nghị quyết 35 cũng đề cập đến giải pháp “cải thiện môi trường đầu tư” “nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, minh bạch”; “tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo”. Đây là vấn đề không kém phần quan trọng, bởi lẽ huy động các nguồn lực xã hội không chỉ có ở vật chất, mà còn ở trí tuệ. Huy động được nguồn lực trí tuệ đóng góp cho giáo dục và đào tạo, chắc chắn chúng ta sẽ có được một tương lai tốt đẹp.

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập là giải pháp được quan tâm

Giao quyền tự chủ là một chủ trương lớn, đã được xác định là nhằm đổi mới quản trị đại học theo hướng hiệu quả, hiệu lực. Đây là vấn đề mới so với “cơ chế quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập” hiện nay, liên quan đến nhiều lĩnh vực như tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản, phân phối thu nhập, hợp tác, liên doanh, liên kết, cung ứng các dịch vụ... Nghị quyết 35 chú trọng tới các giải pháp sau:

"- Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục theo cơ chế thị trường, trong đó xác định rõ các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ;

- Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tăng đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục để từng bước tăng nguồn thu đảm bảo chi thường xuyên. Thúc đẩy áp dụng cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục công lập, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính;

- Từng bước thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong giáo dục, trước mắt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục".


Tự chủ đại học và những giải pháp cần thực hiện để có tự chủ đích thực

Bên cạnh đó, nhằm góp phần tăng cường trách nhiệm “giải trình xã hội” của các cơ sở giáo dục, công tác “bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục” cũng được Nghị quyết 35 nhấn mạnh. Đặc biệt là “thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo”“tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề xã hội hóa đối với các cơ sở giáo dục công lập cũng như ngoài công lập” nhằm sớm phát hiện các bất cập, khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.

Nhìn chung, để triển khai Nghị quyết 35, Chính phủ đã phân công rất cụ thể đối với từng mảng công việc cho các Bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thì Nghị quyết 35 phân công nhiệm vụ như sau: 

"- Xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương; ưu tiên lồng ghép các vấn đề xã hội hóa, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương;

- Thực hiện và rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng: không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm; tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao; đẩy mạnh tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập với lộ trình phù hợp cho từng cấp học; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập;

- Thực hiện việc bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, chú trọng bảo đảm giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư; thực hiện bồi hoàn thỏa đáng cho những nhà đầu tư đã ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xã hội hóa theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời xác nhận ưu đãi thuế (kể cả trong và sau thời gian xây dựng); xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư;

- Có giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tại các địa phương đông dân, khu công nghiệp, khu chế xuất) từ nguồn ngân sách địa phương, phù hợp với khả năng huy động của ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng các yêu cầu về công khai mức học phí, công khai tài chính và cam kết chất lượng".

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn biến bất thường khiến cho 3 năm vừa qua thực hiện Nghị quyết nhưng chưa có nhiều chuyển biến. 

Chỉ còn 3 năm nữa là hoàn thành giai đoạn 2019-2025 mà Nghị quyết 35 đưa ra, rất cần sự vào cuộc tích cực của các Bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, triển khai cụ thể để “tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế” như mục tiêu đề ra. Song vấn đề cần quan tâm trước tiên là cần hiểu đúng và thực hiện đúng!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates