23/04/2020
Dạy học trực tuyến không phải chỉ là chủ đề đang được quan tâm của ngành giáo dục mà trên nhiều diễn đàn gần đây. Phụ huynh nói về dạy học trực tuyến, sinh viên nghĩ về dạy học trực tuyến… Không dừng ở đó, viết về dạy học trực tuyến cũng là một điểm đến có sức hút của nhiều người… Khổ hơn khi dạy học trực tuyến có thể xuất trend thành công trên mạng xã hội… Những lo lắng, trăn trở của người dạy, người học và cả những người học cùng, quan sát cùng đáng để suy ngẫm. Trong việc dạy học trực tuyến thời điểm này, “huyệt” và “tử huyệt” đã phơi bày.
Điều này không chỉ là bài toán các nhà giáo dục ở Việt Nam lo lắng mà cả những chuyên gia giáo dục trực tuyến có kinh nghiệm và bản lĩnh trên thế giới đang loay hoay với con số 75% đến 85% chưa hài lòng hay thậm chí không kết thúc khóa học trực tuyến toàn phần.
XIN ĐỪNG ĐIỂM HUYỆT
Điểm huyệt lần 1: Thời gian học trực tuyến
Trong thời gian gần đây, việc học trực tuyến không chỉ tiến hành cho sinh viên mà còn được tổ chức cho học sinh các cấp. Không chỉ học sinh mà các bậc cha mẹ cùng học trực tuyến với vai trò người đồng hành. Thời gian, thời lượng là vấn đề bắt đầu dẫn đến sự tranh luận, sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. Hôm qua, chị MM ở một diễn đàn xoay quanh bài báo về thời lượng học tập trực tuyến than thở: Thấy con dán mắt vào màn hình mới sợ làm sao… Thời gian mình thì cứ đếm từng phút nhưng cô thì cứ nói và nói ôi thôi không biết dứt khi nào… Trẻ lớp 7 mà phải ngồi gần 72 phút thì sao chịu nổi… Xót con thật sự!
Thời gian học trực tuyến còn là chủ đề tranh luận của các giảng viên và các nhà khoa học có ứng dụng CNTT và dạy học trực tuyến. Một giảng viên cũng có quan tâm và có hình ảnh về vấn đề này viết hẳn lên mạng xã hội: Phần mềm này giới hạn 40 phút là không có ý nghĩa sư phạm gì cả, mà chỉ muốn lấy tiền. Chưa dừng lại ở đó, một bài viết với nhan đề thẳng băng: Học sinh tiểu học không cần học online như một tuyên bố xanh rờn – không biết có trách nhiệm đến đâu! về dạy học trực tuyến và tương lai của công dân thời 4.0!
Có thể khẳng định thời gian học tập trực tuyến cần phải hiểu đúng nghĩa của từ trực tuyến. Hiện nay, cách dùng từ học từ xa, học có ứng dụng CNTT, học trực tuyến, elearning làm cho nhiều phụ huynh và cả nhiều người choáng ngợp. Thế nhưng, dù muốn dù không, về mặt nguyên tắc sư phạm, thời gian luôn phải là một tiêu chí không thể thay đổi trên đối tượng học tập. Mỗi lứa tuổi có đặc điểm tâm lý mà rõ nhất là sự chú ý và tri giác không thể như nhau. Đừng trao cho người học một ít tri thức, váng thêm chút màu của hiểu biết để đánh đổi cả sự chịu đựng quá sức và nguy cơ về mắt, cột sống… và nguy hại nhất là cảm xúc sợ hãi, lo âu. Không phải ngẫu nhiên khi trẻ em mẫu giáo từ lớp mầm, chồi, lá đều chỉ có thể chú ý liên tục trong hoạt động 5 – 7 phút để việc tổ chức của giáo viên linh hoạt, thay đổi. Hay tiết học của học sinh tiểu học thống nhất chỉ là 30 đến 45 phút. Với người trưởng thành – trong đó có sinh viên, việc tham gia các khóa học eLearning, một trong những yêu cầu đánh giá về khóa học và thời gian phù hợp và khả thi, hiệu quả. Với 2000 phiếu khảo sát nhanh, không phân biệt các đối tượng, có gần 50% cho rằng thời gian học trực tuyến vẫn là 1 tiết với 45 phút. Còn lại trên 45 phút gần 20% thông qua kết quả khảo sát này cập nhật vào ngày 9.4. Thế nên, thời gian là huyệt đầu tiên cần cẩn trọng để có thể điều chỉnh nhanh chóng hiện nay nếu có ứng dụng CNTT trong dạy học hay eL.
Điểm huyệt lần 2
Có thể nói khi chúng ta khuyến khích dạy có ứng dụng CNTT để học từ xa hiện nay (không phải chơi chữ mà là đúng nghĩa của nó) hay các khóa học eL, vẫn không ít huyệt lồ lộ của một số thầy cô được phơi bày khi không bắt đầu từ động cơ đúng nghĩa của công tác tổ chức dạy học từ các nguyên tắc sư phạm. Cụ thể, một giảng viên trình bày về vấn đề động cơ cho hơn 3000 người xem và rất vui vẻ bởi phát pháo đầu tiên của mình mang tính thu hút! Đúng nhưng sai, sai bởi vì người xem là ai, chuẩn đầu ra hay yêu cầu cần đạt của bài dạy này là gì? Tại sao các học viên ở các trình độ khác nhau đều có thể hài lòng và yêu thích về phần trình bày hay trình diễn này? Bởi đó chỉ là trình diễn chứ không phải là một bài dạy tuân thủ nguyên tắc sư phạm: yêu cầu cần đạt khớp hay tương thích với đối tượng và đối tượng phải sở hữu yêu cầu cần đạt sau khi học.
Hay một trường hợp khác ở trường trung học phổ thông, môn Lý được chuyển tải bởi một thầy giáo “hot” trung niên… Và một học sinh phát hiện điều thầy nói không còn tồn tại ở chương trình 3 khối lớp… Thầy đành ứng xử: Thử xem các em biết không ngay trên diễn đàn học tập của Trường? Ở đây không nói về chương trình học như tính pháp lý mà nội dung bất kỳ tri thức hay kỹ năng nào khi trình bày cần làm rõ nó đạt mục tiêu gì, hướng đến đâu. Điều này cần được tuân thủ ngay cả khi ứng dụng cho các hoạt động có màu sắc, thư giãn,… lúc dạy học có ứng dụng CNTT hay eL như: trò chơi, thi đua… Nguyên tắc sư phạm và đạo đức sư phạm không thể cho phép chúng ta thoải mái và vô tư với các hoạt động dạy học của mình và vì thế, cần nhất phải có sự đầu tư về mục tiêu dạy học, chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt ngay cả một video clip con con hoặc một tài liệu, bài tập, Infographic gửi đến người học bằng người bạn “ít phản hồi: internet”.
TỬ HUYỆT CỦA ELEARNING LÀ: KỊCH BẢN SƯ PHẠM TRỰC TUYẾN
Sẽ còn nhiều “huyệt” của việc dạy có ứng dụng CNTT để học từ xa hay e-Learning như: đánh giá thế nào trên eL, làm sao để có thể biết được người học đang học thật hay chỉ mở hệ thống để đó, việc điểm danh sẽ diễn ra thế nào, làm sao để biết sản phẩm ấy thật sự của người học… Và một trong những nỗi lo lớn nhất đó là làm sao để người học hài lòng. Tất cả điều này và cả hai phân tích trên đều xuất phát từ một “tử huyệt” đáng sợ nhất của eL: kịch bản sư phạm trực tuyến.
Mong đợi của người học việc học lý thuyết (bài giảng, video clip, bài đọc) càng ít so với hoạt động trực tuyến (như tự học, làm việc cộng tác và chia sẻ với người khác) thì càng tốt. Triết lí “Learn by Doing”, khai thác nhằm làm cho người học được trải nghiệm những gì học qua các hoạt động trực tuyến mà không phải học một cách “khô khan”, “tẻ nhạt” là những gì cần đáp ứng. Các hoạt động dạy học phải gắn kết các tri thức cần truyền đạt và “lồng ghép” các phương pháp/kĩ thuật dạy học tích cực dựa trên nền tảng công nghệ ICT phù hợp đảm bảo tính hiệu quả và sự hấp dẫn người học. Ngoài ra, vấn đề “cá nhân hóa” việc học (individualized learning), cho phép việc học tập xảy ra một cách ngẫu nhiên, hoặc tùy chọn đối với người học trên một tập các hoạt động tự học/tự nghiên cứu, hoạt động nhóm, và hoạt động cộng tác (set of learning activities) đã được thiết kế sẵn (Long Le, 2014). Tất cả những điều này là nền tảng là cơ sở quan trọng mà chúng ta cần nhìn xa hơn, khoa học hơn nếu có “chìa khóa” đầy tiềm năng: kịch bản sư phạm trực tuyến.
Thật ra, thuật ngữ kịch bản sư phạm của một khóa học trực tuyến hay nói tắt là kịch bản sư phạm trực tuyến không phải là điều quá mới lạ nhưng nó vẫn là thách thức cần tìm hiểu và vượt qua. Nói đơn giản, khi chúng ta muốn trình bày một bài thuyết trình, cần làm rõ phải chuẩn bị gì, làm sao; lúc nào ta nói, người nghe sẽ nghe; lúc nào ta cần khuấy động không khí, lúc nào cần hỏi đáp, lúc nào cần hỏi nhanh để phá trạng thái buồn chán… Hoặc dạy học trực tiếp, chúng ta cần lắm giáo án, kế hoạch dạy học, kịch bản sư phạm thì eL rất cần: kịch bản sư phạm trực tuyến.
Kịch bản sư phạm trực tuyến dựa trên thuật ngữ kịch bản sư phạm. Kịch bản sư phạm có thể xem là, “sự tổ chức, bố trí các hoạt động cho người học nhằm đạt mục tiêu dạy học và được thiết kế theo hướng của một vở diễn”. (Huỳnh Văn Sơn, 2017). Để có một kịch bản sư phạm tốt, người thiết kế kịch bản phải nắm vững những nội dung tri thức nào cần truyền đạt? và đối tượng người học là ai? để từ đó xây dựng thành các hoạt động học tập có khả năng gây “hứng thú” và “bất ngờ” đối với người học.
Kịch bản sư phạm trực tuyến được hiểu là tổng hợp các hoạt động học tập (diễn ra trong một môi trường học ảo một cách nghệ thuật bởi sự tổ chức của người thiết kế khóa học. Trong đó, các hoạt động được xây dựng dựa trên yêu cầu cần đạt, yêu cầu sư phạm như một cơ sở cần tuân thủ. Trong kịch bản sư phạm trực tuyến, hoạt động của người dạy được tiết chế và kiểm soát, hầu như tập trung chủ yếu ở việc giám sát, quản lý, phản hồi tức thời khi người học có nhu cầu. Người học sẽ chủ động tham gia các hoạt động phong phú và đa dạng hóa nhằm tạo sự hấp dẫn, gắn kết người học trong suốt quá trình tự học trên hệ thống hướng đến mục tiêu học tập.
Xuất phát từ thực tế hiện nay trong mùa dịch cũng như ở thì tương lai, không thể phủ nhận sự hữu ích của dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, muốn dạy học trực tuyến hay sử dụng elearning, cần lưu ý:
Một là, khi dạy có ứng dụng CNTT để học từ xa, cần thiết phải chuẩn bị kịch bản sư phạm trực tuyến. Kịch bản này ít nhất cần làm rõ, đối tượng học, nội dung học đáp ứng mục tiêu gì, thời gian tổng thể ra sao, thời gian từng phần thế nào. Song song đó, phải đảm bảo các ý tưởng hoạt động hợp lý, có trọng tâm, đáp ứng chuẩn đầu ra của bài học và mang đến cho người học cảm xúc tích cực, hứng thú… và cả sự trông chờ vào buổi học kế tiếp. Các yêu cầu cơ bản về mặt sư phạm cũng là yếu tố không thể bỏ qua như: thời gian phù hợp độ tuổi, có sự hỗ trợ về kỹ thuật học từ xa có ứng dụng CNTT, ngôn từ sư phạm, đánh giá mang tính động viên
Hai là, với các khóa học eL dành cho người trưởng thành, vấn đề quan trọng nhất không phải là phần mềm, càng không phải là yếu tố kỹ thuật CNTT thuần túy. Mà đó là sự hiểu biết đích thực về eL mà trong đó phải bao phủ được các kiến thức hệ thống về dạy học trực tuyến. Nổi rõ nhất là phải đầu tư sâu về kịch bản sư phạm trực tuyến bởi đó là “chìa khóa” quan trọng như một vũ khí chắn tử huyệt của mỗi giảng viên, mỗi khóa học hay thậm chí mỗi cơ sở đào tạo. Vấn đề này không chỉ là tầm nhìn mà phải là hành động đích thực bởi eL không phải là kiểu tạm thời, tình thế mà là một dấu ấn của công nghệ giáo dục trong đào tạo hiện nay. Chỉ khi người dạy hiểu đúng về kịch bản sư phạm trực tuyến, biết đánh giá kịch bản sư phạm trực tuyến, biết các bước xây dựng và phát triển, biết làm chủ và triển khai kịch bản sư phạm của mình bằng cả nội lực sư phạm và đạo đức sư phạm mới thật sự là người giảng viên trong thời kỳ cách mạng 4.0.
THAY LỜI KẾT
Cái khó có thể làm ta nản chí hay sáng tạo và đầu tư bài bản để vươn lên là tư tưởng cần có hiện nay. Giận hay trách dịch, hờn hay ghét “cô vi” cũng có thể, nhưng không cho phép bản thân giảng viên dễ dãi với chính mình trong đào tạo trực tuyến. Điều dễ thấy là việc dạy có ứng dụng CNTT để học từ xa hay eL – chưa kể ở mức độ nào (trực tuyến một phần, trực tuyến kết hợp trực tiếp hay trực tuyến hoàn toàn) phải xác nhận và cam kết một cách có đạo đức ngay từ việc dùng từ. Và mỗi nhà quản lý cần có trách nhiệm đầu tư bài bản, có tầm, đúng trọng tâm để những giảng viên có trách nhiệm sẽ được một băng chuyền đích thực mà không phải là sự hà hơi, tiếp sức tạm thời…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét