SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

PGS.TS NGUYỄN ÁNH TUYẾT – Con dâu học giả Phạm Quỳnh, là người đặt nền móng xây dựng khoa học Giáo dục Mầm non

 


Linh Thi

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là toàn văn bài của Linh Thi, đăng trên Bản tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 32 (5,6,7/2009) trên các trang từ 40 đến 43, vốn có nhan đề là PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết người đặt nền móng xây dựng khoa Giáo dục Mầm non. Nhan đề bài này là của chúng tôi


*  *

Cuộc đời mỗi con người đều có một chút duyên – tôi nghĩ vậy – nhờ đó mà được gặp người này, người khác, để rồi tự coi đó là điều may mắn. Nhưng rồi, vì sự nghiệt ngã của thời gian, với qui luật sinh lão bệnh tử, mới ngày nào người đó còn ngồi trò chuyện, nay đã phiêu du trong sự mênh mông im lặng của ý thức, miên man bất tận như một giấc ngủ say. Người ấy mới ngày nào còn ngồi trò chuyện nay đã chia xa vĩnh viễn, người nơi trần thế, người chốn tuyền đài. Mỗi người mất đi là cả một tài sản vô giá không còn nữa. Người ta thường nuối tiếc những điều đã mất. Quả đúng như vậy. Với tôi, PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết là một trong những trường hợp đó.

Khi tìm hiểu về giáo dục truyền thống trong các gia đình Việt Nam xưa, đặc biệt là các nhà Nho, các gia đình quan lại, tôi chú ý tới một bài viết của bà Phan Thị Bội Hoàn trên tạp chí Ngày Nay, ký ức về nữ sinh Đồng Khánh một thời. Bài viết điểm mặt các nữ sinh con quan ngày đó mà nay đều thành danh sáng nghiệp. Trong số đó có bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Tôi đặc biệt thích thú với chi tiết viết về bà Nguyễn Thị Phương Thảo, con gái cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, khi đó làm Phủ doãn Thừa Thiên – đứng đầu Kinh đô Huế, mà hàng ngày đi học vẫn mặc váy nâu, chân đi guốc mộc đến trường, giữ nguyên gia giáo, nếp nhà. Khi tiếp kiến bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên Ủy viên Ban Thư ký Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà đã kể lại “ nếp nhà” và chỉ dẫn cho tôi đọc một số tài liệu viết về giáo dục truyền thống trong gia đình của Đạm Phương nữ sử, của PGS. TS Nguyễn Ánh Tuyết. Bà Phương Thảo tâm sự rằng, bà đọc rất nhiều các sách giáo trình đại học hiện nay, nhưng chỉ riêng cuốn giáo trình của cô Nguyễn Ánh Tuyết Giáo dục mầm non – những vấn đề lý luận và thực tiễn ( Nxb Đại học Sư phạm – 2006) là bà thấy tác giả dành hẳn phần III một chương dài Gia đình và trẻ thơ viết về giáo dục truyền thống và vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ thơ. Bà khuyên tôi nên đọc cuốn sách này.

Cùng thời gian đó, tôi quan tâm đến vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình. Tôi đã tiếp xúc với một số vị giáo sư đầu ngành về khoa học xã hội để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp. Nhưng câu trả lời của họ vẫn chưa khiến tôi vừa lòng. Nói một cách khác, nó vẫn chưa trúng vào điểm “tử huyệt”. Chỉ tới khi gặp PGS. TS Nguyễn Ánh Tuyết tôi mới thực sự tìm được câu trả lời thuyết phục nhất. Và qua hai buổi trò chuyện, tôi biết thêm một chút về cuộc sống gia đình cũng như hành trình khoa học của bà. Riêng về gia đình, bà là con dâu của học giả Phạm Quỳnh – một nhân vật lịch sử khá phức tạp – và là vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên – người ghi dấu ấn trong nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam.REPORT THIS AD

PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết sinh ngày 2 tháng 10 năm 1936 tại xã Đồng Hới, nhưng quê gốc của bà ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình cách mạng. Cha mẹ bà người trước người sau đều thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Bà được gửi về quê sống với bà ngoại và dì. Sau đó bà được mẹ đón gửi vào ăn học ở trại Thiếu sinh quân Quảng Trị đóng trên đất Hà Tĩnh, rồi đi học trường Phan Đình Phùng. Đang học dở dang thì có người đến đón lên Nghệ An để “sang Trung Quốc học theo tiêu chuẩn con em cách mạng”.

Sau năm 1954, Nguyễn Ánh Tuyết về nước, bà học khoa Toán trường ĐHSP Hà Nội và tốt nghiệp năm 1963. Vừa tốt nghiệp xong, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội Phạm Huy Thông đã đồng ý theo đề nghị của ban lãnh đạo Tổ Tâm lý – Giáo dục học (lúc đó chưa thành lập khoa Tâm lý Giáo dục) là nhà giáo Nguyễn Hữa Tảo (tổ trưởng) và nhà giáo Nguyễn Lân (tổ phó) mở các lớp Tâm lý – Giáo dục học (thường gọi là lớp chuyên nghiệp) cho những sinh viên đã tốt nghiệp các khóa không chuyên về Tâm lý – Giáo dục như khoa Toán, khoa Văn…. trong thời gian học tập là 2 năm để tạo nguồn bổ sung cán bộ giảng dạy cho tổ. Bà Nguyễn Ánh Tuyết tiếp tục theo học chương trình và năm 1965 khoa Tâm lý – Giáo dục học được thành lập, cùng với Nguyễn Thị Đoan, Lê Khanh, Phạm Ngọc Quỳnh vừa tốt nghiệp, Nguyễn Ánh Tuyết là một trong 30 cán bộ giảng viên của khoa. Lòng yêu nghề, yêu thương sinh viên, đồng thời là sự vươn lên trong nghiên cứu khoa học, năm 1979, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (lúc đó gọi là phó tiến sĩ) trong nước sau biết bao suy nghĩ, tìm tòi, điều tra nghiên cứu tâm lý tuổi thơ đối với Văn học.

Những năm 1980, Đảng và Nhà nước ta coi việc thực hiện chiến lược con người, chuẩn bị cho thế hệ trẻ bước vào thế kỷ XXI phải được bắt đầu từ trẻ lọt lòng.

Trong khi cuộc cải cách giáo dục đang tiến hành một cách cấp bách, sôi nổi và toàn diện, với tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã để nhiều tâm huyết chăm lo cho khu vực đào tạo cô giáo mẫu giáo có trình độ sư phạm. Cụ thể là, bà rất quyết tâm trong việc thành lập Khoa Mẫu giáo (nay là Khoa Giáo dục Mầm non) đặt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược con người đối với trẻ em ngay từ thưở lọt lòng – chăm sóc và giáo dục trẻ em từ 0 đến 6 tuổi theo khoa học.

Đây là một khoa mới, từ trước tới nay chưa hề có trong các trường đại học sư phạm nước ta, do đó, cần phải chuẩn bị chu đáo về mọi mặt: nhân sự, mục tiêu đào tạo, chương trình, giáo trình…Là một khoa đào tạo hoàn toàn mới, lần đầu tiên được thành lập ở nước ta, nên chưa có một hình mẫu nào có sẵn, nhưng lại phải thực hiện những nhiệm vụ thật nặng nề: Đào tạo một đội ngũ cán bộ có trình độ đại học về khoa học giáo dục mầm non cho ngành Mầm non trong cả nước mà trước mắt là đào tạo giáo viên cho các trường Trung học Sư phạm Mẫu giáo; góp phần xây dựng nền khoa học Giáo dục Mầm non (khoa học nuôi dạy trẻ trước tuổi đến trường phổ thông) ở nước ta.

Việc làm đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là lập ra một ban để chuyên tâm lo cho việc này, đó là Ban Trù bị thành lập Khoa Mẫu giáo do TS Nguyễn Ánh Tuyết là Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học Nhân cách, Khoa Tâm lý – Giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội lúc bấy giờ làm trưởng ban.

Có thể coi đây là thời kỳ trứng nước của Khoa Giáo dục Mầm non. Nhân sự lúc đó chỉ có 4 người: PTS Nguyễn Ánh Tuyết cùng với hai cán bộ của khoa Tâm lý – Giáo dục là Đặng Trí Dũng , Trịnh Dân và một chuyên viên của Cục Đào tạo – Bồi dưỡng của Bộ Giáo dục là Lê Thị Ninh. Đến năm 1983, có thêm một số sinh viên mới tốt nghiệp bằng đỏ về giáo dục tiền học đường từ Liên Xô.

Với “hai bàn tay trắng” mà phải gây dựng nên cơ nghiệp của một khoa mới ở một trường đại học sư phạm là một công việc cực kỳ khó khăn với biết bao công việc mới mẻ

Để có hướng đi đúng đắn, Ban Trù bị thành lập khoa Mẫu giáo đã tổ chức các cuộc hội thảo khoa học bàn về việc thành lập khoa Mẫu giáo của trường Đại học Sư phạm Hà Nội với nhiều vấn đề trọng yếu như mục tiêu, chương trình đào tạo, các bước đi. …Năm 1983, một hội thảo với sự có mặt của nhiều nhà khoa học quan tâm đến trẻ em như: GS Tạ Quang Bửu, GS TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, nhà văn hóa – tâm lý học Nguyễn Khắc Viện. GS.TS Hà Thế Ngữ, PGS.TS Phạm Hoàng Gia, GS.TS Lê Quang Long , GS Nguyễn Đình Chú , GS. TS Đặng Vũ Hoạt… được tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội để định hướng cho việc thành lập khoa Mẫu giáo.

Đến tháng 9 năm 1985, chương trình đào tạo của khoa Mẫu giáo trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Hội đồng nghiệm thu của Bộ giáo dục do  PGS Đỗ Bình Trị – Cục trưởng Cục Đào tạo – Bồi dưỡng làm Chủ tịch, đánh giá xuất sắc. Chương trình đào tạo của Khoa Mẫu, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được chính thức thực hiện ngay từ khóa đào tạo đầu tiên (1985) và trở thành một tài liệu tham khảo quý giá cho việc xây dựng chương trình đào tạo của các trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo trên toàn quốc.

Khi mọi công tác chuẩn bị về chuyên môn đã được triển khai tốt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã chỉ thị cho ông Hà Sĩ Hồ – Cục trưởng Cục Đào tạo – Bồi dưỡng giáo viên, chọn cử chủ nhiệm khoa Mẫu giáo. Ông Hà Sĩ Hồ đã nhiều lần trao đổi với bà Nguyễn Ánh Tuyết, nhưng bà đã từ chối vì muốn ổn định công tác lâu dài tại khoa Tâm lý – Giáo dục. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình thấy vậy đã trực tiếp tới nhà riêng bà Nguyễn Ánh Tuyết ở khu tập thể (Trung Tự hay Khương Thượng, tôi không nhớ rõ, chứ không phải khu tập thể N2 – Vạn Bảo hiện nay), thuyết phục. Cảm động trước sự quan tâm của bộ trưởng đối với sự nghiệp giáo dục mầm non và sự quan tâm đối với cá nhân mình, bà Ánh Tuyết đã nhận lời về xây dựng khoa Mẫu giáo.

Sau năm năm thai nghén công phu, vất vả, khoa Mẫu giáo của trường Đại học Sư phạm I Hà Nội đã khai giảng vào ngày 22/11/1985, do PTS Nguyễn Ánh Tuyết làm chủ nhiệm khoa. Năm học 1985 – 1986, đã mở ra một thời kỳ mới mang dấu ấn lịch sử đối với sự nghiệp đào tạo giáo viên mầm non có trình độ đại học mẫu giáo đầu tiên ở nước ta.

Phương châm đào tạo của khoa Giáo dục Mầm non là: cơ bản, Việt Nam, hiện đại, gắn lý thuyết với thực hành, “lấy trẻ làm trung tâm”. Khoa đã cố gắng giúp các nhà khoa học “hóa thân” vào trẻ em, từ đó mà tìm ra những “chất dinh dưỡng” cần thiết cho sự phát triển của trẻ thơ.

Ở khóa đầu tiên, người thực hiện chương trình đào tạo là những cán bộ của khoa Giáo dục Mầm non, họ còn quá trẻ về tuổi đời cũng như tuổi nghề, nhưng lại có chỗ dựa thật vững chắc, đó là các giáo sư, các nhà khoa học của các khoa “đàn anh” trong trường.

PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết trong bài viết Một mầm non trên cây đại thụ nhớ lại:

“Ngay trong bước đi chập chững ban đầu của mình, khoa Giáo dục Mầm non đã may mắn được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều giáo sư và nhiều nhà khoa học như: GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Cảnh Toàn, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, GS Lê Quang Long, GS Trần Kiên, GS Hoàng Xuân Sính, GS Nguyễn Bá Kim, GS Đỗ Hữu Châu, GS Nguyễn Đình Chú, GS Đặng Thanh Lê…. Và nhiều cán bộ giảng dạy lâu năm của trường đã giúp đỡ ý kiến trong chương trình và trực tiếp giảng dạy cho sinh viên. Đối với các giáo sư, các nhà khoa học, thì đây không phải là việc dễ dàng, không phải chỉ là sự thu gọn và đơn giản hóa các bộ môn khoa học đã dạy ở các khoa mà là một sự chọn lọc, tinh luyện, nhào nặn để trở thành những khoa học cho sự phát triển của trẻ em, khác nào sự tinh chế thức ăn, để trở thành sữa mẹ vậy. Trẻ em rất cần tiếp xúc với nền văn hóa của dân tộc và nhân loại nhưng đó là những văn hóa đã được tinh chế cho phù hợp với sức tiếp thu của tuổi ấu thơ. Muốn làm được việc đó, khoa Giáo dục Mầm non không phải chỉ biết khai thác tri thức sâu rộng của các nhà khoa học như khai thác mỏ quý mà còn phải tự nâng mình lên để có thể sử dụng vốn quý đó phù hợp với yêu cầu của mình. Hơn thế nữa, khoa Giáo dục Mầm non đã phải làm một việc phạm thượng, tức là “Mầm non hóa các nhà khoa học.”

Do lòng yêu thương con trẻ và trách nhiệm cao đối với việc đào tạo thế hệ mầm non cho đất nước, các vị đã sẵn lòng đến với khoa Giáo dục Mầm non, chẳng khác gì trong hoàn cảnh một gia đình nghèo, các anh chị lớn phải ăn ngô, ăn khoai trong khi đó lại nhường cho em nhỏ trong nhà được ăn gạo, thịt, cá.

Mầm non đã ra đời tuy lúc đầu còn yếu ớt nhưng nó được mọc trên một thân cây đại thụ nên ngày càng tỏ ra sung sức, khỏe khoắn, đủ sức để trở thành một cành vững chắc trên cây đại thụ Đại học Sư phạm Hà Nội”.

Năm 1992, khoa Mẫu giáo đổi tên thành khoa Giáo dục Mầm non và bắt đầu đào tạo cử nhân khoa học hệ chính quy. Chương trình đào tạo chuyển thành bốn năm, dần hòa nhập với chương trình đào tạo của các khoa khác trong trường Đai học Sư phạm Hà Nội.

Đào tạo cán bộ cho ngành học Giáo dục Mầm non có trình độ cao (thạc sĩ và tiến sĩ) là sự quan tâm đặc biệt của Khoa Giáo dục Mầm non, trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Việc đầu tiên cần đặt ra là phải xây dựng chương trình và chuẩn bị đội ngũ cán bộ đào tạo sau đại học. Bắt tay chuẩn bị đào tạo (1994), khoa Giáo dục Mầm non mới có ba giảng viên có học vị cao (PGS.PTSNguyễn Ánh Tuyết, PTS Ngô Công Hoàn, PTS Đào Thanh Âm), số còn lại đang đồng loạt làm nghiên cứu sinh. Để có được đội ngũ cán bộ đào tạo sau đại học, khoa Giáo dục Mầm non đã tập hợp các nhà khoa học chuyên ngành có học hàm, học vị trong và ngoài trường Đại học Sư phạm Hà Nội là: PTS Ngô Công Hoàn, PTS Đào Thanh Âm, PGS. PTS Nguyễn Ánh Tuyết, GS.PTS Trần Bá Hoành, GS. TS Nguyễn Bá Kim, PGS Trần Trọng Thủy, PGS.PTS Nguyễn Quang Uẩn, PGS.PTS Nguyễn Thạc, PTS Ngô Hiệu, PTS Trần Thị Trọng , PTS Lê Thị Ánh Tuyết… để xin trường và Bộ Giáo dục – Đào tạo cho mở mã ngành đào tạo sau đại học. Các nhà khoa học tham gia làm chương trình và đào tạo.

Với những thành tích to lớn đạt được cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo cả nước, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập khoa Giáo dục Mầm non, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể khoa Giáo dục Mầm non.

Trở lại với đời riêng của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết. Sang Trung Quốc, Nguyễn Ánh Tuyết sống và học tập ở Khu học xá Trung ương Nam Ninh. Tại đây, “một cô bé lang thang từ vùng chiến sự Quảng Bình ra Hà Tĩnh, Nghệ An( Khu Tư) rồi được sang học tập tại Khu học xá Trung ương đã gặp gỡ, yêu thương anh đại đội trưởng trường Thiếu sinh quân Việt Nam (năm 1951 trường Thiếu sinh quân Việt Nam dời sang Quế Lâm để có điều kiện ăn học tốt hơn, và trở thành trường Thiếu nhi Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục). Đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên sau này. Năm 1957, bà trở thành hậu phương vững chắc của ông. Họ sống hạnh phúc bên nhau: người này là điểm tựa cho người kia vươn lên trong sự nghiệp và cuộc sống vốn không ít sóng gió. Ông bà có hai con gái, hai con rể, ba cháu ngoại. Năm 2008, khi tôi được gặp, bà vừa hướng dẫn nghiên cứu sinh, vừa viết sách (do GS.VS Phạm Minh Hạc chủ biên) và đang gấp rút thực hiện hoàn thành bản thảo hồi ký. Cuối năm 2008, bản hồi ký hoàn thành chẵn 200 trang giấy A4 mang tên: Chúng tôi đã sống như thế.

Hai ngày được trò chuyện cùng bà, tôi được phép sử dụng máy ghi âm. Nhờ vậy tôi đã giữ lại được giọng nói của bà. Bây giờ, khi đang ngồi viết bài này, tôi mở máy ghi âm ra nghe lại giọng nói ấy. Tôi thấy khó có thể tin nổi bà đã từ giã cuộc đời này, dù đó là sự thật. Bà ra đi giữa lúc tôi đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp đại học, chỉ đến khi xem trang 8 báo Nhân Dân ngày 12/5/2009. Mục Tin buồn, có tên bà, tôi lặng đi…(Bà mất ngày 11/5/2009 – PT chú).

L.T.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates