Đầu năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục TPHCM đã “rối như canh hẹ” khi vừa hết chuyện bất cập thi cử, bạo lực học đường, lại tiếp tục phải giải quyết tình trạng lạm thu. Nếu không đổi mới ngay công tác xã hội hóa giáo dục sẽ khiến uy tín của ngành giáo dục thành phố bị ảnh hưởng rất lớn.
Cuối tháng 9/2023, dư luận xôn xao về bảng thu chi tiền quỹ lớp đầu năm học tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) lên đến hơn 300 triệu đồng, khiến phụ huynh bức xúc, xã hội ngỡ ngàng. Sau đó, Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) TPHCM vào cuộc xác minh, phát hiện mỗi phụ huynh học sinh của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà đã phải đóng tiền quỹ trung bình từ 10 triệu đồng/người. Đồng thời, đối với tổng khoản thu chi 300 triệu đồng thì sau khi trừ các khoản thu chi thì quỹ lớp 1/2 này chỉ còn dư hơn 50 triệu đồng…Việc lạm thu lẫn lạm chi đã dẫn đến dư luận, phụ huynh ở nhiều cấp học của TPHCM phản ứng dữ dội. Dù rằng, Sở GDĐT TPHCM đã chỉ đạo quận Bình Thạnh phối hợp với nhà trường tổ chức phê bình cả giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2 và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà nhưng đến nay dư luận vẫn rất bức xúc vì hình thức xử lý vẫn có phần “giơ cao đánh khẽ” này của Sở giáo dục thành phố.
Cần nhớ rằng, vụ việc lạm thu lạm chi tại cơ sở giáo dục này chỉ xảy ra ít ngày sau khi vụ việc nhiều phụ huynh học sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10, TPHCM) phản ứng bức xúc về khoản thu mỗi phụ huynh số tiền 1,3 triệu đồng cho phòng học tiên tiến. Trong đó, những học sinh đầu cấp (lớp 10) khi vào trường sẽ phải đóng khoản tiền trên trong vòng 3 năm học. Vào cuộc kiểm tra, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn An Ninh thừa nhận công trình phòng học tiên tiến của trường này vào thời điểm ban đầu đã chưa báo cáo và xin phép Sở GDĐT TPHCM trước khi thực hiện.
Ngoài hai vụ việc điển hình kể trên, Sở GDĐT TPHCM cho biết, riêng năm học 2023 - 2024 Sở đã lên kế hoạch thực hiện 37 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng khiếu nại, tố cáo trong trường học. Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, đối tượng của các cuộc thanh kiểm tra là các cơ sở giáo dục cả trong và ngoài công lập; các phòng giáo dục quận, huyện và TP Thủ Đức; trung tâm ngoại ngữ, tin học, dạy thêm học thêm, kỹ năng sống; các kỳ thi. Việc kiểm tra cũng sẽ tập trung vào các vấn đề nóng của ngành giáo dục thành phố như: bạo lực học đường, an toàn trường học, quản lý thu, sử dụng học phí và các nguồn lực tài chính khác… Có thể nói, chưa lúc nào ngành giáo dục TPHCM lại phải đối diện với nhiều vấn đề bức xúc trong trường học liên quan đến nhiều nội dung nhạy cảm như hiện nay. Điều này gây áp lực trực tiếp đối với các cấp quản lý giáo dục của thành phố nói chung, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phải cấp thiết thực hiện xã hội hóa giáo dục, song hành với việc luật hóa để đảm bảo công bằng, khách quan, minh bạch.
Trở lại thực trạng xã hội hóa giáo dục của TPHCM, sau 3 năm tạm lắng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục của thành phố đã tiếp tục nêu ra nhiều trăn trở, đề xuất xin cơ chế được xã hội hóa để tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Điều này càng được toàn xã hội đặc biệt quan tâm khi từ đầu tháng 9, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án “Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo TPHCM giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Đề án này sẽ giúp mở lối để ngành giáo dục thành phố giải quyết “mớ bòng bong” về hàng loạt các bất cập. Đồng thời, từng cơ sở giáo dục cũng chủ động quyết định về các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp (khối công lập). Đặc biệt, cùng với việc tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, nguồn ngân sách ngoài nhà nước tăng lên từ đóng góp của các nguồn xã hội hóa sẽ là “chìa khóa” để ngành giáo dục TPHCM giải quyết triệt đề vấn đề tồn đọng trong thời gian qua.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét