SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

“Hoạt động chung” và “Hoạt động góc” trong trường mầm non



 

“Hoạt động chung” và “Hoạt động góc” trong trường mầm non

PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết.

Hiện nay ở một số trường mầm non các cô giáo dành rất nhiều công sức cho “Hoạt động chung” và tổ chức hoạt động này giống như một tiết học để thực hiện các nội dung giáo dục chủ yếu được quy định trong Chương trình Chăm sóc và Giáo dục trẻ ở trường MN. Do đó trong chế độ sinh hoạt hằng ngày “Hoạt động chung” thường được ưu tiên xếp vào đầu buổi sáng. Đó là thời gian thuận lợi cho việc học của trẻ có hiệu quả nhất. Điều đó có phần hợp lý nhưng xét trong toàn thể việc tổ chức cho trẻ hoạt động lại có thể gây hiểu nhầm về các khái niệm học và chơi, hơn nữa có thể khiến cho việc tổ chức hoạt động cho trẻ trong trường mầm non khó thực hiện.

Thực ra việc tổ chức hoạt động trong trường mầm non có thể chung cho tất cả các trẻ em trong lớp hoặc theo nhóm nhỏ, thậm chí chỉ cho một vài cháu, sao cho phù hợp với mục đích giáo dục, với điều kiện không gian, thời gian và các phương tiện khác. Điều đó là thuộc về quy mô lớn hay nhỏ của việc tổ chức hoạt động chứ không quy định nội dung hoạt động, nhất là không quy định các dạng hoạt động học hay chơi. Trong thực tế ở trường mầm non, cô giáo có thể tổ chức cho cả lớp chơi một trò chơi đòi hỏi đông người tham gia mới vui mà cũng có thể dạy trẻ học theo nhóm nhỏ hay từng cháu một trong các góc được tạo ra. 

Vấn đề mấu chốt ở đây là hiểu khái niệm học và chơi đối với trẻ mẫu giáo như thế nào, nhất là bản chất của sự học.

Về khái niệm học, theo nghĩa rộng tức là lĩnh hội hay tiếp thu một kinh nghiệm xã hộ nào đó (có thể là một thông tin hay một tri thức, kĩ năng hay một phương thức hành động…) để giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy cuộc sống ở đời ai cũng phải học (cụ già học, con trẻ học, người lãnh đạo học, “phó thường dân” cũng học…). Đương nhiên trẻ em ở tuổi trước khi đến trường phổ thông (tuổi tiền học đường) cũng học. Có điều là cần xác định rõ tuỳ theo độ tuổi, vị thế, nghề nghiệp… của mỗi người mà tìm cho ra kiểu học thoả đáng, phù hợp nhất, có kết quả nhất.

Trẻ em dưới 6 tuổi có nhiều kiểu học, lúc đầu là học phản xạ, tức là học để hình thành các phản xạ có điều kiện, để phát triển các giác quan và vận động (tâm vận động), rồi đến học tự nhiên trong hoạt động thực tiễn (như hoạt động trong vui chơi trong sinh hoạt hằng ngày hay trong các hoạt động khác). Kiểu học này còn được gọi là học kết hợp, bởi lẽ việc tiếp thu kinh nghiệm xã hội được diễn ra trong nhiều hoạt động, có thể là hoạt động với đồ vật, hoạt động vui chơi, có thể là hoạt động nghề nghiệp, hoạt động chính trị… và được thực hiện với bất cứ ai, chỉ có điều là khi tham gia vào một hoạt động nhất định thì chủ thể hoạt động lại đạt được một kết quả khác với mục đích của hoạt động đó, có khi rất ngẫu nhiên. chẳng hạn một em bé hai tuổi rưỡi dùng ống bơ để múc nước tưới cho cây (một loại hoạt động với đồ vật) nhưng khi đến chỗ cây trồng thì nước trong ống bơ không còn một giọt nào. Em bé vẫn kiên trì làm đi làm lại nhiều lần mà nước trong ống bơ vẫn biến đi đâu mất. Tại sao vậy? Bê nước nhiều lần tay đã mỏi bé liền đưa tay khác đỡ vào đáy ống bơ. Em bé bỗng phát hiện ra một “chân lý” rằng muốn chứa nước trong một vật thì đáy của vật đó phải kín! Thế là bằng hoạt động với đồ vật thì em bé học được một tri thức, một phương thức hành động mới rõ ràng kiểu học ở đây là học kết hợp một cách ngẫu nhiên, khi chủ thể không chủ định học nên còn gọi là học không chủ định. Kiểu học này phổ biến nhất và phù hợp nhất là đối với trẻ nhỏ cùng với ý nghĩa đó ngành giáo dục mầm non chúng ta có một phương châm độc đáo với trẻ nhỏ đó là “chơi mà học, học mà chơi”, một phương châm giáo dục mang tình khoa học cao, giúp trẻ tiếp nhận những điều bổ ích một cách tự nhiên (ông tổ của phương châm này chính là nhà giáo dục học lỗi lạc Tiệp Khắc Jan Amos Comensky (1952). Tri thức mà trẻ tiếp nhận bằng kiểu học này chủ yếu là tri thức về cuộc sống xung quanh giúp trẻ biết sống theo kiểu người, sống có văn hoá và là người có tri thức tiền khoa học mà nhà tâm lý học kiệt xuất người Nga Lep Vưgôtxky gọi là tiền khái niệm - những hiểu biết một cách sơ đẳng về thế giới xung quanh.

Cao hơn kiểu học kết hợp mang tình ngẫu nhiên (kiểu học không chủ định) là kiểu học có chủ định, ở đây người học có chủ tâm chiếm lĩnh những tri thức, kỹ năng với mục đích nâng cao trình độ học vấn của mình. Kiểu học này được gọi là học tập, là kiểu học chủ yếu của học sinh phổ thông và bắt đầu từ khi vào lớp 1, học tập đối với học sinh được gọi là hoạt động chủ đạo. Nhờ kiểu học này học sinh mới chiếm lĩnh tri thức khoa học một cách đầy đủ, chính xác và hệ thống, theo các hệ thống khái niệm khoa học được chứa đựng trong chương trình các môn học được cấu trúc lôgíc phát triển của các ngành khoa học tương ứng (Toán học, vật lý học, hoá học, văn học, sử học…). Học tập là một dạng hoạt động phức tạp, cần có một quá trình hình thành lâu dài, với hình thức chủ yếulà tiết học (ypok trong tiếng Nga, leson trong tiếng Pháp), thường đến cuối cấp tiểu học hoạt động này mớic bản đạt được dạng chính thức. Sau này còn có kiểu học cao hơn nữa, đó là kiểu học mang tính chất nghiên cứu khoa học là kiểu học của sinh viên các trường đại học hay kiểu “vừa học vừa làm” của những người lớn khác.

Như vậy, đối với trẻ trước khi vào lớp 1, học và chơi có thể thực hiện đan xen vào nhau và chơi luôn giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù không chủ tâm nhưng trong khi chơi trẻ học được rất nhiều điều bổ ích nếu được người lớn hướng dẫn một cách khoa học, hấp dẫn, phù hợp quy luật phát triển.

Trên con đường lớn lên của trẻ em, giai đoạn phát triển trước tạo ra tiền đề cho giai đoạn phát triển sau và mỗi bước chuyển giai đoạn (bước nhảnh vọt) đều được chuẩn bị từ trước. Bởi vậy, để trẻ vào lớp 1 một cách vững vàng, tự tin cần cho trẻ làm quen với kiểu hoạt động học tập, nói đúng hơn là giúp trẻ làm quen với một số yếu tố hoạt động học tập, có nghĩa là trẻ bắt đầu học nhưng mới chỉ ở dạng sơ khai.

Ở trường mầm non trẻ thường học tự nhiên mọi mơi mọi lúc trong nhiều hoạt động khác nhau, nhờ đó chúng thu nhận được nhiều điều mới lạ làm giàu cho vốn kinh nghiệm của mình. Tuy vậy chỉ bằng cách học không chủ định ngẫu nhiên đó, vốn trí thức thu lượm được của trẻ thường lộn xộn, tản mạn, thiếu chọn lọc, khiến cho hoạt động trí tuệ của trẻ gặp nhiều khó khăn, tốc độ phát triển có thể bị chậm lại. Do đó cần thiết phải bổ sung một kiểu học cao hơn, đó là học có chủ định (tức là học tập) tuy còn sơ khai, còn khác xa với việc học tập ở trường phổ thông, nhưng có thể giúp trẻ chính xác hoá, hệ thống hoá những gì chúng đã thu lượm được. Một hình thức của dạng học tập này cũng gọi là tiết học (có thể gọi là tiết học mẫu giáo để phân biệt với tiết học phổ thông) đó là một khoảng thời gian ngắn chừng vài chục phút, trong đó trẻ tiếp nhận một cách có ý thức một vần đề nhất định dưới sự hướng dẫn của giáo viên mầm non cần cho cuộc sống của trẻ “hay để dành cho tương lai”.

Tiết học mẫu giáo có thể tiến hành trong cả lớp (mấy chục cháu), trong từng nhóm nhỏ cũng có thể cho từng cháu một, nhất là đối với những trẻ phát triển không bình thường (sớm quá, chậm quá hay lệch lạc). Tuy tiết học mẫu giáo còn đơn giản, không chính quy như tiết học phổ thông nhưng mỗi ngày cũng chỉ nên thực hiện một vài lần với cách tổ chức nhẹ nhàng, linh hoạt và việc sử dụng trò chơi phải được gọi là phương pháp dạy chủ yếu. Ở lớp mẫu giáo học không chủ định và học chủ định có thể tổ chức đan xen với nhau, và ở đây ta còn thấy rõ phương châm “chơi mà học, học mà chơi” duy trì có điều là khái niệm học ở hai vế có khác nhau: ở vế đầu khái niệm học được hiểu là học kết hợp (học trong khi chơi), còn ở vế sau khái niệm học được hiểu là học có chủ định nhưng còn ở dạng sơ khai tức là học bằng chơi vẫn là chính.

Từ những điều phân tích trên đây ta có thể nhận thấy rõ ràng dù có tổ chức hoạt động chung cho toàn lớp hay tổt chức hoạt động cho nhóm nhỏ, cho từng trẻ trong các góc thì các cháu đều có thể được học hay được chơi. điều đó tuỳ vào người tổ chức với mục đích, nội dung, hình thức giáo dục sao cho hiệu quả giáo dục đạt được tối ưu.

Như vậy, thuật ngữ “hoạt động chung” không nhất thiết phải là hoạt động học và thuật ngữ “hoạt động góc” không nhất thiết phải là hoạt động chơi.

Theo Tạp Chí Giáo dục mầm non Số 6-2005

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates