TP.HCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp với quy mô lớn về cơ sở mầm non độc lập. Điều này đặt ra vai trò và trách nhiệm của các địa phương trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ của các cơ sở này.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu nhấn mạnh việc quan tâm các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập
Theo Sở GD-ĐT, TP.HCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung ở 9 địa phương, gồm quận 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và TP.Thủ Đức, với quy mô 785 trường mầm non (công lập: 235 trường, dân lập tư thục là 550 trường) cùng 1.286 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập (160 nhóm trẻ, 909 lớp mẫu giáo độc lập, 217 lớp mầm non độc lập). Tổng số nhóm dưới 7 trẻ là 249 nhóm lớp. Tổng số trẻ là 216.653 trẻ, trong đó công lập là 85.611 trẻ, dân lập - tư thục là 131.042 trẻ.
Cần đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên
Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT đánh giá, các chủ nhóm, lớp ngày càng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện cho đội ngũ tham gia học nâng chuẩn. Đa số giáo viên chủ động thiết kế xây dựng lại môi trường theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tạo cơ hội cho trẻ vui chơi học tập, từ đó hình thành ở trẻ tình cảm và các kỹ năng xã hội cần thiết.
Dù vậy, vẫn còn vài nhóm, lớp chưa chú ý trong thiết kế, tạo môi trường cho trẻ hoạt động nhằm hình thành phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội. Còn một số giáo viên lúng túng trong lồng ghép nội dung phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội vào giờ học.
Bà Điệp cho biết, thời gian qua sở đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn 9 địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất về giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ.
Đồng thời, đã chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời, yêu cầu các cơ sở còn hạn chế, khắc phục và gửi hình ảnh minh họa về Phòng Giáo dục mầm non. Đề nghị các cơ sở tuyển dụng giáo viên đã đạt chuẩn, đối với giáo viên chưa đạt chuẩn đang giảng dạy, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia học nâng chuẩn.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu đánh giá, thời gian qua sự quản lý đối với giáo dục mầm non ngoài công lập từng bước đã có sự chuyển hướng, nâng cao về công tác quản lý, bồi dưỡng, chỉ đạo.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, đảm bảo uy tín của các nhóm lớp và ngành giáo dục địa phương, bà đề nghị các phòng giáo dục cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương để kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đưa nội dung tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn, điều kiện trong việc thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục. Chỉ thực hiện công nhận thành lập đối với các nhóm lớp độc lập tư thục khi có đủ điều kiện về 3 yếu tố chính, gồm: cơ sở vật chất, đội ngũ và đảm bảo an toàn cho trẻ.
TP.HCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp với quy mô lớn về cơ sở giáo dục mầm non
Bà đề nghị các phòng giáo dục có các chỉ đạo, giải pháp làm sao phải tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở mầm non độc lập được tham quan môi trường giảng dạy, dự hoạt động các trường liên cụm. Các trường mầm non công lập cần có sự chia sẻ, hỗ trợ các nhóm lớp ngoài công lập ngay tại địa phương để cùng đồng hành, gắn trách nhiệm với nhau.
Đặc biệt, bà Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, hiện tỷ lệ đào tạo bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên các nhóm lớp mới chỉ đạt trên 60%, đặt ra yêu cầu cần sự quan tâm hơn nữa về năng lực chuyên môn giáo viên các nhóm lớp. Tuy nhiên, điều này rất khó với các chủ trường vì nhiều trường hợp vừa đào tạo, bồi dưỡng xong thì giáo viên lại luân chuyển, nghỉ việc.
Trước thực trạng này, bà Châu đặt vấn đề: Muốn giữ chân con người phải có nhiều giải pháp. Câu hỏi đặt ra là chính sách thế nào là đủ nhưng thế nào là thiếu. Hiện nay chúng ta quan tâm đến chủ nhóm trường rất nhiều, từ cơ sở vật chất, chuyên môn, ý kiến phụ huynh, về ăn của trẻ… song tất cả đều phải có đội ngũ giáo viên hỗ trợ. Mở trường lớp ra là mang lại lợi nhuận song để có lợi nhuận thì phải tạo được uy tín với phụ huynh, có con trẻ học mới phát triển được quy mô. Như vậy, bài toán là phải có sự qua lại, cùng nhau có chung lợi ích. Nếu đơn vị không có đội ngũ chuyên môn tốt thì đôi lúc chỉ cần có một số chuyện có thể bị thu hồi giấy phép, công sức sẽ mất trắng…
“Nói như vậy để thấy rằng, các chủ nhóm lớp phải có sự qua lại, phải thực sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên. Chỉ có chính các chủ nhóm lớp, nhóm trường mới có thể giải được bài toán này. Ngành giáo dục thành phố hay lãnh đạo địa phương chỉ mong muốn các chủ trường, nhóm lớp làm đúng quy định, làm sao đảm bảo tính an toàn cao nhất cho trẻ” - Phó Giám đốc Lê Thụy Mỵ Châu nhấn mạnh.
Cam kết vì sự an toàn cho trẻ
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM bày tỏ mong muốn các cơ sở giáo dục mầm non độc lập đặt hết trách nhiệm của chủ nhóm, của giáo viên trong đảm bảo an toàn cho trẻ, đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, nhắc nhở ngay từ đầu khi thấy hành vi, cử chỉ của giáo viên để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tránh xảy ra câu chuyện đôi lúc nóng nảy mà phát sinh ra những vấn đề không hay. Quan tâm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặt an toàn của trẻ lên hàng đầu để đảm bảo xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, có văn hóa, thực hiện chủ đề xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm…
“Hiện nay, ngành giáo dục thường bắt đầu quan tâm từ bậc học chuyên môn là tiểu học trở lên. Nhưng tất cả chúng ta bắt đầu trưởng thành từ giai đoạn mầm non. Giai đoạn này là trang giấy trắng… Sự hiện diện của các trưởng nhóm lớp, các địa phương, chúng ta cùng cam kết làm sao để từ nay đến cuối năm học, đến các năm học sau nữa chúng ta sẽ có những giải pháp làm cho hoạt động của trường, của ngành bình an, sự an toàn cho trẻ” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu nhấn mạnh.
Khương Yến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét