Từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường cao đẳng sư phạm chỉ thực hiện đào tạo giáo viên mầm non. Cũng từ đây, quy mô đào tạo của các trường đều giảm, tuyển sinh bị thu hẹp, nhiệm vụ bồi dưỡng cũng bị hạn chế.
Các trường cao đẳng sư phạm hiện nay đang đúng nghĩa trở thành các trường sư phạm mầm non và gặp nhiều khó khăn, mất phương hướng, nhiều trường ở thế cầm cự khi quy mô đào tạo giảm. Nếu như không chuyển đổi chắc chắn sẽ không tồn tại được vì không một trường nào có thể tồn tại với 1 ngành đào tạo duy nhất.
Các trường cao đẳng sư phạm đang đứng trước nhiều mối nguy
Trong suốt chặng đường phát triển, các trường cao đẳng sư phạm địa phương đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phát triển kể cả về cơ sở vật chất và đội ngũ, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của giáo dục và xã hội.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tính đến năm 2022), hiện nay 23 trường cao đẳng sư phạm có tổng số 2.033 giảng viên, trong đó có 126 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 1.606 giảng viên trình độ thạc sĩ và 299 giảng viên có trình độ đại học, 2 giảng viên trình độ khác.
Từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường cao đẳng sư phạm chỉ thực hiện đào tạo giáo viên mầm non, quy mô đào tạo giảm mạnh. Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị |
Cơ sở vật chất của các trường cao đẳng sư phạm được đầu từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn tập trung đầu tư cho các trường trong khoảng từ năm 1995 đến năm 2000. Vì vậy hầu hết các trường có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Diện tích đất đai được các địa phương quan tâm nên đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn cơ sở vật chất của các trường sư phạm.
Tuy nhiên, với thực tế hoạt động hiện nay của các trường cao đẳng sư phạm thì có 2 nguy cơ về nguồn lực.
Thứ nhất, cơ sở vật chất của các trường không được khai thác tối đa do nhiệm vụ đào tạo bị thu hẹp, theo đó nguồn ngân sách và nguồn thu từ dịch vụ đào tạo cũng bị cắt giảm. Vì vậy cơ sở vật chất của các trường không được tiếp tục đầu tư và sửa chữa, có nguy cơ ngày càng xuống cấp và lãng phí.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (số liệu thống kê năm 2022), cả nước còn 23 trường cao đẳng sư phạm, trong đó có 03 trường cao đẳng sư phạm Trung ương và 20 trường cao đẳng sư phạm địa phương.
Trong 20 trường địa phương thì có ít nhất 05 trường đang trong quá trình sáp nhập với các cơ sở giáo dục khác (Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế).
Thứ hai, do nhiệm vụ đào tạo bị thu hẹp, không gian hoạt động học thuật bị hạn chế, vì vậy có xu hướng đội ngũ giảng viên trình độ cao (tiến sĩ) tìm kiếm các cơ hội mới ở các cơ sở giáo dục đại học. Ví dụ. Ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, từ năm 2017 đến nay đã có 06 giảng viên trình độ tiến sĩ chuyển vị trí công tác tại địa phương hoặc chuyển đến làm việc cho các cơ sở giáo dục đại học.
Quy mô đào tạo của các trường hiện nay cũng thu hẹp dần. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có 15 trường cao đẳng sư phạm có quy mô đào tạo dưới 500 sinh viên chính quy, trong đó có 02 trường có quy mô đào tạo dưới 200 sinh viên.
Với những nguy cơ ngày càng hạn chế về nguồn lực và chức năng, nhiệm vụ theo Luật Giáo dục 2019, các trường cao đẳng sư phạm ngày càng gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động và phát triển và cần có giải pháp căn cơ để giải quyết những khó khăn đó.
Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ ngày 02 tháng 12 năm 2022 về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Nghị quyết đưa ra 02 định hướng chính đối với các trường cao đẳng sư phạm: Sáp nhập thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học; hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thực tế cho thấy sẽ có nhiều bất cập nảy sinh nếu thực hiện 2 định hướng này. Trong đó định hướng “hợp nhất với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” sẽ ảnh hưởng lớn nhất trong việc duy trì, tồn tại và phát triển đào tạo ngành sư phạm.
Bởi lẽ, các trường cao đẳng nghề do Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý. Việc các ngành sư phạm (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý) tồn tại trong các trường cao đẳng nghề sẽ tạo ra sự chồng chéo trong quản lý, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong triển khai tuyển sinh và đào tạo.
Các ngành sư phạm được tổ chức trong các trường cao đẳng nghề thì khó có sức hấp dẫn đối với thí sinh khi lựa chọn trường học. Với tâm lý chung của học sinh muốn theo đuổi nghề sư phạm thì các trường sư phạm chuyên biệt hoặc các trường đại học có khoa sư phạm sẽ là ưu tiên lựa chọn đối với các em hơn là các khoa sư phạm trong các trường cao đẳng nghề.
Bên cạnh đó, việc hợp tác và trao đổi chuyên môn nội bộ nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp sẽ rất khó thực hiện giữa khoa sư phạm và các khoa giáo dục nghề nghiệp ở các trường cao đẳng nghề vì sự khác biệt trong lĩnh vực đào tạo và chuyên môn. Sự khác biệt về chuyên môn sư phạm và ngành nghề đào tạo khác cũng có thể tạo ra môi trường học thuật bị xung đột, lệch pha và không thống nhất. Đối với chế độ chính sách dành cho giảng viên đào tạo ngành sư phạm cũng khác biệt với giảng viên của các ngành nghề khác, tạo tâm lý “không công bằng” trong cùng một môi trường làm việc.
"Vai trò và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của các trường cao đẳng sư phạm trong suốt hơn 6 thập kỷ vừa qua rất cần được trân trọng và cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương để tiếp tục ổn định và phát triển"
Đối với định hướng sáp nhập trường cao đẳng sư phạm “thành phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học” là phương án có tính khả thi cao hơn và phù hợp hơn đối với thực trạng hiện nay so với định hướng “hợp nhất với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Các trường cao đẳng sư phạm nếu sáp nhập và trở thành phân hiệu các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ hội tiếp tục thực hiện các ngành nghề đào tạo sư phạm (từ cấp mầm non đến trung học cơ sở) nếu đủ điều kiện mở các mã ngành sư phạm theo quy định.
Tuy nhiên, với quy định hiện nay, phân hiệu đại học “không có tư cách pháp nhân” (điểm a, khoản 1, Điều 21, Luật Giáo dục Đại học 2018) sẽ là rào cản lớn trong việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ khi các trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học.
3 định hướng phát triển các trường cao đẳng sư phạm
Trong bối cảnh hiện nay, có thể lựa chọn 3 định hướng cho con đường phát triển của các trường cao đẳng sư phạm.
Thứ nhất là phát triển các trường cao đẳng sư phạm thành các trường đại học sư phạm địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát và đánh giá thực trạng đối với từng trường cao đẳng sư phạm. Đối với các trường cao đẳng sư phạm có cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đảm bảo (về tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ) thì có lộ trình phát triển thành các trường đại học sư phạm địa phương để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mà hơn 60 năm qua hệ thống các trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc đã và đang thực hiện.
Trong đó định hướng các trường đại học sư phạm địa phương sẽ đào tạo giáo viên bậc mầm non, tiểu học và một số ngành bậc trung học cơ sở nếu các trường đủ năng lực mở mã ngành.
Song song với đó, các trường đại học sư phạm địa phương tiếp tục thực hiện công tác đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên từ cấp mầm non đến trung học cơ sở cho địa phương. Dư địa để thực hiện các nhiệm vụ này ở các địa phương còn tương đối lớn.
Ví dụ tại địa phương Quảng Trị, theo số liệu thống kê thì từ năm 2022 đến năm 2030, địa phương có nhu cầu bổ sung 860 giáo viên mầm non, 1147 giáo viên tiểu học và 827 giáo viên trung học cơ sở. Hàng năm, nếu trường đại học sư phạm địa phương được giao nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý và giáo viên các cấp theo quy định tại Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT thì số lượng học viên mà các trường đại học sư phạm địa phương thực hiện sẽ tương đối lớn. Ví dụ ở Quảng Trị sẽ có khoảng 8000 lượt học viên là giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tham gia bồi dưỡng.
Thứ hai là sáp nhập với các phân hiệu các cơ sở giáo dục đại học để thành lập các trường đại học đa ngành trực thuộc đại học vùng.
Phương án này sẽ khả thi đối với các địa phương đang có các phân hiệu đại học của các đại học vùng hoạt động. Khi sáp nhập và trở thành cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm sẽ tiếp tục có cơ hội để phát huy những thế mạnh (về cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên các cấp tại địa phương.
Thứ ba là trở thành phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học
Phương án này đã được đề cập tại Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như đã phân tích ở trên, phương án này mặc dù sẽ gặp những khó khăn, nhưng vẫn là phương án có tính khả thi hơn xét về góc độ phát triển nếu như hai phương án trên không có khả năng thực hiện được.
Hệ thống các trường sư phạm địa phương được hình thành từ những năm 50, 60, bắt đầu là mô hình trường sơ cấp và trung cấp sư phạm và sau đó dần phát triển thành các trường cao đẳng sư phạm vào những năm 90. Giai đoạn từ năm 1995 đến 2000, cả nước có 61 trường cao đẳng sư phạm, gần phủ kín 63 tỉnh, thành.
Các trường cao đẳng sư phạm được xem là “máy cái” của giáo dục địa phương, là “nôi đào tạo” đội ngũ giáo viên các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở. Hệ thống các trường cao đẳng sư phạm địa phương đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng giáo viên mầm non và phổ thông trong hơn 6 thập kỷ qua.
Hàng vạn giáo viên từ cấp mầm non đến trung học cơ sở được đào tạo và bồi dưỡng ở các trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc và hoàn thành tốt sứ mệnh và vai trò của mình, góp phần rất lớn vào sự phát triển của ngành giáo dục. Đó là những minh chứng để khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho đất nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét