SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

Năm học 2023-2024 Chuyển đổi số là nhiệm vụ giáo dục trọng tâm

 Thứ tư, 11/10/2023


Đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong 12 nhiệm vụ giáo dục trọng tâm được Bộ GD-ĐT xác định tập trung thực hiện trong năm học mới, 2023-2024. Việc chuyển đổi số thời gian qua, ngành giáo dục cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.




Ứng dụng chuyển đổi số, tài liệu giấy đã được thay thế bằng tài liệu điện tử (thông qua quét mã) tại các hội nghị, hội thảo ở các trường ĐH

Nhìn lại năm học qua, Bộ GD-ĐT đánh giá, nhiều chính sách và quy định về chuyển đổi số đã được ban hành kịp thời, tạo hành lang pháp lý triển khai chuyển đổi số trong giáo dục. Toàn ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện gần 25 triệu hồ sơ học sinh, giáo viên đã được kết nối và xác thực định danh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ gần 98%). Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH (HEMIS) và thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của gần 300 nghìn sinh viên tốt nghiệp năm 2022 nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường.

Việc triển khai hệ thống đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có thể đăng ký dự thi mọi lúc, mọi nơi có kết nối internet; tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu việc sử dụng hồ sơ giấy. Năm 2023 có khoảng 1 triệu thí sinh đăng ký thông tin dự thi trực tuyến, đạt tỷ lệ 94,4%. Việc tích hợp đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non với Cổng dịch công quốc gia, Cổng thanh toán trực tuyến tiếp tục được triển khai trong năm 2023 kèm một số cải tiến kỹ thuật để thuận lợi hơn cho thí sinh.

Đặc biệt, thực hiện quy định tại Nghị định số 104 của Chính phủ liên quan việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, ngành công an dừng cấp giấy xác nhận lịch sử thường trú của học sinh. Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục khi thực hiện công tác thi và tuyển sinh đầu cấp của hàng triệu học sinh. Trước tình huống cấp bách đó, Bộ GD-ĐT đã kịp thời sửa đổi các quy định, bãi bỏ yêu cầu nộp hoặc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú trong thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Bộ GD-ĐT cũng phối hợp Bộ Công an hoàn thành việc thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử thường trú của học sinh (trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); đồng thời, xây dựng và cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ tra cứu, xác thực trực tuyến lịch sử thường trú của học sinh nhằm xác định đúng đối tượng ưu tiên khu vực. Đến nay, hàng triệu học sinh đã được xác thực lịch sử thường trú trực tuyến và ngành giáo dục cơ bản hoàn thành các kỳ thi, tuyển sinh đầu cấp.


Với chuyển đổi số, thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm nay được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức trên máy tính

Toàn ngành đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục - đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao; 90% các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học được tăng cường. Bộ GD-ĐT đã ban hành tiêu chí, quy trình xây dựng học liệu điện tử các cấp học làm cơ sở xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến dùng chung. Kho học hiệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành (bao gồm cả học liệu mở) được đưa vào khai thác sử dụng, chia sẻ gần 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông... Đồng thời, bộ đã tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử với 213 bài giảng được trao giải, trên tổng số 42.983 sản phẩm dự thi. Ngoài ra, đã lựa chọn 2.130 bài giảng để đưa lên kho học liệu số dùng chung, miễn phí toàn ngành để chia sẻ với các trường, giáo viên, học sinh trong cả nước tham khảo sử dụng, đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ giáo dục trọng tâm

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, chưa phải tất cả cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, người học đều nhận thức đủ về vị trí, vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và việc trang bị kiến thức, kỹ năng số. Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, quản trị, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế, chưa đúng mức; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa còn chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai học bạ điện tử đã thu nhận được nhiều kết quả, tuy nhiên việc công nhận, xác thực học bạ điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, đẩy mạnh chuyển đổi số cùng với cải cách hành chính trong toàn ngành là một trong 12 nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-ĐT xác định tập trung thực hiện trong năm học mới, 2023-2024. Theo đó, toàn ngành sẽ tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025”. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục - đào tạo.

Cùng với đó, ngành giáo dục tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung.

Việt 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates