(GDVN) - Quan điểm của tôi nên phát triển tư thục và đây là con đường cứu cánh bù đắp lại những thiếu hụt mà trường công lập không đủ đáp ứng.
Trung ương Đảng cũng như Chính phủ đã có chủ trương chuyển một số cơ sở từ công lập ra ngoài công lập ở những địa bàn có điều kiện xã hội hóa, để không những thu hút được nguồn vốn đầu tư của xã hội, mà còn tăng hiệu quả quản trị trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo - dạy nghề.
Trao đổi vấn đề này với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đào Văn Tiến - nguyên Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chia sẻ quan điểm:
Nếu đi sâu vào số người học thì mới phản ánh được thực tế, số người học cao đẳng ở các cơ sở tư thục hoặc tự học tự đóng tiền thì nó chiếm tỷ lệ tương đối cao khoảng 25 đến 30% gần bằng số cơ sở. Trung cấp thì thấp hơn một chút, sơ cấp và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác thì học ở các cơ sở tư thục, học tại doanh nghiệp, học tự đóng tiền chiếm tới 80%.
Vậy nên trong giáo dục nghề nghiệp nếu chúng ta không phát triển hệ thống tư thục thì không thể nào thực hiện được việc đáp ứng nhu cầu học của mọi người dân, cả học sinh và 53 triệu người lao động hiện nay đều là đối tượng học giáo dục nghề nghiệp. Vậy quan điểm của tôi nên phát triển tư thục và đây là con đường cứu cánh bù đắp lại những thiếu hụt mà trường công lập không đủ đáp ứng".
Ông Đào Văn Tiến: " Quan điểm của tôi nên phát triển tư thục và đây là con đường cứu cánh bù đắp lại những thiếu hụt mà trường công lập không đủ đáp ứng". Ảnh: Tùng Dương. |
Ông Tiến cho biết: "Trong khi thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 sắp xếp lại thì hiện nay một số tỉnh đã có báo cáo, như Lào Cai đã sáp nhập tất cả trường trung cấp, cao đẳng vào thành một trường rồi đưa một đồng chí bí thư huyện ủy về làm hiệu trưởng.
Tỉnh Nam Định cũng sáp nhập tất cả 8 trường vào thành 1 trường, rồi một số tỉnh trong phía Nam cũng vậy. Riêng việc đánh giá về lộ trình thực hiện kết quả Nghị quyết 19-NQ/TW thì nhìn chung về công tác Đảng đã thực hiện rất tốt.
Trong Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ có đề ra cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 7 nhiệm vụ. Thời điểm này Bộ Lao động không ban hành kế hoạch bằng hình thức cụ thể nào, vì việc ban hành kế hoạch này rất dễ nhưng việc thực hiện được kế hoạch một cách hiệu quả mới là điều đáng bàn.
Ví dụ việc trình Chính phủ dự thảo Nghị định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp, việc này cũng đã trình rồi. Việc thứ 2 là xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật thì cũng đã được gần 200 định mức trung cấp cao đẳng, mà định mức như vậy là cơ sở để áp giá trở thành đơn giá đặt hàng.
Điểm nữa là thí điểm tổ chức đặt hàng cho tư thục, không đặt hàng trường công vì trường công đã có tiền đầu tư và tiền chi phí thường xuyên. Nên chọn những trường tư thục mạnh và có thể nói đây là bước tập dượt để chuyển từ cơ chế cấp pháp sang cơ chế đa ngành.
Nếu chuyển sang cơ chế đặt hàng thì đây là một trong những cái đột phá và sẽ tiết kiệm được nhiều ngân sách, nó tương tự như việc chống lãng phí trong xây dựng cơ bản.
Đưa sang Nhật và dùng nhà máy của Nhật, trường học của Nhật để thực hành tay nghề, và sau 5 năm trở thành công nhân lành nghề về Việt Nam làm việc. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Cần đẩy mạnh hợp tác công tư PPP
Giáo dục phổ thông thì đương nhiên là trách nhiệm phổ cập. Chỉ nói riêng trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, mà trong đó đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp thì:
Thứ nhất, những cái nào nhà nước bảo miễn chính sách xã hội thì chúng ta dùng ngân sách để bảo đảm việc đó. Trường công lập thì sẽ được cấp bù, còn trường tư thục thì các thầy cô cứ thu, kí xác nhận về quận mà nhận. Đấy là thực hiện bình đẳng với nhau, hỗ trợ cho các trường.
Thứ hai, dành tiền còn lại cho những ngành nghề mũi nhọn, nghề khó tuyển, nghề mà khối tư thục không làm thì định mức có rồi, vậy đặt hàng đi và không phân biệt công và tư. Bây giờ không phải là định mức chi phí đào tạo vào khoảng 4,2 triệu đồng như những năm 1998 trước đây nữa mà bây giờ là 25 triệu đồng 1 năm.
Bây giờ phải tổ chức đấu thầu, đơn vị nào chất lượng cao nhất và phải đảm bảo ràng buộc phía sau kèm theo giám sát, việc giám sát ở đây không phải là cơ quan quản lý nhà nước giám sát, mà chính là doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ giám sát.
Chúng ta không nên nghĩ rằng doanh nghiệp cứ kí nhận người rồi sau 3 tháng sa thải ra, việc đó đã có đơn vị khác xử lý. Nhưng cứ doanh nghiệp đánh giá đã, đặt hàng gắn với giám sát thì việc này ta sẽ tiết kiệm được ngân sách rất nhiều.
Nếu chuyển sang cơ chế đặt hàng thì đây là một trong những cái đột phá và sẽ tiết kiệm được nhiều ngân sách, nó tương tự như việc chống lãng phí trong xây dựng cơ bản. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Còn việc tại sao lại đặt hàng? Ví dụ như Bộ Nông nghiệp có Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt mà lại không nghĩ ra được trong 3 năm tới cần bao nhiêu kỹ sư với những ngành nghề gì hay sao?
Hiện nay có một việc đang thực hiện là đặt hàng cho xuất khẩu lao động, vì giai đoạn từ 3 đến 5 năm lao động tại nước ngoài là một khâu trong quá trình đào tạo, để từ 1 thanh niên chưa biết gì thành người có kỹ năng kỹ thuật đạt cấp trung và cao cấp.
Kể cả chúng ta tuyển tốt nghiệp cao đẳng, đại học sau đó đi sang nước ngoài tiếp tục làm việc và học tập, và khi ở tuổi 25 đến 30 trở thành những chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp rồi trở về Việt Nam làm việc. Điều đó hoàn toàn có thể làm được.
Quản trị giáo dục tư thục ngày càng hiệu quả vượt trội hơn khối công lập |
Riêng việc sử dụng ngân sách nhà nước, để bảo đảm chính xác hỗ trợ đối tượng để họ tìm chỗ học, chứ khổng phải chỉ vào mỗi trường công, và điều nữa là các ngành nghề chuyển sang cơ chế bảo đảm thì sẽ giải quyết được nhiều thứ.
Một số cơ chế phải được tháo gỡ, chứ hiện nay đặt ra những điều kiện như kiểu đánh đố nhau, rồi sau đó trở thành hệ thống tham nhũng vặt thì sẽ dẫn đến việc dập tắt nhiệt huyết của các nhà đầu tư.
Trong giáo dục nghề nghiệp thì nói nhiều đến doanh nghiệp, mà doanh nghiệp không phải là những đối tác thụ hưởng nữa, mà là doanh nghiệp cụ thể trực tiếp đào tạo. Vừa qua đã có thống kê doanh nghiệp trực tiếp tuyển vào đào tạo trong thời gian 2 - 3 tuần thì mỗi năm được hơn 1 triệu lao động.
Vậy nên phải đấu thầu đặt hàng và bắt tay vào làm ngay, thí điểm đặt hàng cho đi xuất khẩu lao động Nhật Bản vì họ đang cần khoảng 100 ngàn lao động 1 năm. Cho sang Nhật và dùng nhà máy của Nhật, trường học của Nhật để thực hành tay nghề, và sau 5 năm trở thành công nhân lành nghề về Việt Nam làm việc. Nhưng việc đưa đi phải theo quản lý chặt chẽ.
Còn theo tôi thì chúng ta đang lãng phí trường công nên cần được sắp xếp lại, cần đẩy mạnh hơn nữa hình thức PPP (hợp tác công tư) và khai thác hiệu quả những cơ sở vật chất đã có, mở rộng khuyến khích các cơ sở tự liên kết và khai thác một cách công khai minh bạch”, ông Tiến nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét