Hôm nay (28-8), hơn 1,7 triệu học sinh (HS) từ bậc mầm non đến THPT tại TP HCM sẽ tựu trường cùng hơn 79.000 giáo viên. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho rằng việc tăng hơn 35.000 HS trong năm học mới đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục của thành phố khi vừa bảo đảm chỗ học cho các em vừa phát triển giáo dục định hướng chất lượng cao.

* Phóng viên: Năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT TP HCM đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế, khó khăn. Đó là những hạn chế, khó khăn gì và sẽ được khắc phục thế nào trong năm học mới?

- Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Một trong những khó khăn là việc tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến quy hoạch mạng lưới trường lớp. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tiến độ xây dựng trường lớp dù được quan tâm song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển dân số, dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục chưa thực hiện được 100% HS học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Tỉ lệ giáo viên/lớp của các trường công lập cũng chưa đáp ứng đủ theo quy định.

Ngành giáo dục TP HCM khắc phục khó khăn, nâng chất lượng đào tạo - Ảnh 1.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU

Trong năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục TP HCM sẽ tập trung tổ chức triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT; quyết tâm khắc phục những khó khăn tồn đọng, nhất là về việc quá tải trường lớp, thiếu đội ngũ giáo viên.

Đối với đội ngũ giáo viên, Sở GD-ĐT TP HCM chỉ đạo sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ; bố trí đủ thầy cô dạy các môn ngoại ngữ và tin học để triển khai chương trình GDPT năm 2018.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP HCM xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên; tham mưu ban hành nghị quyết về chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các môn ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật trên địa bàn TP HCM nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác...

* Vào đầu mỗi năm học mới, phụ huynh lại lo lắng tình trạng lạm thu. Ngành GD-ĐT có biện pháp gì để chấn chỉnh?

- 2023 - 2024 là năm học đầu tiên mà tất cả khoản thu giá dịch vụ giáo dục trên địa bàn TP HCM thực hiện theo Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 04 về việc thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục; thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

Ngành giáo dục TP HCM khắc phục khó khăn, nâng chất lượng đào tạo - Ảnh 3.

Học sinh các cấp tại TP HCM chính thức tựu trường ngày 28-8, riêng học sinh lớp 1 tựu trường từ ngày 21-8 Ảnh: ĐẶNG TRINH

Đây là căn cứ hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập thực hiện từng khoản thu trong năm học mới. Nhà trường có trách nhiệm thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản tất cả khoản thu đến phụ huynh và HS. Sở GD-ĐT còn chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản không đúng quy định.

* TP HCM xác định xây dựng nền giáo dục hội nhập quốc tế, giáo dục định hướng chất lượng cao. Làm thế nào để kiên trì mục tiêu này mà vẫn bảo đảm hài hòa và "công bằng giáo dục" khi hiện trạng trường lớp mỗi nơi khác nhau, nhiều trường còn thiếu thốn, khó khăn, quá tải HS, thưa ông?

- Trong Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 do Bộ GD-ĐT ban hành, một trong các nhiệm vụ của giáo dục là bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả đối tượng người học.

Riêng TP HCM còn tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030", tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, trong đó đáp ứng yêu cầu trở thành một thành phố cung cấp cho mọi người cơ hội học tập suốt đời, bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn hay hoàn cảnh xã hội. Đây cũng chính là thực hiện mục tiêu giáo dục hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để tạo cơ hội học tập tốt nhất cho mọi đối tượng người học, ngành GD-ĐT thành phố quan tâm phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập với ngoài công lập, đa dạng hóa các chương trình trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, phát triển mô hình trường học chất lượng cao để phụ huynh và HS có thêm nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với năng lực và điều kiện của mình.

* Chương trình GDPT năm 2018 nói chung và những chương trình, mục tiêu đổi mới của ngành GD-ĐT TP HCM nói riêng vẫn luôn xác định người thầy đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít giáo viên tâm tư vì chưa được quan tâm đúng mức. Ông có chia sẻ, nhắn nhủ gì với đội ngũ thầy cô trước thềm năm học mới?

- Không chỉ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình GDPT năm 2018 nói chung và những chương trình, mục tiêu đổi mới của ngành GD-ĐT TP HCM nói riêng, mà từ trước đến nay, người thầy luôn có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp giáo dục.

Lãnh đạo TP HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT luôn quan tâm, tạo điều kiện để các thầy cô có thể phát triển chuyên môn của mình một cách thuận lợi nhất. Sở GD-ĐT đã triển khai đến cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về việc thực hiện đổi mới quản trị nhà trường, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các trường, minh bạch và công khai trong đánh giá chất lượng đội ngũ, tiến tới xây dựng một môi trường làm việc văn hóa dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Tôi tin rằng sự đối xử tôn trọng và tử tế trong các mối quan hệ, sự sẻ chia và cảm thông chính là động lực giúp đội ngũ giáo viên phát triển tình cảm nghề nghiệp, củng cố mối hệ gắn bó với HS, với đồng nghiệp và nhà trường.