LTS: Chi phí đào tạo đại học cho một sinh viên đại học ở nước ta hiện nay còn rất thấp so với mặt bằng trong khu vực và thế giới. Khi chi phí đào tạo quá thấp dẫn tới có lo ngại về vấn đề đảm bảo về chất lượng bởi lẽ lúc đó các trường hầu như phải tập trung toàn bộ thời gian cho việc “mưu sinh” để lấy thu bù chi, duy trì tồn tại nên ít có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn nâng cao chất lượng đào tạo đại học buộc phải tăng suất đầu tư, kinh phí đào tạo. Tăng chi phí đào tạo sẽ giúp tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng và thu hút được đội ngũ giảng viên giỏi.
Vài năm trở lại đây, câu chuyện đầu tư cho giáo dục đại học là vấn đề được quan tâm bàn luận rất nhiều.
Theo tổng hợp số liệu của Ngân hàng thế giới, năm 2020, ngân sách dành cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP. Đầu tư nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam được đánh giá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển giáo dục đại học, ngoài đầu tư của Nhà nước, cần phải phát huy nguồn lực xã hội và thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn lực đó vẫn “nhỏ giọt”.
Vì sao lại như vậy? Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Trường Tùng, ông đánh giá như thế nào về chi phí đào tạo/sinh viên hiện nay tại Việt Nam? So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì con số này nói lên điều gì?
Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Thống kê trong giai đoạn 2010-2020, chi phí đào tạo trung bình một sinh viên đại học ở Việt Nam một năm (gồm từ tất cả các nguồn học phí, ngân sách nhà nước, tài trợ xã hội…) là 630 USD.
So với học phí đại học của các cường quốc về giáo dục như Anh, Mỹ, Úc – thì chi phí đào tạo của Việt Nam chỉ bằng 2-3%. Còn so với thế giới thì chắc chi phí đào tạo đại học Việt Nam thuộc loại thấp nhất – khi các nước giàu thì nhà nước bao cấp (Bắc Âu) hoặc theo cơ chế thị trường (Mỹ), các nước nghèo thì chỉ đào tạo số ít tinh hoa từ nguồn chi ngân sách nên chi phí đào tạo trên đầu sinh viên cũng cao.
Chi phí đào tạo đại học ở Việt Nam thấp như vậy - một phần chứng tỏ với giáo dục đại học Việt Nam, mô hình “liệu cơm gắp mắm” vẫn vận hành trơn tru, sinh viên vẫn tốt nghiệp ra trường.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT (ảnh: NVCC) |
Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, ở Việt Nam đã tồn tại mô hình tài chính giáo dục đại họcgọi là “khoán quản”, thu học phí được bao nhiêu trường giữ lại 30% để lo thủ tục, cơ sở vật chất, còn giao cho khoa 70% để lo trang thiết bị, trả tiền thầy, trả lương cán bộ - con số 70% này nếu ít thì dạy kiểu ít tiền – lớp đông sinh viên, thầy chất lượng vừa phải, cắt bớt các hoạt động thí nghiệm, thực tập, trải nghiệm… - còn nhiều tiền thì dạy kiểu nhiều tiền.
Đào tạo đại học chi phí thấp cũng chứng tỏ thêm một điều nữa là chúng ta đang có một hệ thống giáo dục mang tính quốc nội, khép kín, hạn chế các hoạt động quốc tế vốn tốn kém. Và cuối cùng, chi phí thấp dẫn đến chất lượng thấp, đến mức Úc cho rằng nói chung thì bằng đại học Việt Nam tương đương bằng cao đẳng, bằng thạc sĩ Việt Nam tương đương bằng đại học khi chấp nhận học viên Việt Nam sang Úc học cao hơn.
Với khung học phí mới (Nghị định 81/2021/NĐ-CP), đến năm 2025, chi phí đào tạo dựa vào học phí một năm của một sinh viên ngành công nghệ hệ tự chủ khoảng 40 triệu đồng/năm – tức khoảng 1700 USD/năm – chỉ bằng 5% học phí đại học Mỹ hiện nay.
Khi xem giáo dục đại học như một dịch vụ, thì một nghịch lý là dịch vụ giáo dục đại học Việt Nam rẻ nhất thế giới nhưng không “bán” đi nước nào được.
Phóng viên: Như ông từng nêu quan điểm “chúng ta chưa khai thác được nguồn lực xã hội một cách đầy đủ cho giáo dục”. Ông có thể dẫn chứng cho nhận định này?
Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Tỷ lệ giáo dục ngoài công lập của Việt Nam rất thấp, chỉ vài phần trăm với giáo dục phổ thông, và dưới 20% so với giáo dục đại học. Như vậy có thể nói giáo dục Việt Nam là nền giáo dục công lập, các trường tư chỉ mang tính “trang trí” để hệ thống có công có tư.
Nhà nước "ôm" quá nhiều, trong khi ngân sách thì hạn chế, còn mảng trường tư thì èo uột, trong khi nguồn lực xã hội thì mênh mông. Nhà nước "ôm" nhiều trường nhưng ít tiền, nên chi cho người học không cao được.
Khối tư nhân thì nguồn lực lớn, nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư cho con cái thụ hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng cao, nhưng các trường tư lại không nhiều – chứng tỏ đang vướng mắc ở đâu đó về môi trường, về chính sách, về thị trường. Chỉ cần phần xã hội hóa nhiều hơn lên, thì cũng với ngân sách như vậy, chi phí đầu tư từ nhà nước cho mỗi người học sẽ tăng lên.
Phóng viên: Với những khó khăn, vướng mắc vừa nêu, ông có kiến nghị, đề xuất như thế nào để chúng ta khai thác được nguồn lực từ xã hội cho giáo dục?
Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Để phát triển giáo dục, không chỉ khai thác nguồn lực xã hội mà còn phải tối ưu hóa chi phí ngân sách dành cho giáo dục.
Hiện nay một số địa phương thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh học sau cấp tiểu học, và dự kiến cả nước từ 2025 sẽ miễn học phí cho trung học cơ sở. Tôi cứ tiếc nếu như chỉ miễn cho các học sinh diện khó khăn, còn lại không miễn rộng khắp mà dùng khoản tiền đó đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có cả việc cải thiện thu nhập của giáo viên thì tốt biết bao.
Để phát triển giáo dục, không chỉ khai thác nguồn lực xã hội mà còn phải tối ưu hóa chi phí ngân sách dành cho giáo dục (ảnh: Trường Đại học FPT) |
Còn để thu hút nguồn lực xã hội cho giáo dục, việc nhà nước cần làm là tạo thị trường cho giáo dục ngoài công lập, chẳng hạn bằng cách giảm dần chỉ tiêu trường công. Với giáo dục phổ thông, chỉ cần giảm 5% học sinh trường công thì thị trường cho giáo dục ngoài công lập sẽ tăng gấp đôi. Có thị trường thì sẽ có ngay nhà đầu tư tư nhân, nhất là khi có chính sách về đất giáo dục đủ tốt.
Và giáo dục là đào tạo con người cho tương lai, cho nên cần khai thông nguồn tài chính từ tương lai để chi cho hiện tại, thể hiện qua chính sách tín dụng sinh viên để ai cũng có thể vay tiền đi học. Cần xem đây là khâu đột phá của các năm tới.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang “khát” cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào giáo dục. Ông nghĩ sao về điều này?
Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Tôi đang đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 35%. Nếu như có 1 tỷ đồng từ thu nhập cá nhân để tài trợ hoặc góp vốn đầu tư cho giáo dục, thì tôi sẽ chỉ góp được 650 triệu đồng vì trước đó phải cắt 350 triệu đồng nộp thuế cho nhà nước. Khi sửa đổi Luật Giáo dục 2019, tôi được biết đã dự kiến đưa vào luật quy định “các khoản chi cho giáo dục sẽ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân”. Rất tiếc nội dung này không được cho vào luật và chỉ cho khấu trừ các khoản nộp vào các quỹ khuyến học, quỹ từ thiện.
Hiện nay việc miễn giảm tiền sử dụng đất xã hội hóa giáo dục do các địa phương quyết định, và chỉ 1/3 số địa phương trên cả nước – chủ yếu là các tỉnh vùng sâu vùng xa - miễn phí đất giáo dục, còn lại thì chỉ giảm một phần và cho một số năm.
Với chi phí đất 10 triệu đồng/m2, thì 5ha đất đã là 500 tỷ đồng rồi. Và ngay cả khi được miễn giảm tiền đất giáo dục, thì các tiêu chuẩn, tiêu chí nhà trường cần đáp ứng để được hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa do Chính phủ ban hành 10-15 năm trước đây hiện nhiều điểm không còn phù hợp, nhưng vẫn chưa được sửa đổi. Vì thế, luôn đe dọa các trường tư sẽ bị cắt ưu đãi đất đai giáo dục được hưởng trước đây. Và khi đó càng tạo thêm bất bình đẳng giữa trường công và trường tư, khi trường tư phải trả tiền đất, tiền xây trường, còn trường công thì không những không phải trả tiền đất, tiền xây trường, mà còn được nhà nước cấp tiền trong quá trình hoạt động.
Hoặc việc Luật Đầu tư 2014 “đùng một cái” bỏ giáo dục đại học ra khỏi danh sách các lĩnh vực ưu đãi (chỉ ưu đãi cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp). Đến Luật Đầu tư 2020, giáo dục đại học được đưa vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư, nhưng Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 lại không bổ sung giáo dục đại học, và đến nay giáo dục đại học có được ưu đãi không thì Luật ghi một đằng, Nghị định quy định một nẻo, và các địa phương thì phải dựa vào Nghị định để thực hiện – thế là lại tắc.
Những điều này cần xem xét sửa đổi sớm.
Phóng viên: Vậy theo ông, giải pháp trước mắt và dài hơi để gỡ những nút thắt nêu trên là gì?
Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Khi xác định giáo dục là khâu đột phá, khi xác định chất lượng giáo dục là yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì trong chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, ngoài việc tăng số người học từng cấp học trong độ tuổi, cần đặt ra tiêu chí nâng cao chi phí đào tạo người học ít nhất gấp 5 lần hiện nay từ tất cả các nguồn nhà nước, tư nhân, tín dụng - và thực hiện bằng được tiêu chí này với các giải pháp hợp lý.
Cần gỡ bỏ tất cả các rào cản để giáo dục ngoài công lập phát triển từ mức thấp như hiện nay. Nhà nước và các địa phương cần sẵn sàng đồng hành cùng các nhà đầu tư bằng các chính sách miễn tiền sử dụng đất giáo dục, sẵn sàng miễn thuế cho tất cả các khoản đầu tư cho giáo dục - để tổng đầu tư xã hội cho giáo dục ngày càng tăng.
Bằng mọi cách nâng tỷ lệ học sinh - sinh viên trường tư trên tổng số học sinh - sinh viên cả nước lên con số 30%. Các trường công tập trung chủ yếu vào đào tạo đại trà theo chính sách học phí thấp hoặc miễn phí (50%), và đào tạo tài năng, đào tạo các ngành trọng điểm (20%) bằng nguồn chi ngân sách, còn đào tạo số đông chất lượng cao kèm học phí cao (30%) phải là việc của khối các trường ngoài công lập.
Nhà nước cũng cần nắm bắt các khó khăn của một số trường tư trước đây đầu tư lớn, nhưng hiện đang hoạt động một cách lay lắt, cầm chừng và vốn đang cạn dần. Cần chấp nhận điều chỉnh giấy phép đầu tư, bổ sung và thay đổi loại hình hoạt động, chẳng hạn từ trung cấp sang phổ thông, từ đại học sang dạy nghề - miễn là hoạt động giáo dục thì cho trường học tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi trước đây…
Với kinh nghiệm đầu tư vào giáo dục đào tạo tại nhiều địa phương, chúng tôi thấy rất rõ là lãnh đạo địa phương nào hết lòng với giáo dục, đồng hành cùng nhà đầu tư, trung ương ủng hộ - thì các trường học của FPT mọc lên chỉ trong vòng 1-2 năm, còn nếu không, thì các vướng mắc không tránh khỏi trong những điều kiện đầu tư cụ thể sẽ kéo dài thời gian dự án giáo dục thành 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn – mà thời gian thì không chờ đợi chúng ta.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Trường Tùng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét