SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Chuyển đổi số - động lực quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của TPHCM

 



 

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/10, UBND TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế ngành giáo dục TPHCM với chủ đề: “Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện”. Tham dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Dương Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Chuyển đổi số quốc gia; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó trưởng Ban Chuyển đổi số TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh, TPHCM là đô thị lớn, hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông thành phố có quy mô hơn 2 triệu học sinh, học viên; hơn 100 nghìn giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thành phố đã tập trung triển khai các bước để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với nòng cốt là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo. Sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo ra môi trường học tập có hiệu quả cho học sinh.

Chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học với những giải pháp, bước đi cụ thể là nhiệm vụ quan trọng mà thành phố đề ra. Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố đã có nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Qua những thành tựu đạt được cho thấy, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục là phù hợp và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, ngành GD-ĐT Thành phố xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT của thành phố. Trong đó, ngành GD-ĐT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, xây dựng, phát triển dữ liệu số, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục. Hiện TPHCM đã triển khai kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành GD-ĐT. Đây là cơ sở quan trọng để kết nối hệ thống các phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả của toàn ngành.

Hội thảo với mục đích học hỏi, tiếp cận các nghiên cứu chuyên sâu về những nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong quản lý và dạy học. Qua hội thảo này, Sở GD-ĐT Thành phố mong muốn tạo ra diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, nhận ra những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số, từ đó đặt ra những phương hướng, chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục hiệu quả, thực chất trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề: Giải pháp trang bị, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyển đổi số; giải pháp, hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giúp nâng cao năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên; các hệ thống, giải pháp chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra đánh giá cho học sinh; đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030”.

Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những khuyến nghị: ngành GD-ĐT TPHCM cần thiết kế các chiến lược để đảm bảo sự phù hợp giữa chính sách và quá trình thực thi. Trong đó, cần đặt giáo viên và học sinh vào trung tâm của chiến lược công nghệ giáo dục, chú ý đến các khối lớp thấp hơn để tăng cường tính nhất quán. Đặc biệt là việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ nhằm hướng dẫn giáo viên sử dụng công nghệ trong giảng dạy là rất quan trọng, thay vì cho lập kế hoạch hoặc hoạt động mang tính chất hành chính. Ở cấp độ chính sách, rất cần xây dựng, thực hiện các tiêu chuẩn phù hợp, trong đó xác định năng lực kỹ thuật số của giáo viên…

Minh Hiệp



Giáo viên dạy học trực tuyến. (Ảnh minh họa. PM/Vietnam+)

Chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý, động lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. 

Việc ứng dụng công nghệ mở ra nhiều phương thức dạy học mới thông minh, hiệu quả, xóa bỏ rào cản về không gian, thời gian cho hoạt động dạy và học. 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo được thực hiện mạnh mẽ, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ, bên cạnh đó là hạn chế về cơ sở vật chất lẫn năng lực đội ngũ.

Ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động

Là một trong 5 trường ở thành phố thí điểm mô hình trường học thông minh, từ năm học 2021-2022, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong từng bước xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh kết hợp chuyển đổi số trong giáo dục. Theo đó, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào tự động hóa, số hóa hoạt động quản lý, học tập. Nhà trường duy trì hệ thống dạy học trực tuyến để có thêm kênh tương tác thường xuyên. Các ứng dụng lưu trữ trực tuyến được tận dụng để tổ bộ môn, giáo viên lưu trữ tập trung bài giảng, tài nguyên chung, hướng đến xây dựng hệ thống tài nguyên học tập mở của trường.

Hệ thống Internet, server nội bộ, trang thiết bị, máy móc được đầu tư, đáp ứng yêu cầu vận hành; đặc biệt, hệ thống lớp học trên không gian ảo có đầy đủ ứng dụng đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như công tác quản lý. Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong là trường đầu tiên ở thành phố triển khai giảng dạy về trí tuệ nhân tạo đại trà cho học sinh toàn trường.

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, cho biết do chưa có mô hình điểm trước đó, quá trình triển khai các nội dung trên, nhà trường chủ trương vừa nghiên cứu vừa thực hiện. Nhà trường xác định đội ngũ là yếu tố quan trọng quyết định việc thực hiện hiệu quả hoạt động chuyển đổi số. Do đó, bên cạnh tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, nhà trường hợp đồng với một số chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để giảng dạy và đào tạo giáo viên tại chỗ. Trường ký kết hợp tác với một số trường nước ngoài để giao lưu, học tập kinh nghiệm.

Thời gian tới, nhà trường triển khai nhiều dự án chuyển đổi số như hệ thống điểm danh học sinh qua nhận dạng khuôn mặt; xây dựng học liệu theo chuẩn mở; ứng dụng AI xây dựng hệ thống chấm điểm, xếp hạng, đánh giá, theo dõi năng lực học sinh; triển khai hệ thống app thông báo, trao đổi giữa giáo viên và học sinh…

[Tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục]

Nhiều trường học ở thành phố ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học ở mức độ khác nhau tùy điều kiện thực tế tại mỗi trường. Kết quả khảo sát về chỉ số sẵn sàng về công nghệ giáo dục tại các cơ sở trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố công bố cho thấy 88% trường học trên địa bàn có chiến lược kỹ thuật số hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý trường học; 82% học sinh sử dụng thiết bị kỹ thuật số một cách an toàn và phù hợp. Đặc biệt, 78% học sinh cải thiện quá trình học tập nhờ sử dụng công nghệ thông tin. Về phía giáo viên, 77% giáo viên cho biết rất tự tin chuẩn bị bài thuyết trình để sử dụng trên lớp, 73% sử dụng công nghệ thông tin đánh giá kết quả học tập của học sinh và 64% có sử dụng tài nguyên dùng chung trên Internet...

Cùng với việc triển khai ở từng đơn vị trường học, thành phố đã triển khai kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Đây là cơ sở quan trọng để kết nối hệ thống phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả của toàn ngành. Đến nay, thành phố hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung ở các bậc học; sử dụng thí điểm 12 phần mềm dạy học trực tuyến với nội dung khai thác từ kho dữ liệu dùng chung này. Dữ liệu này là cơ sở để ngành có thể dự báo tình hình và khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên ở những năm sắp tới.

Thúc đẩy học tập trên môi trường số

Chuyển đổi số đã được hầu hết cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện nhưng việc triển khai còn gặp khó khăn. Năng lực đội ngũ còn hạn chế và chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số. Học liệu mở còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyển đổi số một cách đồng bộ.

Một trong những thành tựu lớn của việc chuyển đổi số là tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học giúp ngành giáo dục có thể thực hiện được yêu cầu dù ngừng đến trường nhưng không ngừng học.

Thanh pho Ho Chi Minh thuc day chuyen doi so trong linh vuc giao duc hinh anh 2Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng triển khai chương trình học trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19 mới chỉ là một trong những hình thức rất đơn giản của chuyển đổi số. Mục tiêu thực hiện chuyển đổi số mà ngành giáo dục hướng đến là xây dụng hệ thống học trực tuyến thông minh đúng nghĩa, có đầy đủ học liệu, quản lý học tập để giúp học sinh, giáo viên học tập, giảng dạy một cách chủ động, bổ sung cho việc học trực tiếp cũng như nâng cao chất lượng dạy và học. Để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh, cần những dự án cụ thể, đồng bộ và cần vai trò điều phối, thực hiện ở cấp tỉnh, thành phố.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, chương trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục được triển khai quyết liệt nhưng do đây là vấn đề còn mới, chưa có mô hình chuẩn nên trong quá trình thực hiện ngành vừa phải nghiên cứu, tìm tòi và điều chỉnh, vì vậy kết quả còn chưa đạt được như kỳ vọng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục còn nhiều bất cập khi hạ tầng công nghệ chưa đảm bảo. Qua khảo sát, chỉ có 70% trường học có băng thông hoặc tốc độ Internet đủ dùng, trong đó 67% nhà trường kết nối Internet ổn định. Dù được tiếp cận đủ tài nguyên học tập kỹ thuật số, chỉ có 42% giáo viên cho biết các tài nguyên số được liên kết với sách giáo khoa, 35% giáo viên sử dụng trò chơi học tập kỹ thuật số...

“Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành tiếp tục tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ là giải pháp đầu tiên ngành tập trung, cùng với đó xây dựng, phát triển dữ liệu số; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục. Hiện thành phố đã triển khai xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục. Đây là cơ sở quan trọng để kết nối, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả cho toàn ngành” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trong ngành giáo dục thành phố tập trung ba nội dung lớn, gồm xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ và kho học liệu mở làm nền tảng cho xây dựng xã hội học tập; sử dụng AI để phân tích, đánh giá, định hướng tổng quát trong ngành; ứng dụng Blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng. Đáng chú ý, đến năm 2025, thành phố sẽ đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, 25% chương trình bậc tiểu học, 35% chương trình bậc trung học được triển khai dưới hình thức trực tuyến. Đến năm 2030, thành phố sẽ đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số./.

Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates