Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, các phương án đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục gặp khó khăn thì việc xã hội hóa giáo dục được xem là giải pháp tối ưu
UBND TP HCM vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo TP HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030" với mong muốn đây sẽ là một trong những cơ sở để xây dựng chính sách, tạo thêm động lực trong công tác xã hội hóa ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tại TP HCM, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành GD-ĐT thành phố.
Nguồn kinh phí từ xã hội hóa tăng đáng kể
Đánh giá của UBND thành phố cho biết những năm qua, TP HCM là một trong những địa phương đã triển khai các hoạt động xã hội hóa giáo dục ở mức độ cao nhất cả nước nhưng hiệu quả còn chưa tương xứng; còn những khó khăn, thách thức đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp phù hợp để thực hiện xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao.
Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục giúp học sinh có nhiều cơ hội tiếp xúc với thiết bị công nghệ hiện đại
Dẫn chứng về việc xã hội hóa giáo dục đóng góp đáng kể cho sự phát triển của GD-ĐT TP HCM, theo UBND thành phố, trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp (khối công lập), ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60%, vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%. Để xây dựng trường, lớp thành phố đã huy động những nguồn tài chính ngoài ngân sách khác nhau. Cùng với việc tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, nguồn ngân sách ngoài nhà nước tăng lên đáng kể, việc đóng góp từ các nguồn khác cho phát triển giáo dục cũng tăng hằng năm và góp phần cho sự phát triển giáo dục của thành phố.
Trong những năm qua, nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các công ty, đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo tăng lên, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới của nhà trường, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục của thành phố. Trong giai đoạn 2016- 2022, hệ thống trường, lớp ngoài công lập đã thành lập mới 30 trường với 503 lớp, tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỉ đồng.
Đề án của TP HCM cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, chẳng hạn đối với giáo dục mầm non sẽ thực hiện xây dựng kế hoạch xây trường mầm non theo mô hình xã hội hóa tại các cụm, khu công nghiệp cho con em công nhân. Đối với tiểu học: đến năm 2025, 80% trường tiểu học học 2 buổi/ngày, 80% học sinh được tham gia hoạt động giáo dục thẩm mỹ, hoạt động thể thao, được học các kỹ năng thực hành xã hội theo hình thức xã hội hóa.
Chung sức, chung lòng từ các nguồn lực xã hội
Ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết trong thực tế, ngân sách nhà nước đã đầu tư cho giáo dục nhưng để tốt hơn thì cần phải chung sức chung lòng từ các nguồn lực xã hội khác. Xã hội hóa có nhiều hình thức, có thể là đầu tư cơ sở vật chất, cũng có thể phụ huynh tài trợ.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho rằng nếu không có xã hội hóa thì không thể có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh hay các chương trình tin học, các môn kỹ năng sống, STEM... bởi việc dạy 2 buổi hiện nay là phải có sự chung sức hỗ trợ của phụ huynh. Theo quy định của chương trình 2018, sau khi hoàn thành số tiết học bắt buộc theo quy định thì mỗi tuần học sinh sẽ dư một số tiết, việc các trường lồng vào một số tiết hoạt động giáo dục tăng cường là bình thường và cũng đã được Bộ GD-ĐT cho phép.
Theo ông Hà Thanh Hải, chẳng hạn ở môn STEM, bắt đầu từ năm học này, Bộ GD-ĐT cho phép triển khai. Mục đích của STEM là liên môn, tích hợp, giáo viên có thể lồng vào giảng dạy theo định hướng hình thành phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Tuy nhiên trong thực tế, cơ sở giáo dục còn khá lúng túng cả về chương trình, đội ngũ giảng dạy. Chính vì thế, khi một đơn vị giảng dạy có tiềm lực về giáo viên, phương tiện giảng dạy liên kết với trường thì đó là thuận lợi cho trường và học sinh. Tuy nhiên, sẽ phải có những chính sách hỗ trợ những HS khó khăn không đủ điều kiện và ngược lại. Xã hội hóa đúng cách là ở chỗ làm sao tất cả học sinh đều được hưởng thụ môi trường giáo dục tốt nhất và dựa trên tinh thần tự nguyện.
Lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT nhận định việc xã hội hóa đóng góp quan trọng trong việc góp phần thay đổi môi trường giáo dục. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết việc duy trì ngày hội STEM tại thành phố có sự hỗ trợ nhiều từ các đơn vị. Bước đầu, địa phương đã cho các giáo viên hiểu rõ STEM là gì, tập huấn cho giáo viên cách thức thực hiện, không để các công ty STEM làm một mình. Tất nhiên, trong thời gian đầu, nếu không có các đơn vị hỗ trợ thì GV không có ý tưởng, thiết bị và kể cả đội ngũ thực hiện giáo dục STEM. Nhờ điều này, nhà trường thay đổi môi trường giáo dục, HS có điều kiện tiếp xúc với các thiết bị dạy học hiện đại, cơ sở vật chất trường lớp cũng có nhiều thay đổi...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét