UBND TP HCM vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo TP HCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030" với mong muốn đây sẽ là một trong những cơ sở để xây dựng chính sách, tạo thêm động lực trong công tác xã hội hóa ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tại TP HCM, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành GD-ĐT thành phố.

Nguồn kinh phí từ xã hội hóa tăng đáng kể

Đánh giá của UBND thành phố cho biết những năm qua, TP HCM là một trong những địa phương đã triển khai các hoạt động xã hội hóa giáo dục ở mức độ cao nhất cả nước nhưng hiệu quả còn chưa tương xứng; còn những khó khăn, thách thức đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp phù hợp để thực hiện xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả cao.

Giáo dục thay đổi nhờ xã hội hóa - Ảnh 1.

Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục giúp học sinh có nhiều cơ hội tiếp xúc với thiết bị công nghệ hiện đại

Dẫn chứng về việc xã hội hóa giáo dục đóng góp đáng kể cho sự phát triển của GD-ĐT TP HCM, theo UBND thành phố, trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp (khối công lập), ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60%, vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%. Để xây dựng trường, lớp thành phố đã huy động những nguồn tài chính ngoài ngân sách khác nhau. Cùng với việc tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, nguồn ngân sách ngoài nhà nước tăng lên đáng kể, việc đóng góp từ các nguồn khác cho phát triển giáo dục cũng tăng hằng năm và góp phần cho sự phát triển giáo dục của thành phố.

Trong những năm qua, nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các công ty, đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo tăng lên, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới của nhà trường, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục của thành phố. Trong giai đoạn 2016- 2022, hệ thống trường, lớp ngoài công lập đã thành lập mới 30 trường với 503 lớp, tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỉ đồng.

Đề án của TP HCM cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, chẳng hạn đối với giáo dục mầm non sẽ thực hiện xây dựng kế hoạch xây trường mầm non theo mô hình xã hội hóa tại các cụm, khu công nghiệp cho con em công nhân. Đối với tiểu học: đến năm 2025, 80% trường tiểu học học 2 buổi/ngày, 80% học sinh được tham gia hoạt động giáo dục thẩm mỹ, hoạt động thể thao, được học các kỹ năng thực hành xã hội theo hình thức xã hội hóa.

Chung sức, chung lòng từ các nguồn lực xã hội

Ông Hà Thanh Hải, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết trong thực tế, ngân sách nhà nước đã đầu tư cho giáo dục nhưng để tốt hơn thì cần phải chung sức chung lòng từ các nguồn lực xã hội khác. Xã hội hóa có nhiều hình thức, có thể là đầu tư cơ sở vật chất, cũng có thể phụ huynh tài trợ.