Giáo dục sau giờ học (After-school education) trở thành một phần không thể thiếu trong nền giáo dục Mỹ.

Tuy nhiên, khác với nhiều quốc gia châu Á, hình thức này tập trung mang đến cho học sinh cơ hội trau dồi, hỗ trợ học tập và phát triển kỹ năng xã hội ngoài giờ học trên lớp.

Khoảng 18% tổng số học sinh Mỹ tham gia các chương trình sau giờ học.

Hơn 10 triệu học sinh tham gia

Theo tổ chức phi lợi nhuận Afterschool Alliance, gần 10,2 triệu học sinh, chiếm khoảng 18% tổng số học sinh trên toàn nước Mỹ, tham gia các chương trình sau giờ học.

Các chương trình này bao gồm các hoạt động ngoại khóa, các sáng kiến hỗ trợ học tập và các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng.

Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia Mỹ (NCES) báo cáo rằng trong năm học 2015-2016, các trường công lập đã chi trung bình 602 USD (hơn 12,5 triệu đồng)/học sinh cho các chương trình sau giờ học.

- Hoạt động ngoại khóa: Trải nghiệm vượt ngoài sách vở


Các hoạt động ngoại khóa đã là một phần thiết yếu của giáo dục Mỹ trong nhiều thập kỷ, bao gồm các môn thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, kịch, tranh luận và nhiều câu lạc bộ phục vụ cho các sở thích đa dạng của học sinh.

Việc tham gia thể thao rất phổ biến, với khoảng 54,1% học sinh từ 6-17 tuổi tham gia vào các hoạt động thể thao khác nhau ngoài giờ học vào năm 2020, theo báo cáo của Cục điều tra dân số Mỹ về sự tham gia của công chúng vào nghệ thuật.

Các hoạt động ngoại khóa mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, thúc đẩy tinh thần đồng đội, kỷ luật, quản lý thời gian và kỹ năng lãnh đạo. Nó cũng cung cấp một sân chơi để các em giao tiếp xã hội, xây dựng sự tự tin và khám phá những sở thích định hướng sự nghiệp tiềm năng.

- Bồi dưỡng kiến thức: Giải phóng óc sáng tạo và sự tò mò

Các chương trình bồi dưỡng kiến thức nhằm mục đích khơi dậy sự tò mò và phát triển trí tuệ ở học sinh bằng cách cung cấp cho các em cơ hội khám phá các môn học ngoài chương trình giảng dạy thông thường. Các chương trình này thường tập trung vào các môn học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), lập trình...

Tham gia vào các hoạt động này không chỉ nâng cao kiến thức của học sinh mà còn thúc đẩy tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và niềm đam mê học tập. Học sinh thường phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về các lĩnh vực khác nhau, tạo tiền đề cho việc theo đuổi nghề nghiệp và học tập trong tương lai.

- Chương trình mùa hè: Để "mạch học" không chững lại


Các chương trình hè có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn hiện tượng “trượt dốc trong hè” (summer learning loss phenomenon). 

"Trượt dốc trong hè" (summer learning loss/summer slide/summer setback) đề cập đến việc một số học sinh bị mất các kỹ năng và kiến thức học tập trong kỳ nghỉ hè kéo dài khi các em không tích cực tham gia vào các hoạt động học tập chính thức. Đó là một hiện tượng được quan sát rộng rãi trong giáo dục, đặc biệt là ở các quốc gia có kỳ nghỉ hè kéo dài, như Mỹ.

Theo Đánh giá Tiến bộ Giáo dục Quốc gia Mỹ (NAEP), học sinh thường bị suy giảm các kỹ năng Toán và Đọc trong mùa hè, với mức trung bình là mất 1-3 tháng học tập.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Johns Hopkins cho thấy khoảng 2/3 sự khác biệt về điểm Đọc ở lớp 9 có thể liên quan đến tác động của việc "trượt dốc mùa hè" trong những năm học tiểu học. Nói cách khác, việc mất kiến thức và kỹ năng học tập trong kỳ nghỉ hè góp phần đáng kể vào sự chênh lệch về khả năng đọc giữa các học sinh khi các em lên lớp 9.

Bởi vậy, các chương trình mùa hè cung cấp một loạt các hoạt động học thuật cùng với giải trí, giúp học sinh rèn luyện trí tuệ và không để "mạch học" chững lại trong suốt kỳ nghỉ kéo dài. Họ cũng tạo cơ hội cho học sinh khám phá những sở thích và tài năng mới.

Tử Huy