Minh Phong (thực hiện) | 28/11/2022, 12:01
Đề án 33 không chỉ quan tâm đến công tác bồi dưỡng thường xuyên, mà đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo mang tính toàn diện cho giáo viên.
Xung quanh vấn đề này, TS Hồ Lam Hồng - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại.
Nâng cao chất lượng đội ngũ
- Theo TS, Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non (CBQL GDMN) giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 33) có tác động như thế nào đến các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) và các trường mầm non?
“Cần khai thác tối đa công nghệ trong quá trình học tập trong thời đại 4.0, buộc học viên không ngừng tự học sử dụng công nghệ vào công việc chuyên môn tại cơ sở GDMN”
TS Hồ Lam Hồng.
- Trong công tác nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN và CBQL cơ sở GDMN, Đề án 33 không chỉ quan tâm đến công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên đứng lớp và CBQL nhà trường, mà đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo mang tính toàn diện.
Điều này, được thể hiện rất rõ trong mục tiêu của Đề án 33 như: “… đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL GDMN; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Đây là điều khác biệt lớn trong nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN và CBQL cơ sở GDMN. Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên sư phạm để họ thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cho GVMN và CBQL trong hệ thống GDMN.
- Vậy, các hoạt động theo Đề án 33 được thể hiện như thế nào – thưa TS?
- Các giảng viên sư phạm và CBQL cơ sở đào tạo GVMN không ngừng được nâng cao năng lực của bản thân về phẩm chất đạo đức nhà giáo, phong cách sư phạm; trình độ chuyên môn và các năng lực giảng dạy, giáo dục, quản lý. Đồng thời, được tiếp cận với các xu hướng giáo dục hiện đại của quốc tế; năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Ngoài ra, các giảng viên sư phạm và CBQL cơ sở đào tạo GVMN được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và cập nhật kiến thức như: Tham gia các khóa học chuyên môn chuyên sâu, hội nghị hội thảo quốc tế để kịp thời cập nhật những thông tin mới về khoa học GDMN.
Giảng viên sư phạm và CBQL cơ sở đào tạo GVMN cũng được tham gia vào các hoạt động chuyên môn của Bộ GD&ĐT như: Tham gia vào nhóm chuyên gia biên soạn chương trình GDMN, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Khi tham gia các hoạt động này, giảng viên sư phạm được tham gia hội thảo quốc tế, cũng như được đi thực địa để làm thử nghiệm chuẩn trẻ em 5 tuổi hoặc chương trình GDMN….
Mặt khác, được tham gia hoạt động biên soạn chương trình và tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực của GVMN và CBQL cơ sở GDMN. Tham gia hoạt động tập huấn trực tiếp cho đội ngũ GVMN cốt cán và CBQL cơ sở GDMN. Tham gia các hoạt động nghiên cứu của Bộ phối hợp với các tổ chức phi chính phủ như: Unicef; world bank; Plan; Child fund, VVOB…
Học viên hăng say tham gia tập huấn bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán. |
Có thể nói, Đề án 33 tạo nhiều cơ hội cho các trường sư phạm thuận lợi trong tổ chức các hội thảo, sinh hoạt học thuật quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức quốc tế tham gia các bài trình bày. Đồng thời, các trường cũng được chủ động mời giảng viên quốc tế trao đổi các chuyên đề sâu…
Việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong từng giai đoạn cũng góp phần hoàn thiện chính sách cho đội ngũ giáo viên và CBQL ở các cơ sở GDMN, cũng như chính sách đối với giảng viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên trong cả nước.
Xây dựng cộng đồng học tập
- Tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán, nhiều học viên mong muốn hình thành cộng đồng học tập để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Đề án 33. Quan điểm của TS về vấn đề này như thế nào?
- Mong muốn hình thành, xây dựng cộng đồng học tập để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Đề án 33 là một ý tưởng tuyệt vời. Đặc biệt, ý tưởng này được xuất phát từ học viên, tức là từ nhu cầu ở dưới lên, từ người học, chứ không phải áp đặt từ trên xuống hay từ ý chí của nhà quản lý.
Chính các khóa tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho GVMN cốt cán và CBQL trong 2 năm (2021, 2022) đang nhen nhóm những ngọn lửa ban đầu cho việc hình thành cộng đồng học tập. Bởi các lớp tập huấn đã truyền cảm hứng học và tự học đến các học viên, để rồi họ tiếp tục truyền cảm hứng cho đồng nghiệp tại các cơ sở GDMN của mình tại địa phương.
Cộng đồng học tập là sự kết nối các thành viên trong cộng đồng đó, tạo thành mạng lưới học tập, mà không chỉ sự kết nối các học viên trên lớp tập huấn, các thành viên trong một cơ sở GDMN, một địa phương; mà mạng lưới cộng đồng học tập có thể mở rộng vòng lớn giữa các cơ sở GDMN, giữa các địa phương trong cả nước và với quốc tế.
Chính vì vậy, việc học ngoại ngữ và công nghệ thông tin (tiêu chí 13 và tiêu chí 14 trong tiêu chuẩn 5 trong chuẩn nghề nghiệp GVMN ban hành 2018) cũng là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển cộng đồng học tập. Những nội dung chuyên môn học từ các lớp tập huấn được vận dụng mang tính phù hợp với điều kiện của địa phương và mọi người hỗ trợ cùng nhau học tập, cùng nhau chia sẻ.
Mô hình học tập đồng đẳng, mà ở đó ai cũng là chủ thể của quá trình học tập và được là chính mình; Phát huy tính chủ động và tích cực ở cá nhân người học. Cộng đồng học tập tạo nên không khí học tập tại cơ sở GDMN mang tính lan tỏa.
Ở đó, giáo viên truyền cảm hứng đến trẻ em học tập lẫn nhau và phát triển cùng nhau. Giáo viên, cán bộ quản lý học tập lẫn nhau và phát triển cùng nhau, cha mẹ trẻ em và cộng đồng địa phương hỗ trợ và tham gia vào các hoạt động phát triển nhà trường, học tập lẫn nhau và cùng thực hiện...
Vấn đề đặt ra là, hiệu quả của việc xây dựng cộng đồng học tập sẽ như thế nào, thưa TS?
- Tôi cho rằng, hiệu quả của công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thông qua cộng đồng học tập được thể hiện trên các phương diện như: Tiết kiệm rất nhiều nguồn kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng từ trung ương đến địa phương;
Tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển của người học khi tham gia tập huấn. Nội dung học tập gắn với điều kiện thực tế của địa phương và khai thác, sử dụng tối đa nguồn lực tại địa phương.
Phát huy tính sáng tạo của từng cá nhân học tập trong quá trình và ứng dụng những điều học tập, chia sẻ vào ngay thực tiễn công việc tại trường. Thắp lên ngọn lửa muốn học, có động lực học tập để hoàn thiện bản thân của mỗi cá nhân.
Khi mỗi cá nhân có nhu cầu học tập, họ sẽ tìm nhiều cách học khác nhau phù hợp với điều kiện riêng như: học qua các khóa học nếu có điều kiện; học qua mạng; học tại chỗ cùng đồng nghiệp qua cộng đồng học tập, sinh hoạt chuyên môn tại trường; đọc sách và tài liệu liên quan…).
Điều này đúng với câu nói của Jim Rohn: “Nếu bạn muốn làm việc gì đó, bạn sẽ tìm ra cách. Nếu bạn không muốn làm thì bạn sẽ tìm ra lý do” (If you really want to do something, you’ll find a way. If you don’t, you’ll find an excuse”).
Xin cảm ơn TS!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét