Sắp tới, các trường chỉ nên mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học chứ không phải mua sắm lại toàn bộ.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được lấy ý kiến toàn xã hội để hoàn thiện (thời gian lấy ý kiến đến ngày 20/5).
Ngoài các ý kiến góp ý về nội dung của dự thảo, dư luận cũng bày tỏ sự băn khoăn về các điều kiện thực hiện chương trình, trong đó có điều kiện về cơ sở vật chất.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, Bộ nhận thức rõ vai trò của cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Vì vậy, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khảo sát thiết bị dạy học ở tất cả các trường trên phạm vi toàn quốc và nhận diện được những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của từng cấp, từng địa phương.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã xác định được những trọng tâm ưu tiên đầu tư, trong đó có bổ sung thiết bị dạy học cho các địa phương trong thời gian tới theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Nội dung này đã được thể hiện trong đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Hùng Anh thông tin.
Cũng theo ông Hùng Anh, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa tới đây tập trung chủ yếu là đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức dạy học.
Đối với các môn học có nhiều thiết bị dạy học, xét về mặt khoa học thì các thiết bị này cơ bản không thay đổi mà thay đổi ở đây sẽ là sắp xếp và tổ chức lại việc khai thác và sử dụng thiết bị cho phù hợp với các môn học.
Như vậy, trước hết các nhà trường cần rà soát lại thiết bị hiện có, chỉ mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học chứ không phải mua sắm lại toàn bộ.
Việc mua sắm bổ sung cũng sẽ tính đến việc trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Song song với đó là khuyến khích các nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học, vừa đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh.
Hơn nữa, việc đổi mới chương trình sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm, vì vậy việc mua sắm thiết bị cũng thực hiện theo đúng lộ trình của đổi mới chương trình và sách giáo khoa, có nghĩa khi áp dụng chương trình mới ở lớp nào thì mới trang bị thiết bị dạy học cho lớp đó và được thực hiện cuốn chiếu theo từng năm học, không mua sắm dồn dập cùng một lúc.
Ngoài ra, để tránh trường hợp có quá nhiều hoạt động diễn ra cùng một lúc, cùng một thời điểm thì việc lập kế hoạch giáo dục của nhà trường là hết sức quan trọng.
Với một kế hoạch giáo dục khoa học, hợp lý và phù hợp thì việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có sẽ hiệu quả.
Để thực hiện tốt điều này, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em lưu ý với các địa phương 3 điều. Đó là:
Thứ nhất, các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học. Trong đó, rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư.
Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài.
Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng trường lớp theo các quy định của Nhà nước.
Thứ hai, quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục.
Kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Thứ ba, ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất. Dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục.
Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại địa phương và bám sát lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét