SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Vấn để lạm thu trong truong học.

 Cùng với nỗi lo sách, vở, đồ dùng học tập… tăng giá mỗi dịp đầu năm học mới thì việc tái diễn “lạm thu” tại nhiều trường khiến phụ huynh không khỏi bất bình.

Bao giờ phụ huynh “nhẹ” bớt “gánh nặng” các khoản thu phí đầu năm học mới?Trường học ở Hà Nội được phép thu chi những khoản nào năm học mới?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trên mạng xã hội đang xôn xao với bảng kê thu tiền đầu năm của Trường THPT Thanh Miện III (Hải Dương), với các khoản thu lên tới 8.715.000 đồng/học sinh. Bảng thống kê bao gồm 21 khoản thu, như: Đồng phục, học thêm hè, học thêm, quỹ lớp, photo, gửi xe, tiền tivi và xã hội hóa, tiền ghế ngồi, sổ liên lạc điện tử, nước uống, quỹ học bổng…

Bảng kê thu tiền đầu năm của Trường THPT Thanh Miện III (Hải Dương) đang xôn xao dư luận

Sau khi hình ảnh các khoản thu được chia sẻ trên mạng xã hội, thầy Phạm Chu Hy - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện III - khẳng đinh: Đây là danh sách các khoản thu do một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 gửi phụ huynh học sinh, nhưng là những khoản dự kiến và nhiều khoản chưa thu, ví dụ như học phí, học thêm. Ngoài ra, quỹ lớp, quỹ hội là kinh phí thỏa thuận của đại diện cha mẹ học sinh chứ không phải chủ trương của nhà trường.

Trước thông tin này, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí nêu về việc "lạm thu" đầu năm học ở Trường THPT Thanh Miện III. Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kiểm tra, khẩn trương làm rõ nội dung trên; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15/9/2023.

Câu chuyện tại Trường THPT Thanh Miện III (Hải Dương) đang được làm rõ, nhưng sự việc tiếp tục là hồi chuông báo động về sự “lạm thu” trong trường học. Thực tế thời gian qua, tình trạng “lạm thu” đã diễn ra tại nhiều địa phương, thường dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, sau sự việc có nơi xử lý rốt ráo nhưng có nơi chỉ làm chiếu lệ.

Song câu hỏi lớn dư luận đặt ra là: Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu khi vấn nạn này “đến hẹn lại lên” mỗi dịp đầu năm học mới? Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra văn bản mà thiếu kiểm tra, giám sát việc xử lý nghiêm các vi phạm ở địa phương, hay việc hiệu trưởng các cơ sở giáo dục để xảy ra thu - chi sai quy định chủ yếu bị nhắc nhở rút kinh nghiệm… không đủ sức răn đe?

Năm học mới 2023 - 2024 đã bắt đầu, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương, trường phổ thông tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu đầu năm học dưới mọi hình thức.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, với khối giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

Các địa phương, trường phổ thông tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng "lạm thu" dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề này.

Đối với khối các trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Tuy nhiên, các trường đại học khi có những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý trực tiếp các nhà trường có chức năng thanh tra, kiểm tra việc này.

Riêng với các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Những khoản nhà trường được phép thu

Theo quy định, những khoản nhà trường được phép thu trong năm học 2023 - 2024 gồm có: Học phí, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của địa phương.

Bảo hiểm y tế: Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế.

Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, phần còn lại 70% học sinh tự đóng.

Ngoài học phí và bảo hiểm y tế, các trường học còn được phép thu bảo hiểm thân thể; quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu; tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; nước uống học sinh; học phẩm cho học sinh mầm non... Các khoản thu này được thực hiện tùy quyết định của từng tỉnh, thành.

Các khoản nhà trường được thu của học sinh trong năm học 2023-2024:

STT

Khoản được thu

Nội dung

Cơ sở pháp lý

1

Học phí

- Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

- Căn cứ khung học trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.

khoản 3 Điều 9 Nghị định 81/2021/NĐ-CP

2

Bảo hiểm y tế học sinh

Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên hiện được áp dụng bằng 4,5% mức lương cơ sở

Cụ thể:

Số tiền phải đóng = 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng = 972.000 đồng/năm.

Trong đó, số tiền học sinh, sinh viên thực đóng là 680.400 đồng/năm do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng

Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017

3

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

- Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường

- Chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường

Điều 7 Quy định kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT

4

Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục

Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT

5

Vận động và tiếp nhận tài trợ

- Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

+ Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

+ Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

- Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BG

Cũng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình của nhà trường.

Việc thu - chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh Nhà nước chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh đối với việc học tập của con em mình thì việc xã hội hóa trong trường học cần được khuyến khích. Tuy nhiên, việc đóng góp phải hợp lý, trên tinh thần tự nguyện và không nên cào bằng, bởi điều kiện mỗi gia đình khác nhau. Hơn nữa, khi đưa ra một khoản thu - chi phải có ý kiến và sự đồng thuận của tất cả phụ huynh.

Tâm An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates